Việt Nam đối mặt với khủng hoảng vốn đầu tư
Võ Hàn Lam, VNTB, 30/08/2021
Giãn cách kéo dài tạo cú đổ domino dây chuyền ?
Số liệu kinh tế – xã hội tháng 8 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng Tám giảm 7,1% so với tháng Bảy, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20-8-2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện tại bình quân mỗi tháng cả nước có trên 10 ngàn doanh nghiệp… rút lui.
Trong tháng 8-2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 ngàn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 ngàn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021 ; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước, và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những gắng gượng cuối cùng chờ kết thúc giãn cách ?
Trong tháng 8, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước, và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Cũng trong 8 tháng năm nay, có 85,5 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm : 43,2 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước ; 30,1 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% ; 12,2 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tính đến ngày 20-8-2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.135 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 11,33 tỷ USD, giảm 36,8% về số dự án và tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 639 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,98 tỷ USD, tăng 2,3% ; có 2.720 lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 2,81 tỷ USD, giảm 42,9%, trong đó, có 1.092 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,75 tỷ USD và 1.628 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,06 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp Việt chuyển vốn ra nước ngoài ?
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 có 40 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước ; có 13 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 575 triệu USD, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xem ra một lần nữa, vấn đề quản trị quốc gia trong đại dịch cần được lưu tâm hàng đầu. Bởi, quản lý khủng hoảng là một phần quan trọng của quản trị quốc gia.
Xử lý khủng hoảng thế nào, thành công hay không, phản ánh chính xác trình độ quản lý quốc gia của một chính quyền ; trong đó đặc biệt là nền tảng vững chắc về chính trị, kinh tế, xã hội và hệ thống vận hành hiệu quả của Việt Nam lâu nay có đúng như những gì mà người ta vẫn thấy tuyên truyền trên báo chí ?
Võ Hàn Lam
Nguồn : VNTB, 30/08/2021
*********************
Nhiều doanh nghiệp gặp ‘muôn vàn khó khăn’ vì dịch, kiến nghị chính phủ Việt Nam hỗ trợ
VOA, 30/08/2021
Một nhóm hơn 10 doanh nhân Việt Nam mới đây đăng lên mạng một thư ngỏ, kêu gọi 5.000 chữ ký ủng hộ để đề nghị chính phủ giúp đỡ các doanh nghiệp gặp khó khăn thời đại dịch.
Hàng hóa khan hiếm ở một số nơi thuộc Thành phố Hồ Chí Minh do đại dịch làm gián đoạn sản xuất, kinh doanh ; tháng 8/2021.
Được đăng hôm 29/8 trên trangavaaz.org, một trang quốc tế chuyên dành cho các cuộc vận động online, thư kiến nghị - nhắm đến những người nhận là Thủ tướng Phạm Minh Chính và 6 bộ trưởng - trình bày rằng tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là ở miền nam, "đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài".
Bức thư lưu ý rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Nhóm 11 doanh nhân chấp bút bức thư, là chủ một số công ty như AA Transport, BizUni, Việt Tinh Anh, Dom Capital, Đại Phúc Land, Cỏ May group…, liệt kê ra những vấn đề to lớn mà đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải.
Đó là họ phải ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động ; chi phí tăng cao do những phát sinh về xét nghiệm, lo ăn ở cho người lao động khi cố duy trì hoạt động ; tuy tạm dừng hoạt động, vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội, lương ; nhiều doanh nghiệp chứng kiến doanh thu trở về con số 0.
Thư kiến nghị - thu hút được gần 2.000 chữ ký vào tối 30/8 - nêu ra một loạt những điều mà các doanh nghiệp "xin chính phủ hỗ trợ".
Đứng hàng đầu là lời đề nghị chính phủ cho doanh nghiệp tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội ít nhất đến 6 tháng sau khi công bố hết dịch, không phạt các doanh nghiệp không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội trong thời kỳ đại dịch, và miễn giảm 100% phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp và người lao động trong thơi gian đại dịch phải ngừng hoạt động và giãn cách xã hội.
Các doanh nghiệp tiếp đến kiến nghị được miễn thuế VAT trong năm 2021, giảm 50% thuế VAT trong 2 năm kế tiếp 2022-2023, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 và giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm liền kể từ khi công bố hết dịch. Họ cũng đề nghị được chấp nhận ghi vào sổ sách tất cả các loại chi phí phát sinh vì đại dịch mà doanh nghiệp phải bỏ ra.
Bên cạnh đó, những người tham gia thư kiến nghị kêu gọi cần phải có gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% cho giai đoạn từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch. Họ cũng đề nghị thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ - cả gốc và lãi - đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Đối với các doanh nghiệp còn lại, bức thư nêu ra kiến nghị rằng cần khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ 1/8/2021 đến 6 tháng sau khi chính phủ công bố hết dịch.
Ngoài các kiến nghị về hỗ trợ nêu trên, các doanh nghiệp "khẩn thiết kêu gọi" chính phủ và các bộ xây dựng lộ trình để các doanh nghiệp có thể dần hoạt động trở lại.
Trước mắt, họ đưa ra đề xuất khái quát rằng người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy… để làm việc khi đã tiêm 1 mũi, và được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi tiêm đủ 2 mũi, song song với đó là thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách, phòng ngừa gọi tắt là 5K.
Thư kiến nghị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất hiện ở thời điểm thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam ngày càng trở nên bi quan với số ca lây nhiễm và tử vong mỗi lúc một tăng trong đợt dịch mới nhất bắt đầu vào cuối tháng 4.
Đến ngày 30/8, Việt Nam chứng kiến hơn 11.000 người tử vong vì dịch trong khi tổng số ca nhiễm lên đến gần 450.000 người.
Nhiều biện pháp phong tỏa, giãn cách nghiêm ngặt ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại tâm dịch là thành phố Hồ Chí Minh cùng với 22 tỉnh, thành khác, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động sản xuất, kinh doanh, và vận tải, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không còn cầm cự được.
Tổng cục Thống kê của Việt Nam cho biết trong 8 tháng qua có 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong nước, trong đó, 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, hơn 30.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Trong cùng thời gian, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, ít hơn đáng kể so với số doanh nghiệp rút ra.
Nguồn : VOA, 30/08/2021