Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/12/2021

Xe Vinfast và câu hỏi người Mỹ có tiêu dùng hàng Mỹ

Bùi Văn Phú

Từ ngày 17 đến 28/11 vừa qua có triển lãm ô tô ở Los Angeles Convention Center với một nghìn xe đủ các thương hiệu từ nhiều quốc gia.

bvp1

San Francisco Car Show 2015 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Nhiều người Việt chú ý và đã đến xem vì năm nay đặc biệt có hai xe hiệu Vinfast của tổng công ty Vingroup của tỉ phú đôla Phạm Nhật Vượng. Ông Vượng là người giầu nhất Việt Nam và trong vài năm qua cũng đã được vào danh sách những người giầu trên thế giới do tạp chí tài chính Forbes xếp hạng.

Năm 2017 Vingroup đã xây dựng một khu lắp ráp ô tô ở Hải Phòng và một năm sau đã cho ra các xe mẫu Vinfast đầu tiên. Lúc bấy giờ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong một chuyến thăm khu công nghiệp đã ca ngợi tiến trình sản xuất xe Vinfast của Vingroup. Truyền thông Việt Nam cũng có nhiều bài viết về bước nhẩy đột phá của ông Vượng trong việc sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam, dù rằng hầu hết các bộ phận, máy xe và linh kiện đều là sản phẩm mua lại của nước ngoài như Đức, Ý và Việt Nam chỉ là nơi lắp ráp.

Tại các triển lãm xe ở Mỹ, người đi xem và được lái thử xe có triển vọng là những khách hàng trong tương lai khi xe được bán ra thị trường. Tôi đã vài lần xem trưng bày xe ở San Francisco, San Jose và thấy nhân viên tiếp thị của các hãng sản xuất xe rất tận tình trả lời câu hỏi cho khách đến xem, không như những người bán xe thường nói năng chiêu dụ khách mua cho bằng được.

bvp2

Khách chờ lái thử xe trong triển lãm xe ở San Francisco năm 2015 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Ở Mỹ khách hàng có rất nhiều chọn lựa khi mua ô tô. Ngoài xe Mỹ còn có xe Đức, xe Nhật, Ý, xe Thụy Điển, Hàn Quốc là những quốc gia đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhiều hiệu xe khác nhau trong mấy chục năm qua.

Từ ngày đến Mỹ định cư tôi đã làm chủ cả chục ô tô các loại, xe của Mỹ, của Đức cũng như của Nhật. Mua xe đã qua nhiều đời chủ cũng có và xe mới cũng có. Anh em trong gia đình cũng từng làm chủ nhiều hiệu xe khác nhau và khi chia sẻ kinh nghiệm đều đồng ý rằng xe Mỹ không bền lâu như xe Nhật, xe Đức.

Khủng hoảng xăng dầu năm 1979 làm giá xăng tăng cao mà xe Mỹ lại uống xăng như uống nước, khi đó xe Nhật tìm cách vào thị trường Hoa Kỳ và có số bán tăng dần từ đầu thập niên 1980.

Năm 1975, khi mới đến Mỹ anh em tìm mua chiếc xe cũ để đi học mà thấy toàn xe Mỹ như Falcon, Chevrolet, Dodge và chỉ có Volkswagen của Đức là hàng ngoại. Đường phố và xa lộ California lúc đó có nhiều xe con bọ của Đức, thường mầu xanh dương đậm mà ông anh mua một chiếc đời 1967, đã qua mấy đời chủ, giá 700 đôla. Tôi nhớ đặc điểm của xe này là không cần đổ nước và bình điện nằm dưới chỗ ngồi ở băng ghế phía sau và ít hư. Thỉnh thoảng máy không nổ thì cho tay quay vào quay vài vòng.

Ít lâu sau một anh khác mua chiếc Chevrolette mui xếp, của một giáo sư thỉnh giảng người Đức qua dạy tại Đại học Berkeley, trước khi về nước ông bán lại với giá thân hữu 100 đôla. Chạy một thời gian chừng hơn năm, xe có trục trặc bơm xăng. Nhiều sáng không nổ máy nên phải mở nắp, xịt vào chất hơi gì đó thì máy mới chạy.

Năm 1977 tôi mua xe hiệu Hornet của hãng GMC, đời 1972, giá 900 đô. Lúc đó có người anh mua một xe Pinto của Mỹ, mới tinh, giá chỉ 6 nghìn đô. Chiếc Hornet tôi chạy được ít lâu cũng có vấn đề với bơm xăng, rồi đến cục sạc bình điện không hoạt động nữa nên cứ phải đi sửa.

Những năm cuối thập niên 1970, xe Nhật chưa vào thị trường Mỹ nhiều. Điểm không tốt của xe Nhật là khung sườn không được cứng như xe Mỹ, vì làm bằng hợp kim nhẹ để ít hao xăng, khi bị đụng rất dễ gẫy, không an toàn cho người chạy xe.

Khi xe Nhật bắt đầu được nhập vào Mỹ đã gây phản ứng không thuận từ giới công nhân trong các công ty sản xuất xe Mỹ và nhiều người đã có cái nhìn không thiện cảm về người Nhật. Hè năm 1982, kỹ sư vẽ họa đồ thiết kế xe Vincent Chin, người gốc Hoa 27 tuổi, đã bị hai công nhân làm việc trong ngành sản xuất xe hơi Mỹ ở thành phố Detroit đánh chết, vì kẻ giết người lầm tưởng Vincent là người Nhật. Sự việc được ghi lại trong phim tài liệu "Who Killed Vincent Chin".

Lúc đó thị trường ô tô ở Mỹ cũng còn mở ra cho nhiều nước khác, trong đó có xe Yugo từ nước cộng sản Nam Tư (Yugoslavia) bắt đầu nhập vào Mỹ năm 1984 với giá khá rẻ, chừng 5 nghìn đôla một chiếc và có chính sách bảo hành 10 năm hay 100 nghìn miles (1 mile = 1.6 km). Xe này có nhiều lỗi kỹ thuật nên mấy năm sau không còn nhập cảng vào Mỹ nữa. Thông tin trên mạng CarAndDriver.com nhận xét Yugo là loại xe tồi tệ nhất trong lịch sử.

Năm 1986 Nam Hàn lần đầu tiên giới thiệu vào thị trường Mỹ xe Hyundai, sau đó là Kia. Sau 35 năm Hyundai đã có được lòng tin của khách Mỹ mua xe. Tuy không nhiều bằng xe Nhật, Hyundai hiện nay chiếm hơn 2% thị phần ô tô tại Hoa Kỳ, theo EarnHardtHyundai.com.

Xe nước ngoài chiếm thị phần cao nhất tại Mỹ là của Nhật, khoảng 40%. Theo những hợp đồng giao thương, dù là xe Nhật nhưng phải sản xuất tại Mỹ và hiện nay có đến 70% xe của các hãng Nhật được sản xuất tại Bắc Mỹ bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Mexico.

Bây giờ mua xe mới sẽ thấy trên giấy có ghi rõ bao nhiêu phần trăm những đồ của xe được sản xuất ở đâu.

Đường phố, xa lộ ở California nay phần đông xe mang các thương hiệu Nhật, Đức và Hàn Quốc. Trong tương lai xe điện sẽ trở nên phổ thông hơn ở tiểu bang này vì các chính sách bảo vệ môi trường khắt khe và có những ưu đãi cho người sử dụng xe chạy điện hơn những nơi khác.

Nhìn vào tương lai xanh của California, Vinfast có chiến lược xâm nhập thị trường Mỹ qua cửa ngõ tiểu bang này. Theo tin Reuters đưa ra trong những ngày qua thì Vinfast sẽ xây công xưởng tại Hoa Kỳ, sẽ huy động vốn lên đến cả tỉ đôla cho việc đem Vinfast chạy điện đến cho người tiêu dùng trong nội địa nước Mỹ.

Đó là cách đi tắt đón đầu mà ông Phạm Nhật Vượng đang nhắm đến. Ông dùng tiền để đem đến cho công ty những chuyên gia và những gì tốt nhất có thể để mang đến cho Việt Nam một thương hiệu được thế giới chú ý đến nhiều hơn là quần áo, giầy dép, bàn ghế mây tre, gạo, cà phê, hoa quả hay tôm cá, nước mắm.

Nhưng "Người Việt dùng hàng Việt" có phải là khẩu hiệu hấp dẫn với người Việt ở Mỹ hay không ?

Mỗi người chúng ta tự có câu trả lời, bằng vào những trải nghiệm. Bàn ghế trong nhà, quần áo đang mặc, chén đĩa, đồ ăn thức uống, gia vị có là sản phẩm Việt Nam, hay từ một nơi khác như Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc. Nếu không phải là sản phẩm quê nhà, nguyên do vì sao. Chất lượng, bền lâu, giá phải chăng hay quen khẩu vị có lẽ là những lý do chính để chúng ta chọn mặt hàng. Từ đâu làm ra không quan trọng trong việc chọn lựa.

Trong nhà tôi có những thứ là sản phẩm quê nhà, dùng đã nhiều năm nhưng cũng có thứ chỉ mua thử qua một lần rồi thôi.

Nhớ vú sữa, na nên khi có hàng mới được nhập từ Việt Nam qua chúng tôi mua ăn thử. Na đông lạnh một gói ba trái chừng 5 đôla, ăn cũng còn thấy mùi vị thơm ngon. Vú sữa 9 đôla một cân Anh, một thùng 9 trái trái 60 đô thì sượng, ăn không được.

Tôi không có cơ hội đi xem triển lãm ô tô ở Los Angeles, nhưng theo tường thuật trên truyền thông và mạng xã hội thì có thể tóm tắt các nét chính về xe Vinfast tại hội chợ xe 2021 ở Mỹ như sau. Đó là hai mẫu xe Sport Utility, chạy bằng điện. Người đi xem không thể đến gần xe, không được mở cửa xe để xem bên trong, hay mở nắp máy xe lên xem máy móc ra sao. Dĩ nhiên là Vinfast cũng không cho khách chạy thử như nhiều thương hiệu khác đã dành cho khách trong dịp này.

bvp3

Hai mẫu xe Vinfast tại Los Angeles Auto Show 2021 (Ảnh : AFP)

MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên được Vinfast chọn làm người quảng cáo cho xe. Vì là người có hợp đồng quảng cáo xe thì cô không thể nói gì khác hơn là sẽ mua xe Vinfast để chạy, một điều bình thường với những người nổi tiếng được trả tiền để quảng cáo cho một sản phẩm. Điều tạo phản ứng là khi cô nói sẽ hủy hợp đồng cô đã đặt mua Tesla để mua Vinfast. Cô nói như thế chẳng khác nào như có người từng quảng cáo cà phê Trung Nguyên sẽ đánh bại Starbucks hay B-Phone sẽ qua mặt iPhone Apple. Ngày nay nhiều người Việt có máu nổ chứ chẳng riêng gì cô Kỳ Duyên.

Không biết cô Kỳ Duyên có được lái thử chiếc Vinfast nào chưa mà tuyên bố như thế. Với tôi và nhiều người khác cũng phải chờ xem khi Vinfast vào được thị trường Mỹ, có được sự thẩm định về chất lượng, mẫu mã một cách khách quan, chẳng hạn như từ tạp chí Consumer Reports, khi đó mới biết ưu khuyết điểm của xe ra sao.

Ở Mỹ khách hàng là vua và còn có luật bảo vệ người tiêu dùng. Quảng cáo nổ như pháo mà thực chất không có thì khó được lòng tin từ khách hàng.

Người tiêu dùng ở Mỹ như tôi có thể thử gạo, nước mắm hay vú sữa, na nhập từ Việt Nam xem có ngon, hợp khẩu vị không. Không ngon hay không thích thì cũng chỉ tốn vài chục đôla.

Chứ bỏ ra vài chục nghìn đô mua Vinfast mà chưa biết tốt xấu ra sao là điều phải đắn đo nhiều.

Bùi Văn Phú

Nguồn : © 2021 Buivanphu, 03/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bùi Văn Phú
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)