Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/08/2021

Chấm dứt việc học ngữ văn theo bài mẫu, dễ hay khó ?

Thanh Trúc

Yêu cầu chấm dứt việc học Ngữ văn theo bài mẫu của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn được đưa ra hôm 18/3 tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021, Triển khai Nhiệm vụ năm 2021-2022 đối với giáo dục bậc trung học.

vanmau01

Học sinh trong lớp học tại trường Marie Curie ở Hà Nội hôm 4/5/2020 - AFP

Báo trong nước khi đăng tin này đã trích dẫn ý kiến phụ từ những người có con đang ở Tiểu Học đến các lớp lớn hơn. Điển hình một bà mẹ ở Hà Nội, có con học Lớp 4, kể rằng từ Lớp 2 con bà đã phải làm quen và học thuộc lòng những bài mẫu.

Đây là những bài văn tả người, tả cảnh, tả đồ vật… mà cô giáo sửa tới sửa lui trong khoảng sáu tới tám câu mà thôi. Bà nói Lớp 2 chỉ kiểm tra môn tiếng Việt và Toán để lấy điểm cuối năm, vì thế khi đến môn tiếng Việt và nếu gặp đề tài giống bài mẫu thì cứ thế mà chép ra theo trí nhớ.

Với cách học như vậy, vị phụ huynh này khẳng định, học sinh nào cũng đạt điểm cao hết, còn khi về nhà được mẹ hướng dẫn làm Văn theo cảm nhận của mình thì cãi lại, bảo làm sai ý cô giáo sẽ không đạt điểm tối đa.

Một phụ huynh khác, có con học Lớp 10, cho biết bà và nhiều cha mẹ khác cũng ngán ngẩm với cách con em học Ngữ văn ở trường phổ thông.

Theo bà thì học văn theo kiểu thuộc lòng bài mẫu có sẵn và khi cần thì viết ra, làm học sinh mất khả năng cảm thụ văn chương, chưa kể không cần đọc sách, nhất là các tác phẩm văn học hay để trau dồi trình độ.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhà nghiên cứu Ngữ văn với gần 40 năm giảng dạy tại Đại Học Sư Phạm, chuyên ngành đào tạo giáo viên Văn cấp Trung học Phổ thông, đưa ra nhận định của ông :

"Học văn mẫu hiểu như kỹ thuật ban đầu thì tốt. Văn mẫu chỉ sử dụng trong giai đoạn nào đó thôi, nhưng khi học sinh bắt đầu làm chủ được ngòi bút thì không nhất định phải theo kiểu mà cô giáo đưa ra"

"Trước năm ’75 ở miền Nam làm gì có văn mẫu. Miền Nam có rất nhiều Sách Giáo Khoa khác nhau, không ai được qui định là chỉ có một bộ sách giáo khoa. Học theo văn mẫu chỉ có rớt chứ làm sao thi đậu được".

vanmau1

T bc tiu hc đến trung hc có rt nhiu sách văn mu đ hc sinh tham kho. nh: H.K.

Nhà thơ Hoàng Hưng, thành viên nhóm Văn Việt, từng là giáo viên Văn giỏi toàn miền Bắc, nhiều năm dạy Ngữ văn Trung học Phổ thông và bổ túc văn hóa cho quân đội cũng như công nhân, về sau là phóng viên báo Người Giáo Viên Nhân Dân của Bộ Giáo Dục, nói về lai lịch văn mẫu :

"Phải nói ngay là trong thời gian tôi đi dạy học ở miền Bắc lúc còn chiến tranh thì lúc đó chưa có khái niệm bài mẫu văn mẫu. Thầy giáo soạn bài theo nhận thức, trình độ cảm nhận và phân tích của thầy để dạy cho học sinh. Quá lắm thì một vài hướng dẫn cơ bản từ Sở Giáo Dục đưa xuống thôi"

"Về sau khi hòa bình rồi nó mới đẻ ra cái chuyện những sách xuất bản về giáo dục, mới sinh ra những bài văn mẫu. Một số bài xuất sắc của học sinh được giải thưởng toàn miền Bắc thì được đưa ra in cho học sinh và cả giáo viên tham khảo"

"Tôi nghĩ văn mẫu đầu tiên cũng tốt thôi, nhưng dần dần thì nó biến tướng và phát triển quá rộng. Có lẽ vì thế mà trình đô Văn của giáo viên, học sinh càng ngày càng suy đồi thành khuôn mẫu lười nhác".

Lời yêu cầu chấm dứt việc học Ngữ văn bằng bài mẫu của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cần được nhìn nhận và ủng hộ, là ý kiến tiếp theo của Giáo sư Ngữ học Hoàng Dũng : 

"Ông bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xuất thân từ ngành Văn trường ngày xưa gọi là Đại Học Tổng Hợp, giờ là Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở Hà Nội. Bản thân ngành Văn có lẽ vì thế ông hiểu được vấn đề hơn nhiều người khác. Ý kiến của ông Nguyễn Kim Sơn chỉ có thể thực hiện được nếu có thay đổi về chương trình, về sách giáo khoa và đặc biệt về cách ra đề".

"Theo chương trình trước đây thì chỉ có một bộ sách giáo khoa thôi, người ra đề bắt buộc phải lấy bài trong sách giáo khoa đó.đề. Chính cha mẹ học sinh, trừ những người hiểu biết, đa số còn yêu cầu thầy cô giáo dậy văn mẫu cho nó dễ đậu".

"Tuy nhiên có thể nói ông Nguyễn Kim Sơn có cái may là bắt đầu từ 2018 người ta công bố chương trình mới và bắt đầu biên soạn sách giáo khoa mới. Với tinh thần mới và với nhiều bộ giáo khoa khác nhau, có thể nói điều kiện để chấm dứt văn mẫu chúng ta đã có và sẽ thực hiện được".

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên giảng viên Đại Học Sài Gòn, cho biết không có sự bắt buộc văn mẫu hay bài mẫu, thậm chí giáo viên và nhà trường cũng không khuyến khích :

"Nhưng nó là một giải pháp để đối phó với hệ thống. Tức là nếu thi cử rất chặt chẽ, chấm theo một khuôn mẫu nào đó được xem là duy nhất đúng thì nhu cầu của người phải đi thi là đi tìm cái để mình luyện cho nó ra điểm cao nhất"

"Có những thầy cô và cả nhà trường, vì sức ép của thành tích, cũng làm như thế dù đó không phải là chủ trương chính thức. Việc đó lâu nay không ai bắt mà nó vẫn xảy ra".

Vì thế ông Nguyễn Kim Sơn đưa vấn đề ra như vậy là rất đúng, vẫn lời tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh : 

"Bộ trưởng đã nhìn thấy chuyện dạy theo văn mẫu là vấn đề đáng quan tâm. Đáng quan ngại hơn ở chỗ là nếu một người không thể sử dụng ngôn ngữ của mình để diễn đạt ý tưởng, lập luận của chính mình, và trầm trọng hơn nữa là vấn để tư duy. Ngôn ngữ là để chở tư duy và cách diễn đạt riêng"

"Người ta hay nói ‘văn tức là người’, mình tư duy như thế nào, mình viết như thế nào chính là giá trị của mình nằm trong ngôn ngữ đó. Nếu dạy theo kiểu bài mẫu thì tôi nghĩ môn Văn không đạt được mục tiêu của việc dạy Văn, nó nguy hiểm ở chỗ đó".

Vẫn theo lý giải của Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một trong những mục tiêu của nhà trường và của học sinh đều là chứng minh được rằng mình đạt tiêu chuẩn giáo dục tốt nhất thông qua các kỳ thi, nhất là kỳ thi quan trọng quốc gia :

"Vì kỳ thi đó được xem là chuẩn mực, ai đạt điểm cao là đạt trình độ mà Bộ Giáo Dục đề ra. Vậy nếu thi cử mà luôn luôn là những bài theo văn mẫu duy nhất đúng và được điểm cao thì rõ ràng không có chỗ cho sự sáng tạo, cho những cách diễn đạt khác"

"Ngoài ra thì cách đào tạo giáo viên nói chung, kể cả giáo dục gia đình, không khuyến khích tư duy phản biện lại những cái đang có, những cái gọi là ‘khuôn vàng thước ngọc’ từ ngày xưa nhưng trong tình huống bây giờ không còn đúng nữa. Mình chỉ chú trọng học thuộc cái kiến thức cái chuẩn mực có sẵn, tạo ra kiểu suy nghĩ rập khuôn, hạn chế nguồn lực trí tuệ của mọi người". 

Đó là cách nhồi nhét kiến thức vừa cũ vừa không thực tiễn, khiến học sinh suy nghĩ bằng bộ não của người khác, là kết luận của giảng viên Đại Học Vũ Thị Phương Anh.

Đối với cựu giáo viên Hoàng Hưng, vấn đề lớn nhất của giáo dục Việt Nam là quá lạc hậu, máy móc, cái đầu óc nô lệ, cứ nghĩ làm đúng theo lệnh của trên là an toàn.

Chính vì thế, ông đồng ý với nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng và tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh về những giải pháp thay thế mà hai vị đề ra :

"Giáo dục là phải phát huy được cái tự học và sáng tạo chứ không phải áp đặt bài mẫu cho học sinh học. Đầu tiên phải là vấn đề đào tạo ngành giáo viên, đó là cái gốc"

"Thứ hai là các đề bài ra và cách chấm thi. Phải phát huy được cái sáng tạo của học trò chứ không phải cứ A,B,C,Đ kiến thức rập khuôn là tiêu chí chủ yếu. Phải đánh giá khả năng tư duy, khả năng viết câu chữ tiếng Việt. Đấy là cả 3 vấn đề".

Cũng tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học, ngoài nhận định học theo bài mẫu sẽ triệt tiêu óc sáng tạo của học sinh, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn còn nhắc lại lời Thủ tướng Chính phủ là cần quan tâm tới tinh thần học thật, thi thật, các Sở Giáo dục và đào tạo, Phòng Giáo dục và đào tạo, các nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất.

Tiến sĩ Phương Anh cho rằng sự thay đổi trong việc dạy Ngữ văn theo như yêu cầu của bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo là một quá trình dài lâu chứ không thể nay mai được.

Nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng cũng cho rằng việc thực hiện không thể diễn ra một sớm một chiều :

"Bởi vì người ta chỉ mới áp dụng theo hình thức cuốn chiếu, mới một hai năm đầu của Tiểu học, tức là mới Lớp 1, Lớp 2. Còn Trung học thì học kỳ tới mới bắt đầu áp dụng, thành ra nó còn kéo dài một thời gian"

Ý kiến, nguyện vọng của phụ huynh học sinh và giáo viên yêu nghề, là Bộ Giáo Dục-Đào Tạo phải nghiêm túc thực hiện tinh thần học thật, thi thật và thực chất thì mới có thể hạn chế hay chấm dứt việc dạy Ngữ văn bằng các bài mẫu.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 19/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)