Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/11/2021

Bóng ma lạm phát đang đe dọa sinh hoạt kinh tế Việt Nam

Văn Kiên - Dũng Nguyễn

Thống đốc Ngân hàng nhà nước : Rủi ro lạm phát năm 2022 là rất lớn

Văn Kiên, Tiền Phong, 12/11/2021

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho rằng, việc đảm bảo chỉ tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn.

lamphat1

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (ảnh Nhật Minh)

Tham gia giải trình trong phiên chất vấn tại Quốc hội, sáng 12/11, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính, là điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống.

Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, theo bà Hồng, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn. "Việc đảm bảo mục tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4% có thể đạt được, nhưng năm 2022, rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn", bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng bày tỏ sự thận trọng với khả năng bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng. Theo bà Hồng, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý.

Dẫn bài học từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008- 2009, bà Hồng cho rằng, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại. Vì thế, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.

lamphat2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ảnh Nhật Minh)

Bày tỏ ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, song Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, các gói này kích cầu phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. "Tăng bội chi ngân sách 2022, 2023 nhưng giảm các năm tiếp theo và làm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", ông Phớc nói.

Cụ thể, theo ông Phớc, nếu bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ, hai năm 2022- 2023 là 40.000 tỷ, thì với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 4% thì huy động được khoảng 1 triệu tỷ bỏ vào nền kinh tế. Khoản này không làm tăng bội chi ngân sách, cũng không làm tăng nợ công vì nguồn này được lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ 2021- 2025.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng băn khoăn khi có tiền rồi, nền kinh tế có hấp thụ được không và vào lĩnh vực nào. Theo ông, tiền phải đổ vào các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư, tạo nên đột phá lớn để tăng trưởng. "Phải lấy dự án trong điều kiện đặc biệt thì mới tiêu được tiền ở các gói kích cầu", Bộ trưởng Tài chính nói.

Về nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp, Bộ trưởng Tài chính cho rằng có nhiều nguyên nhân, "nhưng cũng có nguyên nhân từ thể chế". Hiện Nghị định 59 quy định, các công trình loại A thì các bộ ngành chuyên ngành phê duyệt, nên các tỉnh phải đưa hồ sơ lên Bộ ngành để phê duyệt thiết kế cơ sở.

"Việc này cũng chậm nên khó khăn. Cạnh đó, giải phóng mặt bằng, lập dự án để xác định nguồn vốn cũng khó khăn, trong khi phân bổ vốn thì chậm", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Văn Kiên

Nguồn : Tiền Phong, 12/11/2021

*************************

Những nỗi lo về áp lực lạm phát trong tương lai gần

Dũng Nguyễn, Kinh Tế Sài Gòn, 12/11/2021

Người đứng đầu Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ cân nhắc các gói hỗ trợ kinh tế dựa trên việc kiểm soát yếu tố lạm phát và an toàn hệ thống.

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong và sau đại dịch tại Quốc hội sáng ngày 12/11, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (Ngân hàng nhà nước) Nguyễn Thị Hồng đánh giá chỉ tiêu lạm phát dưới 4% trong năm nay là thực hiện được, nhưng rủi ro lạm phát trong năm 2022 là rất lớn.

Một lý do chính là giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng tăng khi nền kinh tế thế giới dần hồi phục, điển hình trong số này là một số mặt hàng như xăng dầu tăng rất cao. Lạm phát tại các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu cũng tăng mạnh đáng kể trong thời gian qua.

Còn với Việt Nam, Thống đốc đánh giá nền kinh tế có độ mở lớn nên hiện đối mặt với áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu.

lamphat3

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng. Ảnh : Tài chính Tiền tệ.

Trong khi đó, xu hướng lạm phát tăng nhanh khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hiện đã và đang phải dừng, rút dần chính sách nới lỏng tiền tệ.

"Áp lực lạm phát và áp lực điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian là rất lớn", người đứng đầu Ngân hàng nhà nước đánh giá.

Theo bà Hồng, chính sách tiền tệ phải thực hiện hai nhiệm vụ chính là góp phần kiểm soát lạm phát, vĩ mô và đảm bảo an toàn, khả năng chi trả của hệ thống. "Việc xem xét các công cụ chính sách trong thời gian tới, Ngân hàng nhà nước phải căn cứ trên hai mục tiêu này, đồng thời đảm bảo cân đối lớn của vĩ mô như nợ công hay bội chi ngân sách", bà Hồng nói thêm.

Dựa theo đó, đại diện Ngân hàng nhà nước cho biết trong thời gian tới cũng sẽ tích cực phối hợp với các Bộ ngành để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở ổn định vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát và an toàn hệ thống. Bà Hồng cũng nhắc lại bài học về việc thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2008, nếu không tính toán cẩn thận thì rủi ro lạm phát sẽ quay trở lại.

Về chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng trong thời gian qua, Thống đốc cho biết ngay từ đầu năm 2020, Ngân hàng nhà nước đã ba lần giảm lãi suất, từ 1,5-2%/năm, được đánh giá là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực.

Ngoài việc điều hành lãi suất, cơ quan điều hành cũng chỉ đạo, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất với các khoản vay cũ. Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1,66% so với trước dịch, với tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỉ đồng. Các ngân hàng cũng giảm phí hơn 2.000 tỉ đồng cho khách hàng, góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, Thống đốc cũng nhận định rằng cần phải thận trọng hơn trong bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Theo đó, các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách, trong khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý. "Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống", bà Hồng nói.

Dũng Nguyễn

Nguồn : Kinh Tế Sài Gòn, 12/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Văn Kiên, Dũng Nguyễn
Read 388 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)