Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/08/2021

Ngoại giao vắc-xin : Hoa Kỳ và Trung Quốc ai đang thắng ?

Thanh Trúc

Ngoại giao vắc-xin, chiến lược phát sinh từ đại dịch, được coi là cuộc đua khá ráo riết giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, đặc biệt khi Phó Tổng thống Mỹ có chuyến thăm Singapore và Việt Nam. Cuộc đua đang căng thẳng và phần thắng nghiêng về ai ?

ngoaigiao1

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 25/8/2021 - Reuters

Việt Nam tính đến ngày 24/8 đã tiếp nhận hơn 23 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó có hơn 14 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, hơn 1,2 triệu liều Pfizer, 12.000 liều Sputnik-V và 2,7 triệu liều Sinopharm. Tin trên báo Chính phủ nói đây là nỗ lực ngoại giao vắc-xin của Việt Nam.

Số vắc- xin của Sinopharm Trung Quốc chuyển đến Việt Nam gồm 500.000 liều do Bắc kinh tặng với điều kiện ưu tiên cho công dân Trung Quốc, người Việt Nam đi học và làm việc tại Trung Quốc, và người dân ở các tỉnh giáp biên 2 nước. Quân đội Trung Quốc cũng chuyển 200 ngàn liều Sinopharm cho Quân đội Việt Nam. Số còn lại do doanh nghiệp được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép cho mua về để tiêm cho người dân.

Thế nhưng tâm lý chung của người dân trong nước là thích được tiêm vắc-xin Pfizer hay Moderna của Mỹ hơn là Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc).

Trong khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ sửa soạn đến Việt Nam, chặng dừng thứ hai sau Singapore, dư luận càng tin rằng bà Kamala Harris sẽ đẩy mạnh cuộc chạy đua ngoại giao vắc xin giữa Mỹ với Trung Quốc.

Theo một nhà báo yêu cầu không nêu tên, đang là thông tín viên của báo nước ngoài ở Hà Nội, trước tiên phải nói rằng chuyến đi của bà Kamala Harris đến Hà Nội hoàn toàn do phía Mỹ chủ động và đề xuất, sau đó Việt Nam mới tiến hành đưa ra lời mời đối với Phó Tổng thống Hoa Kỳ :

"Đương nhiên Mỹ thúc đẩy nhưng ngược lại Việt Nam cũng hưởng ứng ngay lập tức trong một thời gian rất ngắn. Nói chung trong khi dịch bệnh bùng phát và do Việt Nam không chủ động được nguồn vắc-xin mà buộc phải cầu cứu các nước thì rõ ràng Hoa Kỳ đã chìa bàn tay và trở thành nhà tài trợ vắc-xin lớn nhất cho Việt Nam".

ngoaigiao2

Lô vắc-xin của hãng Moderna do Mỹ tặng Việt Nam thông qua chương trình Covax của WHO về Hà Nội hôm 10/7/2021. Hình : Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội

Nếu so sánh đường lối ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc và của Mỹ, nhà báo nói tiếp, có thể thấy chừng như Mỹ đang có phần ‘trên cơ’ Trung Quốc một cách tự nhiên :

"Trung Quốc cũng sẵn sàng cho Việt Nam vắc-xin nhưng ngay từ đầu họ đòi hỏi phải theo yêu cầu của họ. Cái đó nói thật bản thân người dân cũng như lãnh đạo Việt Nam thấy rất là phản cảm, trong lúc Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ đã trao vắc-xin cho Việt Nam gọi như ‘miếng khi đói bằng gói khi no’, cho thấy đâu là bạn tốt, đâu là chân thành".

"Thực chất thì Hoa Kỳ đang làm ngoại giao rất tốt thông qua vắc-xin. Chưa bao giờ người Việt Nam mong ngóng, chờ đợi sự giang tay giúp đỡ của Hoa Kỳ như lúc này. Cái mà người Việt Nam mong muốn là vắc-xin của Hoa Kỳ".

Một chuyên gia không tiết lộ danh tính, phụ trách tìm nguồn và thương lượng mua các loại vắc-xin từ Mỹ hay Châu Âu trong công ty dược phẩm VNVC được Nhà nước cho phép ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng nội chuyện người dân tránh né không chịu tiêm Vero Cell của Sinopharm đủ thấy ngoại giao vắc-xin của Mỹ đang qua mặt ngoại giao vắc-xin Trung Quốc :

"Thật ra không phải chỉ vắc-xin không đâu mà tất cả những mặt hàng của Trung Quốc từ xưa đến nay đã không được ưa chuộng ở Việt Nam rồi. Nhất là khi vắc-xin Trung Quốc đang trong giai đoạn nhậy cảm mà đưa vào cơ thể thì không biết có an toàn không".

"Rất nhiều người kỳ vọng chuyến đi của bà Harris đến Việt Nam, ngoài những vấn đề chính yếu trong lịch trình của bà thì chắc chắn vắc-xin cũng sẽ được đề cập tới, đặc biệt khi mà Tổng thống Biden đã và đang có kế hoạch phân chia nguồn vắc-xin Pfizer cho các nước. Khả năng rất cao của ngoại giao vắc-xin trong chuyến thăm của bà Kamala Harris là sự công bố tài trợ hay quyên tặng thì Việt Nam sẽ có thêm một số lượng Pfizer và Moderna tiếp tục".

Và đúng như dự đoán, trong ngày làm việc đầu tiên tại Việt Nam, bà Harris đã tuyên bố Mỹ sẽ tặng Việt Nam một triệu liều vắc-xin của Pfizer và số vắc-xin này sẽ đến Việt Nam trong vòng 24 giờ.

Đúng là Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh với nhau trong hoạt động ngoại giao vắc-xin, là khẳng định của Thạc sĩ luật, chuyên gia Biển Đông Hoàng Việt. Theo Thạc sĩ Hoàng Việt, Trung Quốc đi trước trong vấn đề ngoại giao vắc-xin ở Đông Nam Á và Việt Nam nhưng lại không thành công như Hoa Kỳ với chiến lược ngoại giao vắc-xin của riêng họ :

"Nói về ngoại giao vắc-xin thì ngay năm 2020, khi mà Trung Quốc vật lộn với đại dịch thì Việt Nam vẫn đang thoải mái. Khi Trung Quốc vượt khỏi đại dịch 2020 thì Mỹ bắt đầu lâm thế khó khăn với số lây nhiễm và chết rất nhiều. Trong thời gian đấy thì Trung Quốc đã tích cực sử dụng hoạt động ngoại giao vắc-xin để tăng cường ảnh hưởng của mình như trường hợp với Philippines hay Campuchia chẳng hạn".

"Còn đối với Việt Nam thì Chính phủ ban đầu cũng muốn sử dụng vắc-xin của Trung Quốc nhưng đã gặp sức ép và sự phản đối của người dân. Chẳng hạn gần đây là chuyện công ty Vạn Thịnh Phát của Việt Nam tuyên bố mua năm triệu liều vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc rồi tặng cho Chính phủ, nhưng mà ngay thành phố Hồ Chí Minh tôi đang sống thì rất nhiều người từ chối tiêm vắc-xin của Sinopharm dù bệnh dịch đang rất là nguy hiểm".

"Mặc dù chúng ta cũng nói rằng Mỹ đang sử dung vắc-xin như một công cụ ngoại giao nhưng thứ nhất là chất lượng của Pfizer hay Moderna là điều không cần bàn cãi. Thứ hai là cho đến nay Mỹ vẫn là quốc gia viện trợ vắc-xin nhiều nhất cho Việt Nam, chưa kể Mỹ cũng đã hỗ trợ để chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho tập đoàn Vingroup và chúng ta cũng hy vọng bà Kamala Harris sẽ chứng kiến được sự phát triển về sự chuyển giao công nghệ này cho Việt Nam".

Hôm 23/8 báo mạng The New York Times có bài viết cho rằng song song với chiến lược ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc thì Hoa Kỳ cũng đang tìm lối mở mới cho chiến lược vắc-xin của mình ở Đông Nam Á.

Trao đổi cùng RFA qua điện thư, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam và Biển Đông, cho là có cạnh tranh về ngoại giao vắc-xin giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á chứ không phải riêng Việt Nam.

"Chính phủ Việt Nam thường tỏ ra miễn cưỡng đối với Sinovac/Sinopharm của Trung Quốc, trong lúc Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam tới năm triệu liều Moderna, và tôi tin rằng sẽ có thêm nhiều triệu liều nữa được công bố nay mai".

Chuyên gia Carl Thayer cũng đồng ý với nhận định của Thạc sĩ Hoàng Việt về khả năng hành pháp Biden chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam, còn việc thiết lập một trung tâm CDC ở Hà Nội nhằm phục vụ các nước Đông Nam Á đã được Phó Tổng thống Mỹ công bố khi bà đến Việt Nam. Đó là lối mở mới của Mỹ trong khu vực, ông khẳng định :

"Hành pháp Biden cho biết đã phân phối lượng vắc-xin ngừa Covid-19 ra toàn cầu nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào (hiểu ngầm là Trung Quốc). Thực ra thì Trung Quốc đã nhanh chóng có hành động hỗ trợ chống dịch nhưng không thành công thời gian qua, còn vắc-xin Mỹ thì đáng tin cậy hơn, dấy lên câu hỏi về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc, điển hình như Indonesia với một số y bác sĩ, tuy đã chủng ngừa, vẫn bị lây nhiễm và chết sau đó".

Về phần ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Đông Nam Á của tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế, nói rằng dù muốn dù không thì cũng phải thấy chừng như Mỹ và Trung Quốc đang đua nhau dùng vắc-xin để thu phục nhân tâm ở Đông Nam Á :

"Tôi nghĩ câu chuyện ngoại giao vắc-xin còn kéo dài. Nước nào ở Đông Nam Á, ngay cả Việt Nam, cũng muốn có vắc-xin càng nhiều càng tốt để tiêm cho dân, điều đó là bình thường. Tôi nhớ khi tôi đang ở Thái Lan lúc Covid-19 bùng phát, không mấy chốc đã nghe nói có vắc-xin của Trung Quốc nhưng mấy ai được chích đâu"

"Trong khi đó Hoa Kỳ viện trợ vắc-xin cho các nước gọi là ‘No strings attached’ - không có điều kiện ràng buộc, mà thuốc của Mỹ lại tốt nhất, thì tôi mong chính phủ Việt Nam nên ưu tiên tiêm chủng cho tất cả những người dễ bị đe dọa, bị tổn thương bởi vi-rút corona. Đó cũng là điều người Mỹ mong muốn khi cấp thêm vắc-xin cho Việt Nam".

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 25/08/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Trúc
Read 564 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)