Lớn lên tại Đà Lạt suốt 7 năm, cuối thập niên 1960 đầu 1970 thế kỷ trước, xin mạn phép nhìn lại lịch sử thành phố này.
Trung tâm Đà Lạt với hàng loạt công trình cao tầng, có khối tích lớn, khi xây dựng cơ quan chức năng xác định là những công trình điểm nhấn. Theo quy hoạch sắp tới, sẽ có 2 công trình cực lớn có số tầng (nổi trên mặt đất) 5-10 tầng (ảnh chụp năm 2019) – Ảnh : M.Vinh
Không phải để hoài cổ bằng mọi giá mà vì muốn biết với Đà Lạt, cả chính quyền, người mua nhà đất lẫn du khách muốn xem thành phố này là gì ?
Đà Lạt có còn như khi khai sinh được xác định là một thành phố nghỉ dưỡng, du lịch trên núi ?
Biết rằng chính quyền Đà Lạt cũng tỏ ra có nghiên cứu về gốc gác của thành phố này nên không dám múa rìu qua mắt thợ, chỉ góp vài ý đã nhặt được.
Cách đây gần 100 năm, thế hệ sau của thế hệ khai phá Đà Lạt đã đề ra một bộ quy định chung mới, theo đó "Đà Lạt sẽ là một trạm nghỉ dưỡng trên núi kiểu mẫu được thiết kế theo một quy hoạch tổng thể, dựa trên những kinh nghiệm đã thực hiện ở những nơi khác và dựa trên những kết quả mới thu được".
Không để thành phố "chết ngộp" !
Trong một bài đăng trên "Sự thức giấc kinh tế của Đông Dương : bản tin hằng tuần" (L’Eveil economique de l’Indochine : bulletin hebdomadaire, 21.10.1923), thế hệ quản lý lúc đó đã cho thấy khi đảm trách thành phố tương lai "hái ra tiền" này, người ta muốn Đà Lạt sẽ được xây dựng và phát triển như thế nào ?
Kế hoạch đô thị hóa năm đó vạch rõ : "Nhất thiết song cũng là dễ dàng thôi…, phải xác định quyền và nghĩa vụ của cộng đồng đối với người dân và ngược lại.
Nói một cách dễ hiểu, tất cả các sở hữu đất đai nằm trong vùng khuôn viên Đà Lạt sẽ được đặt dưới chế độ bảo hộ mà các điều khoản quy định đã được nghiên cứu sao cho tạo điều kiện thuận lợi và làm cho cuộc sống chung trở nên dễ chịu, và xóa bỏ càng nhiều càng tốt những khó khăn đến từ hàng xóm".
Quá rõ ràng, không để cho sự bùng nổ dân số tự nhiên hay cơ học hay sự bùng nổ đô thị hóa do đầu cơ phá nát Đà Lạt ! Xây dựng một Đà Lạt đáng sống trên tinh thần cộng đồng, không phải ai muốn sống như thế nào thì sống, muốn làm gì thì làm.
Quy định chung nêu rõ : "Người mua đất nhất thiết, sau khi tự mình nhận thức tình hình hiện tại, có thể biết những đảm bảo hỗ trợ nào dành cho họ trong tương lai" – nói cách khác, đầu tư mua nhà đất ở đây là vì biết đây là một trạm nghỉ dưỡng và để sống theo tinh thần đó.
Từ đó có thể thấy một yêu cầu cơ bản, cả cho Đà Lạt cũng như các khu villa đường Trần Cao Vân hay Duy Tân ở Sài Gòn trước đây : có tiền mua villa thì sống theo kiểu villa, đừng biến villa thành nhà hàng, quán xá.
Phá bỏ cái quy ước đó, khu villa sẽ thành khu chợ búa cả trong nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đường sá, cống rãnh sẽ quá tải, thành phố sẽ "chết ngộp" !
Thẩm mỹ chung đến từ đâu ?
Quy định chung năm 1923 ghi rõ sẽ quản lý như thế nào : "Thay vì để mặc cho sự phân chia đất đai và chuyển nhượng đất đai một cách tùy tiện, theo ý thích của mỗi người, kế hoạch này được vạch ra có tính đến tương lai của thành phố, điều này sẽ tránh việc sau này phải sửa sai tốn kém, và thường là khó khăn nếu không muốn nói là không thể được, và đôi khi buộc bản thân phải chiều theo những tình huống rối rắm đối với sự phát triển tương lai của khu quy tụ dân cư này".
Quy định cũng đề cập việc quản lý việc xây dựng nhà cửa như thế nào, trên cơ sở gì : "Khía cạnh thẩm mỹ sẽ được xem xét. Trước khi xây dựng, tất cả các công trình xây dựng sẽ được Sở Kiến trúc các công trình xây dựng dân dụng kiểm tra và phê duyệt. Những dự án không đủ năng lực hoặc có thể làm tổn hại đến vẻ đẹp của Đà Lạt sẽ bị từ chối".
Chi tiết sau cùng này, tính thẩm mỹ, thiết nghĩ nên được nhìn và thấy theo định nghĩa và sự chấp nhận chung, ít nhất là của các nhà trường (từ phổ thông đến kiến trúc và mỹ thuật…) : còn nhớ những năm 1960 trong sách lịch sử, cuối một số bài học, thường có những bài đọc thêm về hội họa, kiến trúc giai đoạn đó, những gợi ý nghe nhạc của các nhà soạn nhạc giai đoạn đó…
Một thí dụ đơn giản là cấu trúc một nhà thờ kiểu Gothic, ngoài những khác biệt so với kiểu kiến trúc La Mã về chiều cao nhờ vào hai hàng cột chịu lực nâng đỡ nhau, sẽ có hình dạng của một cây thập giá mà cung thánh nằm ở đầu, hai cửa hông trên thanh ngang, phần còn lại của nhà thờ trên thanh dọc…
Một góc Đà Lạt năm 1955 – Ảnh : Revue Indochine
Nhờ vào một nền giáo dục như thế, khái niệm thẩm mỹ sẽ là phổ quát (universel) cũng như các quyền công dân, không có chuyện ông thị trưởng hay quan nào đó muốn gọi cái ấm ớ nào đó là đẹp, thì cả thành phố phải hứng chịu cái chọn lựa "i-tờ-rít" đó, y hệt sở thích của một số chủ nhà khiến các kiến trúc sư phải sợ hãi !
Có thể thấy, thế hệ quản lý ở Đà Lạt thời đó rất ý thức : 1) cơn sốt đất đai đang và sẽ còn diễn ra để dự phòng những ứng phó chống lại sự chia lô tùy tiện ; 2) sự thu hút dân cư trong tương lai ; 3) những tổn thất không tài nào sửa sai một khi đã để cho "dĩ lỡ" hoặc do đã quyết định mà không màng tới tương lai hay tính thẩm mỹ chung.
Nói thì hay song làm có ra chi không ? Bài báo trên tỏ rõ sự dứt khoát Đà Lạt tương lai như thế nào, không thể nào "bôi bác" như "xóm bà Thái" tuốt cuối đường Trần Hưng Đạo ngoài kia được :
"Không thể chấp nhận trong một khu dành riêng cho nhà ở, xung quanh lại có thể có những cơ sở ồn ào hoặc nhếch nhác có thể làm xáo trộn sự tận hưởng yên bình một tài sản sở hữu mà người ta đến để tìm kiếm không khí trong lành và sự nghỉ ngơi.
Bất kỳ người mua đất nào cũng biết rằng xung quanh biệt thự của mình sẽ có những biệt thự khác tương tự, xung quanh cũng là những vườn cảnh với cây cối.
Trong các khu vực dành riêng cho nhà ở, tất cả các hoạt động thương mại, quán cà phê ồn ào và các cơ sở có thể thu hút những kẻ "bất mộ" sẽ bị cấm. Các cơ sở sau cùng này sẽ được tập hợp lại một cách riêng biệt trong các khu vực dành riêng cho mục đích này, tuy vẫn gần khu nhà ở".
Thành phố du lịch hay thành phố buôn bán vặt ?
Trên đây là vài nhặt nhạnh về Đà Lạt năm 1923. Trăm năm sau, tất nhiên không thể cứ là như thế tuy rằng trên thế giới, như có thể thấy đầy ở Châu Âu, rất nhiều thành phố nghỉ dưỡng trên núi hay ở biển vẫn giữ được hình dạng, phong thái, cung cách đó.
Câu hỏi đặt ra là : muốn Đà Lạt là một thành phố gì, một thành phố du lịch trên núi hay một thành phố buôn bán (nhỏ lẻ) chụp giựt ? Một thành phố du lịch trên núi không thể che khuất tầm nhìn của du khách bằng những ngôi nhà nhiều tầng, thậm chí cao tầng !
Paris vẫn là "kinh đô ánh sáng" nhờ khống chế chiều cao, chỉ dĩ lỡ một lần với vài cái tháp như tháp Montparasse ở quận 14, còn muốn xây nhà chọc trời ra khu La Défense ở bên ngoài Paris mà xây ! 30 năm trước đã đánh mất tầm nhìn đồi núi xanh tươi khi cho xây tường bít kín sân golf vì một dúm đôla rồi ! Còn muốn Đà Lạt là một "đống gạch", xin mời !
Đâu cũng "nhà hộp" thì còn gì Đà Lạt
Có thể so nội dung quy định của kế hoạch đô thị hóa năm 1923 ở Đà Lạt với câu chuyện các "a-giăng min đơ, min toa" ngày ngày đạp xe đi bắt kẻ vứt rác bậy cùng tinh thần ngăn nắp của dân cư băm sáu phố phường trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng đăng trên Hà Nội Báo năm 1936.
Chắc rằng tinh thần bộ máy công quyền năm 1923 không thể tệ hơn tinh thần năm 1936, nên Đà Lạt mới đã được như đã từng thấy, thậm chí sau này ở khu villa quanh Viện Pasteur hay trên đường Trần Hưng Đạo, hoặc trên đường Đào Duy Từ hướng ra Nha Địa dư mà thời Tây được thiết đặt là khu người Việt – những villa trên những lô đất vuông vức…
Điều khoản mang tên, xin lỗi, "Khu người An Nam" quy định rõ : "Phải dự trù những ngôi nhà biệt lập để cư ngụ và tránh những "nhà hộp" vốn sẽ chỉ được phép trong khu thương mại".
Danh Đức