Thông tin chống đảng trên Không gian mạng đang làm điên đầu Lãnh đạo Việt Nam. Tuy điều này không mới, nhưng thất bại chống "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong Quân đội, Công an và trong đảng của Lực lượng bảo vệ đảng mới là điều đáng bàn.
Đội tác chiến không gian mạng Quân khu 7 - Ảnh minh họa
Tình hình này đã được báo Quân đội nhân dân, cái loa "tuyên truyền" của Bộ Quốc phòng số ra ngày 5/10/2021, nhìn nhận :
"Âm mưu 'diễn biến hòa bình' của các thế lực thù địch thông qua mạng xã hội cũng không loại trừ với Quân đội nhân dân Việt Nam, vì đây là lực lượng chủ yếu, lực lượng nòng cốt bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và nhân dân.
Các thế lực thu địch thường lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, chỉ huy ; khai thác thông tin từ một số vụ việc tiêu cực đơn lẻ rồi xuyên tạc sự thật, thổi phồng thiếu sót khuyết điểm ; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất ; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn để đả kích, phủ nhận truyền thống, bản chất cách mạng của quân đội, bôi nhọ hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ", chia rẽ mối quan hệ mật thiết quân đội với nhân dân, kích động đòi "phi chính trị hóa" quân đội".
Báo của Bộ Quốc phòng viết thế, nhưng lại không có bằng chứng về những người viết chỉ trích Quân đội nên khó mà biết sự thật có hay không, hay chỉ do Lực lượng 47, chuyên nghề bảo vệ đảng và quân đội trên Internet, tung ra.
Theo Quân đội nhân dân, thì những thông tin lẫn lộn "thật - giả, tốt - xấu, khó nhận diện" của đối phương đã :
"Thúc đẩy nhanh các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong quân đội; truyền bá lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần, làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mục ruỗng về tổ chức, băng hoại về đạo đức của quân nhân".
Như vậy đã nguy chưa ? Quân đội, cũng như Công an là hai lực lượng được tổ chức chặt chẽ và có kỷ luật cao, được Đảng gọi là "thanh bảo kiếm" bảo vệ Đảng mà còn bị "các thế lực thù địch" lung lạc làm suy yếu đến nỗi đã có không ít người quay lưng lại với Đảng là tại sao ?
Bởi vì, theo bài viết : "Vẫn còn một số ít cán bộ, chiến sĩ nhận thức chưa đúng đắn tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, chưa thật sự chủ động, nhạy bén, sắc sảo ; còn lơ là, thiếu sót trong công tác và sinh hoạt thường ngày dễ dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, bội nhọ nhưng chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời. Còn có cán bộ thiếu tích cực nghiên cứu, tham gia đấu tranh kém hiệu quả, chưa phát huy hết trách nhiệm trong phát hiện, đấu tranh, phản bác những cái xấu, cái tiêu cực, những luận điệu sai trái, phản động ; chưa có những bài viết, thông tin chuyên sâu về lý luận và thực tiễn mang tính định hướng, tính chiến đấu để đấu tranh trực diện với các quan điểm thù địch, nên chưa tạo được sự chú ý rộng rãi và sức lan tỏa đối với cộng đồng".
Như vậy là khối trên 10.000 quân nhân của Lực lượng 47 của Tổng cục Chính trị Quân đội chuyên nghề phản biện, chống lại các "quan điểm sai trái" trên mạng Internet tại Việt Nam đã thất bại. Lực lượng này được thành lập ngày 8/01/2016 theo Chỉ thị 47/CT-CT "có mặt ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền, mọi lĩnh vực của quân đội" , không những chỉ là những "dư luận viên" viết bài bênh vực Đảng bằng mọi giá mà còn là tai mắt theo dõi sự chuyển biến tư tưởng trong quân đội tại mỗi đơn vị xem họ có đi sai đường lối của Đảng hay vi phạm kỷ luật quân đội hay không.
Ngoài ra, Lực lượng 47, song song với khối cán bộ chuyên nghề tuyên truyền của Ban Tuyên giáo đảng, còn có nhiệm vụ phản ứng nhanh chóng các hoạt động chống hay phê bình đảng của những người bất đồng chính kiến.
Vì vậy, theo Wikipedia (Bách khoa Toàn thư mở) thì :
"Các thành viên của Lực lượng 47 được trang bị kiến thức và kỹ năng như cách khai thác, sử dụng máy tính ảo thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc đăng ký tài khoản, quy trình báo cáo vi phạm bài viết trên mạng xã hội như Facebook. Họ còn lập ra các "nhóm bí mật" để trao đổi và thống nhất thông tin, tạo thành một hệ thống liên kết các lực lượng. Thông qua các tài khoản cá nhân, họ đăng tin bài dưới hình thức được mô tả là "viết bình luận" và "báo cáo lại cho cấp trên" để "tập trung đấu tranh phản bác" làm tăng số lượt bình luận ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam".
Tuy nhiên, hiêu quả của Lực lượng 47 cũng hạn chế, vì như lời Thiếu tướng Ngô Minh Châu nói tại Hội nghị quân chính Bộ Tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 thì :
"Vào lực lượng này cứ xin ý kiến chỉ đạo riết rồi có làm gì được đâu. Chúng ta như con gà công nghiệp, trong khi họ là gà ta, chạy khắp nơi và rất linh hoạt". Ông nói thêm : "Không gian mạng là không gian không ngủ, thông tin xảy ra lúc 1 giờ sáng, 2 giờ sáng và bất kể lúc nào, mức lan tỏa thông tin hơn cả thần tốc. Do vậy, Lực lượng 47 cũng phải không ngủ, khi phát hiện thông tin cực kỳ quan trọng phải phản ứng và xử lý ngay trong đêm, chứ không cần chờ tới sáng".
Trước những bất cập kém sắc bén và hiệu quả ít, bài viết của báo Quân đội nhân dân ngày 6/10/2021 đã cảnh giác những thay đổi ở các nước Đông Âu như Gruzia (2003) Ukraine (2012) và Bắc Phi như Tunisia, Libya, Ai Cập trong phong trào "Mùa xuân Ả Rập" năm 2011 "có sự tham gia rất lớn của các trang mạng xã hội".
Quân đội nhân dân viết : "Diễn biến hòa bình qua mạng xã hội đã và đang là phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các thế lực thù địch, phản động quốc tế trong giai đoạn bùng nổ thông tin ngày nay, nhất là đối với Việt Nam chúng ta".
Đảng sợ mất chính nghĩa
Vậy "diễn biến hòa bình là gì" ?
Theo Bách khoa Toàn thư mở thì : "Diễn biến hòa bình là khái niệm được một số nhà nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để nói về một chiến lược chính trị - ý thức hệ và xã hội của chủ nghĩa tư bản và chính trị cánh hữu nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Marx-Lenin và chủ nghĩa cộng sản. Đó là một quá trình diễn biến lâu dài, âm thầm, không đổ máu và yên lặng, nhưng sẽ dẫn đến sự loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và ý thức hệ của nó ở tại các nước xã hội chủ nghĩa . Hiện nay, khái niệm này cũng được dùng để chỉ sự âm thầm can thiệp của một nước phương Tây vào tình hình chính trị nội bộ của một nước đối thủ, dù đó không phải một nước xã hội chủ nghĩa theo ý thức hệ chủ nghĩa cộng sản".
Kết luận này phù hợp với lập trường của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam, vì vậy những ai chống đảng độc tài và phản dân chủ của đảng đều bị quy chụp là "thế lực thù địch".
Do đó, báo chính thức của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, số ra ngày 10/10/2021, viết : "Chống phá cách mạng Việt Nam là âm mưu thâm hiểm, lâu dài của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, chúng luôn tìm mọi cách bịa đặt, xuyên tạc, phủ nhận những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam...".
Cũng nên biết thứ "chủ nghĩa xã hội" của Đảng cộng sản Việt Nam chính là "chủ nghĩa cộng sản" lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng xây dựng đất nước.
Do đó, báo này khẳng định : "Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn ; kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã giúp cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên những thắng lợi vĩ đại trong đấu tranh giải phóng dân tộc ; thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, những thành tựu đạt được sau hơn 35 năm đổi mới đã không chỉ giúp nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của các tầng lớp nhân dân, mà còn trực tiếp nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế".
Nếu thành công như thế thì tại sao một số không nhỏ cán bộ, đảng viên đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" để quay lưng lại với Đảng đến mức nghiêm trọng đe dọa sự sống còn của chế độ ?
Bởi vì ai cũng biết, cả thế giới chỉ còn lại 5 nước đi theo chủ nghĩa cộng sản là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Bắc Triều Tiên (Bắc Hàn) và Cuba.
Trung Quốc thì đặt ra "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc", được diễn nghĩa bởi Bách Khoa Toàn thư mở :
"Là hệ tư tưởng chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc dựa trên chủ nghĩa xã hội khoa học. Ý thức hệ này hỗ trợ việc tạo ra một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa chi phối bởi các khu vực công vì Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. Chính phủ Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không từ bỏ chủ nghĩa Mác nhưng đã phát triển nhiều thuật ngữ và khái niệm của lý thuyết Mác-xít để hàm chứa hệ thống kinh tế mới. Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng chủ nghĩa xã hội là tương thích với các chính sách kinh tế. Trong tư tưởng của Cộng sản Trung Quốc hiện nay, Trung Quốc đang trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội-một quan điểm giải thích các chính sách kinh tế linh hoạt của chính phủ Trung Quốc để phát triển thành một quốc gia công nghiệp hóa".
Trong khi Đảng cộng sản Việt Nam thì bào chữa rằng :
"Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
(trích Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI)
Thật ra chuyện đi theo "chủ nghĩa" cộng sản hay xã hội chủ nghĩa là chuyện riêng của Đảng cộng sản Việt Nam, chẳng có "khát vọng" nào của dân như hoang tưởng của Đảng. Bởi vì nếu là "ý muốn" của dân thì tại sao lại có dân chống Đảng ; tại sao không dám tổ chức ứng cử và bầu cử dân chủ, tự do ; tại sao cấm dân ra báo ; và sợ gì mà không cho thành lập tổ chức chính trị đối lập với đảng cầm quyền. Tất cả những thứ độc quyền của Đảng là bằng chứng của độc tài, đảng trị không có lời nào bào chữa được vì chế độ này đã sản sinh ra tham nhũng từ đời này qua đời khác để làm băng hoại đất nước.
Đó là lý do tại sao, trong hơn 10 năm qua, từ khóa Đảng XI khi ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư đảng đã không sao "xây dựng chỉnh đốn đảng" cho thành một tập thể cầm quyền trong sạch, đoàn kết và hữu hiệu".
Bằng chứng là ông Trọng đã nói trong Diễn văn khai mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa đảng XIII ngày 4/10/2021 tại Hà Nội rằng :
"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện ; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này sẽ tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".
Kiểm soát – theo dõi
Như vậy là trong 3 khóa liên tiếp (XI, XII và XIII), Đảng vẫn dậm chân tại chỗ, vẫn trên bảo dưới không nghe, vẫn giữ nguyên tệ trạng anh làm việc anh, tôi làm việc tôi, mỗi ngưởi làm một cách.
Do đó, báo Quân đội nhân dân ngày 5/10/2021 mới đề xướng Đảng phải cấp thời kiểm soát hoạt động trên mạng của quân nhân, đảng viên và làm những công tác như :
- Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trước những sự kiện quan trọng, vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
- Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 35 (Bảo vệ nền tảng Tư tưởng Đảng) của đảng ủy các cấp thực hiện tốt việc tham mưu, xây dựng, ban hành đồng bộ hệ thống quy chế, quy định, chương trình hành động cụ thể ; chủ động xây dựng, tổ chức lực lượng để hoạt động đấu tranh trên không gian mạng có nền nếp, bảo đảm bí mật, rộng khắp, thống nhất, hiệu quả và bảo vệ mình.
- Cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp cần chú trọng quản lý hoạt động trên mạng xã hội của cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ khi sử dung internet, tham gia mạng xã hội và trong công tác đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng ; kịp thời chấn chỉnh các trường hợp chưa chuẩn mực trên mạng xã hội, bảo đảm hoạt động đấu tranh luôn đúng định hướng.
- Cần linh hoạt, sắc sảo, sáng tạo, tránh giáo điều, dập khuôn, máy móc ; đề cao ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, quy định phát ngôn... nắm chắc tình hình trên mạng xã hội của quân nhân, kịp thời phát hiện những biểu hiện dao động, suy thoái về tư tưởng, chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để có biện pháp giáo dục; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
- Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới", nâng cao nhận thức lý luận chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, kịp thời định hướng một cách thấu đáo, thuyết phục những vấn đề mới nảy sinh có ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý của bộ đội.
- Phải giáo dục cho quân nhân hiểu rõ "tính hai mặt" của không gian mạng cũng như âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ; tạo khả năng "tự miễn dịch" cho cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin xấu độc, cũng như tăng cường sức "đề kháng" để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với âm mưu "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng.
- Các cơ quan, đơn vị phải nhạy bén, thường xuyên, kịp thời, chủ động cung cấp thông tin chính thống thông qua chế độ thông báo thời sự và các hình thức tuyên truyền trong nhân dân
Cuối cùng báo Quân đội nhân dân kết luận :
"Tóm lại, chống "diễn biến hòa bình" trên không gian mạng là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt, gay gắt, lâu dài và vô cùng phức tạp. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, đi đầu, Lực lượng vũ trang nói chung, các đơn vị quân đội nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp đấu tranh hiệu quả, thiết thực, góp phần làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch trong tình hình hiện nay".
Nên biết Luật an ninh Mạng của Việt Nam, ban hành ngày 12/06/2018, đã quy định về "Thẩm quyền thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia" được quy định tại Điều 11 như sau :
"Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia ;
Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quân sự ;
Ban Cơ yếu Chính phủ thẩm định an ninh mạng đối với hệ thống thông tin cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ".
Như vậy là cuộc chiến tranh bảo vệ đảng và chế độ trên không gian mạng (Internet) của Quân đội, Công an chống lại lực lượng chống đảng trong 5 năm qua (2016-2021) vẫn còn muôn vàn khó khăn.
Nhưng kết quả này không làm cho ai ngạc nhiên, vì Lực lượng 47, dù có 10.000 quân nhân chuyên nghề bảo vệ Đảng, nhưng khi cấp lãnh đạo của họ lại chỉ biết gọi dạ bảo vâng thì kẻ dưới quyền cũng "ăn cơm chúa múa tối ngày" mà thôi.
Phạm Trần
(19/10/2021)