Con voi chui tọt lỗ kim
Một nhóm bốn người gồm ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định ; ông Nguyễn Công Thành, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ; ông Lê Văn Thảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Tài; ông Nguyễn Hữu Lộc, doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản titan đã đi đánh golf vào cuối tuần qua tại sân golf khu nghỉ dưỡng thành phố Quy Nhơn.
Câu chuyện ‘sức mạnh ngầm’ của các sân golf từng gây nhiều tranh cãi. Sân golf bên trong phi trường Tân Sơn Nhất là một trong số đó. Hình : AP
Sở dĩ việc đi đánh golf của các vị này gây nhiều phản ứng trong công luận vì tỉnh Bình Định đã tạm dừng mọi hoạt động thể thao, văn hóa từ đầu tháng 6, và thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách xã hội từ ngày 1 tháng 8.
Ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý Trung ương nhận xét về việc này với RFA sáng ngày 5 tháng 8 :
"Theo tôi được biết thì ở những vùng dịch, tùy mức độ mà thực hiện theo Chỉ thị 15, 16 thì các hoạt động thể thao cũng phải dừng, trong đó có sân golf. Ai cho phép mở thì trái với quy định và người sử dụng cũng vi phạm luôn và phải bị xử lý, bất kể ai.
Càng liên quan đến những người làm trong bộ máy Nhà nước thì cái vi phạm càng nghiêm trọng. Ở đây nó có hai ý. Thứ nhất, vi phạm với tư cách là một công dân. Thứ hai, vi phạm với tư cách người làm trong tổ chức công quyền".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, cũng cùng quan điểm :
"Tôi khẳng định là đại dịch nên không ai cho phép mở cửa sân golf, không ai đi chơi hết. Tất cả đều dừng lại. Họ đã sai khi vẫn đi đánh golf bất chấp quy định của Chính phủ. Như vậy phải xử lý kỷ luật cán bộ này vì ông ta điều hành Sở Du lịch. Đây là mở ‘lén’ và đánh golf ‘lén’. Họ coi thường pháp luật như thế thì phải bị kỷ luật nặng".
Lý giải với truyền thông Nhà nước về việc Giám đốc Sở và Phó cục trưởng chơi golf trong lúc toàn tỉnh giãn cách, ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn nói rằng : "Do đặc thù sân golf này ở vùng xa xôi, biệt lập với thành phố nên rất khó quản lý. Khi xảy ra sự việc này, chúng tôi đã rút kinh nghiệm, chấn chỉnh đối với các đơn vị, trường hợp vi phạm. Việc đã có quy định của tỉnh rồi mà sân golf làm "lụi", như vậy là không đúng".
Dư luận tỏ ra không tin vào lời ông Ngô Hoàng Nam vì diện tích sân golf không phải là nhỏ, trong khi Nhà nước đưa cả quân đội ra kiểm soát dân trong thời gian giới nghiêm. Rất nhiều người dân bị phạt khi ra đường mua những vật dụng mà họ cho là thiết yếu nhưng phía nhà nước lại cho là không thiết yếu vẫn diễn ra hàng ngày.
Theo Công an thành phố Hà Nội, tính từ thời điểm thành phố này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 là từ 6g ngày 24 tháng 7 đến ngày 4 tháng 8, cơ quan chức năng đã thu tiền phạt được hơn 14,3 tỷ đồng.
Sân golf được ưu ái
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, các nhà khoa học và rất nhiều cử tri, việc tồn tại một sân golf hiện đại dành cho giới nhà giàu bên trong một sân bay đang quá tải cả bên trong, bên ngoài và trên không thì thật là hình ảnh phản cảm. Để giải quyết bài toán quá tải thì việc đầu tiên là phải dẹp bỏ sân golf này, thế nhưng đến hôm nay sân golf này vẫn bình chân như vại.
Gần đây nhất là dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai với thời hạn khai thác trong 50 năm được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng duyệt chủ trương đầu tư, dù trước đó nhiều chuyên gia cảnh báo việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Chuyên gia môi trường Đặng Hùng Võ nêu nhận định của ông về việc xây dựng dân golf ở Việt Nam :
"Câu chuyện sân golf là câu chuyện ‘thắt vào cởi ra’ rất nhiều lần. Đã có lúc có quyết định của Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam. Tôi nhớ khoảng mươi năm trước đây thì rất hạn chế và đưa ra những yêu cầu rất ngặt nghèo, tức là chỉ có thể sử dụng đất không làm việc gì để làm sân golf. Sau đó từng bước được cởi dần với lý do phục vụ tiêu điểm du lịch nhưng đến bây giờ vẫn chưa có ai đó tính ra xem một mét vuông sân golf mang lại lợi ích cho quốc gia là bao nhiêu.
Ngay trong phát triển du lịch tôi cũng cho rằng đừng lấy ý tưởng để kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam mà làm mọi việc bất luận hệ lụy ra sao để kéo được du lịch".
Câu chuyện các quan chức đi đánh golf trong lúc cả nước căng mình chống chọi với đại dịch gây phản cảm cả về mặt đạo đức xã hội lẫn hành vi vi phạm các chỉ thị chống dịch của Chính phủ. Trong khi người nghèo tìm nơi ẩn náu thời dịch bệnh thì người giàu dắt nhau đi đánh golf.
Câu hỏi được nhiều người nêu ra là vì sao sân golf lại được phép mở cửa, hoặc mở cửa lén lút mà không bị phát hiện, cho đến khi câu chuyện lãnh đạo Bình Định đánh golf bị đưa lên mặt báo ?
Ông Đặng Hùng Võ giải thích :
"Tôi cho rằng cái gọi là châm chước cho những giới nhà giàu có thể làm việc này việc kia, hay nói cách khác là ở Việt Nam có một cái gọi là ‘văn hóa thân hữu’. Tức là nếu có mối quan hệ thì sẽ giải quyết mọi việc nhanh chóng, thậm chí có xảy ra cái này cái kia trái pháp luật thì cũng được châm chước. Đấy là cái đã thể hiện ngay trong cái ngữ cảnh này. Nếu có tình thân hữu thì chắc chắn vượt qua được.
Việc sân golf mở cửa cho quan chức vào chơi golf mà không bị phạt chắc chắn là có quan hệ thân hữu nào đó với những người quản lý việc tụ tập trong thời đại dịch. Tôi cho rằng phải có châm chước thì mọi người mới kéo nhau đi đánh golf được.
Châm chước ở đây nghĩa là phải có mối quan hệ với người có quyền quyết định xem phạt ai, không phạt ai. Tôi cho rằng Việt Nam phải thay đổi cái văn hóa thân hữu này. Nếu không thay đổi thì Việt Nam sẽ rất chậm phát triển. Việc công là việc công, không xen tình thân hữu cá nhân vào đó".
Tháng 3 năm 2020, một cán bộ Hội đồng Lý luận Trung Đảng Cộng sản Việt Nam, sau khi đi công tác nước ngoài về bị nhiễm COVID-19 và phải khai báo tiền sử dịch tễ. Dư luận xôn xao nhưng không bất ngờ khi vị cán bộ này khai báo ăn uống ở khách sạn 5 sao, chơi ở sân golf đắt đỏ bậc nhất miền Bắc, có phí thẻ hội viên cá nhân lên tới hơn ba tỷ đồng.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 05/08/2021