Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/12/2021

Đại gia bất động sản tiến lên Lâm Đồng đại náo đất đai

Lâm Viên, Anh Phương

Hồ sơ : Những thế lực ngầm khuynh đảo đất đai Bảo Lộc

Lâm Viên, VNTB, 02/12/2021

Nếu không có thỏa hiệp thì không một doanh nghiệp nào dám bỏ vốn bạc chục ngàn tỷ trở lên để triển khai các dự án đất đai ở Bảo Lộc.

lamdong1

Tại huyện Bảo Lâm, một số "dự án" đã cạo trọc cả một quả đồi rộng lớn hàng chục hec-ta để xây biệt thự, nhà liền kế bán cho khách hàng.

Những đồi trà Ô long của các đối tác Đài Loan ở "thủ phủ trà Việt Nam" Bảo Lộc tiếp tục bị phanh thành từng mảnh nhỏ để làm dự án bất động sản, bất chấp nhà chức trách khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Thế nhưng tin chắc rằng nếu không có thỏa hiệp, thì không một doanh nghiệp nào dám bỏ vốn bạc chục ngàn tỷ trở lên để triển khai.

Người dân nói rằng sống ở đây vài chục năm mà chưa bao giờ thấy cảnh phân lô, bán nền diễn ra như hiện nay. Một phần do người nông dân không thể "đổi đời" từ việc trồng cây trà, cây cà phê bởi có năm thì lời nhưng cũng có năm chi phí phân bón, tưới tiêu, chăm sóc cao mà giá bán sau thu hoạch quá thấp khiến nhiều người ôm nợ.

"Bán mảnh đất vài tỉ đồng, ra trung tâm để đổi đời cũng là cách chọn lựa của nhiều người. Đất thì người này mua rồi bán cho người kia, giá cứ thế được đẩy lên", nhiều người dân cố cựu nơi đây nói.

Theo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, các "dự án" trên địa bàn huyện Bảo Lâm triển khai khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng các công ty bất động sản đã tham gia với hình thức ủy quyền mua bán, phát triển dự án. Trên thực tế, đất được quảng cáo là các "dự án", thuộc quyền sở hữu của những cá nhân riêng lẻ, sau đó với "chiêu thức" hiến đất làm đường để quảng cáo thành dự án bất động sản.

Thống kê ghi nhận chỉ tính riêng thành phố Bảo Lộc có khoảng 100 "dự án" bất động sản đang được xây dựng. Trong khi chính quyền thành phố Bảo Lộc khẳng định trên địa bàn chỉ có 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện dự án. Hai trong số 6 dự án đã bị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy phép vì triển khai chậm tiến độ.

Còn tại huyện Bảo Lâm, nhiều "dự án" hoành tráng đã được các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản quảng cáo rầm rộ. Một số "dự án" đã cạo trọc cả một quả đồi rộng lớn hàng chục hec-ta để xây biệt thự, nhà liền kế bán cho khách hàng.

Đơn cử, ở dự án Sun Valley, đường Tản Đà, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm của Công ty bất động sản Khải Hưng (trụ sở chính ở khu Thảo Điền, thành phố Thủ Đức), cả vùng đồi 45,5 hec-ta bị san gạt tung tóe để phân lô. Địa hình đã bị biến đổi hoàn toàn ở đại dự án "lậu" này.

lamdong2

Dự án Sun Valley, đường Tản Đà, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm có gần 20 căn biệt thự đã được xây dựng hoàn thiện nhưng không có người ở.

Tại đây công trình kiên cố với bê-tông cốt thép đang được xây dựng. Nhiều quả đồi trong phạm vi của dự án này đã bị xóa sổ. Nhân viên bán hàng đã quảng cáo khắp nơi, chào bán hơn 1.200 lô đất. Các cơ quan chức năng xác nhận "dự án" này chưa được cấp chứng nhận đầu tư.

Các dự án bất động sản đua nhau hình thành trên đất nông nghiệp, quảng cáo rầm rộ chào mời khách hàng đầu tư. Có tới hàng chục dự án sinh thái, nghỉ dưỡng với những cái tên nghe rất kêu được tung ra như La Beaute & La Nature, La Melodie, Đam B’ri Hill Village, Đam B’ri Ecovill, Rocky Hill Village Bảo Lộc, Sun Flower Village…

Tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm), một thôn đã có đến hàng chục khu đất bị san ủi, trải nhựa đường, phân lô. Bộ 3 "dự án" : Sakura Village, Kiwuki Village, 300 Lộc Tân đều được quảng cáo do Công ty Gia Minh Group (GM Holdings) làm đơn vị phát triển.

"Dự án" Phố Hoa Hillside được Công ty bất động sản Tây Nguyên Xanh rao bán, quảng cáo có quy mô 26ha. "Dự án" Bảo Lộc Green Wich được Công ty Phú Hoàng Investment nhận là chủ đầu tư, quy mô lên tới 30ha. "Dự án" Ecolake Village của Công ty Kingdom Land (thuộc Tập đoàn Kingdom Corporation) cũng đang "làm mưa, làm gió" tại Lộc Tân trên phần đồi 4,5ha.

Ngoài những cái tên này, thì các công trình mang tên : Bảo Lộc Farm 38, Happy Valley, Dano Farm… cũng được quảng cáo đầy rẫy trên các trang mua bán.

Tương tự, tại xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm), Sunrice Village, The Gems Paradise II, 50 Lộc Quảng, Green Garden Hill, Star Hill Garden, Sun Home Lộc Quảng, Green Life, Aurora City, Mimosa Garden, Charming Garden… là những cái tên được ghim vị trí bản đồ vào các quả đồi đã bị cạo trọc tại Lộc Quảng.

Sau Lộc Tân và Lộc Quảng, hiện xã Lộc An, Lộc Phú, Lộc Đức, Lộc Ngãi, Lộc Nam và B’lá của huyện Bảo Lâm cũng đang "chạy đua" với phong trào xẻ đồi, phân lô. Từ trên google map, những "khu bàn cờ" giữa đồi xanh được ghim tên : Làng sinh thái An Khuê 2, Tea Village, Hưng Long Centuary, The Tropicana Garden, Panamera Bảo Lộc, Medi Ecovill, Farm House Lộc Đức, Farm Hill Premium, The Venica…

lamdong3

Tại dự án Kiwuki (khu vực giáp ranh huyện Bảo Lâm và Thành phố Bảo Lộc), hàng chục công nhân đang thi công tiểu cảnh trang trí dù trước đó UBND Thành phố Bảo Lộc đã đưa vào danh sách dự án ‘ma’.

Hầu hết các dự án này đều được vẽ 3D, chụp ảnh flycam, có catalog và sơ đồ phân lô rất chuyên nghiệp, thoạt nhìn dễ nhầm với những dự án được cấp phép. Tất cả điều đó khiến thị trường bất động sản ở thành phố Bảo Lộc vì thế càng nóng lên, thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp đổ về gom đất. Giá đất ở những "dự án" này được "cò" rao từ 5 – 10 triệu đồng/m2 tùy vị trí ; tăng đột biến từ vài chục đến 100 triệu đồng/ 1.000m2, vượt xa giá đất trước đó. Những khu đất đồi có tầm nhìn đẹp để săn mây… lên đến cả tỉ đồng/ 1.000m2.

Điểm lạ đến mức khó hiểu là mặc dù Công an tỉnh Lâm Đồng đang điều tra hoạt động tách thửa, phân lô tại thành phố Bảo Lộc, dù vậy, hàng loạt "dự án khủng" nơi đây vẫn thi công rầm rộ.

Nhiều nguồn tin cho biết, pháp lý của các dự án này được bảo đảm từ các quan chức công khai ra mặt là trưởng phòng Tài nguyên Môi trường thành phố Bảo Lộc, chủ tịch UBND xã Đam B’ri, giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Bảo Lộc, trưởng phòng quản lý đô thị thành phố Bảo Lộc…

***

Khải Hưng Corp cho rằng công ty chỉ là đơn vị hợp tác môi giới và phát triển bất động sản. Quả đồi 41ha thực chất vẫn đứng tên sở hữu của nhiều cá nhân. Trước khi bắt đầu triển khai công trình, toàn bộ diện tích quả đồi vẫn là đất nông nghiệp thuộc quy hoạch đất ở nông thôn.

"Các hộ dân trong khu vực (chủ đất) thực hiện thủ tục hiến đất làm đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật và đã được UBND huyện Bảo Lâm ban hành quyết định thu hồi đất, thực hiện các hồ sơ tách thửa theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, các hộ dân đã thực hiện đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở", văn bản phản hồi của Khải Hưng Corp ghi.

Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận việc hiến đất làm đường (mục đích làm đường để phục vụ sản xuất nông nghiệp), các chủ đất lại tiếp tục làm thủ tục xin tách thửa. Cứ theo quy trình này, các chủ đất thực hiện các bước tiếp theo là xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rao bán, giao dịch như một dự án bất động sản.

Trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp có công nhận chức năng sử dụng đất là đất ở nông thôn, các hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ.

"Chúng tôi đã kiểm tra và tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước rất kỹ về quy hoạch và tính pháp lý của những lô đất trong khu vực này… Việc hiến đất mở đường đều được các chủ đất tuân thủ theo đúng trình tự, theo đúng quy định của pháp luật và quy định của địa phương", Khải Hưng Corp khẳng định.

Doanh nghiệp này cũng tự tin khi đã tài tình chuyển toàn bộ mục đích sử dụng đất quả đồi 41ha này từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư 100% trong thời gian ngắn. Giá bán hiện tại đã lên tới 10 triệu đồng/m2 với các nền đất có diện tích từ 250 đến 1.000 m2. Hiện các hộ dân và khách hàng mua các lô đất thuộc quả đồi đều được phép xây dựng.

Lâm Viên

Nguồn : VNTB, 02/12/2021

*********************

Mở rộng không gian đô thị, giảm đất sản xuất nông nghiệp ở Đà Lạt

Mở rộng không gian đô thị, giảm đất sản xuất nông nghiệp trong đô thị, điều chỉnh một số khu vực quy hoạch đất cây xanh nhưng không phù hợp hiện trạng… là những điều chỉnh về quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030. 

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có buổi làm việc về điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch 704). 

Đồ án quy hoạch chung Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương điều chỉnh quy hoạch vào tháng 9/2021. 

Để triển khai việc điều chỉnh đảm bảo tiến độ, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Đà lạt và vùng phụ cận, UBND tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng không gian đô thị, phát triển đô thị vệ tinh với hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm Thành phố Đà Lạt. Trong khi đó, vẫn phải bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang các biệt thự, công trình di sản. 

lamdong4

Theo mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung, Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ mở rộng không gian đô thị, giảm đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh Nguyễn Trinh

Bằng nguồn ngân sách của tỉnh, Sở Xây dựng sẽ là đơn vị chủ đầu tư điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch của Quy hoạch 704 và đến tháng 6/2022 phải hoàn thành đồ án. 

Về tổ chức không gian và kiến trúc cảnh quan, sẽ mở rộng thêm không gian đô thị phát triển theo hướng Bắc, Đông và Tây của Thành phố Đà Lạt, nhằm kéo dãn khu vực trung tâm đô thị lịch sử. 

Điều chỉnh một số chỉ tiêu mật độ xây dựng trung bình, mật độ xây dựng gộp, tầng cao trung bình theo tình hình thực tế, địa hình khu vực, đáp ứng nhu cầu quản lý, thu hút đầu tư và phát triển mở rộng không gian đô thị.

Đối với quy hoạch sử dụng đất, sẽ rà soát, điều chỉnh tăng diện tích đất xây dựng đô thị, giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong đô thị, chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch canh nông.

Nghiên cứu chuyển diện tích đất sân bay Cam Ly thành đất dân dụng, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ công cộng khu đô thị, chuyển trường Tây Sơn sang khu vực mới. 

Bổ sung chức năng, công năng các công viên cây xanh, công viên chuyên đề ; điều chỉnh một số khu vực được quy hoạch là đất cây xanh nhưng không phù hợp với hiện trạng, không khả thi khi thực hiện. Đồng thời, phát triển quỹ đất để tạo nguồn lực đầu tư, phát triển đô thị Đà Lạt và các đô thị vệ tinh trong vùng phụ cận. 

Về quy hoạch giao thông, sẽ điều chỉnh tăng khả năng kết nối các đô thị vệ tinh với Thành phố Đà Lạt và các đô thị vệ tinh với nhau, tức là các tuyến đường tránh đô thị lõi. 

Ngoài ra, điều chỉnh hướng tuyến đường vành đai ngoài phù hợp với hiện trạng, đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu mở rộng không gian đô thị Đà Lạt và các đô thị vệ tinh trong vùng. 

Anh Phương

*********************

Ngăn phân lô bán nền tràn lan, Lâm Đồng ra quy định mới về tách thửa đất

Sau gần nửa năm tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đất trên địa bàn. 

lamdong5

UBND tỉnh Lâm Đồng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện tách thửa, hợp thửa đất với trường hợp hình thành đường giao thông mới. 

Ngày 1/11, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 40/2021/QĐ-UBND (Quyết định số 40) về quy định điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh. 

Như vậy, sau gần nửa năm tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa đất để rà soát những vướng mắc về yêu cầu hình thành đường giao thông với thửa đất mới hình thành, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quy định mới về tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đất. 

Về điều kiện tách thửa và hợp thửa đất có hình thành đường giao thông mới, nhằm hạn chế tình trạng phân lô bán nền tràn lan như trong thời gian qua, Quyết định số 40 đã có một số quy định về diện tích. 

Cụ thể, với thửa đất hoặc khu đất (gồm nhiều thửa đất) nhỏ hơn 5ha thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500, được UBND cấp huyện ký duyệt bản vẽ kèm văn bản thống nhất. Trong đó phải thể hiện các quy chuẩn quy định liên quan đến hạ tầng kỹ thuật đường giao thông…

Ngoài ra, thửa đất hoặc khu đất khi tách thửa, hợp thửa có diện tích lớn hơn 5.000m2 (sau khi trừ diện tích đường giao thông) thì phải dành ít nhất 5% để xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ lợi ích công cộng. 

Trường hợp thửa đất hoặc khu đất có diện tích lớn hơn 5ha, khi muốn tiến hành tách thửa, hợp thửa thì người sử dụng đất phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng, trình phê duyệt theo quy định. 

So với quy định cũ, Quyết định số 40 không có nhiều thay đổi về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất. Chỉ có một số thay đổi về chiều rộng cạnh tiếp giáp mặt đường đối với thửa đất mới hình thành. 

Cụ thể, đối với đất ở tại khu vực đô thị (thuộc địa bàn các phường, thị trấn), thửa đất mới hình thành từ việc tách thửa phải lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu theo từng trường hợp như sau : 

lamdong6

Đối với đất ở khu vực nông thôn thuộc quy hoạch đất ở nông thôn đã có quy hoạch kiến trúc dạng nhà ở thì thực hiện theo quy hoạch. 

Trường hợp chưa có quy hoạch dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích thửa đất mới hình thành sau tách thửa không nhỏ hơn 72m2 và chiều rộng mặt đường tối thiểu 4,5m. 

Đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị, 1.000m2 tại khu vực nông thôn. Trường hợp tiếp giáp đường giao thông thì ngoài diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định thì còn phải đảm bảo có cạnh tiếp giáp đường không nhỏ hơn 10m. 

Những thửa đất có nhiều mục đích sử dụng, nếu thuộc quy hoạch đất ở mà muốn tách thửa đất ở đồng thời có đất nông nghiệp thì thực hiện theo quy định nêu trên. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp không cần đảm bảo tối thiểu 500m2 ; 

Nếu thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 nhưng diện tích đất ở chỉ thuộc một trong các thửa đất sau khi tách. Trường hợp tách đất ở ra thuộc các thửa đất khác nhau thì diện tích đất ở trong từng thửa đất sau khi tách tối thiểu phải 500m2. ....

Anh Phương 

*******************

Công an điều tra sai phạm các vụ hiến đất mở đường để tách thửa ở Thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng

Bằng hình thức xin hiến đất làm đường, các khu đất nông nghiệp bạt ngàn ở Thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng bỗng chốc trở thành "dự án bất động sản". Công an sẽ điều tra sai phạm trong việc hiến đất làm đường để tách thửa. 

lamdong7

Một đồi chè ở Thành phố Bảo Lộc bị san phẳng để phân lô bán nền. 

Phân lô bán nền dưới hình thức hiến đất làm đường 

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa có thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND Thành phố Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn. Thời kỳ thanh tra từ năm 2018 đến năm 2020.

Về công tác quản lý, sử dụng đất, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác định UBND Thành phố Bảo Lộc xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa phù hợp, chưa sát với tình hình địa phương. 

Kế hoạch sử dụng đất của năm 2018 và năm 2019 trình UBND tỉnh phê duyệt, UBND Thành phố Bảo Lộc chưa tham mưu ban hành kèm theo danh mục các công trình, dự án cần giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là chưa thực hiện đúng theo quy định. 

Thời gian qua, việc các hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư hạ tầng như mở đường, dựng trụ điện để nhằm mục đích phân lô, tách thửa trên địa bàn Thành phố Bảo Lộc diễn biến phức tạp. 

Đặc biệt, trên các phương tiện truyền thông quảng cáo về "dự án bất động sản" nhưng thực chất là do một số đối tượng môi giới bất động sản tự đặt tên và đăng tin quảng cáo nhằm thu hút người mua. Thực tế, các dự án này đều không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. 

"Hiện tượng này cũng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh, dẫn đến phát sinh dư luận không tốt về công tác quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Tuy nhiên công tác chỉ đạo của UBND Thành phố Bảo Lộc còn lúng túng, chưa chặt chẽ, chưa kiên quyết, dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời", thông báo kết luận thanh tra nêu. 

Cụ thể, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng chỉ ra một số trường hợp vi phạm như :

- Người sử dụng đất xin hiến đất làm đường nhưng có nơi còn làm hàng rào, nhà bảo vệ, bản chất của việc hiến đất là nhằm mục đích phân lô bán nền

- Người sử dụng không lập "văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định" mà chỉ lập "đơn xin hiến đất", từ đó không xác định được bên nhận cho, không đúng thủ tục hồ sơ ; 

- Về đối tượng, người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng vì mục đích chung nhưng các trường hợp "hiến đất" và tự mở đường, tách thửa ở Thành phố Bảo Lộc thời gian qua chủ yếu nhằm mục đích cá nhân, để đủ điều kiện tách thửa ; 

- c tự ý xây dựng đường giao thông không tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục về xây dựng ; công trình công cộng do người dân tự xây dựng không có hồ sơ thiết kế, nghiệm thu công trình ; 

- Người dân tự xây dựng công trình giao thông trên đất nông nghiệp là không đúng quy định nhưng việc chấp nhận hồ sơ, căn cứ vào "đơn xin hiến đất" để ghi nhận hiện trạng (đường giao thông) vào hồ sơ địa chính đã gián tiếp ghi nhận công trình vi phạm ; 

- Các công trình giao thông có kết cấu bê tông nhựa, bê tông xi măng được xây dựng trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích…

Chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra 

Qua kiểm tra, việc đầu tư xây dựng mới các tuyến đường của 9 cá nhân trên địa bàn phường Lộc Phát và xã ĐamB’ri, Thành phố Bảo Lộc đều không có cấp giấy phép xây dựng, không được cơ quan thẩm quyền phê duyệt ; các chủ đầu tư không thông báo thời gian khởi công ; chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đấu nối vào đường chính. 

Tại thời điểm thanh tra, toàn bộ diện tích đất các cá nhân hiến đất làm đường (đã hình thành các con đường) chưa được chính quyền địa phương "nhận hiến". 

Việc hình thành các tuyến đường không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất này đã gián tiếp ảnh hưởng đến các chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất, tiềm ẩn nguy cơ hình thành những khu dân cư mới không đúng quy hoạch. Bởi hiện nay diện tích đất này đang được rao bán dưới hình thức "dự án bất động sản" nhằm lừa đảo người mua. 

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đánh giá, để xảy ra những vi phạm nói trên là bởi UBND Thành phố Bảo Lộc có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai, quản lý hoạt động xây dựng hạ tầng nhằm tách thửa đất của một số cá nhân trên địa bàn. 

Các đơn vị liên quan khác như Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Bảo Lộc, Phòng Quản lý đô thị Thành phố Bảo Lộc, UBND phường Lộc Phát, UBND xã ĐamB’ri chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực, địa bàn được phân công.

Từ kiến nghị của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất các nội dung kết luận. Trong đó, giao Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo Sở Xây dựng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND Thành phố Bảo Lộc theo lĩnh vực phụ trách qua các thời kỳ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. 

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý các cơ quan, cá nhân liên quan đến sai phạm trong việc hiến đất làm đường để tách thửa. 

Anh Phương 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lâm Viên, Anh Phương
Read 394 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)