Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/12/2021

Trung Quốc và Mỹ gia tăng tập trận quy mô ở Biển Đông năm 2021

Cao Nguyên

Tình hình Biển Đông năm 2021 được đánh giá là căng thẳng kéo dài suốt cả năm do các cuộc tập trận ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Mỹ cũng như các cường quốc Châu Âu. Bên cạnh đó, đại dịch Covid kéo dài trong hai năm qua khiến cho quá trình bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC vẫn đang "dậm châm tại chỗ".

taptran1

Hình minh họa : Tàu sân bay USS Ronald Reagan cùng các tàu chiến khác của Hải quân Mỹ thuộc hạm đội 7 trong hoạt động ở Biển Đông hôm 6/10/2019 – AFP

Biển Đông căng thẳng suốt năm 2021

Chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết ở khu vực Biển Đông không có lúc nào là không căng thẳng :

"Những cuộc căng thẳng cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chúng ta đã thấy Biển Đông là một trong những chiến trường.

Và trong suốt hai năm 2020 đến 2021 thì biển Đông nóng suốt từ đầu năm đến cuối năm, không có lúc nào mà nó không có nóng cả, lúc nào nó cũng căng thẳng.

Những cuộc tập trận trên khu vực Biển Đông giữa một bên là Trung Quốc và các đối tác của Trung Quốc, với bên là Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Các cuộc tập trận này càng ngày càng lớn với mật độ càng ngày càng nhiều. Trong đó thì Trung Quốc thể hiện rất nhiều và Mỹ cũng thể hiện không kém.

Và gần đây thì một số Think Tanks (Viện chính sách, Viện nghiên cứu – pv) của Trung Quốc cho rằng Mỹ cho các máy bay do thám bay vào khu vực Biển Đông với tần suất ngày càng lớn. Điều đó cho thấy Biển Đông là nơi phô diễn của rất nhiều lực lượng quân sự khác nhau.

Kể cả các tàu chiến của các quốc gia Châu Âu như Anh, Pháp và Đức cũng tham gia trên khu vực này. Điều đó cho thấy là vấn đề biển Đông vẫn là một vấn đề vô cùng căng thẳng và nó cũng tiềm ẩn rất nhiều khả năng xung đột về mặt quân sự nếu các bên không kiềm chế được".

Năm 2021, trong khi các quốc gia khác, đặc biệt là ở Châu Á phải chật vật để chống đỡ với đại dịch Covid thì Trung Quốc lại nhân dịp đó để "ra tay". Kết quả là Trung Quốc đã cho thông qua và thi hành những luật mới. Trong khi đó, tiến trình bàn thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC vẫn không có tiến triển :

"Bởi vì Trung Quốc không có cơ sở pháp lý trên trường quốc tế, cho nên Trung Quốc mới tìm cách đặt ra luật của nội địa để có cơ sở làm những chuyện đó.

Thế còn trong năm 2021, Ngay cả một chuyện lớn ở Biển Đông đó là bàn thảo về COC – Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông – thì lẽ ra là đã phải có những bước tiến, nhưng mà bởi vì hai năm liên tục bị Covid, cho nên những cuộc gặp giữa các nguyên thủ của các quốc gia ASEAN cũng như của Trung Quốc đã rất khó có thể gặp nhau được.

Cho nên chúng ta thấy rằng trong hai năm vừa qua thì tiến trình về COC gần như là dậm chân tại chỗ, không có gì tiến bộ cả".

taptran2

Hình minh họa : Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ. Hình : US Navy

Hoạt động của Trung Quốc

Theo thạc sĩ Hoàng Việt đánh giá, sự kiện nổi bậc nhất trong năm qua ở Biển Đông là việc Trung Quốc ban hành hai luật về biển. Thứ nhất là Luật Hải cảnh, được thông qua hồi tháng 1/2021, đến tháng chín thì Trung Quốc tiếp tục thông qua Luật An toàn Giao thông Hàng hải :

"Hai luật này đều cho phép lực lượng của Trung Quốc sử dụng vũ khí ở vùng biển mà Trung Quốc bảo là thuộc Quyền Tài phán của Trung Quốc".

Sau đó là một loạt các hoạt động mà Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng biển của các quốc gia khác. Chẳng hạn như hồi đầu tháng sáu, Malaysia đã lên tiếng khi 16 máy bay của Trung Quốc đã xâm phạm vào không phận của Malaysia. Sau đó cũng nhiều lần phía Trung Quốc đe dọa việc khai thác của Malaysia.

Indonesia cũng tương tự, miền Bắc quần đảo Natuna của Indonesia đã bị Trung Quốc nhiều lần cho tàu vào đe dọa. Gần đây nhất thì phía Trung Quốc những đe dọa mà còn mang cả tàu chiến, tàu khu trục vào tận trong khu vực đó. Mặc dù Indonesia nói rằng nó thuộc đặc quyền kinh tế thế của Indonesia.

Chưa hết, các nhà ngoại giao Trung Quốc còn gửi một lá thư đến cho Indonesia yêu cầu Indonesia không được khai thác tại khu vực này, bởi vì khu vực này nằm trong vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Hồi tháng 11 vừa qua, nhiều tàu của Trung Quốc cũng đã bao vây và bắn súng nước vào trong tàu của Philippines tiếp tế cho các binh sĩ của Philippines tại Bãi Cỏ Mây. Phía Trung Quốc đã công khai giải thích rằng Trung Quốc thi hành Luật An toàn Giao thông Hàng hải trên khu vực đó.

Về phía Việt Nam, dù Việt Nam không tuyên bố chính thức nhưng mà các nhà quan sát thì cho thấy rằng có những tàu của Trung Quốc cũng đã xâm phạm vào Vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và bao vây một số lô dầu khí mà Việt Nam đang thăm dò và khai thác.

Hoạt động của Mỹ và Châu Âu

Đáp trả Trung Quốc, những hoạt động từ phía Hoa Kỳ và các nước Châu Âu ở khu vực Biển Đông năm 2021 cũng diễn ra rất mạnh mẽ.

Điều đó cho thấy Biển Đông là một vấn đề quan trọng, không chỉ đối với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia thuộc khu vực Biển Đông, mà nó còn quan trọng đối với cả Thế giới, theo thạc sĩ Hoàng Việt nhận định :

"Thứ nhất chúng ta thấy là các tuyên bố của phía Mỹ đều rất mạnh mẽ và các hoạt động thường xuyên của Mỹ vẫn là các hoạt động tuần tra.

Và chưa kể có tàu của các quốc gia khác như của Anh, Pháp và mới đây nhất là tàu của Đức cũng tham gia tuần tra trên khu vực Biển Đông. Đến thời của Biden thì không chỉ các tàu của Mỹ nữa, mà còn có tàu của các quốc gia khác.

Cho đến bây giờ thì cũng chưa có ảnh hưởng gì nhiều, nhưng mà nó cho thấy một điều là các nước phương Tây, không chỉ có Mỹ mà còn có nhiều quốc gia khác cũng đã thấy được tầm quan trọng của Biển Đông và đã gửi những tàu chiến đến khu vực này.

Đó cũng là một tiếng nói để mà khẳng định một thông điệp đối với phía Trung Quốc là vấn đề Biển Đông không chỉ thuộc các quốc gia ở Biển Đông, mà Biển Đông nó còn quan trọng đối với cả Thế Giới. Do đó tất cả các cường quốc trên thế giới đều quan tâm".

Tổ chức Sáng kiến Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) công bố trong năm 2021, máy bay do thám Mỹ xuất hiện ở Biển Đông với tần suất chưa từng có tới 1.200 lượt bay. Mỹ cũng điều động các nhóm tác chiến tàu sân bay và tàu đổ bộ vào Biển Đông 13 lần trong năm qua.

Ngày 15/12, Khinh hạm Bayern tiến vào Biển Đông trên hải trình tới Singapore. Đây là lần đầu tiên chiến hạm Đức đi qua khu vực này sau 20 năm. Chính phủ Đức khẳng định Khinh hạm Bayern đi qua Biển Đông nhằm khẳng định nước này không chấp nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trong khu vực.

Trong lúc đó, các nước gồm Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia và New Zealand cũng đang mở rộng hoạt động ở Thái Bình Dương để đối phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

taptran3

Hình minh họa : Khinh hạm Bayern của Hải quân Đức. Reuters

Phản ứng của Việt Nam

Theo ông Hoàng Việt đánh giá, trong năm qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam có đưa ra phản ứng trước những hành động xâm phạm vùng biển từ Trung Quốc, nhưng với ngôn từ rất chung chung :

"Đương nhiên Việt Nam cũng đưa ra phản ứng. Nói chung là Việt Nam cũng chỉ yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ luật của quốc tế, tuân thủ luật biển…

Việt Nam cũng đưa ra những phản ứng nhưng mà nó không quá mạnh, mà cũng không quá yếu. Nói chung là như mọi lần, chúng ta thấy người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với ngôn từ rất lại chung chung".

Việt Nam thường có những phản ứng, phát ngôn tương tự nhau khi được yêu cầu nêu quan điểm về các sự kiện xảy ra ở Biển Đông.

Về việc Trung Quốc áp dụng thực thi luật Hải cảnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã nêu quan điểm của Việt Nam rằng các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, và chủ quyền trên biển.

Nội dung gần giống như trên cũng được bà Hằng nêu ra trong cuộc họp báo hồi tháng chín, khi được hỏi về luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng từng nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc mà Việt Nam cho là vi phạm chủ quyền trên Biển Đông.

Ví dụ, Việt Nam đã phản đối hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa hồi tháng ba ; phản đối Trung Quốc thực hiện dự án gắn thẻ tên cho những loài thực vật ở quần đảo Hoàng Sa hồi tháng Sáu.

Hồi tháng bảy, Việt Nam phản ứng về sự kiện Trung Quốc sắp sửa đưa tàu nghiên cứu lớn nhất nước này xuống quần đảo Hoàng Sa, nói rằng mọi hoạt động thăm dò, nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền, bất hợp pháp và vô giá trị.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 5/8 lên tiếng phản đối việc Trung Quốc cho tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa từ ngày 6 đến 10 tháng 8 và cấm tàu qua lại trong thời gian này.

Tháng chín, Trung Quốc đưa máy bay vận tải Y-20 vào Đá Chữ Thập, Subi và Đá Vành Khăn hôm để vận chuyển binh lính trở về Trung Quốc. Việt Nam nêu quan điểm đề nghị Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay lập tức và không lặp lại các hành động như vậy.

Cao Nguyên

Nguồn : RFA, 31/12/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cao Nguyên
Read 362 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)