Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2017

Sẽ thành công hơn nếu 'làm ngược' với Đảng ?

Quốc Phương

Một nhà quan sát chính trị và xã hội dân sự Việt Nam vừa đưa ra lời khuyên nhằm giúp giới hành pháp nước này có những biện pháp cụ thể và có tính thực tế để cải thiện nền kinh tế sau khi Hội nghị trung ương 5 ban hành một lúc ba nghị quyết về kinh tế.

se1

Nhiều địa phương ở Việt Nam đã 'thành công' khi không làm theo đường lối phát triển kinh tế của Đảng, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói :

"Với một số người chủ yếu bên hành pháp, tôi khuyên họ là học kiểu 'nói một đằng, làm một nẻo', tức là thôi cứ nói như ông Nguyễn Phú Trọng cũng được, làm hoàn toàn khác. Bởi vì kinh nghiệm có rất nhiều địa phương là nơi không có nghe theo đường lối của đảng thì thành công.

"Thứ hai là đối với bản thân các doanh nghiệp và người dân, phải lên tiếng, lên tiếng và cải thiện từng cái nhỏ một, bởi vì không có đấu tranh, thì họ không thay đổi đâu.

"Còn những chuyện đường (lối) lớn như doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, thì cái đấy hiển nhiên không cần nhắc lại nữa", ông Quang A nói với BBC.

Học Trung Quốc thế nào ?

se2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nên 'học tập' cách thức của ông Tập Cận Bình khi giải quyết các vấn đề về quân đội và công an làm kinh doanh, kinh tế ở Trung Quốc, theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

Khi được đề nghị đưa ra những lời khuyên, tư vấn có tính giải pháp cụ thể với đảng và nhà nước Việt Nam, liên quan cải cách thể chế kinh tế hoặc cải thiện môi trường kinh doanh, doanh nghiệp, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam, từ Sài Gòn, nói :

"Tôi đề nghị cụ thể thế này, bây giờ tình hình xuất khẩu là vô cùng khó khăn, sắp tới sẽ còn khó khăn nữa, tình hình xuất khẩu đang bị chững lại, và các doanh nghiệp ở trong nước thực ra chỉ chiếm được 30% kim ngạch xuất khẩu, trong khi 70% còn lại thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Cho nên muốn phát triển doanh nghiệp nhà nước như là nghị quyết chuyên đề của ông Nguyễn Phú Trọng, cần phải tập trung vào đầu ra xuất khẩu, và đây cũng là nhiệm vụ của ông Nguyễn Xuân Phúc làm sao thúc đẩy xuất khẩu và đừng để cho tình trạng cá ba sa, hay là tôm, hay là điều, này kia, một số cái bị châu Âu hay là Mỹ trả lại. Tình trạng trả lại gạo gần đây tương đối nhiều.

"Đó là một vấn đề, vấn đề thứ hai là phải dẹp bớt một số tập đoàn doanh nghiệp nhà nước không cần thiết, có một điều tôi ngạc nhiên, tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc khá nhiều mà sao có những điều hay của Trung Quốc làm được mà ông không làm được.

"Ông không làm, hay không làm được ?", Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi và nêu ví dụ trong lĩnh vực đất đai, ông nói :

"Trung Quốc mặc dù chưa công nhận đất đai sở hữu tư nhân, nhưng đã công nhận đất đai hình thức sở hữu là tập thể và toàn dân. Ngoài cái 'toàn dân' ra, còn có tập thể. Và chúng ta biết là từ năm 2012, sau khi thừa nhận hình thức tập thể đó, thì tình trạng khiếu kiện và phản kháng đất đai ở Trung Quốc ít hẳn đi cho tới giờ này".

"Thứ nữa... từ năm 2014, sau khi xử vụ Chu Vĩnh Khang, cựu Bộ trưởng Bộ Công an, Tập Cận Bình đã hủy bỏ cơ chế ngành công an được kinh doanh, được dùng các doanh nghiệp để kinh doanh, cho đến năm 2016, sau khi xử Từ Tài Hậu ở bên quân đội, thì Tập Cận Bình tước luôn các doanh nghiệp làm kinh tế của quân đội.

"Nhưng ở Việt Nam bây giờ vẫn còn y chang, và ông Nguyễn Phú Trọng, thậm chí tôi cho là ông còn quyền lực hơn cả Tập Cận Bình, ví dụ ông cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương như Tập Cận Bình, nhưng Tập Cận Bình không nằm ở trong thường vụ của Đảng ủy Công an Trung ương, còn ông Nguyễn Phú Trọng còn năm trong đảng ủy Công an Trung ương.

"Nhưng mà các doanh nghiệp Công an Trung ương, cũng như doanh nghiệp Quốc phòng vẫn đều đều kinh doanh như chúng ta đã thấy những ví dụ như là Viettel như vậy. Đó chính là những vấn đề cần xử lý doanh nghiệp nhà nước của hai khối quân đội và công an mà ông Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Xuân Phúc cần phải làm. Và nếu không xử lý được những vấn đề đó thì đừng có nói tới chuyện phát triển doanh nghiệp nhà nước", ông Phạm Chí Dũng nói với Bàn tròn thứ Năm.

Trở lại vấn đề gốc

se3

Các doanh nghiệp quân đội, công an và thuộc đảng sau khi tách khỏi 'cái mũ' của các chủ sở hữu này, cần từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi và phải được cư xử bình đẳng như các doanh nghiệp khác, theo ý kiến nhà phân tích.

Bày tỏ tán đồng với ý kiến trên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển từ Hà Nội, nói :

"Tôi hoàn toàn chia sẻ ý kiến của anh Phạm Chí Dũng, trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, khâu xuất khẩu rất quan trọng, nhưng cái gốc của xuất khẩu lại quay lại vấn đề cơ bản, đó là sự bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, về đất đai, về nguồn vốn.

"Do đó tôi nghĩ rằng một giải pháp cơ bản nhất đó là vấn đề xác định lại sở hữu về đất đai cho rõ ràng, công nhận sở hữu đất đai tư nhân, tạo một môi trường bình đẳng tiếp cận nguồn lực không chỉ về đất đai mà kể cả tài nguyên, khoáng sản.

"Làm sao để nó minh bạch, đều có sự tiếp cận bình đẳng, công khai, theo hướng không chỉ là để thúc đẩy phát triển, mà thúc đẩy bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên cho các thế hệ mai sau, cái đó rất quan trọng, đó là ý thứ nhất".

Và ông Hoàng Ngọc Giao đề xuất vấn đề thu hẹp quyền lực chỉ đạo của đảng ở các cấp trung mô, vi mô, ông nói :

"Ý thứ hai, vấn đề cơ bản nhất, tôi mong sao các cấp ủy đảng từ Trung ương, đến các Bộ, cho đến các tỉnh và địa phương, có lẽ nên thu hẹp quyền lực chỉ đạo lại, chỉ ở vấn đề đường lối thông qua các đại hội thôi, không đi vào chỉ đạo từng dự án một. Cái đó là sự can thiệp, chính đó là cơ hội để lạm quyền, để lợi ích nhóm, đó là điểm thứ hai.

"Điểm thứ ba, doanh nghiệp nhà nước, tôi hoàn toàn chia sẻ với anh Phạm Chí Dũng, chúng ta phải đủ bản lĩnh, đủ quyết tâm để dứt điểm với các doanh nghiệp làm kinh tế, dưới danh nghĩa của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, của Đảng, tách bạch ra.

"Nếu ngân sách nhà nước đóng góp một phần, ngân sách đảng đóng góp một phần, tôi nghĩ là nhân dân sẵn sàng ủng hộ, nhưng mà nó minh bạch, để làm sao những đơn vị đó khi tách khỏi cái mũ của đảng, của quân đội, của công an, họ cũng bình đẳng như các doanh nghiệp khác, và đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân.

"Thì lúc đó chúng ta có thể thiết kế được mô hình phát triển kinh tế lành mạnh, minh bạch, chống được lợi ích nhóm và chống được tham nhũng, giảm thiểu được tham nhũng, tất nhiên, việc chống tham nhũng còn nhiều yếu tố khác nữa, tôi xin phép tư vấn với lãnh đạo Đảng và nhà nước câu chuyện như vậy", luật gia Hoàng Ngọc Giao nói với BBC.

Hội nghị trung ương 5, khóa 12 của Ban chấp hành TƯ Đảng cộng sản Việt Nam nhóm họp từ ngày 5-10/5/2017 đã ban hành các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo một số dư luận, các nội dung quan trọng mang tính đường lối vĩ mô này dường như ít nhiều đã bị che phủ bóng bởi sự kiện vụ kỷ luật đảng với cựu Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 19/05/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 1266 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)