Công ty Shandong Linglong Tire của Trung Quốc đang có dự án xây dựng một nhà máy sản xuất bánh xe hơi tại thành phố Zrenjanin, Serbia nằm trong dự án đầu tư khổng lồ 900 triệu USD của Trung quốc ở quốc gia này.
AP
Công nhân bị bóc lột
Thế nhưng, vào khoảng đầu tháng 11, các tổ chức nhân quyền và môi trường tại đây đã báo động về tình trạng ăn ở và làm việc tồi tệ của công nhân tại đây. Được biết nơi đây hiện có khoảng 500 công nhân Việt Nam đang làm việc, do môi trường làm việc khắc nghiệt nên một số đã bỏ trốn, hiện chỉ còn lại 402 công nhân. Một công nhân cho biếtkhi mới qua họ phải ở trong những container, không cửa số, không lò sưởi, không nước nóng, mỗi container chứa 12 người. Để đảm bảo an toàn, các công nhân trả lời phỏng vấn của RFA xin được giấu tên và lấy ký hiệu là công nhân A và công nhân B. Công nhân A cho biết :
"Tình trạng bên này lúc tụi em sang thì nó rét rồi, tầm 6-7 độ (C), đêm thì 3-5 độ (C), nó rét hơn Việt Nam mình. Tụi em không có nước và điện, mà có nước thì chắc chắn không có nước nóng, bọn em không tắm được. Bọn em sang đây bốn ngày bọn em chưa tắm, mà tắm thì bị ốm nhưng cũng phải tắm thôi vì bọn em sang lâu quá rồi. Mọi người tắm ai cũng ốm hết. Phòng 12 người thì ốm cả. Ở trong container, 12 con người ở thì nó rất chật, khi ốm thì người nọ lây sang người kia. Thuốc men thì tụi em mang từ Việt Nam sang, có xin thì cũng chỉ được 1, 2 bữa thôi chứ không xin được cả tháng".
Công nhân cho biết nếu họ nghỉ bệnh thì bị trừ lương. Công nhân ở đây cho phóng viên RFA biết đã có trường hợp công nhân bị nhiễm Covid-19.
"Tai nạn, ốm đau, Covid thì tự mình bỏ tiền túi ra đi bệnh viện, còn công ty không chịu trách nhiệm bất cứ cái gì về bên lao động. Nếu mình làm không đủ công thì phía Trung Quốc nó sẽ trừ tiền ăn của mình".
Mặc dù làm việc nặng nề, nhưng điều kiện ăn uống thì vô cùng tồi tệ. Công nhân không thể tự nấu ăn vì chợ xa và cũng không có thời gian để đi chợ vì họ phải làm việc chín tiếng mỗi ngày, hoặc hơn :
"Buổi sáng chỉ ăn một bát cơm trắng và một quả trứng luộc, ăn ròng rã suốt từ đấy đến bây giờ, em không tưởng tượng được là ăn cái gì ? Buổi trưa thì ai nhanh tay thì được bốn miếng thịt lợn, nếu chậm được 2-3 miếng. Nói chung là không đủ ăn, không đủ sức khỏe để làm việc" - công nhân A cho biết.
Và tiền lương cũng không được trả đúng như ghi trong hợp đồng, công nhân A nói tiếp :
"Từ hôm sang đến giờ hơn một tháng họ phát 10 ngày lương, họ giữ lại có thể sang tháng sau họ mới trả cho tụi em. Có người họ giữ 1, 2 tháng, 4 tháng chưa trả lương. Đợt vừa rồi báo chí sang làm việc thì nó trả hết rồi, nhưng về sau này thì em không biết được".
Các containers nơi những công nhân Việt Nam ở khi làm việc cho công ty Trung Quốc ở Serbia. Hình do công nhân cung cấp
Sức ép từ truyền thông và quốc tế chưa đủ
Sau khi các tổ chức nhân quyền và truyền thông lên tiếng, chủ công ty đã chuyển công nhân từ container sang một khu nhà khác, thế nhưng cũng hoàn toàn không có tiện nghi, nơi ở mới này được công nhân ví như một nhà tù. Cũng công nhân A cho RFA biết tình trạng nhà ở hiện tại :
"Nói chung là chỉ hơn container một chút là mình có nhà xây thôi thực chất là nó cũng thế. Bọn em ở hiện tại là tầm 100 người mà chỉ có ba nhà vệ sinh thôi. Nói chung là nó rất bẩn thỉu, rất phức tạp. Nói chung là nó chống chế chính quyền Serbia nó đưa tụi em vào đây thôi chứ thực chất là nó hơn tù ở chỗ em được ra ngoài hít khí trời một chút thôi chứ thực chất đây cũng không khác gì tù".
Trước những áp lực của các tổ chức nhân quyền, môi trường, truyền thông… Thủ tướng Serbia đã cử thanh tra đến điều tra. Đại sứ quán Việt Nam cũng cho người tới thăm hỏi, nhưng công nhân hầu như không có điều kiện tiếp xúc với các cơ quan này để trình bày hoàn cảnh của họ. Công nhân A và B cho biết :
"Bên Chính phủ Serbia có cử người sang, nhưng mà người ta không đi thăm thú đâu, người ta chỉ gặp người Trung Quốc thôi rồi người ta về luôn… Chỉ có các nhóm tình nguyện, bên A1, bên Astra (hai tổ chức nhân quyền ở Serbia), bên nhà báo người ta làm mạnh hơn thôi".
"Đại sứ quán (Việt Nam) đến là vào tầng một, gặp vài anh em trong phòng đó thôi là người ta quay về chứ người ta không đi thăm nom sinh hoạt ở tầng trên".
Một tổ chức vận động Nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động là Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (Vietnamese Independent Union –VIU) đã liên lạc với những công nhân Việt Nam tại Serbia, ông Trần Nghĩa Quân, đại diện cho Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam cho đài RFA biết :
"Qua nhiều cuộc trao đổi trực tiếp với các công nhân thì chúng tôi nhận thấy tình trạng thực tế còn kinh khủng hơn những gì mà truyền thông quốc tế đã đưa tin cho đến nay.
Chúng tôi đang tìm cách gửi sim điện thoại và các loại thuốc như thuốc ho, thuốc cảm thuốc tiêu chảy là những thứ thuốc mà họ cần gấp trong mùa đông lạnh sắp tới đây. Tuy nhiên anh em trong công ty bên đó không có tài khoản, không có địa chỉ nên không thể gửi. Chúng tôi đang nhờ qua một tổ chức môi trường Serbia.
Chúng tôi cố gắng giữ vững tinh thần anh em cho tới khi công ty và công ty môi giới giải quyết được những nguyện vọng của anh em".
Bị công ty môi giới Việt Nam lừa
Mặc dù trong hợp đồng có ghi rõ là chủ không được giữ giấy tờ tuỳ thân. Nhưng hầu như tất cả các công nhân xuất khẩu lao động nào khi đến nơi làm việc đầu bị chủ sử dụng tịch thu hộ chiếu ngay tại phi trường với lý do là để làm giấy tờ, nhưng họ không trả lại, mục tiêu là để công nhân không trốn đi được.
"Trước đây đến sân bay là Trung quốc nó tịch thu luôn hộ chiếu nó không trả lại. Đợt vừa rồi báo chí làm căng nên nó mới trả lại tụi em độ hơn tuần nay thôi" - công nhân A cho biết.
Đại diện tổ chức Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam cho biết công ty đã trả hộ chiếu cho một số người, nhưng vẫn còn một số người chưa được trả lại hộ chiếu.
"Mặc dù điều kiện ăn ở không có gì cải thiện, nhưng công ty bắt công nhân phải ký vào một tờ giấy bằng tiếng Anh, Trung Quốc và Việt Nam là hài lòng với chỗ ăn ở này, nếu không thì sẽ không được chấm công.
"Gần đây công nhân cho chúng tôi biếtlà sau áp lực của truyền thông và tổ chức nhân quyền tại Serbia, công ty đã phải trả lại hộ chiếu cho công nhân và trả số lương còn thiếu. Công ty cũng đã di dời công nhân từ conainer sang khu nhà khác, tuy nhiên nơi đây cũng không có một tiện nghi nào cả, cũng không có lò sưởi và nước nóng. Nhà tắm tập thể rất xa chỗ ở, và chỉ có bốn nhà cầu cho 400 người mà lại rất bẩn thỉu, tắt nước thường xuyên.
Nhưng công ty bắt công nhân ký vào một tờ giấy , trong đó ghi :
"Tôi tự nguyện ở lại làm việc và hài lòng với chỗ ăn ở. Tôi hứa sẽ tuân thủ các quy định và sắp xếp của công ty".Nhiều công nhân không muốn ký nhưng nếu không ký thì đi làm công ty sẽ không chấm công, nên cuối cùng tất cả công nhân đều phải ký".
Công nhân A cho biết hợp đồng xuất khẩu lao động Việt Nam được ký với công ty môi giới Song Hỷ Gia Lai đã không được thực hiện đúng như công việc đã ghi và lương cũng không như ghi trong hợp đồng.
"Bọn em có ký hợp đồng với công ty Bảo Sơn, Song Hỷ Gia Lai. Công ty em đăng ký là đơn mục "nội thất". Đến khi ký hợp đồng là đơn mục "buộc sắt". Em không đăng ký đơn ấy vì em chỉ muốn làm trong nhà thôi, người ta lại muốn đưa em ra công trường. Đến khi sang bên này rồi, thực chất nó không có đơn mục "nội thất", đấy là cái đơn họ lừa người lao động để tham gia thôi. Mục "nội thất" bọn em đăng ký là 900 đô la, đến khi em sang bên "buộc sắt" thì nó chỉ trả cho tụi em chưa đầy 750 đô la một tháng".
Công nhân này cho biết công ty môi giới cũng không cho họ biết thông tin về nơi mình qua lao động. Họ đã phải tốn gần 3.000 đô la tiền môi giới mỗi người mà hợp đồng thì đến giờ cuối mới được đọc nên có muốn hủy hợp đồng cũng không còn kịp nữa :
"Trước khi em đi là em đi bên công ty Lạc Hồng của người giám đốc tên là Nguyễn Bá Nhường, sinh năm 1994, quê ở Nghệ An. Khi chuẩn bị đi em nộp tiền toàn bộ phí cho Nhường, tụi em đi mất 2.000 đô một người. Đến khi gần đi thì Nhường đưa em sang bên Bảo Sơn (Song Hỷ Gia Lai) bọn em đóng tiếp 600 đô la tiền "chống trốn". Nhường bảo với em là chủ người Đức, nhưng khi sang đến nơi thực chất là chủ Trung Quốc.
Hôm nay bọn em bay thì chiều hôm nay bọn em ký hợp đồng, đưa rất là nhiều giấy cho bọn em ký, không có thời gian đọc, chỉ ký với viết thôi đã không có thời gian đọc rồi… Bọn em ký lúc chưa có kịp đi ăn cơm. Bọn em phải viết bằng tiếng Anh mà hầu như bọn em chép lại thôi, người ta viết sẵn rồi".
Bữa cơm công nhân
Công nhân cho biết gọi về công ty môi giới để mong được giải quyết về lại Việt Nam nhưng không ai bắt máy :
"Bọn em ai cũng gọi về thường xuyên, em cũng gọi về nhưng bên ấy người ta không nghe máy và không đọc tin nhắn bọn em luôn, không cần nghe bọn em trình bày. Người ta không quan tâm. Người ta chỉ cần đưa bọn em sang bên này là xong, hết nhiệm vụ".
Tổ chức Nghiệp đoàn độc lập Việt Nam cho biết đã gọi cho ông Ngạn của công ty môi giới Song Hỷ Gia Lai để trình bày nguyện vọng công nhân xin về nước :
"VIU (Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam) đã gọi cho công ty môi giới để trình bày hoàn cảnh của công nhân và nêu lên nguyện vọng của công nhân là muốn công ty môi giới cho họ về nước. Rất nhiều lần họ không bắt máy, lần cuối cùng chúng tôi đã liên lạc được với ông Ngạn của công ty Song Hỷ Gia Lai, tuy nhiên, khi chúng tôi cho biết công nhân bên Serbia muốn được giải quyết trở về nước thì ông ta nói bận và hẹn gặp lại, nhưng sau đó chúng tôi gọi lại thì họ không bắt máy nữa".
Đài RFA cũng gọi về cho tòa đại sứ Việt Nam ở Romania kiêm nghiệm Serbia nhiều lần nhưng không ai bắt máy.
Hợp đồng lao động là một năm, nhưng visa trên hộ chiếu chỉ có giá trị 180 ngày. Công nhân cũng tự hỏi : có phải chăng mình đã bị bán cho công ty Trung quốc, theo lời của công nhân A :
"Có người Việt Nam hỏi bên Trung quốc nó bảo : Chúng mày muốn về (Việt Nam) thì đợi đấy. Vì tao mua chúng mày mất 130 triệu một người. Để tao điện về hỏi bên môi giới rồi mới nói chuyện".
Vấn đề không mới
Thống kê số công nhân Xuất khẩu lao động của Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội năm 2019 là 147.387 người, thế nhưng không phải công nhân nào cũng được đối xử tốt đẹp như trong hợp đồng, nhiều các công nhân xuất khẩu lao động đều than rơi vào tình cảnh "đem con bỏ chợ" bởi các công ty môi giới.
Đại diện Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam cho biết lý do :
"Các công nhân tại đó không có ai bảo vệ cho họ nên chủ sử dụng lao động muốn tuỳ tiện đối xử với họ như thế nào thì đối xử. Rất nhiều công nhân cho chúng tôi biết : khi công ty môi giới đem họ qua đây thì đem con bỏ chợ, không quan tâm đến việc hợp đồng có thực hiện đúng không ? công nhân gọi thì không bắt máy.
Công nhân trước khi đi xuất khẩu lao động thì thiếu thông tin, nhiều khi họ chỉ nhận được hợp đồng khi ra đến phi trường thì đã muộn, lúc đó thì muốn ngừng cũng không được nữa vì tiền đã đóng. Đây là lỗi của các công ty môi giới, nói đúng hơn là họ đã lừa công nhân".
Muốn giải quyết được vấn nạn này, theo ông Trần Nghĩa Quân, cần phải :
"Công nhân cần phải được thông tin rõ ràng về các hợp đồng.
Ngoài ra, cần phải có áp lực từ phía nhà nước để tránh tình trạng buôn người, để các công ty môi giới làm việc có trách nhiệm hơn, không chỉ tìm đủ người để đi xuất khẩu lao động là đủ mà còn phải lo cho công nhân nếu họ bị bạc đãi.
Bên cạnh áp lực của nhà nước , cần phải có các nghiệp đoàn độc lập hoạt động hợp pháp (như trong thỏa thuận với CPTPP và EVFTA) để họ có thể giúp đỡ công nhân một cách hữu hiệu hơn".
Mong muốn duy nhất của những công nhân kém may mắn này hiện giờ là :
"Bọn em chỉ muốn về Việt Nam nhưng hiện tại bọn em không về được vì mới sang không có tiền. Bọn em muốn tị nạn nhưng không biết có tị nạn ở đâu được không ? Bọn em bây giờ thật sự là kẹt ở đây luôn !".
Ngày 30/11, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Lê thị Thu Hằng cho biết : "Đại sứ quán cũng chủ động làm việc với các bên liên quan, Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực làm việc với Bộ Lao động - thương binh và xã hội thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong hợp đồng với người lao động, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, bất đồng về điều kiện sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe công nhân, yêu cầu các công ty phái cử nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận với người lao động, thường xuyên theo dõi, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh giữa lao động và chủ sử dụng lao động.
Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia tiếp tục theo dõi sát vụ việc, thúc đẩy công ty sử dụng lao động sớm thực hiện những cam kết với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Serbia".
Tường An
Nguồn : RFA, 01/12/2021