Đại dịch và chính phủ chỉ ‘phát’ chứ không ‘động’ !
Trân Văn, VOA, 19/08/2021
Chính phủ Việt Nam vừa tái khẳng địnhnhững địa phương đang thực hiện các giải pháp phong tỏa không được để dân chúng tự ý rời nơi bị phong tỏa về quê (1).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương triển khai Nghị quyết 30 của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh : VGP/Nhật Bắc
Còn Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì xác nhận đã có hàng trăm ngàn cư dân chạy khỏi Thành phố Hồ Chí Minh vì cuộc sống thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai thế nào (2).
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam chỉ đạo chính quyền các địa phương đang thực thi biện pháp phong tỏa phải giữ cư dân ở tại chỗ, không cho họ dịch chuyển về quê (3). Chủ trương này từng và đang khiến chính quyền một số tỉnh chặn người di tản băng qua địa phận của mình, một số tỉnh không cho người di tản vốn là cư dân của mình quay về nương náu với gia đình của họ, thậm chí, một số tỉnh chỉ trích những tỉnh khác lỏng tay khiến dân chúng lũ lượt tháo chạy về phía họ…
Thật ra, kềm giữ những người đang sống trong khu vực có dịch ở yên tại chỗ không sai, bởi bất kỳ sự dịch chuyển nào cũng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra những ổ dịch mới. Tuy nhiên kềm giữ, cấm dịch chuyển chỉ mới là một vế, vế còn lại là phải đáp ứng các nhu cầu tối thiểu cho những người bị cấm dịch chuyển, khiến họ yên tâm trụ lại tại chỗ. Trên thực tế, tuân thủ các chỉ đạo, thực thi những giải pháp mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đề ra chẳng khác gì tự hãm mình trong tử địa !
Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh, sơ kết :Sau hai tháng rưỡi phong tỏa, mỗi ngày thành phố này có khoảng 240 người chết, bệnh tình của hàng trăm người nhiễm Covid-19 trở nặng phải thở oxy, hàng ngàn bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu. Còn Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, kể :Số ca lây nhiễm bên ngoài các khu cách ly đang tăng. Trước, tỉ lệ khoảng 20%, giờ tỉ lệ khoảng 53%.Hệ thống y tế đã quá tải, nhiều người đã chết oan (4) nhưng Thủ tướng vẫn cho rằng, chưa có và không để xảy ra khủng hoảng y tế (5) !
***
Chỉ đạo phải giữ những người đang hiện diện tại vùng dịch, không cho họ về quê là một giải pháp nửa vời và chính phủ hiểu rất rõ về tính khả thi của chỉ đạo này.
Làm sao có thể kềm giữ nạn nhân trụ lại tại chỗ khi họ đói, họ không còn khả năng trả tiền thuê nhà nên đã mất chỗ nương thân... Đó cũng là lý do, công điện lặp lại chỉ đạo có tính nhất quán ấy mới thêm những ý :Nếu người tự ý về quê đã vào địa bàn tỉnh nào đó thì các tỉnh phải tiếp nhận, quản lý, bảo đảm an toàn, chưa đưa đưa về quê được thì giao Bộ Quốc phòng tiếp nhận đưa vào các cơ sở cách ly do quân đội quản lý... Bởi chính phủ nửa nạc, nửa mỡ như thế nên nạn dân không dở sống, dở chết thì cũng vạ vật ở bụi, ở bờ !
Không phải tự nhiên mà sau khi chính phủ nhắc lại chỉ đạo tiếp tục lưu giữ cư dân vốn ở các tỉnh, không cho về quê, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh vẫn bảoThành phố cũng đang cố gắng tổ chức phối hợp để hỗ trợ bà con yên tâm trở về quê như tiêm vaccine, tổ chức xe đưa đón, phối hợp với địa phương về như thế nào cho an toàn, xét nghiệm cho người dân trước khi về, cố gắng không gây thêm khó khăn cho các địa phương ! Khi chính phủ chỉ"phát" chứ không"động" thì "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" sẽ là tất nhiên.
Làm sao chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có thể lo cả thực phẩm, chỗ ăn ở, chăm sóc y tế, rộng hơn, giảm bớt ưu tư, căng thẳng cho tất cả nạn dân, kể cả cư dân các tỉnh đang lưu trú ở đó, khi chính phủ không có bất kỳ chính sách hỗ trợ nào căn cơ, cụ thể. Ngay cả việc miễn, giảm những chi phí liên quan đến dân sinh trong thời gian cầm cự với dịch như điện, nước, điện thoại, rồi tính lãi - thu nợ chẳng hạn với những người có nhà, có phòng cho thuê, cũng chưa rạch ròi thì cấm dịch chuyển có khác gì dìm các giới xuống đáy ?
Nếu chính phủ vừa "phát", vừa "động" với những chính sách rạch ròi, nhất quán, không chỉ hỗ trợ nạn dân trong khu vực có dịch mà còn bảo vệ lợi ích của dân chúng những vùng khác (ví dụ hỗ trợ nông dân thu hoạch, tiêu thụ nông sản bằng cách xuất tiền mua nông sản, cấp cho cư dân các vùng có dịch) thì chắc chắn không cần nhấn đi, nhấn lại yêu cầu cấm dịch chuyển, không khiến dân sinh, kinh tế càng ngày càng bi đát vì không thấy lối thoát như hiện nay.
Thành phố Hồ Chí Minh vừa yêu cầu chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 28.000 tỉ đồng và 142.000 tấn gạo (6). Nếu "phát" mà "động", hỗ trợ đã hiện hữu trong kế hoạch thì đâu cần khẩn cấp !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/08/2021
Chú thích
(4) https://nld.com.vn/noi-thang/noi-thang-dung-de-ai-phai-chet-tuc-tuoi-nhu-the-20210818070114482.htm
****************
Người dân thiếu đói bị làm khó khi xin hỗ trợ của Nhà nước
Cao Nguyên, RFA, 19/08/2021
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh mới đây thông báo đã tung ra hai gói hỗ trợ Covid trong hai tháng 7 và 8/2021, bao gồm tiền mặt cũng như nhu yếu phẩm cho lao động tự do mất việc làm, người nghèo và cận nghèo trong thành phố.
Reuters
Với gói hỗ trợ lần hai, lãnh đạo thành phố hứa hẹn rằng lao động nghèo, ai có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh thì đều được hỗ trợ, không phân biệt tạm trú hay thường trú.
Viện lý do để không trợ cấp
Trên Facebook, một nhóm có tên "Những Người Chưa Nhận Được Trợ Cấp Covid" với gần 8.000 thành viên tham gia. Trong đó, có rất nhiều người phản ánh rằng mình là lao động tự do, thất nghiệp do Covid và đang trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn chưa nhận được một đồng nào do Chính phủ trợ cấp.
Và tất cả những người lao động mà Đài Á Châu Tự do phỏng vấn sau đây đều xác nhận cho đến ngày 19/8, họ chưa nhận được tiền từ các gói hỗ trợ trên vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Tài làm nghề phục vụ quán ăn ở Bình Chánh cho biết ông không nhận được tiền hỗ trợ dù đã nộp giấy tờ lên phường chờ xác minh. Cán bộ địa phường nói với ông Tài là phường "bốc hồ sơ ngẫu nhiên" nên có người nhận được hỗ trợ, người không. Ai trúng thì được nhận tiền, còn lại thì chờ đợt sau :
"Không, chưa nhận được một cái gì luôn. Có hỏi, có làm giấy tờ, cũng đã có xác minh giấy tờ nộp rồi, nhưng mà cũng im ru không nghe nói năng gì tới hết.
Họ nói là bây giờ muốn gì thì lên trên xã trên phường hỏi chứ nó không biết gì hết. Có người nhận được, có người không nhận được. Người ta thắc mắc thì nó nói là giờ trên phường xã bốc hồ sơ ngẫu nhiên. Người nào bốc trúng trước thì được trước. Còn người nào chưa bốc tới thì phải chờ chứ nó không biết gì hết trơn".
Ông Nghiêm, trước dịch chạy xe ba gác mướn ở Nhà Bè cũng không được hỗ trợ từ Chính phủ. Lý do là cấp trên chưa rót tiền xuống :
"Không nhận được cái gì hết. Từ đầu mùa tới giờ nhận được hai bịch rau với lại 10 ký gạo.
Mình hỏi người quen biết trên xã về tiền hỗ trợ thì người ta nói rằng mình chạy xe ba gác này là Nhà nước cấm nên là không có.
Hai tháng này là không đi làm được lấy đâu mà có tiền, tổng cộng tiền nhà trọ điện nước là hơn ba triệu/một tháng. Bây giờ khi nào người ta ném đồ ra sân thì mình đi thôi.
Có lần phản ánh 1022 (tổng đài hỗ trợ trong mùa dịch) thì nó có gọi về cho địa phương. Bên địa phương xác nhận rồi gọi cho tôi hỏi một hồi rồi nó chốt lại là tiền chưa về".
Ông Hải, nhà ở Hóc Môn chia sẻ, ông và vợ buôn bán tự do, phải nuôi hai con nhỏ, nhưng đã mất việc ba tháng rồi. Cách đây vài hôm ông Hải có nhắn tin xin quà trên Zalo thì được Uỷ ban xã cho năm ký gạo, nhưng không có tiền :
"Có nhận được năm ký gạo với mì nhưng mà tiền thì chưa có. Mình không nhận được một triệu rưỡi.
Mình có nghe hỗ trợ thì mình làm đơn nhưng mà không thấy. Có thì mình mừng không có thì thôi, chứ bây giờ biết làm sao !".
Chị Dương, ở Bình Chánh là trợ giảng cho một trung tâm Tiếng Anh, có bố làm nghề hớt tóc, còn mẹ bán quán cà phê nhỏ. Cả ba đều mất việc mấy tháng nay nhưng không có tiền hỗ trợ vì nhà mất việc nhưng không được xếp vào hộ nghèo :
"Nhà em cũng không được hỗ trợ. Ba mẹ cũng không được hỗ trợ gì hết. Cũng là nằm trong diện lao động tự do nhưng mà nó tinh vi lắm, nó không cho mình lãnh.
Lúc mình hỏi là nhà em có được lãnh không, thì nó bảo là nhà mày đâu có nghèo đâu mà đòi".
Cuối tháng bảy, Bộ Lao động, thương binh và xã hội công bố sáu đường dây nóng để giải đáp các thắc mắc liên quan gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Phóng viên RFA nhiều lần gọi đến số 0911151166, số này phụ trách về các chính sách hỗ trợ lao động bị mất việc và lao động tự do, nhưng không có ai nghe máy.
Ngày 10/8, mạng báo Lao Động dẫn lời Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ông Lê Minh Tấn lý giải về việc có nhiều người lao động phản ánh không nhận được hỗ trợ vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là người lao động không cư trú hợp pháp trong thành phố. Thứ hai là người lao động không có thu nhập thấp hơn bốn triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/8 phát biểu rằng "Người đang cư ngụ tại thành phố, không phân biệt thành phần nào, ở đâu, chỉ cần khó khăn, thiếu thốn thì thành phố giúp đỡ vô điều kiện".
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 19/08/2021
*******************
Chúng tôi tìm gặp những người đang kêu cứu trên bản đồ SOS. Đây là câu chuyện của họ
Năng Tịnh, Hạ Di, Luật Khoa, 19/08/2021
Không được chính quyền trợ giúp, họ phải trông đợi sự giúp đỡ của những người xa lạ.
Sau khi bài viết giới thiệu về trang web "SOS map" được đăng tải, một số bạn đọc của Luật Khoa đã liên hệ với các trường hợp cần giúp đỡ ở khu vực của mình. [1] Họ đã chia sẻ cho chúng tôi hoàn cảnh của những con người đang cầu cứu đó. Những chia sẻ bên dưới được viết lại từ lời kể của bạn đọc. Tên của các nhân vật được thay đổi để đảm bảo tính riêng tư.
***
"Hoàn toàn không có trợ cấp gì"
Gia đình bốn người của chị Trân sống tại quận 12. Chị không may khuyết tật, ở nhà nuôi đứa con nhỏ bốn tuổi. Nguồn thu chính của gia đình phụ thuộc vào những người lớn khác trong nhà. Chồng chị làm nghề sửa xe và một người khác làm công nhân đều mất việc kể từ khi thành phố ra lệnh giãn cách. Suốt hai tháng qua, cả gia đình đều không có đồng thu nhập nào. Số tiền dành dụm ít ỏi của họ không đủ chống chọi với đủ thứ chi phí. Hàng xóm bên cạnh chị trong cùng xóm trọ, đa phần là công nhân, cũng thất nghiệp hai tháng nay.
Chồng chị là lao động tự do không có trợ cấp, những công nhân khác trong khu của chị cũng không. Khi được hỏi về việc nhà nước trợ giúp, chị cho biết "hoàn toàn không có trợ cấp gì", cho dù là từ tổ dân phố, phường hay quận.
Khu vực của chị may mắn chưa bị phong tỏa, nhưng cái may đó lại thành rủi khi những lần hiếm hoi các mạnh thường quân đến giúp đỡ lại chỉ tập trung tiếp tế cho khu phong tỏa, bỏ qua những hộ gia đình ở ngoài cũng nguy khốn không kém. Chỉ khi nào còn dư đồ thì các phần trợ giúp ít ỏi đó mới tới được các hộ bên ngoài khu phong tỏa.
Giống như nhiều người khác, gia đình chị và những người trong khu trọ đều đăng ký gói hỗ trợ đợt 1 và đều không thấy gì. Trong lúc mòn mỏi chờ gói hỗ trợ đợt 2 hay những lời hứa hẹn mới nhất từ chính quyền, họ phải lên mạng cầu cứu mọi sự giúp đỡ.
Mắc bệnh ung thư, nhưng không được bất kỳ ai liên hệ để tiêm vaccine
Chị Quyên tại quận Gò Vấp cũng không may không thể tự đi làm kiếm tiền. Bốn năm qua, kể từ khi mắc bệnh ung thư, chị phải nghỉ hẳn để tập trung chữa bệnh. Trước đó, chị có công việc ổn định trong một tổ chức phi lợi nhuận. Thời gian qua, chồng chị may mắn vẫn tìm được công việc lái xe chở hàng, nhưng thu nhập bị cắt giảm đi nhiều so với trước dịch. Một điều may khác là chị ở gần cô tổ phó của tổ dân phố. Biết hoàn cảnh của chị, trong hai lần tổ được phát gạo, cô tổ phó tranh thủ xin được cho chị mỗi lần một bao gạo 5 kg.
Chị có liên hệ nhiều nơi để được đăng ký trợ cấp theo diện hộ nghèo, nhưng đều bị từ chối. Lý do là "người ta nói điều kiện để được xác nhận là hộ nghèo là mình phải không có tivi, không có tủ lạnh, máy giặt, không có xe máy, nên chị không có được".
Không "đủ điều kiện" để được hỗ trợ, chị phải tìm cách kêu gọi sự giúp đỡ ở nhiều nơi, trong đó có các nhóm Facebook tự phát. Nhưng có lẽ vì quá nhiều lời kêu cứu nên những trường hợp của chị lọt thỏm không nhận được phản hồi. "Chị cũng ngại phải xin tới xin lui như vậy hoài, nên thôi".
Điều khiến chị lo nhất là chuyện tiêm vaccine. Mắc bệnh ung thư, thuộc diện ưu tiên theo chính sách của chính quyền, nhưng chị không được bất kỳ ai liên hệ sắp xếp tiêm. "Thấy có nhiều người trẻ hơn mà không có bệnh nền họ được tiêm nhiều lắm", chị nói. "Nhiều khi mình bức xúc, mình thấy kỳ quá mà cũng không biết nói với ai".
Người nghèo, người vô gia cư ngồi kéo dài trên cầu Nguyễn Văn Cừ hướng từ quận 5 sang quận 8 chờ nhận quà từ các hội nhóm từ thiện. Ảnh chụp trước ngày thành phố ra chỉ thị người dân không được ra đường từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Ảnh : Hữu Khoa/ Dân Trí.
Gọi lên đường dây nóng 1022 của thành phố, họ "nói ngược nói xuôi"
Ở trong cùng quận Gò Vấp, chị Hoa thì tìm ra được người để nói, nhưng kết quả không mấy khác biệt. Chị gọi hai lần lên đường dây nóng 1022 của thành phố để tìm kiếm trợ giúp, nhưng "họ nói ngược nói xuôi, rồi kêu mình liên hệ về ủy ban phường, quận gì rồi thôi". Khi chị liên hệ với phường thì "người ta nói mình không phải đối tượng nhận hỗ trợ".
Trong khi đó, chị Hoa làm tạp vụ, bị công ty cho nghỉ việc từ cuối tháng Năm. Tuy có hợp đồng lao động, nhưng không được hỗ trợ gì. "Công ty cũng dẹp luôn mà", chị nói. Chồng chị làm xây dựng, cũng lâm vào cảnh thất nghiệp mấy tháng nay và cũng không nhận được trợ cấp gì.
Gia đình chị nợ tiền thuê nhà hai tháng nay, mọi chi tiêu khác đều phải cầm chừng. "Đồ ăn thì nhà chị phải ăn cầm chừng, chứ không hết rồi không còn gì để ăn thì đói".
Sự giúp đỡ duy nhất chị nhận được là từ "mấy nhà giàu trong xóm họ có điều kiện, thấy mình tội nên họ mang gạo, mì tôm họ tới phát cho".
"Gọi phường thì cũng đâu có được gì"
Không xa nơi chị Hoa ở, chú Dũng cũng nợ tiền nhà ba tháng qua. May mắn là chủ nhà thông cảm, nói chú khi nào qua dịch đi làm được thì trả sau. Nỗi lo về chốn ở tạm thời được gỡ xuống, nhưng cái lo thiếu đói thì lại hiển hiện.
Chú làm tài xế taxi, nhưng từ đầu dịch đến nay đã bị công ty cho nghỉ việc. Khoản hỗ trợ duy nhất chú nhận được khi mất việc là 400.000 đồng từ công ty. Ngoài ra, nhờ có hợp đồng lao động, chú được công đoàn cho thêm 200.000 đồng. Đấy là chú đã may mắn vì "ai không có hợp đồng lao động thì không được nhận khoản này đâu".
Nhưng cái hợp đồng lao động đó lại đặt chú Dũng nằm ngoài nhóm "đối tượng được hỗ trợ của chính quyền". Khi chú liên hệ với tổ dân phố để xin hỗ trợ, người ta nói "chú ở bên công ty nên họ không giải quyết", và "muốn xin gì thì liên hệ với phường".
"Nói vậy chú thấy thái độ vậy thì thôi, chứ gọi phường cũng đâu có được gì", chú lắc đầu.
Có hai lần chú được mạnh thường quân ở nhà thờ cho gạo và mì tôm. Đó là nhờ những người khác biết tin có đoàn làm từ thiện, cùng gọi nhau chạy ra xin. Nhưng "chú cũng hơn 50 tuổi rồi, đi ra xin hoài chú cũng thấy xấu hổ".
Không có thông tin về các gói hỗ trợ của chính quyền
Chị Tâm, nhà ở quận Bình Tân, có lẽ cũng có tâm trạng đó khi phải cầu cứu sự giúp đỡ từ những người xa lạ. Như nhiều người khác, gia đình chị đều thất nghiệp từ khi thành phố phong tỏa.
Dòng mô tả của chị trên trang SOS map chỉ vỏn vẹn vài chữ "nhà em đói quá ạ". Khi gặp tôi, chị cũng rất kiệm lời, chỉ "dạ", "cảm ơn" và "em không biết". Câu trả lời không biết là về các gói hỗ trợ của chính quyền được công bố trên báo đài.
Chị không có thông tin nào về tổ trưởng tổ dân phố lẫn chủ tịch phường để hỏi về các khoản đó. Ngay cả khi được cung cấp số điện thoại của người chịu trách nhiệm khu vực, chị cũng ngại ngần hỏi lại "mình phải nói gì với họ hả anh".
Chần chừ trong việc chủ động đòi quyền lợi của mình, nhưng chị Tâm lại sốt sắng cho những người khác trong xóm đang cầu cứu. Ngay sau khi gặp, chị gọi điện ngay cho tôi, số điện thoại duy nhất chị có thể hỏi giúp đỡ vào lúc đó, để nhờ tìm cách hỗ trợ cho một trường hợp bệnh dương tính đang nguy kịch gần đó.
***
Trên đây chỉ là vài trường hợp mà bạn đọc của Luật Khoa chia sẻ khi tìm gặp những người cầu cứu trên SOSmap.net.
Hai tuần trước, có 7.600 lời cầu cứu trên trang web. Tính đến ngày 18/8/2021, con số này lên đến gần 18.000, với chỉ 2.500 trường hợp được ghi nhận giúp đỡ.
Nếu không ở trong hoàn cảnh của họ, thật khó tưởng tượng được tình thế nguy nan đến mức nào và phải có dũng khí ra sao mới đủ gạt qua một bên lòng tự trọng để cầu cứu những người xa lạ.
Và không chỉ những người đang cầu cứu mới bị đặt trong tình cảnh chẳng đặng đừng.
Một độc giả của Luật Khoa đã tâm sự khi cô liên hệ giúp đỡ những trường hợp này.
"Tôi sợ phải đóng vai là người ban phát. Tôi không muốn mình được phong làm anh hùng (hay cô tiên nhỏ – như chú Dũng đã gọi tôi). Nhưng với họ, tôi có lẽ là người (duy nhất) mà họ có thể ‘gõ cửa’ vào lúc này. Có lẽ là vậy".
Năng Tịnh – Hạ Di
Nguồn : Luật Khoa, 19/08/2021