Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/09/2021

Nghĩ lại về một Việt Nam "vô thần"

Văn Thương

Có tương lai nào cho đa dạng tín ngưỡng thực sự ở Việt Nam ?

vothan1

Người dân trong Lễ Kỳ Yên, tổ chức tại đình Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 2/2020. Ảnh : Giang Phạm.

Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số năm 2019, có hơn 86% người Việt Nam được xếp vào nhóm người không theo tôn giáo nào cả.

Người Việt Nam có lẽ đã quen với mô tả rằng đất nước mình vô thần, nhưng các nhà nghiên cứu tôn giáo quốc tế nghĩ khác. Họ chất vấn, nếu thực sự không có niềm tin tâm linh, làm sao giải thích sự hiện diện của các ngôi chùa, miếu thờ to nhỏ ở khắp nơi, hay bàn thờ tổ tiên tại phần lớn gia đình Việt ?

Câu trả lời nằm một điểm mấu chốt : khái niệm tôn giáo hẹp được sử dụng ở Việt Nam. Chính quyền phân biệt rạch ròi giữa tôn giáo (một tổ chức được công nhận, có giáo lý chính thức) và tín ngưỡng (những niềm tin tâm linh cá nhân). Vì vậy, nếu như ai đó nhận rằng mình "có đạo" ở Việt Nam, điều này nghĩa là họ có tư cách thành viên của một tổ chức tôn giáo nào đó.

Tỷ lệ 86% nêu trên có thể rất khác nếu như câu hỏi thống kê là về niềm tin tâm linh, thay vì "tôn giáo". Bắt đầu từ suy nghĩ này, nhà nhân học Edyta Roszko bắt đầu khám phá những khả năng mà Việt Nam có thể được nhìn nhận như một quốc gia đa dạng về tôn giáo.

Bà trình bày công trình của mình trong nghiên cứu mang tên "Controlled Religious Plurality : Possibilities for covenantal pluralism in Vietnam", vừa được xuất bản vào tháng 8/2021. Bài viết này tóm tắt một số ý chính của nghiên cứu.

Quan nim tôn giáo và kim soát tôn giáo trong lch s

Vào thời phong kiến, tôn giáo được xác định là mọi niềm tin nằm ngoài thế giới đang hiện hữu của loài người. Chính quyền phong kiến giữ thái độ dè chừng với mọi tôn giáo khác với niềm tin Nho giáo thống trị lúc bấy giờ. Bộ Lễ của triều đình được giao nhiệm vụ minh định xem tín ngưỡng nào mâu thuẫn với quan điểm Nho giáo để ngăn chặn không cho phát triển. Phật giáo và Đạo giáo có thể hoạt động, nhưng người dân cũng phải đăng ký qua Bộ Lễ. Bằng cách này, chính quyền có thể đảm bảo rằng không phong trào tôn giáo nào đủ lớn mạnh để đe dọa quyền lực triều đình.

Chỉ đến khi tiếp xúc với tư tưởng phương Tây, khái niệm tôn giáo mới bắt đầu được dùng để phân loại các hệ thống niềm tin khác nhau. Theo đó, mê tín dị đoan được xem là một tôn giáo lệch lạc. Sau năm 1986, Việt Nam từ bỏ quan niệm bài tôn giáo, bắt đầu lựa chọn những thực hành tín ngưỡng để tạo nên căn tính dân tộc. Chính phủ bắt đầu phân định tôn giáo ra thành những tôn giáo có thể đứng cùng phía với nhà nước và nhóm còn lại. Cơ quan chịu trách nhiệm làm việc này là Ban Tôn giáo, với chức năng giống như Bộ Lễ của triều đình phong kiến thời xưa.

Nhng rào cn để Vit Nam có đa dng tín ngưỡng thc s

Người Việt Nam có thói quen thờ phượng đa dạng và thực dụng. Việt Nam có nhiều truyền thống tôn giáo trong suốt lịch sử, nhưng không có hình thức thờ phượng nào nổi lên như một tín ngưỡng thống trị. Một con cá voi cũng có thể được tôn lên làm thần. Một người Việt Nam có thể vừa cúng đền thờ Thánh Mẫu, vừa niệm Phật trong chùa, vừa thờ cúng tổ tiên, vừa thắp nhang cho một người gặp nạn bên đường, vừa cầu nguyện với Chúa trong nhà thờ vào ngày Chủ nhật mà không cần phải thấy mâu thuẫn nội tại. Theo tác giả, điều này khiến sinh hoạt tâm linh ở Việt Nam gần với chủ nghĩa đa thần (polytheism).

Việt Nam công nhận quyền tự do tôn giáo của người dân trong Hiến pháp. Quan hệ nhà nước – tôn giáo – xã hội tại Việt Nam trên danh nghĩa giống như mô hình các nước Indonesia, Singapore hay Đài Loan. Mô hình quản lý này dựa trên các nguyên tắc : tôn trọng, hợp tác tích cực, và giữ khoảng cách để các tôn giáo phát triển. Nhờ đó, nó tạo nên một trạng thái gọi là sự đa dạng có thỏa thuận (covenantal pluralism).

Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều rào cản về mặt ý thức hệ của nhà cầm quyền khiến cho người dân Việt Nam không được thoải mái thực hành những niềm tin của mình.

Thứ nhất, định nghĩa tôn giáo hẹp đã được sử dụng và phổ biến trong Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng 2016, văn bản chính dùng để quản lý tôn giáo tại Việt Nam. Theo đó, tôn giáo chỉ bao gồm các tổ chức được nhà nước chấp thuận, có tổ chức, có giáo lý. Mọi hình thức sinh hoạt tâm linh khác không được xem là "tôn giáo" đều phải chịu nhiều giới hạn trong hoạt động.

Thứ hai, chính quyền Việt Nam vẫn giữ quan điểm rằng tôn giáo là một thế lực cạnh tranh sức ảnh hưởng với họ. Tư tưởng đề phòng này được chuyển hóa vào trong cả các văn bản luật pháp. Đơn cử, điều 6 của Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng quy định rằng các hoạt động tôn giáo có thể bị ngăn cấm để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cá nhân và cộng đồng. Điều khoản này thường được diễn giải để cấm cản hoạt động tôn giáo, cụ thể là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thứ ba, định kiến với phong trào tôn giáo của cộng đồng dân tộc thiểu số tại các khu vực miền núi là quá nặng nề. Mọi hoạt động tôn giáo của người dân tại các khu vực này dễ dàng bị dán nhãn "tà đạo", hay "âm mưu lật đổ chính quyền". Sự phân biệt đối xử này khiến cho nhiều người thiểu số cảm thấy bị hắt hủi trên chính đất nước mình.

Tác giả cho rằng có một hệ thống thứ bậc tôn giáo tồn tại ở Việt Nam, trong đó những tôn giáo truyền thống được xếp trên đầu, còn những tôn giáo thiểu số xếp dưới chót. Chừng nào các bậc thang này chưa được san phẳng và nhà nước cũng như người dân chưa đạt đến đồng thuận rằng có nhiều cách thức khác nhau, có giá trị ngang nhau để người Việt Nam sống và thực hành tín ngưỡng, một xã hội đa dạng vẫn còn xa mới có thể đạt tới.

Văn Thương

Nguồn : Luật Khoa, 16/09/2021

Tài liệu tham khảo

Edyta Roszko (2021) Controlled Religious Plurality : Possibilities for Covenantal Pluralism in Vietnam, The Review of Faith & International Affairs, 19:3, 89-103, DOI:10.1080/15570274.2021.1954421

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Văn Thương
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)