Bắc Kinh có thể nghĩ rằng họ có cơ hội để chiếm Đài Loan trước khi các khoản đầu tư quân sự của phương Tây mang lại kết quả.
Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một "cuộc cạnh tranh chiến lược", như cách nói của chính quyền Biden, trong đó Đài Loan nổi lên là tâm điểm. Nhưng một quan điểm đang dần chiếm ưu thế trong chính quyền Mỹ dường như cho rằng mặc dù Trung Quốc là một thách thức nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và công nghệ đối với lợi ích của Mỹ, nước này không gây ra một mối đe dọa quân sự trực tiếp nào. Đây là một giả định rất thiếu thận trọng, có thể dẫn đến chiến tranh và cuối cùng là thất bại của Mỹ. Để tránh kết cục thảm hại đó, Hoa Kỳ phải nhận ra rằng Trung Quốc là một mối đe dọa quân sự, và xung đột có thể sớm xảy ra.
Điều gì khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa quân sự khẩn cấp ? Đầu tiên, Bắc Kinh đã nói rõ rằng họ sẵn sàng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan. Việc khuất phục hòn đảo không chỉ là chuyện thu hồi một tỉnh mà họ cho là đã mất, mà đó còn sẽ là một bước quan trọng để giúp Trung Quốc thiết lập quyền bá chủ ở Châu Á. Và đây không chỉ là nói suông. Quân đội Trung Quốc đã diễn tập các cuộc tấn công đổ bộ, và hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Trung Quốc cũng đã diễn tập các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào lực lượng Hoa Kỳ trong khu vực.
Thứ hai, Trung Quốc không chỉ có ý chí xâm lược Đài Loan, mà ngày càng có khả năng tiến hành mục tiêu này một cách thành công. Trung Quốc đã dành 25 năm để xây dựng một quân đội hiện đại, phần lớn là nhằm để khuất phục Đài Loan. Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và một lực lượng không quân khổng lồ và tiên tiến, kho vũ khí tên lửa và mạng lưới vệ tinh. Điều này không có nghĩa là Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan thành công ngay vào ngày mai, nhưng Bắc Kinh có thể ở rất gần mục tiêu đó. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết gần đây rằng Trung Quốc sẽ "hoàn toàn có năng lực để xâm lược" vào năm 2025. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang được cải thiện hàng tháng.
Thứ ba, Trung Quốc có thể nghĩ rằng cửa sổ cơ hội của họ đang khép lại. Nhiều cuộc chiến đã bắt đầu chỉ vì một bên nghĩ rằng họ chỉ có một khoảng thời cơ nhất định để khai thác. Chắc chắn đây là một yếu tố chính dẫn đến sự bùng nổ của hai cuộc chiến tranh thế giới. Bắc Kinh có thể đánh giá họ cũng đang đối mặt với một trường hợp tương tự ngày nay.
Cuối cùng thì dù chậm chạp và không nhất quán, nhưng Hoa Kỳ cuối cùng cũng đã thức tỉnh trước mối thách thức đến từ Trung Quốc và định hướng lại các nỗ lực quân sự của mình hướng vào Châu Á. Nhưng những khoản đầu tư này sẽ không thực sự bắt đầu đơm hoa kết trái cho đến cuối thập niên này. Trong khi đó, các liên minh như Bộ Tứ (Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ) đang liên kết để ngăn Trung Quốc có được khả năng thống trị khu vực. Theo quan điểm của Bắc Kinh, nếu chờ đợi quá lâu, các khoản đầu tư quân sự của Mỹ sẽ biến Mỹ trở thành một đối thủ quân sự đáng gờm hơn nhiều, trong khi một liên minh quốc tế lại hoạt động để cản trở tham vọng của Trung Quốc.
Tất cả điều này làm gia tăng thêm tình huống mà trong đó Bắc Kinh có thể nghĩ rằng tốt hơn hết là nên sử dụng vũ lực sớm hơn muộn. Để tránh xung đột và có thể là cả một thất bại, Mỹ phải nhanh chóng hành động để răn đe Bắc Kinh. Liên tục tuyên bố cam kết "vững như bàn thạch" của chúng ta đối với Đài Loan là một điều tốt nhưng chưa đủ.
Ưu tiên cấp bách nhất là Đài Loan phải nâng cấp triệt để hệ thống phòng thủ của mình. Những nỗ lực của riêng hòn đảo trên khía cạnh này sẽ quyết định liệu họ có thể tồn tại như một xã hội tự do hay không. Đài Bắc phải tăng gấp nhiều lần ngân sách quốc phòng, vốn bị lơ là nhiều trong những thập niên gần đây, và tập trung các khoản chi tiêu và nỗ lực của mình vào hai việc : ngăn chặn một cuộc xâm lược của Trung Quốc với sự giúp đỡ của Mỹ, và giúp hòn đảo có được khả năng chống chọi trước một cuộc phong tỏa hoặc không kích của Bắc Kinh. Điều này sẽ đòi hỏi tên lửa chống hạm, ngư lôi và hệ thống phòng không, cũng như kho dự trữ vật tư để chống chịu được một cuộc phong tỏa. Hoa Kỳ sẽ cần sử dụng mọi đòn bẩy để thúc đẩy hoặc buộc Đài Bắc phải thực hiện sự thay đổi này.
Washington cũng nên gây áp lực tương tự lên Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ. Nếu Đài Loan thất thủ, Nhật Bản sẽ bị Bắc Kinh đe dọa quân sự trực tiếp. Và Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng trong bất kỳ nỗ lực phòng thủ nào của Đài Loan. Nhật Bản ít nhất nên tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng (hiện chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội) ngay lập tức.
Trong khi đó, Mỹ cần củng cố vị thế quân sự của mình ở tây Thái Bình Dương. Một lực lượng thủy quân lục chiến, tàu ngầm và các lực lượng có khả năng sống sót khác được triển khai mạnh mẽ từ trước sẽ đảm bảo Mỹ và các đồng minh có thể ngăn chặn được bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Đài Loan. Hoa Kỳ phải mua và nhanh chóng triển khai các hệ thống như tên lửa chống hạm cùng dàn thiết bị trinh sát không người lái, những thứ cần thiết để giúp đánh bại một cuộc xâm lược của Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn chiến tranh chống lại một siêu cường sẽ đòi hỏi sự tàn nhẫn trong các ưu tiên của Mỹ. Muốn giữ vững thế đứng ở Châu Á, quân đội Mỹ sẽ phải ngừng hầu hết mọi thứ khác, trừ răn đe hạt nhân và chống khủng bố. Quân đội Mỹ sẽ phải thu nhỏ quy mô ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và thậm chí cả Châu Âu. Mỹ đã có cơ hội tạo ra một sự chuyển đổi cân bằng và căn bản hơn về phía Châu Á, nhưng chúng ta đã bỏ lỡ. Bây giờ chúng ta cần phải tập trung, ngay cả khi điều đó có nghĩa là quân đội hầu như trên thực tế phải loại bỏ mọi thứ khác.
Trung Quốc chắc chắn sẽ đặt ra một thách thức lâu dài đối với Mỹ ở cả các khía cạnh ngoài vấn đề sức mạnh quân sự. Nhưng rủi ro cấp bách nhất hiện nay là Bắc Kinh có thể nhìn thấy lợi thế khi dùng đến biện pháp chiến tranh. Thuyết phục Bắc Kinh rằng họ không thể giành được lợi ích từ việc xâm lược phải là một ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ.
Elbridge Colby
Nguyên tác : "The Fight for Taiwan Could Come Soon", Wall Street Journal, 27/10/2021
Trần Hùng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/10/2021
Elbridge Colby là tác giả của cuốn "The Strategy of Denial : American Defense in an Age of Great Power Conflict, và là cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược và phát triển lực lượng, 2017-18.