Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/07/2021

Sài Gòn loạn dịch : Nhà nước chỉ tay phán, người dân hết đường sống

Nhiều tác giả

Bình Dương : đeo khẩu trang ngồi trước cửa nhà bị phạt

RFA, 31/07/2021

Nhóm lực lượng chức năng ở Thuận An, Bình Dương tìm tới nhà phạt một phụ nữ vì cho rằng bà này ra khỏi nhà với lý do không chính đáng, vi phạm Chỉ thị 16 chống Covid-19.

Người dân giải thích rằng họ đeo khẩu trang và chỉ ngồi trong sân, thuộc khu vực nhà mình. Theo nội dung video, người dân cũng bị bắt ký vào biên bản vi phạm, nếu không sẽ bị bắt về phường.

Nguồn : RFA, 31/07/2021

*********************

Đường hồi hương vất vả

Thanh Niên Online, 31/07/2021

Nhiều người lỉnh kỉnh đồ đạc trên chiếc xe máy từ Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh về lại các tỉnh miền Tây nhưng không thể qua các chốt kiểm soát tại Covid-19 trên địa bàn huyện Bình Chánh để qua Long An. Họ vạ vật ngồi bên đường để chờ được giải quyết.

Vạ vật trên đường về miền Tây vì không qua được chốt kiểm soát Covid-19

Nguồn : Thanh Niên Online, 31/0/2021

***********************

Tiền đâu mà đi chợ ?

Mai Lan, VNTB, 31/07/2021

Có ý kiến rằng trong khi những người có điều kiện an nhiên kê cao gối ngủ tại nhà những ngày cách ly, thả hồn đọc sách, vui vẻ học nấu ăn, chăm sóc cây cảnh hay cắm mặt ‘luyện phim’, chơi game, thì rất nhiều người khác bị bó chân trong những phòng trọ bít bùng chỉ vài mét vuông chật hẹp, lo lắng về tiền ăn, tiền phòng, tiền điện, tiền nước và đủ thứ chi phí khác.

loan1

Sài Gòn ‘lockdown’ thêm hai tuần lễ nữa, kèm siết chặt hơn chuyện ‘ra đường’ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều khiến không ít người giàu có lo lắng không biết ‘tiền tươi’ ở đâu để mà đi chợ ?

Thách thức lớn nhất của những người có điều kiện là vượt qua cơn chán chường. Thử thách đối với những người khác là tìm cách sống sót.

Ý kiến thấm đẫm nhân văn trên không sai, nhưng có lẽ không hẳn còn đúng nữa rồi, vì không ít người khá giả, giàu có, giờ đây nếu lại kéo dài thêm 2 tuần lễ ‘lockdown’ cứng ngắt như mấy tuần vừa qua, thì họ cũng cạn dần ‘tiền mặt’.

Gọi là ‘không ít người giàu có’, vì Sài Gòn hơn 2 tháng nay chuyện ra nhà băng để giao dịch bạc tiền là một rủi ro của yêu cầu ‘truy vết’ với thời gian ‘hồi tố’ thông thường từ 14 đến 21 ngày, để rồi sau đó rất có thể phải đối mặt với đe dọa bị vào ‘trại cách ly tập trung’, và người ta có thể bị lây nhiễm chéo…

Chưa hết, từ hồi có lệnh ‘siết chặt’ theo các quyết định hành chánh như ‘Chỉ thị 10’ của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, rồi ‘chồng’ tiếp là ‘Chỉ thị 16’ của chính phủ, thì việc ra ngân hàng càng hạn hữu hơn, khi có nơi đã coi ‘tiền’ không phải là thứ hàng hóa thiết yếu.

Tiệm vàng tư nhân cũng đóng cửa.

Người khá giả ‘trữ’ tiền mặt thường không nhiều lắm vì ngại tiền đồng Việt Nam mất giá, nên hầu hết ‘của để dành’ là vàng và đô la Mỹ. Giờ cả hai thứ hàng hóa ‘không thiết yếu’ này chẳng biết phải ‘bán’ ở đâu để có tiền đi chợ, đóng tiền điện, nước, điện thoại, internet… Thậm chí giờ muốn ủng hộ tiền mặt cho các nhóm thiện nguyện, người ta cũng gặp khó khi ‘tiền mặt’ cạn dần.

Chưa kể, với nhiều gia đình khi nhận được ‘cục tiền’ của khoản bồi thường giải tỏa gì đó, họ thường gửi vào nhà băng để mong ‘té’ ra khoản tiền lời giúp sinh sống qua ngày, đỡ nhọc tấm thân. Giờ khu dân cư này cách ly với khu dân cư khác, con đường này phải cách ly với con đường khác… Tìm cách ra chợ để kiếm chút đỉnh gì đó về ăn còn khó, huống hồ đi kiếm đúng nhà băng mà mình đã gửi tiền ở đó để mà ‘rút ra’ cho chi tiêu.

Vậy tại sao không ‘xài thẻ’ vì ngay cả căn cước công dân giờ cũng gắn chip của ‘trí tuệ nhân tạo’ thời cách mạng công nghiệp 4.0 như hô hào từ thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kia mà ?

Coi vậy mà không phải vậy đâu. Lầm chết. Thử đi chợ ‘tuần 2 lần’ bằng phiếu được chính quyền phát đi sẽ nhận ra ngay là chẳng nơi nào có máy ‘cà thẻ’ Point of Sale để mà ‘chấp nhận’ thanh toán. Tất cả đều là ‘tiền tươi’.

Dĩ nhiên là khi người giàu cũng khó khi gặp cảnh ‘lockdown’ kéo dài thì phần gọi là ‘khốn nạn’ hơn, tiếp tục thuộc về giới cần lao ‘chạy ăn từng bữa’.

Lại có ý kiến, chung quy mọi chuyện đến từ việc coi ‘dịch’ là ‘giặc’ ở các quan chức ngoại đạo với ngành y. Bởi vậy nên mới có chuyện tiền đề của Chỉ thị 16 đặt ra : "Gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh…" mà không quan tâm đến chuyện khi cách ly như vậy trong tình cảnh người nghèo khó, họ lây lất ra sao cho sống còn.

Người ta ví "mỗi gia đình là một tế bào của xã hội". Từ đó suy ra, mỗi xã hội là một cơ thể ! Nếu cơ thể sinh học bị tổn thương vì yêu cầu của mệnh lệnh hành chánh là tế bào cách ly tế bào, mô cách ly mô, thực quản cách ly bao tử, bao tử cách ly ruột non, ruột non cách ly ruột già, tim cách ly phổi, phổi cách ly gan, gan cách ly thận, thận cách ly bọng đái…

"Nếu chống dịch như chống giặc ngoài Biển Đông, có lẽ dân tình sẽ ‘dễ thở’ hơn !" – có ý kiến cà khịa như vậy.

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 31/07/2021

************************

Chờ đến bao giờ ?

Quang Nhựt, VNTB, 3/07/2021

Báo cáo được công bố sáng thứ Sáu 30/7/2021 giờ Hoa Kỳ : Khảo sát mới của US-CDC cho thấy người đã tiêm chủng, vẫn mang một số lượng virus Delta trong mũi họng, khác mới số liệu trước đó với những biến thể khác, nên vẫn có thể truyền bệnh cho người khác chưa tiêm. Đó là lý do tại sao US-CDC vẫn khuyến cáo tiêm chủng vẫn phải mang khẩu trang để tránh lây bệnh cho người khác.

Đó là câu chuyện bên Tây.

loan2

Tay làm, hàm nhai. Giờ giãn cách này tiếp giãn cách kia nên hàm chẳng còn thiết tha nhai nữa rồi…

Còn theo trích dẫn từ một bài báo ở Sài Gòn, thì theo lời của chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, tính đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 61 ngày giãn cách xã hội theo các cấp độ khác nhau nhưng chủng Delta vẫn hoành hành khiến mỗi ngày số ca F0 được thông báo ở mức đến 4 chữ số.

Vậy là tiếp tục giãn cách tiếp nối giãn cách. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc người dân nghèo đã sống trong cảnh khó khăn, khốn cùng tối thiểu đã 61 ngày thành phố này ‘lockdown’.

Râm ran tin đồn những ngày qua, từ việc Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng xe cộ vẫn còn chạy ầm ầm ngoài đường, cho đến Phó bí thư thường trực của thành phố Phan Văn Mãi cho rằng có thể giãn cách xã hội thêm 1 – 2 tuần kể từ đầu tháng 8 ; rồi chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn nhá "Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội là cần thiết" và chủ tịch Nguyễn Thành Phong : "Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp tục chỉ thị 16 thêm 2 tuần, siết hơn từ 6g – 18g".

Tất cả những tin tức đó, càng làm cho người dân nghèo mỗi lúc một lo hơn. Không lo sao được khi công việc của họ là chạy ăn hằng ngày…

"Quan sát trên mạng, một số ý kiến cho rằng ủng hộ giãn cách thêm cho dứt hẳn, hoặc có ý kiến nặng nề hơn, giãn cách thôi mà, có gì mà than trời ? Theo mình, không đơn giản như vậy đâu.

Một ngày giãn cách, đồng nghĩa với một ngày đói. Một đêm siết chặt theo chỉ thị 16, đồng nghĩa với một đêm khó khăn. Nếu như những ngày đầu, họ còn một khoản, có thể cầm cự đôi chút. Thiếu thốn ăn uống thì vẫn còn đó nhiều tấm lòng vàng. Nhưng càng siết càng chặt, càng thêm thời gian, sẽ càng khó khăn hơn. Nên nhớ, đã hơn 61 ngày rồi, với người nghèo ở thành phố, 61 ngày chịu đựng phải nói là giỏi rồi" – một ý kiến nhìn nhận vậy.

"Muốn biết khó khăn như thế nào cũng không khó. Nếu không thể hình dung ra được hết, thử một lần làm họ đi. Thử sống cơ cực trong 61 ngày, không nhận được đồng nào hỗ trợ hoặc chăng chỉ có một triệu rưỡi bạc trong tay, sống chắt chiu, sẽ biết đá biết vàng liền.

Đồng ý là cùng chung tay chống dịch với chính phủ, thông cảm với chính quyền nhưng giãn cách không phải muốn nói là nói, có nghĩ đến những gì mà người nghèo đã phải trải qua trong suốt thời gian qua không ?" – một ý kiến khác nặng nề hơn.

"Nói dân thành phố không tuân thủ nghiêm, theo mình là chưa đúng. Thực tế cho thấy, các chốt không cần người canh, chỉ là một sợi dây giăng ngang, cũng không có ai có ý định "thông chốt".

Cho dù nếu có ai không biết chỉ thị 16 đi chăng nữa, họ cũng sợ bệnh chứ. Còn đường sá đông, nói theo kiểu của anh Đam mà báo chí đăng, mình ghi nhận thấy, đó là nhiều người dân họ đi mua đồ ăn, đi mua thuốc men, mặc đủ thứ loại trang phục, có người mặc cả Pijama đi chợ và lực lượng shipper" – có ghi nhận trung dung, nhẹ nhàng.

"Cá nhân mình thấy, dân Sài Gòn tuân thủ quy định chính quyền đưa ra, chứ không có hành động phản cảm cầm nón cối đánh anh công an khi bị nhắc đeo khẩu trang như miệt ngoài kia đâu" – một facebooker chia sẻ về clip ‘nón cối đánh công an’, nói.

Dù biết rằng đó chưa hẳn là ý muốn của chính quyền thành phố, tuy nhiên có lẽ, 9/7/2021 là một mốc thời gian khó quên đối với nhiều người dân – nhất là với những người bán vé số, chạy xe ôm, người nghèo khó…. Bởi, kể từ dạo đó, hết gia hạn thời gian giãn cách này đến siết chặt chỉ thị 16 kia, rồi chỉ thị chồng chéo lên chỉ thị, cuộc sống của người dân cũng "thắt chặt" hơn hầu bao vốn teo tóp suốt 2 năm trời dịch giã.

Dẫu biết rằng, nghĩ lạc quan, đây là lúc thành phố ‘xả hơi’ để mạnh mẽ hơn, vươn xa hơn, song với những con người gọi là không có ngày nghỉ trong công việc, thì nó không khác gì những chuỗi ngày đầy mệt mỏi, lo lắng.

Cảm xúc của nhiều người dân Sài Gòn cũng đa dạng theo thông báo tiếp tục hay không giãn cách của Nhà nước…

Quang Nhựt

Nguồn : VNTB, 31/07/2021

*********************

Dạo một vòng là có ngay quyết định về chống dịch

Nguyễn Huỳnh, VNTB, 30/07/2021

Sau khi kết thúc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vào sáng 29/7, ngay chiều 29/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có buổi đi thăm và kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

loan3

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ cần một vòng thị sát là đưa ra được ngay những mệnh lệnh hành chính về chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhật ký phóng viên được tháp tùng theo đoàn, ghi :

Bắt đầu từ 15g30, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã đến thăm một khu phong tỏa trên đường KP01-10, khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Phúc làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Ông đã trao tặng mỗi huyện 5 tỉ đồng và 5 máy thở. Toàn bộ số tiền cùng hiện vật đều do doanh nghiệp tài trợ riêng cho ông chủ tịch nước.

Tiếp sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen – đơn vị đang nghiên cứu vắc xin Nano Covax, có trụ sở tại thành phố Thủ Đức. Sau khi nghe báo cáo tóm tắt từ đại diện doanh nghiệp này, rất nhanh, "Từ những đánh giá khoa học, khách quan, tôi yêu cầu Bộ Y tế cấp phép sớm để Công ty Nanogen sớm sản xuất vắc xin và chính thức đưa vào sử dụng. An toàn là số một nhưng thủ tục phải làm nhanh trong điều kiện cấp bách hiện nay", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có lệnh miệng như vậy.

Trước đó, lúc gọi là làm việc với chính quyền Củ Chi và Hóc Môn, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra lệnh miệng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để khống chế dịch bệnh.

Một buổi chiều nhanh chóng khép lại với lệnh – theo như lời của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, ‘không phải là giới nghiêm’, từ 18g đến 6g sáng hôm sau dân chúng không ra đường, thế nhưng vẫn dư giả thời gian để ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra hai lệnh miệng : Tiếp tục giãn cách ‘lockdown’, và cấp phép cho vắc xin ‘đốt cháy giai đoạn’.

Miệng nhà quan có gang, có thép. Chắc chắn ông Nguyễn Xuân Phúc không thể ‘phán bừa’ cho hai mệnh lệnh hành chính kể trên. Tuy nhiên có hai thắc mắc mà không thấy chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói đến là nếu vẫn kiểu giãn cách như lâu nay, người dân sống bằng gì ?

Thắc mắc thứ hai, nếu cấp phép bằng mệnh lệnh thay cho quy trình kiểm soát luật định về vắc xin, thì vắc xin ấy phải chăng chỉ chích dạo lòng vòng nội địa, không thể xuất trao tặng ai cả của Chương trình Covax?

Trở lại với yêu cầu tiếp tục giãn cách của ông chủ tịch nước.

Sẽ thuyết phục hơn nếu như ông được nhóm trợ lý của mình ‘mách nước’ về những phát biểu của yêu cầu an dân, của hướng giải quyết vướng mắc được cảnh báo ngay từ đầu trong chuyện giãn cách nối giãn cách, đó là khi Sài Gòn hay bất kỳ địa phương nào khác, thực hiện phương án chống dịch, số người tử vong không liên quan đến Covid sẽ tăng rất nhiều, vì hầu như các bệnh nhân nặng không tiếp cận được với các dịch vụ y tế vì mọi nguồn lực y tế đã dồn cho chống dịch.

Bên cạnh tâm lý hoảng loạn lo lắng đã thúc đẩy các bệnh nhân đang mắc bệnh mãn tính trở nặng đột ngột dẫn đến tử vong mà không được sự can thiệp kịp thời của y tế.

Tầm nhìn của chính trị gia trên cương vị chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc có sáng kiến gì cho phương thức hài hòa của thảm kịch trên ?

Chí ít, trên cương vị vừa trải qua nhiệm kỳ Thủ tướng chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc có thể đưa ra những ‘lệnh miệng’ thiết thực hơn, gần gũi hơn, đó là chính quyền nên làm gì để dân chúng sống trong tình cảnh giãn cách chồng giãn cách, họ có thể giữ tin thần tốt, tránh lo lắng hoảng loạn, có được sự bình tĩnh trong hoàn cảnh và cả nghịch cảnh.

Miền Nam mùa này hay có mưa gió bất chợt, vậy thì cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu rằng chính quyền địa phương cần biết làm gì để người dân có thể đáp ứng yêu cầu của phòng dịch Covid được khuyến cáo là "giữ nhà cửa thông gió tốt, lấy càng nhiều ánh nắng càng tốt – Ăn ngủ điều độ và tập thể dục đều đặn mỗi ngày".

Tiếc là trong chuyến dạo một vòng vào chiều 29/7 ở Sài Gòn, ông chủ tịch nước không có những lệnh miệng giúp yên dân.

Nguyễn Huỳnh

Nguồn : VNTB, 30/07/2021

***********************

An dân

Nguyễn Thu Quỳnh, VNTB, 30/07/2021

Chuyện 1 :

"Ngày thường em nhận 100 tờ vé số bán, từ dịch bắt đầu bùng lên em chỉ nhận 50 tờ bán lấy 50 nghìn tiền lời để ăn mỗi ngày. Rủi cái đen, trước giãn cách em còn làm mất 50 tờ vé số, lậm vào vốn 500 ngàn.

loan4

Tình hình đang cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để cứu đói, an dân

Rồi nghỉ miết từ lúc giãn cách, ăn cầm chừng, trong nhà còn gạo, cháo gói em ăn, rồi được hỗ trợ túi gạo, chục hột gà, được cho cơm thì em ăn tiết kiệm. Hết tiền trọ em gọi điện xin (vòng quanh rồi tới được mạng lưới công tác xã hội miền Nam – PV) được cho 1 triệu tiền trọ tháng này. Em không còn dầu gội đầu, băng vệ sinh chi hết…

Em chắc sẽ không được nhận cứu trợ trong gói nào đâu vì em sinh ra đã mù, cha mẹ bỏ rơi, không hộ khẩu, không giấy khai sinh, chỉ có duy nhất thẻ hội viên hội người mù".

Chuyện 2 :

"Con em đứa đầu 2 tuổi, đứa sau mới sinh được hơn tháng, chồng đi mua thức ăn gặp trúng F0 đi trại cách ly tập trung mấy ngày nay rồi. Một chắc (mình) em không trông được hai đứa nên em gửi đứa đầu sang o (cô) em ở gần đây.

Em làm công nhân, chồng làm thợ hồ đều nghỉ việc hai tháng nay, mà rau đắt quá chị ơi, những 40 nghìn một trái bí nhỏ nên nhiều bữa em ăn cơm trắng với mắm, ăn mì xót ruột táo bón quá".

Cô nói với tôi và quay video trực tiếp căn phòng trọ tuềnh toàng, em bé sơ sinh đang nằm ngủ.

Hai ngày nay tôi phỏng vấn liên tiếp những người lao động ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai, trên đây chỉ là hai đoạn tôi lược ghi và xin phép đăng giấu tên. Đây đều là những cảnh sống cùng cực quá sức tưởng tượng của nhiều người trong chúng ta và thực ra với đa số người lao động nghèo hầu như không có khái niệm giãn cách vì nhà trọ ẩm thấp chật chội, sống san sát nhau…

Những câu chuyện trên không phải hiếm hoi ở các khu người lao động bị mất việc, vì ước tính số liệu thống kê trong điều kiện bình thường năm 2017 thì trung bình hộ nghèo chỉ có 7 triệu tiết kiệm, cầm cự được 2 tháng. Nhưng dịch dã từ năm ngoái tới giờ người mất việc, giảm việc quá nhiều – Bộ Lao động đã đưa ra con số hàng chục triệu người ; mặt khác những công nhân nghèo, phụ hồ, hót rác, người bán vé số… thu vài chục ngàn, trăm ngàn một ngày thì không thể có tiết kiệm để tích cốc phòng cơ.

Phải tiếp tục hỗ trợ

Chính phủ, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đã rất cố gắng để người dân không bị đói, nhưng chỉ một hai gói cứu trợ, với mức 1,5 triệu mỗi người sẽ là không đủ.

Trong tình thế giãn cách căng thẳng, phần lớn người lao động vẫn phải ở lại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vì toàn bộ xe khách đã nghỉ, nhất thiết phải tiếp tục hỗ trợ :

+ Bằng các gói cứu trợ tiền mặt : các nhà kinh tế phải tính tiếp nên sử dụng bao nhiêu nghìn tỉ cho gói tiếp theo nhưng chắc một gói cứu trợ hoặc cho vay không lãi suất tương đương 62 nghìn tỉ không phải là không khả thi.

Nhìn sang Thái Lan, chỉ tính riêng gói cứu trợ thứ ba vào ngày 1/4 đã cho 3 triệu người lao động phi chính thức, mỗi người 5000 baht, và nếu khoản này không đủ thì mỗi người sẽ được vay tiếp 10.000 baht với lãi suất 0,1%/tháng. Nhà nước còn dùng 2 tỉ baht để cho vay thông qua các trạm cầm đồ do nhà nước quản lý, lãi suất không quá 0,125%.

Khi đọc tin này trên tờ Bangkokpost tôi chắc chắn là chính phủ Thái Lan được các nhà xã hội học tư vấn rất tốt, vì họ nhìn ngay ra vấn đề là người dân nghèo sẽ trở thành miếng mồi cho các quỹ tín dụng đen mồi chài vay nặng lãi nếu không có chính sách cho vay lãi suất thấp. Trong số những người tôi phỏng vấn, cũng có em cho xem tờ giấy cầm cố xe máy, có em cho biết những người cho vay nặng lãi thấy kêu cứu trong nhóm "giúp nhau mùa dịch" đã inbox mời cho vay.

+ Cấp phát lương thực, thực phẩm : Hiện nay các tỉnh Đồng bằng song Cửu Long là vựa lương thực, không thể để một nơi ế đổ bỏ một nơi nhịn đói. Cần lưu thông các luồng xanh, sử dụng ngân sách thu mua và cấp phát cho người dân nghèo. Nếu nhà nước chỉ có ngân sách, không đủ người để thực hiện thì hoàn toàn có thể kêu gọi các nhóm công tác xã hội, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo tham gia cùng.

+ Miễn tiền điện tiền với các hóa đơn dưới 100 nghìn, giảm cho hóa đơn 200 nghìn : tuy số tiền này không lớn nhưng lại là gánh nặng với các hộ gia đình nghèo. Mặt khác, muốn biết đâu là hộ nghèo thì nhìn vào hóa đơn tiền điện.

Cách làm

+ Với đề xuất tung gói cứu trợ, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đã có kinh nghiệm phát mấy gói trước rồi, cứ dựa vào tổ dân phố lập danh sách, trợ cấp mà không cần có hộ khẩu, tạm trú, chỉ cần CMND và ký cam kết. Những trường hợp không có CMND thì chỉ cần cam kết là được, vào phòng trọ là biết nghèo thật chứ không dối. Tuy nhiên để tránh sót người thì vẫn cần gọi điện, xuống khảo sát ngẫu nhiên ngõ hẻm sâu.

+ Cách kết nối thông tin :

Cần đưa nhiều hotline cứu trợ khẩn cấp : Tổng đài 1022 đã quá tải, Vietnamnet đăng nhánh số 2 có khoảng 60.000 cuộc gọi mỗi ngày. Chính quyền cần đưa thêm đầu số mới, đồng thời đăng tải thêm các các đầu số của các tổ chức làm công tác xã hội, từ thiện, doanh nghiệp hảo tâm…

Đang có rất nhiều tổ chức âm thầm làm từ thiện, nhưng chính họ cũng không biết hết người cần giúp đỡ, cần công bố các số này để kết nối với người dân.

Toàn bộ các số này cần được nhắn tin vào số điện thoại của mọi người dân đang sinh sống (qua các nhà mạng, qua zalo, các hội nhóm facebook).

Sử dụng công nghệ thông tin : Hiện nay đã có các trang như SOSmap đưa bản đồ cần cứu trợ, Inhandao của Hệ tri thức Việt số hóa, nên tận dụng để đăng tải nhu cầu cần cứu trợ của người dân, thậm chí có thể xác lập "vùng đỏ" những nơi đang cần cứu trợ khẩn cấp trên các trang này.

+ Thí điểm Trạm cứu tế cộng đồng ở tổ dân phố để cứu trợ lương thực và thuốc cơ bản (tới đây F0, F1 sẽ được ở nhà và còn nhiều người ở nhà cần các loại thuốc cơ bản khác). Trong thông cáo báo chí của Thành phố Hồ Chí Minh đã có các siêu thị 0 đồng nhưng không thể đủ được, cần các trạm cứu tế theo từng tổ dân phố thì mới đủ cứu tế và đảm bảo người dân không di chuyển.

Trạm cứu tế cần 1 – 2 người của tổ Covid cộng đồng và 1 – 2 nhân viên, tình nguyện viên công tác xã hội để nhận hàng, phân phối, vận chuyển. Nhân viên công tác xã hội có kinh nghiệm sẽ cùng làm các phiếu giao nhận để hậu kiểm.

Các tình nguyện viên cần được tiêm vaccine và tập huấn quy trình giao nhận đảm bảo nguyên tắc dịch tễ học.

Tổ Covid cộng đồng sẽ rà soát, thu thập thông tin cần cứu trợ, lên danh sách cần cứu trợ hàng tuần và gửi thông tin trực tiếp đến cho các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tôn giáo (để kêu gọi hỗ trợ), Mặt trận tổ quốc (để mặt trận nắm tình hình và trợ cấp).

+ Đối với những người cần về quê : tổ chức các chuyến xe, mở các tuyến xe khách đưa họ về (đằng nào các TP cũng yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính rồi về tỉnh vẫn cách ly), tránh để người dân đi xe máy, xe đạp, đi bộ quá khổ và cực kỳ nguy hiểm. Các tỉnh đã có những chuyến tàu, máy bay sơ tán dân nhưng mới chỉ sơ tán được rất ít.

Tình hình đang cấp bách hiện nay đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt để cứu đói, an dân. Nếu không thì tiềm ẩn rất nhiều vấn đề xã hội vì giữ yên cả mấy trăm nghìn con người đang đói là không đơn giản (giả định theo con số 230 ngàn lao động tự do mà Sở lao động Thành phố Hồ Chí Minh thống kê, chưa tính số ở các tỉnh lân cận, chưa tính số công nhân mất việc).

Tôi đang viết bài tiếp, cũng đã viết nhiều lần rồi nhưng gỡ băng và thấy sốt ruột quá đành gõ nhanh ra đây trong buổi sáng hôm nay để các bạn, đồng nghiệp cùng đọc.

Những người tôi phỏng vấn chụp ảnh gửi nhưng tôi không nỡ dùng. Dù có che mặt, giấu danh tính đi tôi vẫn xót xa.

Lấy ảnh của Tuổi trẻ – công an tặng đồ cho người đi xe máy từ miền Nam tới Hà Tĩnh cho đỡ xót ruột. Dù sao sau một chặng đường mệt nhoài xơ xác, phía trước họ cũng là quê hương.

Nguyễn Thu Quỳnh

Nguồn : VNTB, 30/07/2021

********************

Sài Gòn bao dung : Hộp sữa…

Yến Phương, VNTB, 29/07/2021

Đó là lời tâm sự đến từ một cậu bé 11 tuổi đang mưu sinh bằng nghề bán vé số rong ruổi trên nhiều ngả đường. Và dường như, cái mong mỏi ấy lại càng khó hơn, cơ cực hơn khi thành phố hoa lệ này đang giãn cách với thời gian quá dài, cũng như nhiều lời "cay nghiệt" rằng "ngoài Bắc thực hiện chỉ thị 16 không ai kêu trời, trong Nam kêu sằng sặc".

loan5

"Cực khổ đi bán kiếm tiền mua sữa cho em"…

Sài Gòn là một bức tranh nhiều màu sắc. Nếu như buổi sáng là hình ảnh của xe cộ tấp nập đi học, đi làm ; là của người mua – kẻ bán trong các chợ, chợ tự phát ; là của những người bán vé số, lượm ve chai… thì chiều tối là một gam màu hoàn toàn khác.

Người ta thường hay nói, Sài Gòn là một thành phố không ngủ. Chiều xuống đêm về, thành phố có một nét nhộn nhịp của nó. Những ánh đèn lập lòe sắc màu của khu Bùi Viện, khu ăn uống ; những ánh đèn rọi xuống mặt đường hắt lên hình ảnh của các nam thanh nữ tú uống cà phê vợt, những ánh đèn le lói soi rọi hình ảnh người công nhân quét rác… lẫn vào trong nhiều con người đó, là hình ảnh của những đứa trẻ đang mưu sinh bằng nhiều nghề, kiếm từng đồng, để sống.

Sài Gòn bùng dịch. Công ăn việc làm đình trệ. Một số hàng quán nhậu rồi quán ăn tạm đóng cửa. Miếng ăn của những đứa trẻ đường phố vốn dĩ đã khó nay càng khó hơn.

"Nhiều khi đi bán thấy người ta tụ tập đông, công an lại, cái em chạy. Em không dám bán. Dịch, em làm biếng cởi khẩu trang mời vé số lắm. Bán, vô mấy quán nhậu, họ đóng cửa, phong tỏa hết, không dám đi bán", em Sang, 14 tuổi, chia sẻ.

Tưởng chừng như cái khó khăn ấy sẽ qua mau bởi đã có kinh nghiệm chống dịch, bởi Việt Nam là hình mẫu của chống dịch. Song, điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Hết chỉ thị này đến chỉ thị kia được áp dụng, cuộc sống của các em càng lúc càng khó khăn hơn. Từ việc tạm gác việc xiếc lửa sang một bên vì quán nhậu đóng cửa, các em chuyển sang lãnh vé số về bán, giờ đây, ngay cả vé số cũng tạm dừng.

Nhân đôi lên nữa cái áp lực lên đôi vai của các em khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thành phố làm vậy là chưa nghiêm, cách ly xã hội nhưng xe vẫn đổ ra đường ầm ầm. Để rồi, thành phố một lần nữa lại siết chặt hơn. Buổi sáng, các chốt xuất hiện nhiều hơn, gắt gao hơn. Buổi tối cấm ra đường từ 18g đến 6g sáng.

"Ở nhà em không có tiền ăn, ba mẹ em khổ. Gia đình em năm đứa em lận. Nhiều nơi thì tụ tập đông người sẽ bị bắt. Rồi những quán ăn thì bị cách ly luôn. Rồi xong, người ta không cho bán nữa. Mà nhà 5 đứa con, cho nên mới đi bán. Cực khổ đi bán kiếm tiền mua sữa cho em", em Ân, 11 tuổi chia sẻ.

"Càng lúc càng siết chặt hơn các chỉ thị, tôi chưa biết có giảm được số ca nhiễm hay không nhưng tình hình kinh tế càng lúc càng ảnh hưởng thấy rồi đó. Hàng hóa vận chuyển khó khăn, vào thành phố cũng khó khăn hơn. Người lớn thì kêu thôi thì xuề xòa, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nhưng còn những đứa bé thì sao ? Nó quá nhỏ. Không có sữa thì như thế nào ? Mấy ông siết chặt hơn chỉ thị, cấm ra đường, có nghĩ đến những đứa bé đó, những đứa trẻ đang mưu sinh nơi hè phố hay không ?", một người dân bức xúc.

Nhiều người thường nói Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo. Dường chừng như, ở thời điểm này, những giọt nước mắt ấy không chỉ đơn thuần là cái nghèo, cái khổ, lo lắng hay buồn bã vì hôm nay không bán được mà nó còn là sự bất lực trong mưu sinh. Không bất lực sao được khi quá khó khăn, con người cố gắng ra đường tìm kiếm kế sinh nhai, thì có "một số người" lại gia tăng thêm áp lực lên đôi vai nhỏ của các cô, các cậu bé ấy.

Càng lo lắng hơn khi báo chí đưa tin rằng Thành phố Hồ Chí Minh có thể giãn cách xã hội thêm 1 – 2 tuần kể từ đầu tháng 8. Rồi đây, không chỉ người nghèo, người vô gia cư, số phận của những đứa trẻ mưu sinh nơi hè phố Sài Gòn sẽ ra sao ? Nếu như thật sự có lãnh 1.500.000 VND đi chăng nữa, liệu sẽ còn cầm cự bao lâu khi khoảng thời gian giãn cách theo chỉ thị 16 đã mấp mé tròn tháng (kể từ ngày 9/7/2021) ?

Chống dịch là hàng đầu nhưng liệu có ai thử một lần đặt mình vào vai trò của những đứa trẻ hè phố đó hay không ? Cuộc sống không phải là cái màn hình họp trực tuyến, không phải là muốn làm gì thì làm, càng không phải là những… chỉ thị…

Yến Phương

Nguồn : VNTB, 29/07/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan, Quang Nhựt, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Thu Quỳnh, Yến Phương
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)