Trên khắp đất nước này, Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ… mọi thành phố, đã có nhiều và rất nhiều lần cả thành phố chật cứng người ngoài đường vì những trận bão sau bóng đá.
Cả thành phố chật cứng người ngoài đường vì những trận bão sau bóng đá.
Đã có rất nhiều lần, phố đi bộ, phố du xuân chật cứng người đềm giao thừa, cây cỏ tan nát vì chân người đi, vì bứt phá.
Đã có rất nhiều lần những cuộc biểu tình nổ ra và bị dập tắt ngay tức thời bởi lực lượng an ninh chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp.
Đã từng có rất nhiều lần lễ lạc, người ta đi chơi chật như nêm, và cũng có rất nhiều, hay nói khác đi, hằng đêm, người dân ngồi đầy các phố để ăn nhậu.
Và, dường như, tuôn ra đường, tìm những gì đó sau sự ngột ngạt thường nhật từ công việc, từ đời sống rập khuôn và từ những bức xúc xã hội… để xả nó bằng sự cộng hưởng đám đông hò hét, đó là thói quen, bản tính chung của số đông người Việt trong rất nhiều năm nay.
Nói như vậy để thấy, chuyện người dân đổ xô ra đường là chuyện không mới, ai cũng thấy, nhân dân nhìn thấy, nhà nước nhìn thấy, lãnh đạo nhìn thấy, nó đã thành nếp chứ không mới mẽ gì.
Và khi bạn bước ra đường, bạn không thể hình dung hay tưởng tượng nổi chỉ vài phút nữa thôi, mình sẽ bị kẹt xe ở một tuyến đường nào đó. Bởi bạn làm sao có thể đoán định được có bao nhiêu người, từ bao nhiêu tuyến đường đổ về tuyến bạn đang đi. Nhưng điều đó nhà nước sẽ biết.
Bởi với hệ thống quan sát an ninh, với hệ thống quản lý vĩ mô về công sở, văn hóa, giao thông cùng các thông số định kỳ, chu kỳ rút ra được thông qua thời gian quản lý cũng như kinh nghiệm quản lý sẽ dễ dàng đưa ra những ước đoán về lưu lượng giao thông, kẹt xe, ùn ứ cục bộ.
Ngay cả việc dự báo thời tiết, cũng dựa trên các qui luật thiên nhiên, khí hậu, thời tiết và hiện tượng bất thường về áp suất không khí, người ta dự đoán được bão xa.
Việc siêu nhiên còn có thể tính toán, thì việc phân tích các qui luật lưu thông ở một khu vực và dự đoán giao thông hay các biến động trong các luồng di chuyển không phải là chuyện bất khả.
Đặc biệt, việc dự đoán, phân tích này lại nằm trong tay một hệ thống chính trị độc tài, có thể ra lệnh cho nhân dân ở yên trong nhà cả hơn ba tháng trời, đường sá vắng tanh thì chuyện điều tiết và dự đoán tình hình càng dễ dàng hơn.
Sở dĩ tôi phải nói dông dài như vậy giữa lúc này, bởi tôi luôn thắc mắc và không hiểu được nhà nước, chính phủ Việt Nam đang đặt bẫy nhân dân hay đang chống dịch một cách thiếu tư duy ?!
Bởi lẽ, sau các đợt giãn cách, phong tỏa cùng hàng loạt các tác động cứng nhằm tạo giãn cách tối đa, người cách ly người, nhà cách ly nhà… để rồi, dịch vẫn còn ẩn nấp đâu đó trên đất nước thì nhà nước lại thả cửa cho dân chơi lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5.
Hệ quả của lần thả cửa này là nhiều đám đông kéo ra đường chật như nêm, chạy như ong vỡ tổ để chơi lễ, ăn nhậu, hội hè… Và, kết cục là có gần hai mươi ngàn mạng người chết vì Covid-19 và con số người chết vẫn cứ tiếp tục tăng, giảm rồi tăng, nổi lên hằng ngày bằng ba chữ số.
Và, chính quyền lại bắt đầu phong tỏa cứng với chỉ thị 16+, test Covid cộng đồng, làm đủ thứ chuyện từ cách ly, bóc tách F0, F1, thậm chí cưỡng chế, bắt bớ người dân đi cách ly khi có nghi vấn họ là F1, cưỡng chế test Covid cộng đồng, đe dọa bằng các hình phạt… nhằm chống dịch.
Thành phố Hà Nội, một thành phố đã có thể chứng kiến mọi thăng trầm của Sài Gòn trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư này cũng có nhiều ca dương tính, cũng nóng lên vì dịch lây lan, cũng bóc tách, cách ly, phong tỏa.
Đặc biệt, trong một phiên họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ông Bí thư Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tuyên bố : "Tôi hứa với các đồng chí, Hà Nội mà bung, mà toang, tôi chịu trách nhiệm. Mà không hứa thì lúc đó tôi cũng chịu trách nhiệm…".
Dẫn chứng như vậy để thấy rằng chính quyền thành phố Hà Nội có quan tâm, có chuẩn bị cho việc phòng chống dịch Covid-19 bằng một sách lược của cả hệ thống lãnh đạo thành phố này.
Và, cái sách lược này là gì ? Như đã nêu trên, cũng giãn cách, cách ly, cũng bạ đâu chốt chặn đó, chia vùng xanh, vùng đỏ, giới nghiêm và phong tỏa… Có đầy đủ.
Không những vậy, việc cấp giấy đi đường, phân loại tuyến đi và đối tượng đi, rồi chích vaccine trên diện rộng, chạy đua chỉ tiêu 100% người dân thành phố được chích vaccine càng cho thấy quyết tâm chống dịch ở đây.
Thế nhưng, quyết tâm thì dữ dội, mà hành động thì như thế nào ? Cũng lặp lại y tình trạng trước đợt bùng phát thứ tư. Nghĩa là đang làm căng hết mức, đùng cái, thả cửa, mà thả cửa ngay trước thềm Tết Trung Thu.
Sau quá trình cách ly, giãn cách, phong tỏa, thiếu trước hụt sau, bí bách giữa bốn bức tường, khi nhà nước mở phong tỏa thì người dân sẽ tuôn ra đường, sẽ như chim sổ lồng, ong vỡ tổ. Điều này là đương nhiên, bởi Hà Nội từng chứng kiến nhiều trận bão bóng đá, không khí người dân ào ạt xuống đường đi bão, đón giao thừa… đã là kinh nghiệm của Hà Nội.
Vậy mà chính quyền mở van xả ngay trong dịp Tết Trung Thu thì khác nào bẫy nhân dân vào các đám đông rủi ro, chết chóc bởi dịch bệnh ? !
Với tâm lý chung của người dân, họ sẽ không nghĩ là khi ra đường, mình sẽ gặp một đám đông, một biển người như vậy. Thậm chí, người ta sẽ tưởng rằng ai cũng sợ dịch, không ra đường, thôi thì mình đi, nhân lúc còn ít người… Nhưng, một khi đã lọt vào luồng di chuyển của đám đông từ khắp mọi nơi đổ về một nơi, thì có muốn rút lui cũng không kịp.
Và, dường như mọi động thái chống dịch của thành phố Hà Nội chẳng có bất kỳ sự rút kinh nghiệm nào sau thành phố Sài Gòn, mà họ giẫm đúng lên vết xe đổ của Sài Gòn, Bình Dương. Tức là không lường được các đám đông ùn ứ giao thông khi chặn xe để kiểm tra giấy phép lưu thông, rồi mở cửa cái rẹt để người dân tuôn ra đường.
Nói nôm na, thích là làm, thích là bỏ, không hề quan tâm hoặc dự tính trước các đám đông phát sinh cũng như không đi đúng chủ trương chống dịch. Bởi mọi hoạt động, động thái từ giãn cách, cách ly, phong tỏa… đều có chung mục đích là tránh các đám đông tụ tập.
Nhưng, quá trình chống dịch lại cho kết quả ngược, tức là tụ tập các đám đông qui mô lớn và tạo nên các đám đông qui mô cực lớn trong lúc dịch đang hoành hành.
Như vậy, giả sử vô tình, do thiếu tư duy, do không dự đoán được tình hình và không nắm được qui luật dân sinh, thì lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự yếu kém của họ.
Ngược lại, nếu có hiểu biết mà vẫn để xảy ra tình trạng trên, thì rõ ràng đây là một âm mưu đáng sợ, nó làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân, an ninh quốc gia và kinh tế quốc dân. Là tội ác !
Cho đến thời điểm này mà Sài Gòn, Bình Dương vẫn chưa có người chịu trách nhiệm trước pháp luật về hàng chục ngàn cái chết của dân, Hà Nội vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm về đám đông ổ trung tâm phố cổ đêm Trung Thu cũng như các thủ tục gây ách tắc giao thông, tạo đám đông nguy cơ lây nhiễm cao… cũng là chuyện lạ.
Bởi mọi động thái, hành xử của chính quyền địa phương từ cấp nhỏ nhất cho đến các tỉnh đều rất gà mờ, thiếu tính toán và bất lực. Trong khi đó, lãnh đạo gà mờ, không có tư duy chống dịch, gây tổn thất nhân mạng trong nhân dân mà vẫn tiếp tục làm kiểu sai đâu sửa đó thì đích thị đang đùa giỡn trên tính mạng nhân dân, đang đặt bẫy nhân dân tới chỗ chết.
Phải có kẻ chịu trách nhiệm trước pháp luật, có như vậy nhân dân mới hết hoang mang và tuyệt vọng và mới thoát được chết chóc hàng loạt !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 22/09/2021 (VietTuSaiGon's blog)