Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2021

Tuyên truyền sai sự thật về dịch Covid : Đảng cộng sản bị hố

Nguyễn Thị Sen - Diễm Thi - Tuấn Khanh

Chuyện Lê Văn Tám và đấu tố thời Covid

Nguyễn Thị Sen, VNTB, 09/08/2021

Chuyện hư cấu được quan tâm, nói thật thì bị mang ra đấu tố

khoa1

Lê Văn Tám thời Covid

Chuyện một bác sĩ quyết định rút ống thở của mẹ để cứu 3 mạng người khác được sáng tác ra để lấy nước mắt của người đọc. Trong bối cảnh dịch bệnh gia tăng, kinh tế kiệt quệ, đói kém đã khiến tâm lý người dân hoang mang. Niềm tin vào chính quyền, hệ thống chính trị theo như cách nói yêu thích của cán bộ ngày nay, hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội không còn nữa thì những câu chuyện Lê Văn Tám đã được sáng tác ra để mị dân. Khi đã cạn kiệt niềm hi vọng, thì người ta tin tưởng vào một tia sáng le lói.

Câu chuyện có vẻ như từ một người rất thật của một người bác sĩ – một người cha có con nhỏ của một tài khoản [được cho] là có thật trên Facebook để người đọc xuýt xoa tự hỏi có bao nhiều người dám hi sinh người thân của mình để cứu người khác. Trong thời khắc con người đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, những ai sẽ không cố vũng vẫy để tranh giành lấy lại cho được sự sống của bản thân mình và cho người thân của mình trước hết ? Có lẽ rất hiếm.

Vì vậy một câu chuyện hiếm, lạ trong thời buổi nhiễu nhương, nhập nhằng trắng đen này và cả đầy dẫy bất công đã làm cho không ít người tin rằng trên đời này vẫn còn có những con người cao cả, hi sinh vì người khác.

Chuyện "Bác sĩ Khoa" được lan tỏa mạnh vì một người dám hi sinh mạng sống của mẹ để cứu bệnh nhân. Giữa lúc có những người làm trong ngành y từ đầu đại dịch cho đến nay đã có những hành động đáng khinh bỉ như nâng giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai, vắc xin ông ngoại, vắc xin ông anh, vắc xin gia đình bác sĩ, hay tình trạng quá tải của y tế Việt Nam như thiếu máy thở, thiếu vắc xin khiến người dân ngao ngán. Với câu chuyện này khá nhiều người nghĩ rằng vẫn còn có điều gì đó tốt đẹp để tin tưởng, bỏ qua cả khía cạnh đạo đức phương đông và pháp lý Việt Nam. Vì thế họ đã bấm nút like, chia sẻ và thậm chí đã khóc.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc câu chuyện đã được xác định là hư cấu, người bác sĩ tên Khoa với trang Facebook cá nhân có cả hình con trai đã biến mất. Sở Y tế thành phố cũng xác nhận đây là câu chuyện không có thật.

Mạng xã hội lại chia rẽ khi một bên không tin câu chuyện Lê Văn Tám thời Covid công kích những người đã lỡ like, và chia sẻ câu chuyện mà trong đó không ít người là những người nối tiếng, KOLs, blogger và cả nhà báo. Khía cạnh đạo đức ngay trong tháng Vu Lan đã khiến nhiều người phẫn nộ với một người dân danh bác sĩ vì "mẹ mình mà không cứu thì nói gì đến bệnh nhân".

Một câu chuyện có vẻ đẹp như mơ được tung ra cho đến giờ dường như đã nhấn chìm một câu chuyện khác. Chỉ vì nói đúng thực trạng của xã hội Việt Nam lại "được mang ra đấu tố" : một cô giáo bị chính học trò tố cáo bằng một đoạn phim quay lại buổi học trên Zoom, kéo theo cả công an, chính quyền Đà Nẵng và báo chí vào cuộc.

Phạm tội nói thật

Một cô giáo bị buộc tội "sính ngoại, phát ngôn phiến diện về công tác phòng chống dịch" sau khi một đoạn clip tranh luận giữa cô giáo và học trò được chính người sinh viên có mặt trong clip tung lên mạng xã hội.

Cuộc tranh luận nằm trong khuôn khổ của môn học Văn minh/Văn hóa Anh đã được báo công an và các báo chí trong nước gán cho tội "sính ngoại". Cô giáo dạy Văn minh Anh thì phải nói về Văn minh/văn hóa nước Anh là điều đương nhiên. Việc đối chiếu văn minh Anh với văn minh Việt Nam để so sánh, tìm sự khác biệt là điều thường tình nhưng lại bị báo chí kết tội "sính ngoại".

Cái tội "sính ngoại" này có lẽ nên dành hết cho các lãnh đạo từ cấp cao nhất xuống dưới, đảng viên từ nhỏ tới to, công nhân viên nhà nước trong diện được ưu tiên tiêm vắc xin và cả lực lượng công an, quân đội đến tận những nhà báo đang hăng hái gõ bàn phím kết tội cô giáo. Họ chắc chắn tự hào đã được tiêm vắc xin "xịn xỏ" của Anh hay của Mỹ. Không sính ngoại thì tại sao các vị không chờ cho đến khi có vắc xin Việt Nam rồi chích, hay là tốt hơn thì tự nguyên xung phong tham gia thử nghiệm vắc xin của Việt Nam để thể hiện tinh thần yêu nước, không sính ngoại ?

Việc thể hiện quan điểm riêng và tôn trọng sự khác biệt là một trong những nét đặc trưng của xã hội dân chủ trong các nền văn minh Âu Mỹ. Nhưng tiếc thay, cậu học trò đã không học được điều đó. Thay vào đó, cậu đã áp dụng văn minh đấu tố của cải cách ruộng đất, của cách mạng và của Mao để đưa cô giáo của mình ra làm đối tượng bị ném đá nhằm thỏa mãn cho một mục tiêu nào đó.

Đoạn video clip dài hơn 4 phút nhưng chỉ có một số câu được ghi lại theo chiều hướng có lợi cho bên buộc tội, ngoài ra toàn bộ bối cảnh của cuộc tranh luận không được biết đến nên sẽ không được phán xét công tâm cho cả hai phía dù có thể thấy đọc thấy câu hỏi gài độ "Cô không thích người Việt Nam luôn đúng không ạ ?".

Cô giáo đặt câu hỏi đã có thấy ở đâu dân phải chạy 1.500 km về quên trốn dịch hay chưa. Câu trả lời là có, người dân Ấn Độ phải đi bộ hàng nghìn cây số về quê trốn dịch từ năm 2020 và lịch sử đã lập lại tại Việt Nam khi các loại phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoạt động.

Lập luận về an sinh xã hội của giảng viên này không có gì là sai cả, mà nó đúng 100%. Người dân Âu Mỹ ở nhà yên tâm chống dịch vì họ không có ai đói, tiền được chính phủ hỗ trợ minh bạch và đi thẳng vào tài khoản ngân hàng, người thất nghiệp được hưởng lương thất nghiệp hết thời gian trợ cấp thất nghiệp thì có có đệ đơn xin trợ cấp khác.

Thuốc men, khám chữa bệnh được miễn phí hoàn toàn cho bất kỳ ai đang ở trên đất Anh. Ở những quốc gia khác thì có bảo hiểm thì do bảo hiểm hoàn toàn chi trả. Vắc xin được tiêm kịp thời và hoàn toàn miễn phí, minh bạch không có đối tượng ưu tiên gây bức xúc.

Người dân nhập cư ở thành phố lớn như Sài Gòn không có được sự trợ cấp kịp thời dù họ là thành phần đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của thành phố này và cả nước. Họ cũng không có hi vọng được tiếp cận chăm sóc y tế, vắc xin khi mà đến tiền ăn hay tiền mua bỉm sữa cho con còn không có. Thì họ chỉ còn có một con đường tháo chạy về quê.

Cuộc tháo chạy mà có người cho rằng đó là đi "tỵ nạn y tế" cho thấy sự thất bại của chính phủ trong việc chăm lo cho dân chúng, cho những người đã bán sức để đóng thuế nuôi bộ máy của chính phủ trong bao năm qua.

Đã không hỗ trợ được cho dân, mà khi dân quay về quê còn bị chính quyền địa phương xua đuổi. Chính quyền dường như đã vắng mặt trong thời gian qua. Hình ảnh cứu trợ, giúp đỡ nhân viên tuyến đầu toàn là tự phát chứ không có bóng dáng của đoàn, đội, hội ăn ngân sách. Đã không hỗ trợ được cho dân thì chớ mà còn kêu gọi dân đóng góp quỹ vắc xin, xong thì tiền nhàn rỗi được mang đi gửi ngân hàng.

Tiền nhàn rỗi lên đến gần 30.000 tỉ của Liên Đoàn Lao Động Việt Nam cũng đâu được chi ra để chăm lo cho người lao động bị buộc phải trích lương vài phần trăm mỗi tháng để nộp vô quỹ công đoàn. Tiền cứu trợ gói này đến gói khác thì ở trên ti vi. Cứu trợ năm ba ký gạo cho mỗi gia đình hay 1,5 triệu đồng thì một gia đình ba bốn miệng ăn sẽ sống được trong bao lâu?

Đà Nẵng lại còn phát minh ra ý tưởng một gia đình khá giả sẽ nâng đỡ một gia đình nghèo khó. Đấy, chính quyền lại đẩy gánh nặng cho dân dưới cái chiêu bài "lá lành đùm lá rách" đó thôi. Suy cho cùng thì chỉ có dân lo cho dân thôi.

Một chính phủ không thể lo cho dân mình là một chính phủ thất bại. Ở các nước đa đảng thì chính phủ bất tài đã phải từ chức hay bị người dân yêu cầu từ chức. Thế nhưng ở Việt Nam thì chính phủ không được thất bại vì nếu chính phủ thất bại thì hóa ra đảng lãnh đạo cũng thất bại sao? Thế cho nên không được thất bại cũng như không được nhục.

Cô giáo dám nói "nhục", dám chê bai "an sinh xã hội của Việt Nam yếu kém" là đã phạm vào điều cấm.

Ta chỉ có bách chiến bách thắng thôi !

Nguyễn Thị Sen

Nguồn : VNTB, 09/08/2021

********************

Vụ tin giả "bác sĩ Khoa" : hậu quả của sách lược tuyên truyền sai sự thật !

Diễm Thi, RFA, 10/09/2021

Hậu quả của chính sách nhồi sọ

Hôm 7 tháng 8 năm 2021, trên trang Facebook cá nhân của người có tên Khoa tự nhận mình là bác sĩ, kể lại câu chuyện bác sĩ Khoa tự động rút ống thở của cha mẹ ruột để cứu một sản phụ mang thai đôi. Vị "bác sĩ" này cũng là người đỡ đẻ cho sản phụ này. Câu chuyện được Phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển và một cựu nhà báo của truyền thông Nhà nước là Hoàng Nguyên Vũ đưa lại trên Facebook cá nhân. Đại diện Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày hôm sau lên tiếng cho rằng đó là chuyện hư cấu, bịa đặt.

tingia01

Ảnh minh họa một pano tuyên truyền cho Đảng cộng sản Việt Nam - AFP

Câu chuyện khiến dư luận liên tưởng đến câu chuyện thiếu nhi Lê Văn Tám tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng của Pháp ; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai ; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo; Võ Thị Sáu ngắt hoa cài lên mái tóc trên đường ra pháp trường dù hai tay bị trói chặt…

Trong bài viết "Về cây đuốc sống Lê Văn Tám" đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào tháng 10 năm 2008, giáo sư Phan Huy Lê tiết lộ : "Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật". Vị giáo sư này nói thêm rằng, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng : "Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa".

Dư luận cho rằng, câu chuyện "bác sĩ Khoa" là hậu quả của việc tuyên truyền sai sự thật được Đảng Cộng sản sử dụng để bảo vệ Đảng từ ngày thành lập. Khi câu chuyện bị cư dân mạng phân tích những điểm vô lý thì câu chuyện biến mất cùng tác giả. Hai nhà báo của truyền thông Nhà nước bị phạt hành chính mỗi người năm triệu đồng vì chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên Facebook.  

Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ chia sẻ quan điểm của ông với RFA :

"Thời đang học chuyên ngành báo chí năm thứ hai, môn Đạo đức báo chí bài đầu tiên tôi được học đó là: viết báo là để bảo vệ Đảng. Sau bài học đó, hoài bão làm phóng viên trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn.

Câu chuyện ‘bác sĩ Khoa’ đã được phát tán với những cây bút dư luận viên cao cấp là một ‘lẽ bảo vệ Đảng’ trong đạo đức ngành báo Việt Nam, họ dựng lên câu chuyện này theo đánh giá của tôi không nằm ngoài hai mục đích: Thứ nhất, họ cố tình làm mờ đi chuyện thiếu ống thở để che lấp sự quản lý yếu kém của Chính phủ cũng như đảng cầm quyền. Thứ hai, họ thử đánh giá sự hiểu biết của người Việt Nam như thế nào qua câu chuyện hư cấu ấy.

Các ‘viện nghiên cứu’ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an rất cần những cuộc khảo sát này để đánh giá hết mức độ xã hội Việt Nam hiện tại. Tôi tin họ đã lấy được thứ cần lấy !".

Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định :

"Hậu quả của chính sách nhồi sọ xuyên suốt, có hệ thống và liên tục hơn 70 năm qua đã khiến đại đa số người dân sống trong tăm tối. Nạn sùng bái cá nhân khởi từ ông Hồ Chí Minh qua cuốn truyện mang đầy tính trào lộng ‘Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện’ của Trần Dân Tiên, kéo dài và biến tướng qua các KOLs cho tới nay. Văn hóa - giáo dục bị suy thoái tận cùng, không còn cứu vãn được nữa.

Tóm lại, vụ "bác sĩ Khoa" là một hiện tượng điển hình và căn bản để phản ánh bản chất của chế độ độc đảng toàn trị. Không còn mong đợi gì thay đổi về thuộc tính dối trá khoác bên ngoài là tấm áo mang tên ‘đạo đức’".

KOLs (Key Opinions Leaders) là những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng thường được mời tham gia các chiến dịch truyền thông.

tingia1

Vụ tin giả "bác sĩ Khoa" : Xác định có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo

Vận động sáng tác để tuyên truyền

Hôm đầu tháng 8, Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh mở cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề "Chung một niềm tin chiến thắng". Cuộc vận động sáng tác thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá phong phú để giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh.

Vậy câu chuyện "bác sĩ Khoa" có được xem là một "tác phẩm" trong cuộc vận động do chính cơ quan văn hóa của Nhà nước phát động hay không ? Khi câu chuyện "bác sĩ Khoa" bị phát hiện là câu chuyện được dựng lên, không có thật, báo chí Nhà nước gọi đây là câu chuyện hư cấu.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già không đồng ý với cách viết như vậy. Ông giải thích :

"Hư cấu là một khái niệm dành riêng cho lãnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lãnh vực tiểu thuyết - kịch nghệ - điện ảnh. Những cuốn truyện, những kịch bản, dù được hư cấu nhưng phải bảo đảm tính logic cùng mạch chuyện hợp lý, diễn ra suốt cuốn tiểu thuyết, vở kịch hoặc bộ phim. Các nhà báo chuyên nghiệp và tên tuổi không được phép tung hỏa mù trước dư luận quần chúng bằng ý nghĩa "hư cấu" vào trong câu chuyện tầm bậy tầm bạ này, nhằm làm giảm nhẹ sự man trá trong tuyên truyền vốn có của bản chất chế độ độc đảng toàn trị.

Để bào chữa cho việc tuyên truyền xảo trá nói trên, những nhà báo chuyên nghiệp vội vàng đăng lời xin lỗi, cùng câu chữ trần tình không hề kém cạnh sự chuyên nghiệp của họ trong nhiều vụ việc tai tiếng khác.

Các nhà báo chuyên nghiệp, không một ai được phép lầm lẫn : Báo chí là tiểu thuyết - kịch nghệ - phim ảnh".

Tiến sĩ Mạc Văn Trang từng nói với RFA rằng, Đảng Cộng sản lên nắm chính quyền đã tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc, đẩy xã hội đến những suy thoái về niềm tin của con người, khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố.

Nhà văn Nguyên Ngọc lúc sinh thời từng nói về căn bệnh giả dối trong xã hội : "Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ : Tốt để làm gì ? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì ? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì ? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không ? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít ?".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 10/08/2021

*********************

Nghe lời cao cả, sao chỉ thấy rùng mình

Tuấn Khanh, RFA, 09/08/2021

Bác sĩ Khoa không thấy xuất hiện nữa, sau sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết "rút ống thở" của cha mẹ già, để nhường cho hai đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời. Bản tin lan nhanh đến khủng khiếp trong đêm 7/8/2021. Bên dưới lời tâm tình gây chấn động đó, không ít các nhân vật tên tuổi để lại lời kính trọng và cám ơn. Thậm chí, có người còn ghi rằng họ nợ anh về mạng sống của cha mẹ già mà anh đã quyết hy sinh.

nghe0

Sự kiện gây sốt dư luận mạng xã hội mà bác sĩ Khoa kể rằng anh đã quyết "rút ống thở" của cha mẹ già, để nhường cho hai đứa trẻ sơ sinh vừa mới chào đời

 

Nhưng rồi chỉ đến rạng sáng hôm sau, mọi thứ bày ra một sự thật khủng khiếp : hóa ra đó là trò bịa đặt, có giá trị như một cú hích truyền thông được tổ chức, nhằm tạo một luồng tâm lý mới trong xã hội đang quá bất mãn và tiêu cực về những câu chuyện mất mát, khốn khó của người dân thời phong tỏa, và hơn nữa là về chuyện bộ máy y tế ở Sài Gòn đang kiệt sức trước các mệnh lệnh chống dịch bất hợp lý.

Người ta tìm thấy vị bác sĩ tên Khoa ấy – tự xưng là làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy. Thế nhưng trả lời báo Tiền Phong, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy là ông Nguyễn Tri Thức đã khẳng định là không có bác sĩ nào tên Khoa và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng không có khoa sản. Câu chuyện hai em bé sinh đôi, cũng được tìm thấy là hình ảnh được ăn cắp từ trang Facebook của bác sĩ Cao Hữu Thịnh, một ca mổ do chính bác sĩ này đảm trách.

Tâm lý đám đông bị hành hạ khủng khiếp vì kịch bản truyền thông này. Người Việt ở mọi nơi bị sững sờ và khuất phục bởi hình ảnh không khác gì những giai thoại trong truyện Tàu cũ – vốn đã ăn sâu vào tình cảm người Việt nhiều đời. 

nghe2

Hãy tự hỏi, có cái gì cao quý hơn việc một bác sĩ trong thời đại xã hội chủ nghĩa đã quyết hy sinh cả ba mẹ để cứu cho những đứa trẻ vừa ra đời ? Nhất là chuyện đó xảy ra trong lúc đại dịch khốn khó, rõ là hình tượng sáng ngời và mẫu mực của đám đông đang cắn môi ứa lệ để giơ cao tay đi cùng Thủ tướng, quyết "chống dịch như chống giặc" và sẵn sàng vượt qua mọi nỗi đau để chiến thắng. Kịch bản này đau đớn và đẹp tương tự như Tỷ Can chấp nhận ăn bánh bao thịt con mình, để thoát khỏi tay Trụ Vương, nghĩ đến ngày khởi nghĩa. Chuyện cũng bi phẫn như Quách Cự tự tay chôn sống đứa con ba tuổi để dành thêm cơm nuôi mẹ trong Nhị Thập Tứ Hiếu.

Không đến 24 giờ đồng hồ, tâm lý đám đông lại bị hụt hẫng, đặc biệt với những người bị tác động khủng khiếp bởi đã để cảm xúc kiểm soát hơn là lý trí. Rất nhiều người nói mình đã cúi đầu, khóc hay ngưỡng mộ bác sĩ Khoa, nay lại rơi vào trạng thái tức giận và nguyền rủa.

Báo chí nhà nước lao vào cải chính, vạch trần sự kiện này cũng nhanh đến mức bất ngờ. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ sớm qua đi, vì có vẻ như mọi nguồn cơn tìm thấy, xuất phát mạnh mẽ từ một người làm báo chuyên phát ngôn cho Nhà nước, và cũng hay tổ chức sự kiện truyền thông để phục vụ mục đích chính trị mỗi khi có yêu cầu. Bên cạnh việc trang cá nhân của "vị bác sĩ trẻ tên Khoa" này biến mất, khiến nhà báo cũng phải xin lỗi và rút lại những gì đã đăng, mặc dù vẫn chống chế rằng "đã huy động tòa soạn kiểm tra nguồn tin đến 2 giờ sáng".

Ở Việt Nam, đã có hàng trăm người bị gọi làm việc, phạt tiền, bị bỏ tù… với các câu chuyện trên Facebook từ năm 2020 đến này, qua các Điều 117, 331 Bộ Luật Hình sự hoặc theo Nghị định 15 về viễn thông, nhưng không chắc là sẽ có ai bị khiển trách gì sau vụ này, nhất là với vị trí lãnh đạo của một tờ báo về Pháp Luật.

Phải khâm phục là câu chuyện cổ tích giữa đời thường của bác sĩ Khoa phối hợp với một vài nhân vật có chủ ý dẫn dắt dư luận trên Facebook, đã chọn đúng điểm rơi tâm lý của người dân lúc này. 

Cả một đất nước đang lo lắng trước những câu chuyện đau thương, và vật vã trước những những đòn ngăn sông cấm chợ điên loạn của một lực lượng kiêu binh nổi lên, nhân danh Chỉ thị 16, thì rõ là mọi người đang khao khát được nghe những điều tử tế, những sự cao cả và lương thiện của con người dành cho nhau. Chính câu chuyện này có tác dụng làm ai nấy chùng lòng lại. Thậm chí những người đang kêu gào cho quyền lợi của mình hay cho người khác đều có ít phút giây tự vấn về sự thấp hèn của mình khi nghe chuyện.

Nếu không bị vạch trần, chuyện của bác sĩ Khoa có tác dụng không nhỏ trong việc kềm hãm sự bức bối quyền lợi cá nhân, và nhu cầu bản thân bị thiệt thòi của đám đông bất bình đang ngày càng tăng trong phong tỏa. Và thậm chí, câu chuyện có thể trở thành sách khoa của giới tuyên truyền về việc dẫn chứng sự hy sinh bản thân của thế hệ mới xã hội chủ nghĩa cho tương lai đất nước.

Có người nêu câu hỏi, để dựng nên câu chuyện này, vì sao bác sĩ Khoa có thể giỏi đến mức tạo nên một khung hình cao thượng-nhẫn tâm thú vị như vậy, để nhiếp hồn nhiều tầng lớp dân chúng ? 

Thật ra, mọi thứ đều có tính truyền thống của nó, soi chiếu lại quá khứ sẽ thấy không khó nhận ra. Trong mỗi giai đoạn kiểm soát đất nước, tùy theo tình hình, các nhà lãnh đạo vẫn có khuynh hướng mị dân và thao túng bằng những câu chuyện được dựng thêm, hay sáng tác ra. Việt Nam đã có những chuyện đầy cảm hứng của thời chiến tranh như Kim Đồng, Lê Văn Tám, Tô Vĩnh Diện… Và chẳng phải từ xa xưa, Lê Lợi đã thành vua trong suy nghĩ mê tín của người dân, qua việc cho viết bằng nước cơm trộn mật lên lá Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần, để kiến đục thành chữ ?

Những điều như vậy, cũng quen thuộc với tinh thần Thép đã tôi thế đấy của N.A.Ostrovsky : trung thành và sẵn sàng hy sinh theo mệnh lệnh, theo thời cuộc sắp đặt và tương lai cộng sản kêu gọi.

Chắc nhiều người còn nhớ tác phẩm Người thứ 13, truyện về cô gái Hồng quân bị kẹt trên đảo với một sĩ quan Bạch vệ đẹp trai. Gần nhau nên cả hai nảy sinh tình yêu. Nhưng đến khi một nhóm Hồng quân đến đảo và yêu cầu cô gái giết tên sĩ quan Bạch vệ, nhân danh vì mệnh lệnh và lòng phụng sự cao cả, cô đã bắn người yêu của mình.

Việt Nam cũng có, sách vở vẫn ghi lại rất nhiều trong năm 1945, trong đợt cải cách ruộng đất. Để chứng tỏ trái tim đỏ và cao quý, nhiều thanh niên đã từ chối cha mẹ mình, thậm chí quay mặt khi họ bị bắn, đánh đập. Mục đích là để bản thân mình vươn cao hơn trong đám đông – một kiểu kiếm view thời chưa có internet – để lọt vào tầm mắt bề trên, và chấp nhận mình là con bài cần thiết của thời cuộc.

Nếu thật sự có một sự thật hy sinh vĩ đại như bác sĩ Khoa đã nói, sao anh ấy còn tỉnh táo đến mức dành thêm thời gian để khoe chuyện như vậy trên Facebook, và còn ăn cắp ảnh trẻ sơ sinh từ trang người khác để minh họa cho mình ? Ấy là máu lạnh chứ đâu là sự thánh thiện – một người bạn tôi nhắn như vậy.

Đời người ngày càng khó biết, và khó đoán. Thật không dám nói gì thêm về cái gọi là sự thật trong những ngày tháng này. Nhưng trong tầm nhìn hạn hẹp của mình, thật lòng tôi không cảm thấy xúc động như lúc đầu được biết về câu chuyện của vị bác sĩ tên Khoa. Nhưng rồi khi nhìn lại từ những gì lịch sử ghi lại, đã có đến nay, câu chuyện ấy chỉ khiến tôi lại thấy rùng mình.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 09/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Thị Sen, Diễm Thi, Tuấn Khanh
Read 993 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)