Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/09/2021

Úc phá vỡ hợp đồng với Pháp để đổi chiến lược chống Trung Quốc

Lưu Tường Quang

Có lẽ ngày 16/09/2021 (theo giờ Úc) cũng đã nhẹ nhàng trôi qua như bao ngày khác, nếu như Úc - Mỹ - Anh không công bố hiệp ước quốc phòng mang tên AUKUS, với việc cho phép Úc có được hạm đội tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân. Điều này cũng có nghĩa là hợp đồng mua tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel - điện do Pháp thiết kế sẽ bị hủy bỏ.

taungam1

Tầu ngầm Barracuda, do hãng DCNS Pháp thiết kế riêng cho Hải quân Hoàng gia Úc. DCNS/Handout via Reuters

Tại sao chính phủ Morrison lại làm điều này ? Có chăng sự bội tín từ Canberra đã làm nội các Paris nổi giận và có ảnh hưởng lên mối quan hệ đôi bên ? Phản ứng từ Bắc kinh trước tầm nhìn chiến lược mới của Úc ra sao ? Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của RFI tiếng Việt với luật sư - nhà báo Lưu Tường Quang* .

**********

RFI : RFI tiếng Việt trước hết xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Nếu nhìn một cách bao quát trên cục diện địa chính trị, chiến lược Tam cường AUKUS cùng với việc Úc mua tàu ngầm năng lượng hạt nhân có ý nghĩa đặc biệt thế nào ?

Lưu Tường Quang : Trong bối cảnh địa lý chính trị mới, mối đe dọa từ Trung Quốc mỗi ngày một gia tăng, đặc biệt tại Biển Đông. Do đó lãnh tụ Mỹ, Anh và Úc đã mật đàm nhiều tháng trong và sau Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Vương Quốc Anh hồi tháng 6/2021. Kết quả, liên minh chiến lược gọi là AUKUS được công bố cùng một lúc tại ba thủ đô ngày 16/9 bởi thủ tướng Úc Scott Morrison, thủ tướng Anh Boris Johnson và tổng thống Mỹ Joe Biden. Cả thế giới, bạn cũng như thù, Bắc Kinh cũng như Paris, đều ngạc nhiên trước diễn tiến này. Mặc dầu chính phủ Pháp đã nhận được thông báo nhiều giờ trước, nhưng Paris đã không coi là "tham khảo" đúng nghĩa và theo đúng nguyên tắc bang giao quốc tế.

AUKUS là một liên minh chiến lược dài hạn, mà dự án đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất là Mỹ, Anh sẽ trợ giúp Úc trong việc xây dựng hạm đội 8 chiếc tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân. Hậu quả, dự án hợp tác 12 tàu ngầm quy ước trị giá 90 tỷ Úc kim (tương đương với 66 tỷ Mỹ kim và 50 tỷ euro) mà Pháp và Úc đã ký kết năm 2016 bị hủy bỏ.

Thỏa hiệp song phương Pháp - Úc đã tiến vào thời điểm chốt mà mỗi bên đều có thể hủy bỏ. Trái lại, nếu Úc không dứt khoát và để thời điểm này trôi qua, hợp đồng sẽ khó có thể hủy bỏ hoặc là việc hủy bỏ sẽ quá tốn kém, nên không còn cơ hội nào tốt bằng chính thời điểm này.

AUKUS có ý nghĩa đặc biệt, vì đây là lần đầu tiên Mỹ chia sẻ kỹ thuật nguyên tử tối mật với một đồng minh, ngoại trừ Vương Quốc Anh 60 năm trước đây. Nước Úc cam kết sẽ tuân thủ quy định không phổ biến vũ khí nguyên tử theo Hiệp ước Quốc tế (Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons - NPT). Và cũng không kém phần quan trọng về mặt chính trị quốc nội, đó là Úc sẽ không chế tạo và sử dụng vũ khí nguyên tử.

Tổng thống Biden và thủ tướng Morrison đều đã nhấn mạnh khi loan tin về sự thành lập AUKUS : 8 chiếc tàu ngầm này sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng sẽ không được trang bị vũ khí nguyên tử. Tuy vậy, hạm đội mới này cho thấy Úc đang thay đổi tư duy về vai trò của mình trong liên minh với các quốc gia tự do dân chủ. Đặc biệt hơn nữa là thế đứng của Úc trước sự trỗi dậy quân sự của Bắc Kinh.

RFI : Như ông đã nói, việc chính quyền thủ tướng Scott Morrison thực hiện dự án đầu tiên của AUKUS cũng đồng nghĩa hợp đồng đóng tàu ngầm hàng chục tỷ đô la Úc với Pháp sẽ bị hủy. Trong khi, Pháp là một đồng minh thân hữu, một đối tác chiến lược quốc phòng quan trọng của Úc. Điều này có được coi như là một sự bội tín theo cách cáo buộc từ Paris, hay đây là kết quả tất yếu đã được dự báo trước qua các lần thương thảo đôi bên ?

Lưu Tường Quang : Chính phủ Pháp tỏ ra giận dữ và cay đắng trước diễn tiến mới này, không những về mặt nội dung, mà còn về phương cách "tham khảo" và thông báo quyết định mà Pháp coi là rất vụng về.

Sau nhiều lần thương lượng gay go, chính phủ Pháp và Úc đã ký thỏa hiệp năm 2016. Theo đó, Pháp (thoạt đầu do Tổng công ty DCNS và tiếp theo là do Naval Group, một Tổng công ty quốc doanh) sẽ đóng 12 chiếc tàu ngầm tấn công "attack submarines" thuộc lớp Barracuda. Lúc bấy giờ, chính phủ Úc có thể chọn loại Barracuda chạy bằng năng lượng hạt nhân hoặc Barracuda theo quy ước, tức là sử dụng diesel-electric. Úc đã lầm lẫn và gây ra sự chậm trễ khi chọn Barracuda quy ước. Hai nước phải thương thuyết lại nhiều lần và đã có lúc thỏa hiệp có nguy cơ bị bãi bỏ. Và gần đây nhất, các cuộc thảo luận này diễn ra ở cấp cao nhất là giữa thủ tướng Morrison và tổng thống Emmanuel Macron.

Sau khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Anh hồi tháng 6, tức là khi mật đàm tam phương đã bắt đầu, phái đoàn thủ tướng Morrison công du Pháp và được tổng thống Macron tiếp đón tại điện Elysée. Dự án tàu ngầm Pháp - Úc được thảo luận. Theo lời đại sứ Pháp tại Canberra, ông Jean-Pierre Thebault (nhân vật có mặt tại cuộc gặp gỡ này), thủ tướng Morrison đã nêu lên quan ngại của Úc về chính sách và hành động của Bắc Kinh tại Ấn Độ - Thái Bình Dương và Úc phải có quyết định thích hợp để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Chính phủ Pháp có thể đã không giải thích phát biểu của ông Morrison như là một cảnh báo rằng Canberra sẽ thay đổi dự án đóng tàu. Hoặc nếu chính phủ Pháp đã giải thích đúng ý định của thủ tướng Morrison, sự hoài nghi này có thể đã bị đánh tan, bởi vì khoảng 3 tuần lễ trước khi công bố AUKUS, ngoại trưởng Úc Marise Payne hoặc/và bộ trưởng quốc phòng Úc Peter Dutton đã xác nhận với các bộ trưởng đồng nhiệm Pháp là dự án Barracuda không có gì thay đổi.

Phản ứng bất mãn mạnh mẽ của Pháp không những đã được diễn đạt bằng lời, mà còn bằng hành động. Ngoại trưởng Pháp, Le Drian mô tả hành động của Úc và Mỹ là "một nhát đâm sau lưng" của một đồng minh. Bộ trưởng quân lực Pháp Florence Parly tố cáo Úc đã phản bội, làm mất lòng tin giữa hai nước. Nhưng quan trọng hơn cả, tổng thống Pháp Macron nói rằng, hành động của tam cường Mỹ - Anh - Úc là không thể chấp nhận được giữa các đồng minh. Ông Macron còn tố cáo tổng thống Mỹ Biden đã phá hoại dự án tàu ngầm của Pháp và Úc.

Bên cạnh đó, chính phủ Pháp đã triệu hồi đại sứ Pháp tại Washington và đại sứ Pháp tại Canberra về nước "để tham khảo ý kiến". Đây là hành động và ngôn ngữ thông thường khi một chính phủ muốn hạ giảm mức độ bang giao với một chính phủ khác. Tại Washington, tòa đại sứ Pháp hủy bỏ một lễ kỷ niệm 240 năm hải quân Pháp trợ giúp hải quân Mỹ đánh bại hải quân Anh trong cuộc chiến giành độc lập của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, có lẽ quan trọng hơn hết là chính sách của Paris đối với Bắc Kinh. Trong vài năm gần đây, chính phủ Pháp đã gia tăng sự hiện diện hải quân tại vùng Đông Nam Á, và năng động hơn cùng với các đồng minh Âu - Mỹ trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Nếu vì lý do AUKUS mà Paris trở nên thụ động hơn trong chính sách đối trọng với Trung Quốc, đó sẽ là điều không may cho cả Úc (và Việt Nam) trong vấn đề Biển Đông.

Ngoài ra, Pháp là một thành viên rất quan trọng trong khối Liên Âu mà Úc đang thương thuyết hiệp định tự do thương mại FTA. Mặc dầu Liên Âu đã xác nhận AUKUS sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực cho tiến trình đàm phán FTA, nhưng không ai có thể tiên liệu việc gì sẽ xảy ra. Điều mà chúng ta có thể tiên liệu, và chính phủ Úc cũng sẵn sàng, đó là Pháp sẽ đòi bồi thường thiệt hại lên đến nhiều tỷ đô la. Cả hai chính phủ vào một lúc nào đó sẽ phải tạo lại hòa khí, nhưng tiến trình này có thể mất nhiều năm.

RFI : Có những nguyên nhân khả dĩ nào để giải thích cho hành động chuyển hướng mang tính bùng nổ này của Canberra, thưa ông ?

Lưu Tường Quang : Từ sau Thế chiến thứ hai, Úc theo đuổi chính sách phi nguyên tử. Cụ thể, Úc không nỗ lực chế tạo vũ khí nguyên tử, cũng như không năng động tạo dựng một kỹ nghệ nguyên tử tại Úc, thí dụ như sử dụng nguyên tử nặng vào lĩnh vực năng lượng mà nước Úc cần. Mặc dầu về mặt tài nguyên, Úc rất giàu có với khối lượng uranium đáng kể. Bởi thế, AUKUS được coi là một sự xoay chiều quan trọng lần đầu tiên xảy ra trong hàng mấy thập niên qua. Chính phủ Úc không nhìn AUKUS từ góc cạnh kinh tế, mà hoàn toàn về mặt chiến lược an ninh quốc phòng.

Thủ tướng Morrison nói rằng mục tiêu chiến lược của Úc không thay đổi, tức là bảo vệ chủ quyền, độc lập và giá trị tự do dân chủ cho nước Úc, đặc biệt là đối với các đại cường. Thế nhưng, theo đánh giá của chính phủ Úc, bối cảnh chiến lược đã thay đổi trong thực tế. Đó là sự đe dọa mỗi ngày một gia tăng từ Trung Quốc, với sự trỗi dậy không hòa bình về mặt kinh tế và quân sự. Do đó, dù không thay đổi mục tiêu chiến lược, nước Úc cần phương tiện tân tiến hơn để theo đuổi mục tiêu chiến lược ấy (Thủ tướng Úc Morrison đã nói "We do not change our mind, but we need a new tool"). Đó là lý do vì sao Úc cần có hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân có rất nhiều lợi thế so với tàu ngầm quy ước, vì nó có khả năng lặn sâu rất lâu, hoạt động trong một vùng địa lý rộng lớn hơn và vận hành rất êm nên khó có thể bị phát hiện. Tàu ngầm hạt nhân cũng ít khi cần phải nổi lên mặt nước, nên không dễ bị tấn công.

Nhưng ngược lại, tàu ngầm hạt nhân cũng bị tai nạn và điều này đã xảy ra nhiều lần trong các hạm đội Mỹ, Anh, Nga, v.v… Một bất lợi khác cho Úc là thiếu chuyên viên kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ hạm đội tàu ngầm.

Còn nhiều yếu tố quan trọng khác mà vào thời điểm này chưa được tiết lộ là tổng phí của hạm đội tàu ngầm này. Sau 18 tháng nghiên cứu và thảo luận giữa các chuyên viên Mỹ - Anh - Úc, người ta chưa biết tàu ngầm sẽ được đóng như thế nào và tại đâu, cũng có thể tại Mỹ và một phần tại Adelaide, tiểu bang Nam Úc.

taungam3

Bảng so sánh kích thước tàu ngầm

RFI : Ngoài nước Pháp, theo ông, tại sao Trung Quốc cũng có phản ứng tiêu cực mạnh mẽ và thái độ của Bắc Kinh đối với Canberra sẽ như thế nào ?

Lưu Tường Quang : Bắc Kinh cũng chỉ trích mạnh mẽ Thỏa hiệp Tam cường AUKUS, bởi Bắc Kinh hiểu rằng, Trung Quốc là lý do chính của sự hình thành hợp tác chiến lược này, mặc dù lãnh tụ ba nước thành viên không hề nhắc đến Trung Quốc, khi công bố cũng như khi trả lời phỏng vấn. Ba lãnh tụ không lạ gì với phản ứng của Bắc Kinh. Trong khi đó, Pháp là quốc gia duy nhất bên ngoài AUKUS mà tổng thống Joe Biden nhắc đến, với sự ca ngợi quan hệ đồng mình chặt chẽ với Mỹ. Chắc hẳn ông Biden cũng dự đoán được phản ứng từ Paris.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao, Triệu Lập Kiên, như thường lệ, đả kích ba thành viên AUKUS là hãy còn "tư duy lỗi thời của thời Chiến tranh lạnh" và họ sẽ gây thiệt hại cho chính họ. Bắc Kinh còn đổ trách nhiệm vào ba nước AUKUS về một cuộc chạy đua vũ trang, tạo bất ổn cho toàn thế giới. Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận diều hâu của Nhân dân Nhật báo Bắc Kinh, còn táo bạo hơn khi xác quyết rằng trong bất cứ cuộc chiến nào, nếu xảy ra, Bắc Kinh sẽ chiến thắng.

Tại Úc, viễn cảnh một cuộc tấn công từ phía Trung Quốc, đặc biệt từ các căn cứ ở Biển Đông, là một đề tài thường xuyên được thảo luận giữa các chuyên gia và chính giới. Cựu thủ tướng Paul Keating và cựu thủ tướng Kevin Rudd, cũng như Giáo sư Hugh White, một chuyên gia về an ninh quốc phòng vẫn thường lập luận rằng, về mặt chiến lược, nước Úc nên tiến gần với Bắc Kinh, hơn là duy trì quan hệ chặt chẽ như hiện nay với Mỹ.

Hai cựu lãnh tụ Đảng Lao Động còn e ngại rằng, nguy cơ bị tấn công từ Bắc Kinh sẽ gia tăng vì Úc là thành viên của AUKUS. Tuy vậy, đây chỉ là quan điểm thiểu số. Trong khi đó, đa số dân chúng và phần lớn chính giới Úc vẫn ủng hộ quan hệ đồng minh giữa Úc và Hoa Kỳ mà nền móng đã được đặt trên Hiệp định hợp tác quốc phòng ANZUS 1951. ANZUS là chiếc dù bảo vệ của Mỹ trước mối đe dọa thường xuyên của Trung Quốc. Và nay AUKUS tạo cơ hội cho Úc có khả năng đóng góp hữu hiệu hơn với tư cách là thành viên của khối các quốc gia tự do dân chủ.

Có thể là một lập luận nghịch lý, nhưng khi nước Úc mạnh mẽ hơn về mặt quân sự trong một liên minh chiến lược mạnh mẽ hơn, nguy cơ một cuộc chiến với Trung Quốc sẽ giảm, vì cuộc chiến mà Bắc Kinh gây ra sẽ vô cùng tốn kém cho Trung Quốc. Đó là hậu quả của một thế chiến lược trên nền tảng quân bình sức mạnh quân sự gọi là deterrence.

Trong khi đó, nếu Úc bị đe dọa tấn công (kể cả bằng vũ khí nguyên tử), đôi lúc Canberra cũng có thể tạo áp lực ngược lại. Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhưng bộ trưởng thương mại Úc Dan Tehan đã cảnh báo, Canberra có thể bác đơn này. Một quốc gia chỉ có thể gia nhập CPTPP khi được tất cả thành viên đương nhiệm đồng thuận.

RFI : Rõ ràng kế hoạch đóng hạm đội tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân là một sự thay đổi lớn nhất trong định hướng chiến lược và quốc phòng của Úc trong nhiều thập kỷ. Đây được coi như một phần của mối quan hệ đối tác lịch sử với Mỹ và Anh nhằm chống lại sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, liệu kế hoạch này có ảnh hưởng lên mối quan hệ giữa Úc và Pháp, cũng như với các đối tác thường xuyên khác hay không ?

Lưu Tường Quang : Chính phủ Úc đã công khai tuyên bố sẵn sàng thảo luận với Pháp để giải quyết khác biệt sau khi thỏa hiệp song phương bị hủy bỏ. Mặc dầu ở thời điểm này, chính phủ Úc từ chối xin lỗi (qua phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Úc, Peter Dutton). Thế nhưng, trong bang giao quốc tế, lời xin lỗi có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nước Pháp cũng có thể trừng phạt kinh tế đối với Úc qua tiến trình thảo luận Hiệp định FTA với Liên Âu, nhưng để làm được điều này, trước hết Pháp cần phải thuyết phục 26 thành viên Liên Âu còn lại.

Có thể nêu một vài phản ứng khác, trước hết là từ các nước láng giềng gần gũi. Mặc dù có quan hệ rất chặt chẽ về mặt kinh tế và hợp tác quốc phòng với Úc, New Zealand sẽ tiếp tục duy trì chính sách phi nguyên tử và không cho phép tàu chiến nguyên tử đến New Zealand. Trong khi đó, Indonesia không chính thức chống đối AUKUS, nhưng cũng bày tỏ quan ngại trước viễn tượng nước Úc có hạm đội tàu ngầm hạt nhân trong vòng 20 năm sắp tới. Vì lập trường này của Indonesia, thủ tướng Morrison đã phải hủy bỏ chuyến công du đến Jakarta.

Ngoài ra, Malaysia cũng đã bày tỏ phản ứng tương tự như Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam hình như chưa có phản ứng chính thức và công khai. Trên nguyên tắc, một nước Úc mạnh mẽ hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn tại Biển Đông cũng có thể coi là thuận lợi cho Việt Nam. Vào thời điểm này, Singapore và Philippines là quốc gia Đông Nam Á có phản ứng tích cực với sự hình thành của AUKUS.

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn nhà báo Lưu Tường Quang.

Hoàng Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 23/09/2021

**********

Ghi chú : Luật sư - Nhà báo Lưu Tường Quang có mối quan tâm đặc biệt đến các vấn đề chính trị, ngoại giao tại Úc và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông là cựu Trưởng nhiệm SBS Radio (Head of SBS Radio), một cơ quan truyền thông đa văn hóa của Châu Úc.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lưu Tường Quang, Hoàng Hằng
Read 814 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)