Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/11/2021

Từ bỏ điện than : Thách thức lớn đối với Việt Nam

Thanh Phương

Tại hội nghị về khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland, ngày 04/11/2021, khoảng 40 nước, trong đó có Việt Nam, cùng với nhiều vùng lãnh thổ và nhiều tổ chức, đã cam kết dần dần ngừng sử dụng than đá trong các nhà máy nhiệt điện. Các nước tham gia thỏa thuận này cam kết không đầu tư vào những nhà máy điện than mới ở trong nước và ở nước ngoài.

dienthan1

Nhà máy nhiệt điện than Ninh Bình, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 19/09/2007.  AP - Chitose Suzuki

Theo kế hoạch được chính phủ Anh công bố, các nước giàu sẽ giảm dần sản xuất điện than trong những năm 2030. Thời hạn này sẽ được kéo dài đến những năm 2040 cho những nước nghèo, trong đó có Việt Nam.

Cam kết nói trên của Việt Nam được quốc tế rất chú ý, bởi vì Việt Nam hiện là một trong những quốc gia sử dụng điện than nhiều nhất thế giới. Nhưng chúng ta có thể hiểu như thế nào về cam kết của Việt Nam ? Trả lời phỏng vấn ban Việt ngữ RFI ngày 08/11/2021, giáo sư Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhận định : 

"Nếu cam kết như thế thì có thể có nhiều cách hiểu là từ năm 2050 trở đi Việt Nam sẽ không còn điện than. Nói cách khác là kể từ giờ trở đi, sẽ không có kế hoạch xây các nhà máy điện than mới, chỉ có những nhà máy đang được xây dựng là vẫn tiếp tục. Hiểu như thế thì cũng thấy rằng sẽ rất khó cho Việt Nam. 

Nhưng theo kế hoạch gọi là Quy hoạch điện 8 cho giai 2021-2030, và xa hơn, đến năm 2045, một quy hoạch hiện cũng rất đang được chú ý, nhưng chưa được chính thức phê duyệt vì còn nhiều khó khăn, từ nay đến năm 2031, tức là gần 15 năm nữa, Việt Nam sẽ xây thêm 27 nhà máy nhiệt điện than, với tổng công suất là 31.000 MW. Con số nhà máy và tổng công suất như vậy là rất cao, trong khi Việt Nam hiện nay đã được xếp thứ 11 thế giới về công suất điện than rồi. Cho nên, tuyên bố của thủ tướng Việt Nam tại COP26 rất được chú ý, vì Việt Nam là một trong những "cường quốc" về nhiệt điện than.

Để thực hiện được cam kết của thủ tướng ở hội nghị COP26, thì trước hết phải giải quyết 27 nhà máy nhiệt điện than mới mà chúng ta dự định xây. Nhưng bỏ những nhà máy đó thì sẽ thay bằng cái gì ?".

Hướng phát triển năng lượng tái tạo và điện hạt nhân

Đây sẽ là bài toán nan giải, bởi vì điện than hiện vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn ở Việt Nam. Theo thống kê, tới cuối năm 2020, hệ thống điện Việt Nam đang có 21.300 MW công suất điện than, chiếm 30,8% công suất điện và 50% sản lượng điện. Vậy thì Việt Nam có thể chọn những giải pháp nào để dần dần từ bỏ điện than ? Giáo sư Phạm Duy Hiển gợi ý :

"Các nhà máy điện than nay phải mua khí hóa lỏng thay than, nhưng khí hóa lỏng thì bây giờ giá cả cũng rất bấp bênh và không biết là khả năng cung cấp có dễ dàng không. 

Thế còn các loại năng lượng tái tạo đã được đưa vào trong quy hoạch, bao gồm điện Mặt trời, năm 2030 sẽ chiếm 14%, điện gió cũng sẽ chiếm 14%. Tôi nghĩ là Việt Nam đang rất có ưu thế về điện Mặt trời, nhưng cũng chỉ phát triển lên đến mức như thế thôi, khó mà có thể nhiều hơn được. 

Gần đây có dự án điện gió ngoài khơi của Đan Mạch với công suất 4.000 MW. Đó là công ty rất mạnh về điện gió, thế nhưng dự án đó cũng chỉ được 4.000 MW. Nói chung, điểm lại các phương án thay thế nhà máy nhiệt điện than, không có phương án nào thật sự dễ dàng để thực hiện ngay". 

Một con đường khác có thể giúp từ bỏ dần điện than, nhưng vẫn bảo đảm cung cấp đầy đủ năng lượng cho nền kinh tế, đó là điện hạt nhân. Nhưng theo giáo sư Phạm Duy Hiển, đối với một nước như Việt Nam, chỉ có những lò phản ứng công suất thấp là thích hợp :

"Điện hạt nhân ở Việt Nam có khả năng trở lại được hay không và giải quyết được gì cho 27 nhà máy nhiệt điện than mà chúng ta sẽ từ bỏ ? Đó là điều rất khó, bởi vì Việt Nam trước đây đã định đưa vào, nhưng đến năm 2016 đã phải từ bỏ điện hạt nhân.

Một điều đáng chú ý đó là Pháp, nước sản xuất điện hạt nhân thuộc loại cao nhất thế giới, với điện hạt nhân chiếm đến 70% tổng sản lượng điện, sử dụng các lò phản ứng hạt nhân thuộc thế hệ 3+, rất hiện đại.

Thế nhưng, tổng thống Macron gần đây đã không nói đến việc tiếp tục theo hướng đó, mà nói là nước Pháp sẽ nghiên cứu các loại lò phản ứng công suất thấp, khoảng chừng 200 MW lắp theo module.

Tại sao nước Pháp từ bỏ con đường cũ mà làm theo con đường mới, mà con đường mới này còn đang được nghiên cứu ? Các lò ấy có những ưu điểm gì ? Người ta sản xuất thành những module, những module này được kiểm tra chất lượng ngay tại nhà máy, chứ không đưa đến công trường rồi mới kiểm tra, rồi lại gây ra nhiều chuyện rắc rối như nước Pháp đã thấy trong thời gian vừa qua khi cung cấp nhà máy điện hạt nhân cho Phần Lan, kéo dài thời gian và đội vốn lên. 

Như thế nếu Việt Nam có theo con đường điện hạt nhân thì phải đợi các lò công suất thấp ấy được thương mại hóa. Hiện nay các lò này chưa thương mại hóa được, bởi vì giá còn cao và do đơn đặt hàng ít. Cho nên, nếu các nước mà nhảy vào hướng đó, thì tôi chắc là đến năm 2035, các nhà máy kiểu như thế này sẽ được thương mại hóa và Việt Nam có thể đi theo con đường này".

Xem lại vấn đề tiết kiệm và hiệu quả sử dụng năng lượng

Nhưng trước mắt, điều mà giáo sư Phạm Duy Hiển vẫn thường nhấn mạnh, đó là, thay vì chỉ lo gia tăng nguồn cung cấp, Việt Nam phải chú ý đến vấn đề tiết kiệm năng lượng và hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện bị xem là kém nhất trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương :

"Không thể lúc nào cũng nói đến các nguồn cung, mà bây giờ phải bàn đến việc giảm các cầu về điện. Nói cách khác là phải tăng cường việc tiết kiệm và hiệu quả sử dụng năng lượng. So sánh Việt Nam với khoảng 30 nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, căn cứ vào các tiêu chí khoa học để đánh giá về khoa học, hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam là thấp nhất, không chỉ so với các nước tiên tiến như Nhật, Singapore, mà so cả với các nước lạc hậu hơn như Philippines, Indonesia.

Cho nên bây giờ đã đến lúc bàn lại vấn đề này một cách nghiêm túc, không nên chỉ lo về vấn đề nguồn cung cấp điện là gì, là khí, than, điện hạt nhân, hay năng lượng tái tạo, mà phải xem ở phía bên kia, tức là phía cầu, chúng ta đã làm tốt chưa. Cái "tăng trưởng xanh" mà người ta nói nhiều phải có hai vế : nguồn cung điện phải là nguồn xanh, ví dụ năng lượng tái tạo, nhưng còn một vế nữa là vế cầu, phải sử dụng cho thật hiệu quả, không lãng phí năng lượng.

Hai vế cung và cầu trong bài toán tăng trưởng xanh giống như hai mặt của một đồng tiền. Ở Việt Nam ít nói về chuyện này, lúc nào cũng nghĩ là thiếu điện thì phải làm thêm nhà máy, phương án này không được thì làm phương án khác, chứ không nghĩ làm như thế là tốt hay xấu.

Dùng điện nhiều nhất ở Việt Nam là điện để sản xuất chế tạo. Không ai xem xét hiệu quả của nó ra làm sao, không có một nghiên cứu nào đưa lên cho nhà nước thấy hiệu quả của nó là không tốt. Trong các công trình nghiên cứu của tôi, tôi đã chứng minh rất rõ rằng việc sử dụng năng lượng hiện nay không có hiệu quả trong sản xuất, chế tạo. Việt Nam chú trọng quá nhiều đến kết quả sản xuất ra hàng hóa, mà không chú ý là làm ra hàng hóa ấy tốn bao nhiêu điện. Nếu sử dụng điện năng ở Việt Nam hiệu quả như các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, thì không cần xây dựng nhiều nhà máy, nhất là nhà máy điện than, mà vẫn có thể bảo đảm cho Việt Nam tăng trưởng tương đối là bình thường.

Dĩ nhiên làm việc này sẽ đụng chạm rất nhiều, là bởi vì nó đụng đến người sử dụng năng lượng. Cách mà thế giới hay dùng, nhất là trong cơ chế thị trường, là phải dựa trên đòn bẩy về giá. Giá điện năng sẽ là đòn bẩy rất lớn. Nhưng nếu đụng về giá ở Việt Nam thì có cái khó là người ta sợ dân sẽ không đồng tình, sẽ gây ra những rối loạn.

Tuy nhiên, việc hiện nay của chúng ta cũng như của toàn thế giới là việc rất lớn : phải cứu sống quả đất này cho thế hệ con cháu của chúng ta. Nếu thấy đó là ưu tiên cho con cháu chúng ta, thì phải tìm cách giải quyết vấn đề dùng điện năng như thế nào và thay đổi ý thức của chúng ta, mà thay đổi trước hết phải là từ người lãnh đạo. Không nên nghĩ rằng cứ lúc nào thiếu điện thì xây thêm nhà máy, thiếu than thì mua thêm than, mà mua than bây giờ đâu có dễ, vì giá ngày càng đắt. Cho nên giải quyết vấn đề hiện nay tức là phải giải quyết toàn bộ bài toán cơ cấu kinh tế, bài toán cung và cầu về năng lượng".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 15/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)