Đảng viên với những điều cấm
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định 47 năm 2011. Quy định mới giữ nguyên 19 điều như trước, kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp.
Quy định 37 của Ban chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm
Ở quy định cũ (quy định 47 năm 2011), điều 13 nghiêm cấm đảng viên báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch, lịch sử bản thân không trung thực ; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định ; mở tài khoản ở nước ngoài trái quy định ; tham gia hoạt động rửa tiền.
Ở quy định mới (quy định 37 năm 2021), Trung ương bổ sung một số hành vi nghiêm cấm được quy định tại điều 9, đó là "không được sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp ; nhập quốc tịch, chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài, mở tài khoản và mua bán tài sản ở nước ngoài trái quy định".
Các hành vi khác được bổ sung vào những điều đảng viên không được làm còn có : Không được "đe dọa, trù dập, trả thù người khiếu nại, tố cáo ; không thực hiện các quy định của Đảng và pháp luật về bảo vệ người tố cáo, phê bình, góp ý" ; không được "có hành vi chạy chức chạy quyền", "tham ô"…
Không cấm là được tha hồ vi phạm ?
Với những câu từ như trên, người ta có quyền hiểu là trước khi ông Tổng bí thư ký Quy định 37, thì đảng viên có thể không vi phạm gì hết khi sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, bất hợp pháp ; trước đây đảng viên có thể cũng được quyền đe dọa, trù dập, trả thù bất kỳ ai dám ý kiến phản biện, dám đối nghịch với ý kiến của mình ; trước đây, đảng viên còn có thể khi mua quan, bán tước cũng không sao, kể cả tham ô nếu có bị xử theo luật pháp, thì phải thông qua ý của Đảng, vì đó không phải là điều mà đảng viên không được làm.
Giờ có lẽ mọi chuyện phần nào khác đi khi đã là "những điều đảng viên không được làm", và ở mục II "Tổ chức thực hiện", Quy định số 37-QĐ/TW vẫn lặp lại mẫu câu đã có từ mười năm trước ở Quy định số 47-QĐ/TW, "Đảng viên vi phạm Quy định này phải được xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước".
Tuy nhiên với quy định 47 ở năm 2011, và mới nhất là quy định số 37, liệu có thể coi là thừa thãi, khi ở điều 4.3 của bản Hiến pháp 2013, ghi "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" ?
Một phần nội dung ghi tại điều 9 của Quy định số 37-QĐ/TW : "Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận giả, không hợp pháp", là hành vi chịu sự điều chỉnh của Bộ luật hình sự, điều 341 "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức ; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức".
Nếu chưa đến mức hình sự, thì việc xử lý kỷ luật tại cơ quan, khi viên chức dùng bằng giả được căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP là sẽ áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức vi phạm đó.
Xử lý kỷ luật viên chức dùng bằng giả theo điều 53 của Luật Viên chức thì "không có thời hiệu", nghĩa là cứ phát hiện thì có thể "buộc thôi việc".
Hồi tố với đảng viên Phùng Xuân Nhạ ?
Tưởng cũng nên nhắc lại, đầu năm 2008, giáo sư Nguyễn Tiến Dũng tại Đại học Toulouse, Pháp, gửi một báo cáo đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam, đưa ra bằng chứng là bộ trưởng giáo dục và đào tạo đương nhiệm "tự đạo văn". Bản báo cáo cũng được công bố trên mạng, dẫn đến những lời kêu gọi vị bộ trưởng từ chức.
Giáo sư Dũng và các cộng sự tập trung vào các bằng chứng trong hai bài báo bằng tiếng Anh của ông Nhạ và một tác giả khác, công bố năm 2013 và 2014, để nhận định ông Nhạ đã tự đạo văn, một thuật ngữ chỉ việc sao chép bài viết hoặc báo cáo cũ của bản thân đã từng công bố chính thức, nay giả vờ là mới.
Thẩm định của nhóm giáo sư Dũng với phần mềm tra cứu Turnitin cho thấy có 48% nội dung của bài năm 2013 được sao chép lại y nguyên vào bài năm 2014. Nhưng nếu tính cả những chỗ được viết lại, vẫn cùng nội dung nhưng dùng câu chữ khác đi để ngụy trang, có thể nói hai bài giống nhau gần 100%, báo cáo do giáo sư Dũng công bố cho hay.
Về vấn đề trích dẫn, bản báo cáo nêu ra 3 bài viết khoa học do ông Nhạ và một số người khác làm tác giả. Các biểu hiện bất thường về trích dẫn trong các bài này gồm viết tên tác giả người phương Tây bằng tên riêng thay vì tên họ đối với một số bài trong danh sách tài liệu tham khảo ; nhiều bài được đưa vào danh sách tham khảo song không thấy được trích dẫn trong bài viết khoa học ; một số câu ông Nhạ và đồng tác giả viết là họ trích dẫn từ các học giả khác, song trên thực tế không thể truy ra nguồn, hay còn gọi là trích dẫn khống.
Ông Phùng Xuân Nhạ hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Liệu có hồi tố đảng viên Phùng Xuân Nhạ về dấu hiệu vi phạm điều 9 của Quy định số 37-QĐ/TW ?