Đừng đổ trách nhiệm cho Dân trong đại dịch cúm Tàu !
Nguyễn Ngọc Già, RFA, 19/11/2021
Trang VOV phát hành ngày 18 tháng Mười Một năm 2021 có bài [1] "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người chưa tiêm vaccine" trong đó cho biết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ra lịnh "Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tổ chức các lực lượng công an, y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tận dụng hệ thống công nghệ thông tin, huy động đoàn thể để nắm được tất cả những ai chưa được tiêm vaccine".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ra lịnh "Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tổ chức các lực lượng công an, y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người… để nắm được tất cả những ai chưa được tiêm vaccine".
Trước hết, cần phải nói rõ, cho đến nay, chưa có bất kỳ một điều luật nào từ cấp cao nhứt của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định "Chủng ngừa dịch cúm Tàu là việc BẮT BUỘC" trên phạm vi toàn cõi Việt Nam. Do đó, mọi phát ngôn từ cấp phường - xã cho đến cấp Phó Thủ tướng như ông Vũ Đức Đam, cho thấy vừa vi phạm pháp luật, vừa lộng quyền, dám vượt mặt Thủ tướng, trong tình hình dịch bịnh cúm Tàu vẫn tiếp tục gia tăng đáng lo âu, dù theo báo cáo mới nhứt từ Bộ Y tế cho biết [2], tổng số liều đã chủng ngừa đạt 103.683.045 triệu liều vaccine phòng Covid-19 với 88,5% người trên 18 tuổi đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Trong đó, riêng Thành phố Hồ Chí Minh - nơi bị dịch nặng nề nhứt, tỉ lệ bao phủ vacccine cho người trên 18 tuổi rất cao, trên 95% nhưng lượng người nhiễm vẫn tiếp tục với con số hơn 1.000 ca/ngày, nó gây nỗi ám ảnh trong dân thật sự đáng lo ngại.
Sau nữa, cũng trong bài báo từ VOV nói trên, ông Đam nói tiếp "..Chừng nào các quy định còn làm cho người dân sợ thì sẽ có triệu chứng giấu và giấu thì hệ thống giám sát sẽ vất vả hơn..".. Phát ngôn này đã bộc lộ mâu thuẫn ngay lập tức với lời nói của ông Đam yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh cử công an - y tế đi tới tận từng nhà sục sạo, như thể tìm tội phạm hình sự đang trốn chui trốn nhủi, quyết phải lôi đầu ra bằng được. Điều này cũng chống lại chủ trương "chung sống cùng Covid - 19" mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói rõ.
Người dân thật sự quá hoảng sợ [3] với hơn 23.000 người chết vì dịch cúm Tàu trong đợt bùng phát thứ tư kéo dài hơn 5 tháng qua. Nay, nỗi SỢ hãi đó càng lên cao tột độ, bởi tỷ lệ tiêm chủng đạt rất cao nhưng dịch bịnh chưa hề bị đầy lùi như mong muốn của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Dịch cúm Tàu vẫn tăng không phải do lỗi của người dân, với các bằng chứng như sau :
1. Tỷ lệ chủng ngừa cao chót vót với thời gian chích nhanh kỷ lục là chỉ dấu rõ ràng, người dân rất ý thức sự nguy hiểm mà đi chích ngừa mau chóng, chứ không hề chủ quan, thờ ơ như cáo buộc. Chính tỷ lệ chích ngừa rất cao càng cho thấy người dân Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng tin tưởng vào "thiện ý" của Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ. Đổi lại sự tin tưởng tuyệt đối của dân chúng trao cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, báo Vietnamnet dường như không nhìn thấy thực tế dịch bịnh vẫn lan tràn, lại phát hành bài báo "Những ngụy biện trong mùa dịch" [4] của giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn thuộc đại học New South Wales.
2. Theo các trang báo quốc doanh, dù đã chích hai mũi thì hiệu quả của vaccine cũng giảm dần theo thời gian. Đây cũng chứng tỏ thêm, dịch cúm Tàu gia tăng không hề là lỗi của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, trong ý thức chống dịch.
3. Không một con người bình thường nào lại tự gây ra nỗi SỢ cho chính bản thân và gia đình mình, trong tình hình dịch cúm Tàu đang lan tràn trên toàn thế giới, dù tại những quốc gia đó, tỷ lệ chủng ngừa vô cùng cao như [5] : Singapore, Tây Ban Nha, Malta v.v... thậm chí đảo quốc Gibraltar có tỷ lệ chủng ngừa lên đến 118% nhưng vẫn phải hủy sự kiện Giáng sinh vì số dân mắc cúm Tàu vẫn gia tăng như báo Tiền Phong đưa tin hôm 17 tháng Mười Một năm 2021. Những con số này đều thuộc các báo nhà nước, chứng tỏ thông tin hoàn toàn đáng tin cậy. Vậy, việc mà Chính phủ nói chung và cá nhân ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói riêng, phải làm và nên làm là yêu cầu Bộ Y tế, cùng các chuyên gia dịch tễ và các bác sĩ, dùng chuyên môn y khoa làm rõ nguyên nhân, dù chủng ngừa cao mà vẫn không hết dịch, từ đó gây ra nỗi SỢ kinh hoàng chết chóc phủ trùm trong dân chúng, thay vì đổ trút trách nhiệm cho người dân và coi việc chủng ngừa như là phương cách chống dịch độc nhứt vô nhị.
Cho đến nay, Nghị quyết 128 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, cũng không có bất kỳ điều khoản nào buộc toàn dân phải chủng ngừa. Thử hỏi ông Vũ Đức Đam dựa vào đâu mà buộc giới công an - y tế của Thành phố Hồ Chí Minh phải tới tận nhà dân sục sạo, tạo ra thêm không khí căng thẳng tột độ, như thể đang sống trong một đất nước mất hết tôn ti trật tự và không còn Pháp Luật ?
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh với tâm trạng ê chề, đau đớn cùng hơn 17.000 người chết trong tổng số 23.000 người bỏ mạng trên cả nước, mà nhà nước đang làm lễ tưởng niệm, trong sự tang thương chất ngất từ dân chúng.
Chính phủ nên yêu cầu nội các cùng các chuyên gia Y Tế làm rõ :
- Tại sao tỷ lệ chủng ngừa trong dân chúng rất cao mà dịch bịnh không có dấu hiệu giảm ?
- Miễn dịch cộng đồng là gì ? Bao nhiêu phần trăm dân số chủng ngừa thì đạt miễn dịch cộng đồng ? Trong trường hợp phải 100% dân số chủng ngừa thì chính phủ và nội các, cùng các chuyên gia Y Tế giải thích ra sao về đảo quốc Gibraltar, vốn chủng ngừa lên đến 118%, vẫn bị dịch hoành hành dữ dội ?
- Chính phủ Việt Nam sử dụng hầu hết tất cả các loại vaccine trên thế giới, hiệu quả và hậu quả của việc dùng hỗn loạn này có hay không ? Tại sao ông Tập Cận Bình kêu gọi các nước công nhận vaccine của nhau [6] mà các quốc gia khác không hồi đáp ?
Thay vì đổ lỗi cho dân lành ngụy biện và kém ý thức chống dịch, các chuyên gia Y Tế nên hỗ trợ và tư vấn cho Chính phủ giải đáp nỗi ám ảnh này, đó mới là việc phải đạo nên làm, từ một nhà nước "của dân, do dân, vì dân".
Khi ba câu hỏi thường thức nêu trên được trả lời thỏa đáng, chắc chắn Chính phủ - đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính - không còn phải đau đầu bạc tóc về việc nên chủng ngừa hay không và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong phòng chống dịch cúm Tàu mà thế giới chắc chắn phải cử người sang học tập.
Nguyễn Ngọc Già
Nguồn : RFA, 18/11/2021
[1] https://vov.vn/xa-hoi/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-di-tung-ngo-go-tung-nha-ra-tung-nguoi-chua-tiem-vaccine-905973.vov
[2] https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/chieu-18/11-a-tiem-hon-106-6-trieu-lieu-vaccine-phong-covid-19-ben-tre-them-138-f0-trong-cong-ong
[4] https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/nhung-nguy-bien-trong-mua-d...
[5] https://tienphong.vn/ty-le-tiem-chung/118-gibraltar-van-phai-huy-su-kien...
[6] https://tienphong.vn/phat-bieu-tai-g20-ong-tap-keu-goi-cong-nhan-lan-nha...
*********************
Cách nào giúp Chính phủ lấy lại niềm tin của dân sau thất bại trong dịch Covid-19 ?
Diễm Thi, RFA, 19/11/2021
Mới đây, một khảo sát từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore cho thấy tỷ lệ người dân Việt Nam phê bình cách đối phó dịch Covid-19 của Chính phủ tăng rất cao trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến cuối tháng 10 năm nay, trùng với đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, bắt đầu từ ngày 27 tháng 4 năm 2021.
Một người dân đi ngang pano chống dịch Covid-19 ở Hà Nội hôm 19 tháng 10 năm 2021 – AFP
ISEAS dẫn số liệu từ YouGov, một công ty phân tích dữ liệu của Anh và Đại học Hoàng gia London cho thấy, gần 97% người Việt Nam được thăm dò ý kiến từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2020 cho biết Chính phủ đang xử lý khủng hoảng rất tốt hoặc tốt. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 2021, niềm tin của công chúng vào Chính phủ đã giảm xuống. Khoảng 83% người Việt Nam được hỏi cho biết họ tin tưởng vào cách xử lý đại dịch của Chính phủ, giảm 14%. Mặc dù con số này vẫn cao hơn nhiều so với dữ liệu so sánh ở Đông Nam Á, nhưng nó đánh dấu mức thấp nhất trong 10 tháng tại Việt Nam.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của mình :
"Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có được niềm tin của người dân trong quá trình chống dịch. Thậm chí đến đợt dịch thứ tư bùng phát dữ dội, tôi thấy tuyệt đại đa số người dân vẫn rất tin tưởng vào nhà cầm quyền trong việc chống dịch. Bằng chứng là người dân chấp hành rất tốt những quyết sách như 5K, ai ở đâu ở yên đấy, đặc biệt vấn đề chích ngừa.
Tuy nhiên, sau này niềm tin của người dân đối với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bị mài mòn rất lớn. Đặc biệt là qua hai hiện tượng. Thứ nhất là tình trạng tháo chạy của hàng trăm ngàn công nhân đã gây ra nỗi kinh hoàng chưa từng thấy trong 46 năm qua. Thứ hai là cái chết của 23 ngàn nhân mạng khiến người dân chao đảo, suy sụp và niềm tin bị mài mòn rất lớn.
Niềm tin trong dân chúng đối với việc chống dịch nói riêng và vấn đề quản trị quốc gia nói chung từ nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bấy lâu nay, được xây dựng nên từ hình ảnh của những người đứng đầu và những người có ảnh hưởng nhất trong ban lãnh đạo. Bây giờ niềm tin đó đã đổ nát đối với ngươi dân trong nước chúng tôi. Bằng cách nào để gậy dựng lại niềm tin là câu hỏi xác đáng dành cho bộ chính trị, nội các của chính phủ và đích thân ông Phạm Minh Chính. Với tư cách là Thủ tướng, ông Chính phải tìm ra giải pháp cho người dân chúng tôi".
Theo thống kê chính thức từ Bộ y tế Việt Nam, tính đến nay cả nước có gần 1.076.000 ca nhiễm Covid-19 với số tử vong gần 23.600 ca được ghi nhận.
Rất nhiều người dân khi trao đổi với RFA đều cho biết, những tháng vừa qua họ sống trong ác mộng với cách chống dịch coi người bệnh như tội phạm của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, tỷ lệ người chết do Covid-19 quá cao khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền, dù chính quyền đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai vắc-xin cho dân chúng.
Một bức tranh trên tường tuyên truyền phòng chống Covid-19 dọc theo một con phố ở Hà Nội vào ngày 15 tháng 6 năm 2021. AFP
Hôm 18/11/Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Ông Đam cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh cần phải tổ chức các lực lượng công an, y tế đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người, tận dụng hệ thống công nghệ thông tin, huy động đoàn thể để nắm được tất cả những ai chưa được tiêm vắc-xin.
Ông Quang, một kỹ sư xây dựng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :
"Trong khi thế giới có nhiều cách chống dịch hiệu quả thì Việt Nam chống dịch theo kiểu lấy ý chí chính trị làm cơ sở mà không dựa trên cơ sở khoa học và dịch tễ. Năm ngoái chưa bùng phát thì thấy hiệu quả chống dịch tốt nên họ tự ca ngơi mình và đâm ra chủ quan. Cho nên khi đợt dịch thứ tư bùng phát từ 27 tháng 4 đến cuối tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Từ đó người dân đặt vấn đề về năng lực quản lý yếu kém của nhà nước.
Mặc dù chính quyền vẫn nói chống dịch tốt nhưng sự thật khách quan chứng minh qua con số tử vong.
Chính quyền phải nghĩ rằng mọi sự việc vận động, phát triển không ngừng trong đó có kinh tế và cuộc sống xã hội. Nếu không nâng cao trình độ quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển mà kéo sự phát triển về cho phù hợp với trình độ quản lý của mình thì đất nước sẽ chậm phát triển, thậm chí kinh tế sụp đổ.
Thước đo để người dân đặt niềm tin vào chính quyền là cuộc sống, là kinh tế có phát triển hay không, đời sống người dân có đi lên hay không. Không phải là lạm phát ngày càng nhiều và vật giá ngày càng leo thang. Mọi thứ đều tăng chỉ có lương không tăng. Cuộc sống bây giờ là đang tồn tại chứ không phải đang sống".
Nói đến niềm tin của người dân dành cho chính quyền, giữa tháng 9 vừa qua, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc gửi thư đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ những mất mát về sức khỏe, tính mạng của người dân thành phố trong đại dịch Covid-19. Ông Phúc khẳng định "gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân", đồng thời kêu gọi tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn giữa chính quyền với nhân dân.
Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ bình luận với RFA về lời của ông Nguyễn Xuân Phúc :
"Trong lúc nhân dân ngán ngẫm cả hệ thống chính trị vì sách lược chống dịch sai lầm, dẫn tới sự thất vọng và niềm tin vào nhà cầm quyền đã không còn, vì chính quyền không thể che giấu sự yếu kém của mình trong đại dịch. Lời ông Phúc nói ta phải đặt trong bối cảnh đất nước bị thụt lùi về mọi mặt, nhất là đại dịch đã bày ra cho thiên hạ thấy Đảng cộng sản không có khả năng lãnh đạo quốc gia vì yếu tố độc quyền về chính trị - nên ông Phúc nói bừa để trấn an dư luận, hay nói cách khác trấn an đảng của ông ấy".
Tuy Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "gia tài lớn nhất của chính quyền là niềm tin của nhân dân", nhưng có lẽ hình ảnh hàng ngàn lao động ngoại tỉnh chất hết ‘tài sản’ lên chiếc xe máy, lũ lượt rời thành phố cuối tháng chín vừa qua là câu trả lời rõ nhất, sống động nhất cho giới lãnh đạo về niềm tin của dân chúng đối với họ.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/11/2021
********************
Những gói hỗ trợ sử dụng thế nào để vực được nền kinh tế dậy sau dịch Covid-19 ?
RFA, 19/11/2021
Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cho báo chí biết, Việt Nam vẫn cần có thêm gói hỗ trợ quy mô lớn trong ít nhất hai năm tới, dù đã có các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp với quy mô tương đương 2,85% GDP.
Một người bán thịt heo trước một doanh nghiệp đóng cửa ở Hà Nội, ảnh minh họa chụp ngày 29/10/2021. AFP PHOTO
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng vừa đề cập khả năng huy động 180 ngàn tỷ đồng từ dân cư qua phát hành trái phiếu cho gói phục hồi kinh tế... chứ không vay từ nguồn vốn quốc tế.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 19/11, nhận định :
"Theo tôi thì hiện nay trong nước đang có khả năng, một mặt cứ huy động nguồn ở trong nước. Nhưng nếu như các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế... có thể có các gói hỗ trợ với lãi suất thấp thì tôi thấy Việt Nam cũng không nên từ chối".
Theo ông Trương Văn Phước, tổng quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu không quan trọng bằng việc ‘kê đơn’ đúng đối tượng và theo dõi được phản ứng của nền kinh tế qua mỗi đợt hỗ trợ. Dù Việt Nam đã tung ra nhiều gói hỗ trợ nhưng theo phản hồi của người dân và doanh nghiệp là chưa hiệu quả.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cho biết thêm :
"Gói hỗ trợ của Chính phủ với 2,85% GDP là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong tình hình ngân sách gặp khó khăn. Tuy vậy tác động và thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra rất là trầm trọng. Như chúng ta đã biết, GDP trong quý ba giảm đến -6,71%, cho nên giới chuyên gia đang đề nghị và chuẩn bị một gói hỗ trợ lớn hơn, khoảng 800 ngàn tỷ, tương đương khoảng 10% GDP. Hy vọng gói này sẽ được hoàn chỉnh và trình Quốc hội trong một phiên họp đột xuất vào tháng 12 này".
Những gói hỗ trợ trước đây chưa phát huy được hiệu quả mong muốn, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh là bởi vì người thiết kế ra gói hỗ trợ muốn bảo đảm an toàn, cho nên đưa ra nhiều quy định, nhiều thủ tục, đòi hỏi nhiều giấy tờ chứng minh. Cho nên rất ít doanh nghiệp tiếp cận được với gói hỗ trợ đó. Rút kinh nghiệm lần này, Chính phủ đã giảm nhiều thủ tục, giấy tờ. Theo ông Doanh, Chính phủ cũng có chủ trương tạm hoãn thời hạn nộp hạn thuế, nhưng chưa rõ có giảm thuế hay không ? Các ngân hàng cũng cho tạm hoãn thời hạn trả nợ, cũng như những nỗ lực để giảm lãi suất ngân hàng. Ông Doanh nói tiếp :
"Một số gói hỗ trợ ở một số nơi được giản ngân nhanh, đúng đối tượng, nhưng cũng có những nơi người dân nói là chưa nhận được gói hỗ trợ. Hoặc những gói hỗ trợ này lại được giải ngân đến các đối tượng không gặp khó khăn, vẫn đang no đủ, thậm chí có người vẫn đang nhận được lương. Sắp tới đây, chính phủ sẽ kết hợp với công nghệ thông tin, với chính quyền địa phương để có thể cải thiện việc giải ngân với các gói hỗ trợ đó, để đảm bảo đến đúng người, kịp thời và có hiệu quả".
Các máy bay chở khách của Vietnam Airlines và Pacific Airlines không hoạt động đang đỗ tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào ngày 18/11/2021. Nhac NGUYEN / AFP.
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã công bố nhiều gói cứu trợ để vực dậy nền kinh tế bị đình trệ, như gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp, hay gói tín dụng 16 ngàn tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp vay để trả cho người lao động ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hay gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến 250 ngàn tỷ đồng...
Tuy nhiên dư luận trên mạng xã hội cho rằng nhiều người nghèo vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ vì thủ tục khó khăn. Một người dân ở Đà Nẵng khi trả lời RFA TV cho biết những khó khăn khi nhận được hỗ trợ của chính phủ :
"Những người họ phải buôn bán mưu sinh hàng ngày mới có tiền trang trải cuộc sống của gia đình họ, thậm chí phải chạy gạo từng bữa mà hầu như tất cả đều không đượcmột sự quan tâm nào của thành phố. Những gói an sinh đưa ra thì buộc lòng phải có giấy tờ chứng nhận hộ nghèo, mà thực chất những người họ tụ tập đến thành phố này để mưu sinh thì không có giấy tờ nào cả. Thì chi bằng chúng ta cứ chia đều cho tất cả các hộ, phải thực tế, phải tiếp cận được dân nghèo, họ rất là khó khăn..".
Một người dân miền Trung khác cũng cho RFA TV biết trong lúc khó khăn này rất cần hỗ trợ mà sao thủ tục rườm rà quá :
"Chú thấy phương pháp đề ra để nhận được hỗ trợ này nó nhiêu khê quá phải có xác nhận này xác nhận kia, bở vì có những người họ ở địa phương khác họ đến đây họ ở trọ, đi làm kiếm sống mà bây giờ biểu họ về địa phương xác nhận về thì tiền lộ bao nhiêu, rồi trở ra lại biết có nhận được hay không trong lúc khó khăn, lúc này là lúc cần nè mà sao chú thấy qua cái dịch mà không có ai có hết".
Dù có nhiều gói cứu trợ, nhưng theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có tổng cộng 101,7 ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh.
Khi trả lời RFA từ Sài Gòn, chủ một doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử gia dụng, nói :
"Qua hơn hai năm nay, dịch bệnh Covid-19 đem lại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân khó khắn rất nhiều, mà không nhận được sự hỗ trợ nào hết. Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân chúng tôi đóng góp cho GDP đất nước là gần 60%, còn doanh nghiệp Nhà nước chỉ làm ăn thua lỗ. Nhưng những đồng hỗ trợ không bao giờ đến các doanh nghiệp tư nhân chúng tôi. Hơn 100 ngàn doanh nghiệp phải đóng cửa là con số chứng minh, cho thấy Nhà nước nói và làm hoàn toàn không giống nhau".
Giới doanh nghiệp cho rằng, để hiệu quả, tất cả mọi hình thức cứu trợ phải minh bạch rõ ràng, chứ nếu chỉ dựa vào bao cấp từ gói hỗ trợ rồi chia đều, thì không thể phát huy hiệu quả. Chưa kể, nếu không biết dựa vào tiêu chuẩn gì, thì dễ phát sinh tiêu cực, đó là chưa nói đến vấn đề thủ tục. Những người quản lý phải tìm ra cách khắc phục thì mới mong giúp được giới doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành dệt may và da giầy, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định :
"Các gói hỗ trợ đấy được tuyên bố lên, nhưng mà nó có đến tay doanh nghiệp cần được giúp đỡ hay không, thì chưa thấy được rõ ràng. Theo những thông tin tôi nhận được thì rất nhiều doanh nghiệp cần được giúp đỡ, nhưng chưa tiếp cận được sự giúp đỡ của Nhà nước. Vì vậy cho nên người ta không có cách nào khác là phải đóng cửa thôi. Nhà nước cần phải nhanh chóng phối hợp với các hội đoàn, ví dụ như phòng thương mại, hay các câu lạc bộ doanh nghiệp vừa và nhỏđể mà đưa ra các phương án để giúp đỡ cho các doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn này, và phải nhanh chóng triển khai".
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, hiện vấn đề đưa ra chính sách đến khi triển khai thì thời gian hơi quá dài, nên doanh nghiệp không có sức chịu đựng nổi.
Nguồn : RFA, 19/11/2021
********************
Việt Nam tưởng niệm hơn 23 ngàn nạn nhân chết vì Covid-19 : "Cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền !"
RFA, 19/11/2021
Lễ tưởng niệm cho hơn 23 ngàn người dân Việt Nam đã không may qua đời trong đại dịch Covid-19 diễn ra vào tối ngày 19/11/2021.
Các lãnh đạo Chính phủ và Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chống dịch Covid-19 (từ trái qua) : Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên - RFA edited
Hoạt động này được cho biết do Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì cùng với hai địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong dịp này các cơ sở tôn giáo như chùa chiền và nhà thờ cũng đánh chuông tưởng niệm, tuy nhiên một số người dân đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nhà cầm quyền trong cái chết của hơn hai vạn đồng bào để tránh lặp lại những sai lầm như vậy trong tương lai.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh, một người dân sinh sống tại Sài Gòn cho hay, việc tưởng niệm là cần thiết tuy nhiên để những nạn nhân không bị lãng quên thì cần công khai các số liệu khoa học đầy đủ để người dân biết vì sao số người thiệt mạng lại nhanh và nhiều như vậy. Ông nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau :
"Về cái chuyện đại dịch đi qua với số lượng người chết như vậy ở trong một đất nước, thì nó đặt ra một câu hỏi hỏi rất lớn là trách nhiệmthuộc vềai.
Cho nên hôm nay chúng ta tưởng niệm nhưng chúng ta không có sự thành tâm hối lỗi của những người - đã có những thất bại và sai lầm nhất định trong việc chống dịch để cho người chết ở Việt Nam, đặc biệt là là Sài Gòn với số người chết đột biến như vậy.
Thì rõ ràng chúng ta vẫn chưa nói thật hết tất cả những gì đang xảy ra, và chưa nói ở trong cái đại dịch này nó có một chi tiết rất quan trọng để ngăn chặn số người chết, đó là vào tuần thứ hai của đại dịch.
Khi đó ông Nên và ông Mãi nói rằng là mấy ông (chính quyền-PV) cần phải lắng nghe ý kiến của các chuyên gia để làm sao chống dịch hiệu quả nhất.
Nhưng cái lời nói đó chỉ là một cú trống đánh để mà mà người dân đang tin rằng mấy ông đang cố gắng thực chất, nhưng đến giờ này người ta thấy rằng mọi cái công cuộc chống dịch chỉ là duy ý chí chính trị chứ không có giá trị khoa học nào tuyệt đối".
Chính quyền cưỡng chế người dân đi xét nghiệm Covid-19 tập trung. Ảnh chụp màn hình video
Kỹ sư Trần Bang, một người thường quan sát tình hình chính trị - xã hội ở Việt Nam cũng ủng hộ việc tưởng niệm đồng bào đã qua đời, tuy nhiên ông lại cho rằng cần thừa nhận nguyên nhân sâu xa của những sai lầm không đáng có ở đại dịch lần thứ tư. Ông bày tỏ :
"Theo tôi cái ê-kíp của ông Nguyễn Văn Nên và Phan Văn Mãi vừa qua thể hiện cái tính cách có vẻ trung thực hơn, đó là cũng biết thừa nhận những cái sai của chính quyền, thừa nhận là làm chưa tốt trong chống dịch.
Nguyên nhân sâu xa đó là việc lựa chọn cái người lãnh đạo thì các ông ấy không nói đến, cái không tốt đó là nguyên nhân từ đâu ? Đó là từ con người, con người là do đâu ? Đó là do đảng cộng sản lựa chọn, nếu để người dân chọn thì những người đấy sẽ không tồn tại.
Phải có những người giỏi người ta biết tiếpthunhững cái chữa trị những cái "dịch cúm" trên thế giới để áp dụng cho Việt Nam chữa trị".
Các trang báo điện tử nhà nước trong ngày 19/11 hầu hết đều chuyển qua một phông nền đen toàn bộ hoặc một phần như một hình thức tưởng niệm và tri ân.
Cho đến hôm nay, cả nước đã có hơn 1 triệu ca nhiễm Covid-19, có hơn 23 ngàn người trong số đó đã qua đời trong đó có nữ ca sĩ hải ngoại Phi Nhung cũng nằm trong số đó.
Một số nhà quan sát đã bày tỏ lo lắng trên báo chí về việc Hà Nội hiện nay đang đi vào vết xe đổ của thành phố Hồ Chí Minh trong những tháng vừa qua. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho rằng, cần phải quy trách nhiệm để quốc gia có 100 triệu dân này không lặp lại sai lầm như trước đó.
"Nhưng cái kinh khủng nhất hiện nay cho đến giờ là vẫn chưa biết được ai là người chịu trách nhiệm chính về những chuyện chống dịch sai lầm đã diễn ra ở trong Việt Nam, mà vốn người dân Việt Nam nhìn thấy rõ ràng tất cả cả những hình ảnh đó nó xuất phát từ sự rập khuôn ở Trung Quốc vào những thời kỳ căng thẳng và tệ hại nhất.
Không hiểu sao những kịch bản như vậy, những cái bối cảnh như vậy cả thế giới lên án và sợ hãi thì Việt Nam lại áp dụng một cách hết sức là tuyệt đối, và dẫn đến chuyện mà giống như như ông Mãi và ông Nên đã từng nói rằng là cái việc giam nhốt cách ly người ta chỉ vì hiểu lầm.
Những cái hiểu lầm đơn giản trong lời nói cửa miệng của một quan chức đưa ra ra đó dẫn đến một cái chết của hàng chục ngàn người đó là một giá trị khác và cái đó cần phải được làm rõ chứ không chỉ là một lễ tưởng niệm chung chung như vậy".
Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trong những ngày đầu tháng 10 sau khi quyết định sống chung với Covid-19 đã thú nhận, thành phố đã không ban bố tình trạng khẩn cấp mặc dù trên thực tế đã áp dụng tình trạng khẩn cấp như thời chiến.
Ông Nên cũng cho biết, thời điểm đỉnh dịch Việt Nam chưa có vắc-xin nên chỉ tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến với tinh thần là "ai khỏe vượt qua, ai bệnh nằm viện" chỉ biết giữ các ca dương tính lại để ngăn chặn nguồn lây, nhưng giữ không biết làm gì vì không có thuốc chữa trị.