Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/12/2021

Tương đồng về chính sách ngoại giao giữa Ấn Độ và Việt Nam

Claude Blanchemaison

Từng là đại sứ Pháp tại Ấn Độ trong 4 năm, tháng 10 vừa qua, ông Claude Blanchemaison vừa cho xuất bản tại Pháp một cuốn sách về Ấn Độ, tựa đề "L’Inde, contre vents et marées" (Ấn Độ, bất chấp bao trở ngại). Cuốn sách của Blanchemaison gây chú ý đặc biệt, bởi vì ông vừa là tác nhân, vừa là nhà quan sát tình hình địa chính trị của quốc gia đông dân hàng thứ hai của hành tinh chúng ta và hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ 5 thế giới. 

vietan1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi trước cuộc họp tại New Delhi, ngày 24/01/2018, kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ. © AP

Cuốn sách "L’Inde, contre vents et marées" của vị cựu đại sứ Pháp tại Ấn Độ chủ yếu nêu lên những thách thức đối với quốc gia đang có tham vọng vươn lên thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Để đạt được mục tiêu đó, liệu Ấn Độ có thể dựa vào một dân số trẻ, vào trình độ công nghệ số, sự đa dạng văn hóa và chế độ chính trị đa nguyên của nước này ? Theo tác giả Claude Blanchemaison, muốn thực hiện được tham vọng nói trên, trước hết các nhà lãnh đạo ở New Delhi phải giải quyết các vấn đề về cơ cấu trong nước và duy trì thế cân bằng trong quan hệ với các đối tác bên ngoài. Nhưng bối cảnh hiện nay không mấy thuận lợi, sau khi phe Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan, gây khó khăn rất nhiều cho chính sách chống khủng bố của Ấn Độ. Thêm vào đó, việc nước Úc lập liên minh AUKUS với Anh Quốc và Mỹ đang ảnh hưởng đến thế cân bằng trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trước khi làm việc ở New Delhi, ông Claude Blanchemaison cũng đã từng là đại sứ Pháp tại Việt Nam từ năm 1989 đến 1993, một quốc gia mà ông vẫn còn giữ nhiều mối liên hệ. Vị cựu đại sứ Pháp tại Hà Nội đã là tác giả của cuốn sách "La Marseillaise du général Giap", xuất bản vào tháng 10/2013. Cho nên, có thể nói ông là người nắm rất rành tình hình quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam, hai quốc gia mà theo ông có những mối tương đồng về chính sách ngoại giao.

vietan2

Cựu đại sứ Pháp tại Ấn Độ và Việt Nam Claude Blanchemaison trả lời phỏng vấn RFI tại Paris ngày 12/11/2021.  © RFI

Trước khi nói về quan hệ Việt-Ấn, chúng ra hãy tìm hiểu về vị trí hiện nay của Ấn Độ theo cái nhìn của cựu đại sứ Blanchemaison : 

"Từ khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, Nehru, thủ tướng đầu tiên của nước này đã là một trong những người, cùng với Sukarno (cố tổng thống Indonesia), Nasser (cố tổng thống Ai Cập), sáng lập phong trào phi liên kết, quy tụ các nước không nghiêng về phe nào, không theo khối Liên Xô mà cũng không theo khối phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ. 

Cho dù đó là chuyện đã thuộc về lịch sử, nhưng nên nhớ rằng phong trào phi liên kết vẫn còn tồn tại và vẫn thường xuyên họp lại. Nhưng nay thời thế đã thay đổi, Ấn Độ đã có một chính phủ thuộc một đảng khác. Nước này vào ngày 15/08 năm tới sẽ kỷ niệm 75 năm độc lập. Trước khi bùng phát đại dịch, Ấn Độ đã là cường quốc kinh tế đứng hàng thứ 5. Hiện chưa biết là đại dịch tác động như thế nào đến vị trí kinh tế này của Ấn Độ, nhưng tôi tin là kinh tế Ấn Độ có khả năng phục hồi rất mạnh và sẽ nhanh chóng trở lại con đường tăng trưởng nhanh. 

Trước hết, Ấn Độ có một dân số trẻ, năng động, với 55% dân số dưới 25 tuổi. Thứ hai, nước này đã có những điều kiện vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế. Khi mới giành được độc lập, Ấn Độ còn gặp nạn đói, phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu lương thực, nhưng ngày nay Ấn Độ không chỉ tự túc về lương thực, mà còn xuất khẩu ngũ cốc, sữa, thậm chí xuất khẩu thịt đến một số nước Châu Á. Trong lĩnh vực dịch vụ, Ấn Độ nay là nhà vô địch thế giới về dịch vụ tin học.

Về quan hệ quốc tế, Ấn Độ không muốn liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, từ cách đây khoảng 20 năm, nước này đã thiết lập đối tác với rất nhiều quốc gia. Các quan hệ đối tác này, đối tác chiến lược, hoặc đối tác tăng cường, có nội dung khác nhau tùy theo quốc gia. Pháp đã là một trong những quốc gia đầu tiên ký hiệp định đối tác chiến lược với Ấn Độ, cụ thể là vào năm 1998, dưới thời tổng thống Jacques Chirac. Mối quan hệ giữa hai nước đã phát triển rất nhiều từ đó đến nay, với các cuộc thảo luận về chính trị và chiến lược giữa bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, cũng như giữa lãnh đạo quân đội của hai bên".

Cũng theo tác giả Blanchemaison, đường lối ngoại giao hiện nay của Ấn Độ cũng chính là kế thừa từ thời kỳ thành lập phong trào phi liên kết : 

"Có thể nói nước này đã kế thừa văn hóa ngoại giao phi liên kết, một văn hóa mà tôi gọi là chiến lược theo đủ mọi hướng, một chính sách phần nào tương tự như Việt Nam. Ấn Độ muốn làm bạn với mọi nước, thậm chí không muốn là kẻ thù của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc là đối thủ lớn, là láng giềng có tranh chấp biên giới với Ấn Độ. 

Ấn Độ xử lý quan hệ với Trung Quốc một cách rất mềm dẻo, mà tôi có thể nói là theo kiểu Châu Á, tức là không phải chúng ta có bất đồng về một vài điểm, chẳng hạn như về biên giới, là chúng ta bất đồng trên mọi thứ, có nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác với nhau, như trường hợp đối với Trung Quốc, cũng như đối với nhiều nước khác. 

Ấn Độ hiện nay cũng thừa kế từ thời Nehru một mối quan hệ hợp tác rất chặt chẽ với Nga, mà trước đây là Liên Xô. Trong lịch sử, có thể nói Liên Xô đã từng là quốc gia bảo bọc Ấn Độ. Ngay cả bây giờ, khi Pakistan gây khó dễ cho Ấn Độ trên vấn đề Cachemire, cũng chính Nga bảo vệ Ấn Độ ở Hội Đồng Bảo An và dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc thảo luận về hồ sơ này. Nga vẫn còn là nguồn cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, tuy là cung cấp với quy mô nhỏ hơn so với cách đây 30 năm, nhưng Nga vẫn là một đối tác quan trọng".

Một mặt phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, mặt khác Ấn Độ cũng ngày càng mở rộng bang giao với các nước Châu Á, theo quan sát của cựu đại sứ Blanchemaison : 

"Đối với Châu Á, Ấn Độ thi hành một chính sách "hướng Đông" rất năng động, nhất là với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có quan hệ rất chặt chẽ với Ấn Độ, điều mà bản thân tôi đã nhận thấy khi còn là đại sứ Pháp ở Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ là một nhân vật quan trọng, có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam.

Nay Ấn Độ thắt chặt hơn nữa quan hệ với nhiều nước ASEAN. Chỉ có điều New Delhi cảm thấy khó xử đối với Miến Điện do cuộc đảo chính quân sự, vì họ không muốn thấy phe quân sự nắm quyền ở một nước láng giềng và nhất là vì điều này làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Ngoài ASEAN, Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ với các nước Châu Á khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như với các nước nam Thái Bình Dương. Từ vài năm nay, Ấn Độ cũng tham gia các cuộc tập trận trên biển với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc. Bốn nước này nằm trong một nhóm gọi là QUAD (Bộ Tứ), nhưng chính phủ New Delhi không muốn nhóm không chính thức này thiên về các vấn đề quân sự, mà muốn các nước trong nhóm hợp tác về phát triển bền vững, hợp tác y tế, để QUAD không có vẻ là một tổ chức quân sự. Cho dù có quan hệ phức tạp với Trung Quốc, Ấn Độ dứt khoát không muốn đi theo con đường như của Úc, lập liên minh quân sự với Hoa Kỳ và Anh Quốc để chống Trung Quốc".

Tuy nhiên, theo cựu đại sứ Pháp tại New Delhi, Ấn Độ cũng có lập trường giống các nước phương Tây, như Pháp, hay các nước thành viên khác của QUAD, tức là phải bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông, chống lại việc Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo ở vùng biển này. Nhưng ông Blanchemaison cho rằng cả Ấn Độ lẫn Việt Nam đều bằng mọi giá cố tránh xung đột quân sự với Trung Quốc. Cựu đại sứ Pháp tại New Delhi và Hà Nội nhấn mạnh đến sự tương đồng về chính sách ngoại giao giữa hai nước :

"Tôi nghĩ Ấn Độ là một đối tác rất tốt đối với Việt Nam và ngược lại, Việt Nam cũng là một đối tác rất tốt đối với Ấn Độ. Như tôi có nói lúc nảy, hai nước có những điểm tương đồng, tức là có một chính sách ngoại giao theo mọi hướng, làm mọi với mọi nước, cố làm sao không có quốc gia kẻ thù. Chỉ có do vấn đề lịch sử, hậu quả của việc Anh Quốc phân chia lãnh thổ, nên Ấn Độ vẫn có một quốc gia đối dịch là Pakistan. 

Cũng như đa số các quốc gia Châu Á, Ấn Độ có đối tác thương mại chính là Trung Quốc. Đó là một thực tế. Ấn Độ cho rằng phải tiếp tục chính sách hợp tác với Trung Quốc trên toàn bộ những lĩnh vực mà giữa hai nước không có mâu thuẫn, đối đầu. Tôi nghĩ Việt Nam cũng có cùng một chính sách.

Dĩ nhiên là Việt Nam có rất nhiều tranh chấp với Trung Quốc, nhất là trên vấn đề Biển Hoa Nam, mà tôi gọi theo tên Việt Nam là Biển Đông, và trông chờ vào sự yểm trợ của nhiều nước. Yểm trợ ở đây không có nghĩa là liên minh quân sự giống kiểu NATO. Cả hai nước, Ấn Độ và Việt Nam đều không muốn thấy có một liên minh quân sự như thế này ở Châu Á. 

Nhưng để tạo một tác động răn đe, Việt Nam mời các công ty dầu khí Ấn Độ đến thăm dò, khai thác ở Biển Đông, vì Ấn Độ cũng đang có nhu cầu rất lớn về năng lượng, tuy rằng sẽ không đầu tư rất nhiều vào dầu khí vì làm như vậy sẽ là trái với cam kết của Ấn Độ tại hội nghị COP 26 về trung hòa carbon".

Cũng theo tác giả Blanchemaison, ngay cả về việc trang bị vũ khí, Việt Nam cũng đi theo hướng đa dạng hóa nguồn cung cấp, giống như Việt Nam : 

"Hiện giờ, ngành công nghiệp vũ khí của Ấn Độ còn yếu, tuy đang trên đà phát triển mạnh, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Điều mà nước này đang làm đó là đa dạng hóa nguồn nhập khẩu. Nhập khẩu vũ khí từ Nga hiện nay chỉ còn chiếm chưa tới 50%. Nhưng cũng có việc di dời cơ sở sản xuất sang Ấn Độ, chẳng hạn như chiến đấu cơ Sukhoi hiện được lắp ráp ở Ấn Độ. Ấn Độ cũng có thể giao một vài chiếc Sukhoi này cho Việt Nam nếu Việt Nam đặt mua trực tiếp từ Nga. 

Tôi nghĩ Việt Nam cũng đang tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí. Hiện nay không có cấm vận vũ khí của quốc tế đối với Việt Nam và Việt Nam có thể dựa theo kinh nghiệm đa dạng hóa nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ".

Thanh Phương thực hiện

Nguồn : RFI, 06/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Claude Blanchemaison, Thanh Phương
Read 270 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)