Thời xa xưa, dân Việt Nam đai đa số làm nghề nông, sinh sống hầu hết ở nông thôn. Số người đi học rất hiếm hoi. Vì thế, học sinh được xếp đứng đầu trong năm giới : sĩ, nông, công, thương, binh ! Thời xa xưa đó, phải chờ ba năm mới có một cuộc thi Hương để chọn các Cử nhân. Một năm sau có kỳ thi Hội, thi Đình để chọn các Tiến sĩ. Con số người đỗ trong mỗi cuộc thi không tới một phần trăm số người ứng thí. Cả nước chỉ sản xuất mỗi ba năm chừng chục vị tiến sĩ !
Trong đại chúng thường không phân biệt rõ ràng giữa hai chữ "Tri thức" và "Trí thức". Hễ thấy ai có bằng cấp, đỗ đạt thì xếp họ vào thành phần trí thức.
Vì thế, những người có học vị Tiến sĩ, Cử nhân hay Tú tài ngày xưa được xem là thành phần ưu tú, được trọng vọng, ưu đãi nhất trong xã hội.
Sau khi thiết lập nền Cộng hòa, chính phủ ta cải cách chế độ thi cử theo khuôn mẫu Tây Phương. Tuy số người đi học lên rất cao, nhưng những vị có bằng tú tài trở lên vào thời đó cũng vẫn là giới ưu tú có nhiều cơ hội đạt đến địa vị trung lưu. Qua thập niên 1960 trở đi, bằng Tú tài mới trở thành phổ thông, nhưng cũng còn là lằn ranh phân định ngưỡng cửa của giới trung lưu.
Và người ta gán cho các vị có bằng cấp đại học là giới "Trí thức" ! Có nhiều tranh cãi quanh hai chữ này gán cho các vị khoa bảng.
Trước khi đi vào phân tích, chúng ta thử mở các trang tự điển xem các chữ Tri và Trí khác nhau thế nào ?
Theo từ điển Tín Đức thì "Tri" chữ Hán viết là 知 có nghĩa đơn giản là biết. Như thế, nhờ các giác quan mà con người biết sự vật căn bản ; rối nhờ học hỏi mà biết thêm những điều phức tạp khác.
Còn Trí 致 là "phần khôn biết, thông hiểu ở trong tinh thần người ta". Cũng có chữ Trí khác 智có nghĩa là khôn, hiểu thấu lý sự.
Người "Trí" không cần kiến thức của ai dạy, nhưng nghe, nhìn sự vật, sự kiện mà xét đoán cái nhân và cái quả của nó.
Chúng ta cần nhận thấy trước khi có "Tri" thì phải có "Trí"
Thưở hồng hoang, con người nhờ "Trí" mà vươn lên, vượt hẳn các loài động vật. Họ tìm ra lửa, làm vũ khi bằng đá, rồi bằng đồng. Họ dựng nhà để che mưa nắng, kết các thứ lượm được để che thân thể. Rồi qua thời gian, họ chế ra bánh xe tròn để chuyển vận. Họ sáng tạo ra chữ viết, giấy, mực để truyền thông. Và dần dà, qua hàng vạn năm với hàng triệu phát minh mà ngày nay có một nền văn minh tuyệt vời để chúng ta thừa hưởng
Tất cả từ "Trí tuệ" con người.
Rồi những khám phá, sáng tạo đó, được hệ thống hoá trở thành "Tri thức" để truyền đạt cho người khác qua giáo dục.
Nếu không có "Trí" minh mẫn của ông Isaac Newton, Galileo Galilei, Archimedes, Albert Einstein, Mari Curie… thì sẽ không có những "Tri thức" khoa học vật lý cho chúng ta ngày nay.
Một số các vị nói trên chưa hẳn ngày xưa có nhiều bằng cấp, khoa bảng. Chúa Jesus con của một người thợ mộc nay đây mai đó, có lẽ chưa qua các trường lớp ; nhưng ngài lý giải mọi việc phân minh. Nếu không có "Trí huệ" siêu phàm của Đức Thích Ca, thì chúng ta không biết lý giải thế nào về căn nguyên của cuộc sống bí ẩn !
Họ chính là những "Trí thức" đúng nghĩa.
Vì thế, dù đạt kết quả sau nhiều năm vất vả trong các giảng đường đại học, giới khoa bảng chỉ mới là giới "Tri Thức", tức là có sự hiểu biết do được truyền đạt từ học đuờng về ngành chuyên môn mà họ theo đuổi ! Bằng cấp thật ra chỉ là một tờ giấy chứng nhận một sinh viên đã qua được các kỳ thi, đạt số điểm trên trung bình. Nó là sự chứng nhận người có bằng có những kiến thức hay hiểu biết về chuyên môn ở một trình độ nhất định nào đó. Có nhiều người không qua trường lớp nhưng cũng gặt hái nhiều tri thức do từ sự tìm tòi, hay rút tỉa từ qua kinh nghiêm sống mà có.
Người Việt Nam thì quá coi trọng mảnh bằng vì đó là chiếc vé cho tương lai no ấm vẻ vang ; là cái chìa khoá mở những cánh cửa quyền lực và đặc quyền khác. Đối với người Việt, điều quan trọng không phải chỉ là kiến thức mà chỉ vì vai vế trong xã hội, làm chức cao, kiếm thật nhiều tiền, coi đó là cứu cánh của cuộc đời.
Chúng ta không lấy làm lạ có rất ít khoa bảng người Việt ngoi lên các địa vị chủ chốt trong các công ty Mỹ. Chúng tôi từng thấy các kỹ sư Mỹ sau giờ làm việc, có khi ở lại văn phòng tìm tòi học hỏi thêm để có nhiều phát minh. Có khi họ hy sinh cả những ngày nghỉ để nghiên cứu về công việc đang làm mà không trông chờ lãnh tiền phụ trội. Trong khi đó các kỹ sư Việt Nam đã tự mãn với bằng cấp và công việc nên làm hết 8 giờ ở hãng như một công chức. Xong khi về nhà là quẳng gánh lo đi, không còn suy nghĩ gì ngoài vui hưỏng cuộc sống !
Nhà bác học Albert Einstein có nói rằng giá trị của giáo dục bậc đại học không phải là học để thu nhận tri thức, mà là để rèn luyện trí thức. Vì thế, nếu chỉ lấy cấp bằng rồi tự mãn mà không nghiên cứu thì đúng họ chỉ là "Tri thức" mà chưa thể là "Trí thức"
Vì thế, không phải là phủ nhận các khoa bảng không có trí thức ! Họ cũng có thể là những nhà "Trí thức" nếu tự bản thân họ là ngưòi sáng trí.
Người "Trí thức" nếu đi học thì sự tiếp thu "Tri Thức" sẽ nhanh hơn hơn người thiểu trí. Vì người thiểu trí chỉ "Tri" (biết) những gì mình được dạy ; còn người "Trí thức" sẽ dùng "Trí" để nhân cái "Tri" lên gấp nhiều lần. Học một, biết mười là thế !
Ông bác sĩ thì rõ ràng biết rất rộng về cấu tạo, chức năng các bộ phận của cơ thể con người. Tại bệnh viện, ông là bậc thầy của những ông bà kỹ sư, luật sư, giáo sư… Nhưng ra khỏi phạm vi y khoa, thì những vị kia lại là thầy của ông về các lãnh vực của họ. Nếu ông về nông thôn, bàn chuyện mùa màng gieo cấy, ông bác sĩ, kỹ sư, luật sư … lại phải học các bác nông dân chưa hề ngồi trong trường tiểu học.
Trong môi truờng đại học, có những ngành học chỉ cần siêng năng, có trí nhớ tốt ; nhưng cũng có những ngành học khác đòi hỏi người học phải có "Trí tuệ" để hiểu những vấn đề phức tạp. Môn Toán, Điện toán, nếu không có trí tuệ, sẽ không học thành công ! Môn Kiến Trúc, nếu không có "Trí tuệ" khi ra trường chỉ là những người thợ không hơn không kém. Môn Chính trị, Xã hội, Hội họa, Văn chương, nếu không có "Trí tuệ" thì chỉ có cách đi dạy kiếm sống chứ không mong trở thành những chính trị gia, những nghệ sĩ thành danh. Tóm lại, các vị khoa bảng tri thức là những vốn quý để vận hành guồng máy xã hội. Còn những trí thức – trong đó có người khoa bảng và người không khoa bảng – thì lại là giới ưu tú nếu có tâm tốt sẽ thúc đẩy văn minh nhân loại tiến lên ; và ngược lại nếu có tâm tà thì chỉ mang đến thảm họa cho nhân loại.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin đề cập đến một vấn đề rất tế nhị mà có thể sẽ làm nhiều vị không hài lòng.
Đó là việc sử dụng các học vị không nhằm lúc, không đúng chỗ.
Có nhiều bài văn, truyện ngắn, bài thơ – không dám phê bình là hay hoặc dở – nhưng bên dưới thấy tên tác giả đi liền với các học vị Bác Sĩ, Kỹ Sư, Giáo sư… Các vị này nếu viết về những đề tài trong lãnh vực học vấn của họ, thì rất cần ghi học vị để tạo sự khả tín trong người đọc. Chứ làm thơ, viết văn, ai có tâm hồn đều có thể làm được, cần gì phải có bằng cấp mới làm hay hơn người không có bằng cấp ?
Cách sử dụng danh vị Giáo sư cũng bị lạm dụng rất nhiều. Tại Mỹ, các vị dạy trung học trở xuống gọi là "teacher" ; dạy đại học gọi là "instructors". Danh vị Giáo sư là một danh hiệu được phong tặng cho các vị có bằng Tiến sĩ trở lên, dạy cấp đại học 4 năm và có uy tín. Đó là danh vị cao nhất trong ngành đại học.
Có vị giải thích là vì ngày xưa, ở Việt Nam các thầy trung học đều gọi là giáo sư ! Đúng vậy, chúng ta có thể nói "Ông Nguyễn văn Minh, Giáo sư trường Lê Lợi ; bà Lê Thị Ngọc, Giáo sư Việt văn …" Nhưng không thể chỉ xướng danh Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Giáo sư Lê Thị Ngọc. Vì khi hai chữ Giáo sư đặt trưóc tên họ, thì nó là một danh vị được phong như định nghĩa dẫn trên.
Và càng nên tránh kê khai học vị ra ở những nơi không cần thiết như giới thiệu trong đám cưới, đám tiệc, ghi trong các tờ phân ưu, cáo phó… Chúng tôi nghĩ rằng những vị có lòng tự trọng sẽ rất khó chịu khi bị xướng danh và học vị kiểu này.
Ngày Quốc khánh Việt Nam Cộng Hòa 26/10/2021.
Đỗ Văn Phúc
Nguồn : VNTB, 08/11/2021