Ngày 9 và 10 tháng 12 tới đây sẽ có 110 nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ do Mỹ tổ chức. Một số quốc gia, trong đó các nước có chế độ cộng sản như Việt Nam, Trung Quốc… đã không được mời. Liệu đó có là một sự thể hiện chống lại chủ nghĩa độc tài, đặc biệt là ở Trung Quốc và liệu có cơ hội hy vọng vào sự chuyển đổi dân chủ ở các chế độ này ?
– Reuters – Ảnh minh họa
Mô hình dân chủ phương Tây có quá trình phát triển hàng trăm năm cùng với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, trong đó động lực là thị trường. Trong chế độ đó, quyền tự do cá nhân của người dân lớn và trực tiếp giám sát quyền nhà nước, quyền nhà nước bị phân chia và giám sát lẫn nhau. Cơ chế công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình được thiết lập. Đặc điểm của mô hình này là sự bất ổn thể chế vẫn diễn ra nhưng không thể quay lại với chế độ độc tài hay toàn trị.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa quá trình dân chủ hóa xã hội có thăng trầm nhưng luôn diễn ra. Chuyển đổi dân chủ là sự thay đổi chế độ từ độc tài, độc đoán, toàn trị sang mô hình dân chủ kiểu phương Tây. Đã có những tranh luận về chủ đề chuyển đổi dân chủ trong các chế độ chính trị khác nhau. Phương Tây đã thắng trong chiến tranh lạnh, không còn cạnh tranh ý thức hệ và chủ nghĩa đơn cực trong bối cảnh toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân suy thoái dân chủ và quyền tự do bị suy yếu trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ, đặc biệt trong nhiệm kỳ D. Trump làm Tổng thống (2016-2020).
Mô hình Xô – Viết đã tồn tại như sự thử nghiệm và sụp đổ, và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây đã và đang chuyển đổi dân chủ. Trong các nước kinh tế mới nổi đã từng diễn ra quá trình chuyển đổi dân chủ. Ở một số nước Đông Á, Đông Nam Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… mặc dù có những biến cố ‘đẫm máu’ đòi dân chủ như ở Hàn Quốc, đã chuyển đổi dân chủ thành công từ những năm 1970 và vươn lên để trở thành những "con rồng" kinh tế. Những khát vọng thoát nghèo nàn và lạc hậu được đáp ứng bởi những chính sách cải cách chính trị phù hợp với hội nhập với thị trường khu vực và thế giới, nhờ làn sóng đầu tư nước ngoài đã tăng tốc trong quá trình toàn cầu hóa.
Nhận định từ 1989 của Fransis Fukuyama về nền dân chủ tự do của phương Tây có thể là giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa văn hóa xã hội của nhân loại chưa thể đến khi xuất hiện phiên bản đảng cộng sản toàn trị kiểu như Trung Quốc, Việt Nam… hiện nay. Giới lãnh đạo của biến thể này coi sự sụp đổ của Liên Xô là bài học, Mikhail Gorbachov là tội đồ khi coi công khai (гластность) là mục đích cải tổ (перестройка). Phiên bản này tồn tại với ‘chính sách thực dụng’, mở cửa hội nhập kinh tế thị trường và cải cách để thích nghi, và trong suốt hơn một phần ba thế kỷ được coi là thành công kinh tế, nhưng chuyển đổi dân chủ theo mô hình của phương Tây đã không thể diễn ra. Tính chính danh của đảng độc quyền được duy trì bởi tăng trưởng kinh tế. Mô hình Trung Quốc từng có ảnh hưởng đáng kể đến các nước đang phát triển. Khác với mô hình dân chủ phương Tây, đặc trưng của mô hình Trung Quốc luôn phải theo đuổi quyền lực để duy trì chế độ, thanh trừng phe phái luôn xảy ra và tự do cá nhân bị cấm đoán.
Thời kỳ đầu mở cửa và cải cách chuyển đổi kinh tế, quyền tự do sản xuất kinh doanh được mở rộng, và người ta từng hy vọng về sự chuyển đổi dân chủ sẽ diễn ra mạnh mẽ. Nguyên tắc kinh tế quyết định dân chủ đã không ứng nghiệm ngay, nhưng quá trình chuyển đổi dân chủ vẫn luôn ‘âm ỉ’, nó bùng phát khi tư tưởng thực dụng ‘mèo đen, mèo trắng’ đang dần kết thúc khi cải cách thể chế kinh tế đến giới hạn. Từ năm 2012 Tập Cận Bình tập trung quyền lãnh đạo độc đoán, tăng cường thanh trừng phe phái, trà đạp nhân quyền, dân chủ trong nước, kiểm soát tư bản dân tộc, thực thi chính sách thịnh vượng chung, và giảm tốc tăng trưởng là hậu quả… Trên trường quốc tế Trung Quốc trỗi dậy hung hăng, ngoại giao chiến lang, vấn đề biên giới, hải đảo, Đài Loan và Hồng Kong… Trật tự thế giới mới đang hình thành, dường như chiến tranh lạnh 2.0 đang quay lại, cạnh tranh kinh tế và ý thức hệ ngày càng căng thẳng.