Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2021

Có tiền thì nền địa chất yếu đến đâu cũng không gì phải ngại ?

Lâm Viên

Tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng nằm ở đồi Dinh (điểm cao nhất trung tâm Đà Lạt) cao hơn so với vị trí ban đầu 28m để thực hiện tổ hợp khách sạn cao tầng.

dalat00

Tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất chọn phương án nâng dinh Tỉnh trưởng nằm ở đồi Dinh

2dalat2

cao hơn so với vị trí ban đầu 28m

Toà dinh thự là nơi ở và làm việc của tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức trước đây. Căn biệt thự được người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910, với 2 tầng lầu, 1 tầng trệt. Một thời gian dài, dinh được dùng làm Bảo tàng Lâm Đồng.

Khi bảo tàng dời sang cơ ngơi lớn hơn thì dinh thự này bỏ hoang. Đến năm 2011, UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho một chủ đầu tư tôn tạo và sử dụng khai thác du lịch nhưng việc này vẫn chưa được thực hiện cho đến nay.

Cùng với rạp Hòa Bình, chợ Đà Lạt, khu dinh thự đẹp này là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử tại Đà Lạt. Dấu vết vàng son kiến trúc của dinh thự vẫn khiến nhiều người say mê, tìm đến. Những cây cổ thụ được trồng cùng thời điểm xây dựng căn biệt thự cũng đóng vai trò hình thành nên sự độc đáo của khu Dinh tỉnh trưởng.

Đó là câu chuyện mà hổm rày được nhiều báo chí nhắc kể. Tuy nhiên xét về mặt địa chất, cần nói thêm rằng dường như phương án nâng dinh Tỉnh trưởng lên cao thêm 28 thước, là một mạo hiểm về kỹ thuật.

Ngay chân đồi Dinh là các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định, Phan Bội Châu.

Trong đêm 14-8/2021, chính quyền thành phố Đà Lạt đã di dời khẩn cấp 4 hộ dân đến nơi an toàn, do sụt lún nhà đất trong quá trình thi công giếng gom nước trong khu dân cư thuộc đường Trương Công Định.

Trước đó, ngày 26-4/2017, nhiều hộ dân trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, Đà Lạt bất ngờ phát hiện nhiều vết nứt nham nhở trong nhà và trên đường. Một số cánh cửa không đóng hoặc mở được vì bị xô lệch do bị ảnh hưởng bởi tình trạng nứt đất, một số nhà có hiện tượng nghiêng về phía sau. Vết nứt trên mặt đất còn xuất hiện tại vị trí của một số khách sạn khiến những người kinh doanh dịch vụ du lịch lo lắng.

Khu vực bị ảnh hưởng do tình trạng nứt đất kéo dài gần 100m, còn vết nứt trên mặt đất gần như song song với mặt đường Nguyễn Văn Trỗi dài khoảng 30m. Vài ngày sau, hiện tượng lún, nứt tiếp tục mở rộng, kéo dài, lan xuống các hộ dân ở đường Trương Công Định và đường Phan Đình Phùng, phường 2. Thời điểm đó, các cơ quan chức năng thống kê có tới 47 hộ với 219 nhân khẩu nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng sụt lún ; trong đó có 14 ngôi nhà bị nứt hoặc lún, 4 hộ bị ảnh hưởng nặng nhất đã phải di dời khẩn cấp.

Thời điểm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, địa phương xác định đây là hiện tượng bất thường. Ông Phạm S thông tin, khu vực này không có công trình đang thi công, xe tải trọng lớn lưu thông ; không có việc đào hệ thống mương, cống và không nằm trong đới đứt gãy địa chất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng gợi ý, nên xem xét thông tin phần lớn các công trình xây dựng tại khu vực này có kết cấu móng đơn, nếu một công trình kết cấu kém có thể kéo theo nhiều nhà và thông tin người dân cung cấp, cách đây khoảng 50 năm, khu vực này là bãi rác tự phát (!?)…

Tháng 3/2012, nhà ở của 15 hộ dân trong khu vực liền kề với dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại Dalat Center đã bị sụt lún và nứt, gần như bị hư hại hoàn toàn.

Nơi xảy ra vụ việc nằm ở đường Phan Bội Châu, ngay chân đồi Dinh. Hiện tượng đứt gãy địa chất xuất hiện khi đang thi công Dalat Center với 4 tầng hầm và 10 tầng nổi.

Cũng tại đường Phan Bội Châu, tháng 3/2021 một đợt lún, nứt đất đã xảy ra khiến nhiều nhà dân trong khu vực bị ảnh hưởng, di dời. Chính quyền thành phố Đà Lạt phải duy trì lệnh cấm xe tải, xe khách và tạm thời khắc phục bằng cách bơm bê tông vào vị trí nứt, sạt.

Các vụ nứt đất, "hố tử thần" hầu như chưa ghi nhận ở các vị trí khác tại Đà Lạt, tuy nhiên ngay trung tâm Hòa Bình và chân đồi Dinh thì các vụ lớn nhỏ liên tục xảy ra trong 10 năm nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đáng nói, khu trung tâm Đà Lạt là nơi có mật độ xây dựng dày đặc, lớn nhất Đà Lạt. Riêng tại khu vực này có 2 công trình cao tầng đồ sộ so với diện tích nhỏ hẹp của toàn khu : Dalat Center với 4 tầng hầm, 10 tầng nổi, khách sạn Bavico có 6 tầng, 252 phòng.

Theo quy hoạch chi tiết khu vực này do tỉnh Lâm Đồng công bố năm 2019 thì sẽ có thêm 2 công trình cao tầng xuất hiện : khách sạn L’Hôtel du Printemps Eternel, 10 tầng, nâng dinh Tỉnh trưởng lên khỏi mặt đất 28m, và trung tâm thương mại Hòa Bình có từ 3 đến 5 tầng nổi được xây dựng sau khi phá bỏ rạp Hòa Bình hiện tại.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 03/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)