Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/10/2021

Việt Nam : Quản lý điện ảnh cần có tầm nhìn khai phóng

Ngô Ngọc Trai

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 đang diễn ra sẽ xem xét về dự án Luật Điện ảnh sửa đổi.

dienanh1

Cục Điện ảnh Việt Nam kiểm duyệt phim Ròm nhưng phim đã chiến thắng giải cao nhất của hạng mục New Currents tại liên hoan phim năm 2019

Xung quanh vấn đề này tôi cho rằng công tác quản lý điện ảnh cần có một tầm nhìn khai phóng.

Điện ảnh tạo xu hướng

Điểm quan trọng của điện ảnh là khả năng tạo xu hướng.

Nhớ lại hơn chục năm trước, vào năm 2006, cặp vợ chồng ngôi sao điện ảnh quốc tế Brad Pitt và Angelina Jolie đã đến Việt Nam, đi xe máy lượn chơi trên phố Sài Gòn.

Những hình ảnh về chuyến đi của cặp đôi ngôi sao truyền đi khắp thế giới đã đem dấu ấn tạo ra nhận thức Việt Nam là nơi đáng đến.

Đặc biệt hơn sang năm 2007 họ nhận con nuôi một bé người Việt.

Sự việc có khả năng tác động đến nhận thức công chúng thế giới giúp thấy được Việt Nam là nơi đáng để gắn kết sinh sống làm ăn.

Những sự kiện như vậy không dừng lại kết thúc khi xong việc, mà còn tạo ra những xu hướng, đó là xu hướng cho khách du lịch và thương nhân tìm đến.

Ở Việt Nam đáng tiếc công tác điều tra xã hội học còn hạn chế nên đã không có nghiên cứu đánh giá xem sau chuyến đi của cặp ngôi sao Brad Pitt và Angelina Jolie đã góp phần làm tăng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam ra sao.

Xét một cách rộng hơn, điện ảnh với tính chất hấp dẫn của những bộ phim gắn với những ngôi sao, cũng là điểm tạo ra xu hướng.

Đầu tiên là tạo xu hướng trong giới điện ảnh, sau đó sẽ lan tỏa ra giới truyền thông, văn hóa và doanh nhân.

Vài năm trước hẳn nhiều người đã cảm thấy rất thú vị khi phim Kong được quay tại Việt Nam có những thước phim mang hình ảnh đồi núi đầm nước Ninh Bình đến với người xem thế giới.

Mặc dù không có nghiên cứu thống kê nhưng có thể hình dung bộ phim cũng đã giúp đưa đến một lượng du khách quốc tế nhất định đến Việt Nam.

Nhưng sau đó tôi thấy hết sức đáng tiếc khi có thông tin đoàn làm phim 'Nhiệm vụ bất khả thi', một loại phim hành động ăn khách của Mỹ, đã từ bỏ kế hoạch quay phim tại Việt Nam.

Lý do được biết là khi đoàn làm phim muốn thuê một chuyến bay trực thăng để khảo sát vùng đồi núi phía bắc để lấy bối cảnh làm phim nhưng đã bị từ chối không thực hiện được.

Đó thực sự là một việc bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh vẻ đẹp đất nước rất đáng tiếc mà nếu muốn đạt được trong điều kiện thông thường nhà nước muốn quảng bá hình ảnh đất nước sẽ phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của.

dienanh2

Phim Hai Phượng kỷ lục phòng vé Việt Nam, gây ấn tượng ở Mỹ

Không chỉ vậy, sự việc đó có thể còn gây sự đứt gãy đối với một xu hướng tìm đến làm phim tại VN.

Đối với một đất nước đang trên đà hội nhập phát triển với thế giới thì Việt Nam rất cần phải chắt chiu nắm bắt những cơ hội để phát triển.

Luật điện ảnh hiện nay cần tạo ra không gian rộng rãi cho các hoạt động phim ảnh quốc tế.

Nên giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý như Bộ văn hóa thể thao và du lịch trong việc phối hợp tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đoàn làm phim quốc tế đến VN.

Điện ảnh để truyền thông

Để thấy được những gì mà điện ảnh có thể đem lại cho đất nước và nhìn ra những việc cần làm, hãy thử hình dung so sánh Việt Nam với một đất nước như Bangladesh.

Không có nhiều người Việt khi được hỏi sẽ trả lời được Bangladesh nằm ở đâu trên bản đồ thế giới.

Không mấy người Việt biết được ở đất nước Bangladesh có người nổi tiếng nào như cầu thủ, ngôi sao hay lãnh đạo chính trị danh tiếng nào.

Cũng hiếm người Việt biết được đất nước Bangladesh có danh lam thắng cảnh nào hay lịch sử đất nước có gì đáng lưu ý.

Nếu có tiền cũng ít người Việt nghĩ đến việc du lịch đến Bangladesh.

Có thể nói rất nhiều người hầu như không biết gì về Bangladesh, mà nếu muốn thì cần tra cứu trên google.

Trong khi đó Bangladesh không phải là một nước nhỏ, dân số của họ chừng 150 triệu người, đông hơn gấp rưỡi Việt Nam.

Đặt vấn đề như vậy để nhận ra rằng nhiều quốc gia trên thế giới giống như Bangladesh được rất ít người dân các nước khác biết đến.

dienanh3

Tọa đàm "Ai góp ý giơ tay lên" đã quy tụ hàng chục nhà làm phim nổi tiếng như : Trần Anh Hùng, Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Thị Bích Ngọc, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Hữu Tuấn...

Trong khi đó phim ảnh là một cách để truyền thông.

Thực tế là nếu có điều kiện đi du lịch thế giới và có một quyết định đi du lịch đến Bangladesh thì rất có thể một quyết định như vậy sẽ dựa vào thông tin sự kiện kiểu như vợ chồng ngôi sao điện ảnh Brad Pitt và Angelina Jolie mới tới nơi này.

Hoặc do xem một bộ phim có cảnh quay đẹp về đất nước Bangladesh.

Như thế, nếu chính phủ Bangladesh muốn thế giới biết đến mình thì phải quảng cáo về đất nước để thu hút khách du lịch và đầu tư.

Và nếu có một đoàn làm phim Mỹ muốn đến quay phim ở đây thì chính phủ Bangladesh hẳn là nên trân trọng đón chào coi đó là dịp để quảng bá đất nước mình.

Lãng phí một dịp như vậy trong khi bản thân đất nước như vậy thì quả là vô trách nhiệm đến dường nào.

Cũng cần hiểu là truyền thông về một đất nước không chỉ có phim ảnh mà còn báo chí.

Nhưng truyền thông qua phim ảnh gắn liền với cảm xúc tích cực qua sự hấp dẫn hay ho của phim.

Thay vì thông tin đến với thế giới qua những vụ việc tiêu cực như thiên tai ngập lụt.

Bởi vậy, để đánh giá được giá trị của điện ảnh đối với phát triển quốc gia, nhất là đối với những nước như Việt Nam, cần có một góc nhìn có thể giúp hiểu đúng về đất nước mình, để biết chắt chiu và thấy được những việc cần làm.

Những bộ phim điện ảnh mới đây của người Việt như phim Vị, phim Ròm của những đạo diễn trẻ bộc lộ tài năng đáng trân trọng, như đạo diễn làm phim Ròm chỉ mới ngoài 20 tuổi.

Cả hai phim đã đạt giải liên hoan phim quốc tế, được đánh giá cao năng lực sáng tạo của nhà làm phim, nhưng khi về nước đều bị cơ quan quản lý nhà nước đánh giá là có vi phạm này nọ rồi bị xử phạt.

Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng ra đời của những bộ phim hay khác của người Việt, do thiếu sự trân trọng tài năng.

Từ đó làm giảm đi cơ hội quảng bá đất nước con người Việt Nam ra thế giới.

Đứng ở góc độ quản lý nhà nước hiện nay, tôi không thấy có điều gì phải cản trở sự tự do tự chủ mạnh mẽ trong làm phim.

Những lo ngại lý giải cho việc phải quản lý phim ảnh để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội hoàn toàn có thể được bù đắp giải quyết bằng giá trị đem lại của điện ảnh cho phát triển kinh tế và tiến bộ về văn hóa khi đã được tự do.

Để tốt cho nền điện ảnh cũng như tốt cho cả đất nước hiện nay, công tác quản lý điện ảnh cần có một tầm nhìn khai phóng.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 24/10/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngô Ngọc Trai
Read 393 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)