Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/12/2021

Số ca nhiễm mới ở Việt Nam vượt hơn 10.000 người/ngày

Trọng Thành

Liên tục hơn hai tuần lễ, số ca nhiễm mới ở Việt Nam vượt hơn 10.000 người/ngày

Tại Việt Nam, từ hơn hai tuần lễ vừa qua, số ca nhiễm virus gây bệnh Covid-19 liên tục vượt ngưỡng hơn 10.000 người/ngày. Hôm 10/12/2021, Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm, và hôm 11/12, hơn 16.000 ca.

covid1

Học sinh lớp 12 trường trung học phổ thông Trần Nhân Tông, Hà Nội, Việt Nam, ngày 06/12/2021.  AP - Hau Dinh

Việt Nam đang dần dần nối lại với cuộc sống bình thường trước đại dịch, đa số các biện pháp siết chặt phòng dịch được dỡ bỏ với chủ trương mới "chung sống an toàn với dịch" (thay cho Zero Covid), việc số lượng ca nhiễm virus corona tăng vọt, theo số lượng chính thức, ngang với số lượng ca nhiễm hồi đỉnh dịch tháng 8, gây ít nhiều lo ngại. 

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 cộng đồng và tử vong có xu hướng tăng ở nhiều địa phương, hôm qua chính phủ Việt Nam có cuộc họp trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố về công tác phòng, chống thời gian qua và phương hướng thời gian tới. Một thông điệp chính của thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong cuộc họp này, được Bộ Y tế dẫn lại, yêu cầu "Bãi bỏ ngay các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương trái với chủ trương, chỉ đạo". Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác nhưng không lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh".

Về vấn đề số ca nhiễm mới tăng vọt, bác sĩ Phan Xuân Trung từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :

"Các số liệu đợt trước cũng như đợt này chỉ mang tính chất áng chừng thôi, cũng dựa trên những cái mà do Nhà nước đếm được, còn số do dân chúng tự làm, tự tét, thì không đếm được. Đợt này, tôi nghĩ dân chúng tự tét cũng khá nhiều, nhưng họ không khai báo. Cái khác biệt của đợt này so với đợt trước là bây giờ, người ta đã nhận thức ra được việc lây là một chuyện, việc chết, và các đối tượng nguy cơ là một chuyện khác. Cho nên trong Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã nhận thức được điều đó, nên người ta không quan tâm nhiều đến con số lây nữa. Cũng như Singapore không quan tâm đếm con số lây nữa, bởi vì cái đó không thể kiểm soát được. Và người ta chỉ quan tâm đến đối tượng nguy cơ thôi. Những người già cả, những người có bệnh nền sẵn, nếu nhiễm sẽ trở nặng, sẽ hút lấy nguồn lực của ngành y tế, và tạo ra sự khủng hoảng về tinh thần. Số người chết chủ yếu liên quan đến số này. Thành ra sắp tới, tôi nghĩ rằng chính quyền không cần quan tâm đến chuyện là bao nhiêu học sinh trong trường học bị lây nhiễm hay nếu cả một nhà máy, cả một công trường bị nhiễm. Sau khi lây rồi, sau khi có miễn dịch rồi, họ sẽ bỏ qua, không lo lắng gì nữa. Chỉ cần tập trung vào nhóm những người già yếu, bệnh tật thôi. Đó là sự khác biệt giữa đợt này với đợt trước".

Mức độ tiêm chủng cao thông thường khiến số lượng ca nhiễm có thể rất lớn, nhưng gây áp lực ít hơn nhiều lên hệ thống bệnh viện. Tính đến ngày 09/12, Việt Nam đã tiêm tổng cộng hơn 130 triệu liều vac-xin. Tỷ lệ bao phủ ở người trên 18 tuổi ít nhất 1 liều vaccine là hơn 96%, tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 76%. Một số chuyên gia y tế tại Việt Nam đề nghị nhân dịp này nên điều chỉnh việc đánh giá cấp độ dịch chủ yếu dựa trên "số ca nhập viện " để phản ánh sát hơn diễn biến dịch bệnh (1).

Theo nhận định của thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Đỗ Xuân Tuyên, "các ca bệnh Covid-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm". Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang giao cục Quản lý Khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong.

Về phương hướng hạn chế người mắc Covid-19 tử vong, một trong các biện pháp chính nhằm giảm tỷ lệ tử vong được Bộ Y tế đưa ra hôm 09/12 là ưu tiên tiêm mũi tăng cường đối với các trường hợp nguy cơ cao.

"Sớm công bố kết quả nghiên cứu" về kháng thể với SARS-CoV-2

Về vấn đề đánh giá kháng thể sau tiêm vaccine phòng Covid-19 để đánh giá hiệu quả bảo vệ của vac-xin, theo thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên "ngay từ đầu khi dịch Covid-19 bùng phát, Bộ Y tế đã giao các viện liên quan nghiên cứu, đánh giá về vấn đề này". Hiện các viện đang nghiên cứu và Bộ Y tế cũng đã đề nghị "sớm công bố nghiên cứu, báo cáo kết quả về các trường hợp đã tiêm vac-xin hoặc nhiễm SARS-CoV-2".

Nghiên cứu về kháng thể với SARS-CoV-2  đã được một số chuyên gia hàng đầu về dịch tễ học Việt Nam nêu ra từ năm ngoái, và liên tục nhấn mạnh từ đó đến nay. Tuy nhiên, dường như, chỉ cho đến đầu tháng 9/2021, lần đầu tiên mới có thông tin về điều tra kháng thể do một cơ sở y tế tại Việt Nam tiến hành (Viện Pasteur – Thành phố Hồ Chí Minh).

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 11/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 353 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)