Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2022

Trung Quốc : dịch bệnh Covid-19 là bí mật quốc gia

Tessa Wong - Anh Vũ - Phan Minh

Tây An : Những tổn thất lớn do biện pháp phong tỏa chống Covid của Trung Quốc

Tessa Wong, RFI, 06/01/2021

Người dân cầu cứu khi bị nhốt trong nhà và bị bệnh viện từ chối tiếp nhận, những câu chuyện nổi lên ở thành phố Tây An của Trung Quốc trong những ngày gần đây dường như đã quá quen thuộc.

tq1

Người dân Tây An không thể rời nhà một bước, ngoại trừ đi xét nghiệm Covid

Tất cả 13 triệu cư dân đã bị phong tỏa trong hai tuần qua và những biện pháp hà khắc được đưa ra để chống dịch bùng phát trở lại, với hơn 1800 trường hợp được phát hiện cho đến nay.

Chính quyền địa phương quyết tâm loại trừ dịch để không ảnh hưởng đến uy tín của Thế vận hội Mùa đông vào tháng tới, và để tránh biến Tết Nguyên Đán sắp đến - là dịp hàng triệu người TQ sẽ đi lại trên khắp đất nước - trở thành sự kiện siêu lây nhiễm.

Nhưng nó cũng cho thấy việc thực thi phong tỏa cứng ngắc với xét nghiệm diện rộng có thể đòi hỏi tổn thất lớn và khắc nghiệt về con người.

Kể từ khi các quy định nghiêm ngặt hơn có hiệu lực để ngăn cấm người dân ra khỏi nhà mua thực phẩm, nhiều người dân tỏ ra lo lắng than phiền rằng nguồn cung của họ đã gần cạn kiệt, một số người thậm chí phải đổi điện thoại lấy đồ ăn.

Nhân viên chính phủ đã đi phân phát hàng cứu trợ, nhưng việc phân phối còn chắp vá, đã có báo cáo về việc thiếu tài xế và nhân viên giao hàng do kiểm dịch nghiên ngặt.

tq2

Tình nguyện viên và nhân viên đi phân phát các túi rau

Một số người dân bị buộc phải rời khỏi nhà giữa đêm tối và bị đưa đến cơ sở cách ly, trong khi có những tuyên bố gây lo ngại về những người không thể nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.

Một người đàn ông bị bệnh tim được cho là đã chết và một phụ nữ mang bầu tám tháng đã mất thai nhi của mình, sau khi họ lúc đầu bị bệnh viện từ chối điều trị do các quy định nghiêm ngặt về Covid.

Chính quyền đã cấm các bệnh viện địa phương từ chối bệnh nhân, và đình chỉ giám đốc bệnh viện trên.

Nhiều người đọc những câu chuyện này trên mạng đã bị kinh hoàng và không thể tin được. Với một số người, đó chỉ là một trường hợp xấu đã từng thấy, như những thử thách mà người dân Vũ Hán đã phải chịu đựng trong giai đoạn đầu của đại dịch.

Thực tế phức tạp

Hai năm trôi qua, sau nhiều đợt phong tỏa nghiêm ngặt trên khắp Trung Quốc, một số người đang đặt câu hỏi làm thế nào mà việc quản lý kém và thiếu kế hoạch như vậy vẫn có thể xảy ra - và liệu chính quyền có rút ra bài học gì không.

"Chưa bao giờ có bất kỳ thảo luận nghiêm túc nào về bài học gì chúng ta học được từ Vũ Hán, cũng không có cuộc tranh luận nào. Các tường thuật chỉ là về sự thành công của mô hình so với sự kém hiệu quả được nhìn thấy ở các nền dân chủ phương Tây", Giáo sư Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về y tế toàn cầu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói với BBC.

Điều duy nhất chính quyền học được là đối phó với sự bùng phát dịch bằng chiến lược 'không Covid' đã không còn sắc bén, ông nói thêm.

Việc hoạch định chính sách từ trên xuống dưới của Trung Quốc có nghĩa là khi quan chức địa phương được chỉ định các mục tiêu lớn, "họ thường không có lựa chọn thay thế mà phải dựa vào sự mạnh tay, tiếp cận theo một công thức chung để hoàn thành công việc", như đã thấy trong các biện pháp cực đoan ở Tây An.

Điều này dẫn đến hậu quả là "phản ứng thái quá hoặc quá đà... trong việc đối phó với ngay cả số ca nhiễm ít".

Tình hình ở Tây An cũng cho thấy điều đó, bất chấp hình ảnh quyền lực quá lớn và sự hiệu quả mà Đảng Cộng sản thích thể hiện, thực tế đôi khi có thể vô tổ chức hơn rất nhiều.

Chính quyền Trung Quốc được phân cấp ở cấp địa phương, và một vài quan chức địa phương đã "đặt các mục tiêu đầy tham vọng là không Covid, nhưng nhận được rất ít nguồn lực từ chính quyền trung ương" và không có nhiều quyền hành để đối phó với một đợt bùng phát khi nó xảy đến, Giáo sư Donald Low, chuyên gia về quản trị của Trung Quốc tại Hong Kong University of Science and Technology, chỉ ra.

tq3

Việc thiếu người giao hàng và tài xế đã xảy ra ở Tây An

Điều này có nghĩa là "một mặt, quan chức địa phương không thể đơn độc phong tỏa một huyện, nhưng mặt khác, họ bị yêu cầu gấp phải tổ chức giao thực phẩm cho hơn một triệu người dân", Giáo sư Christian Goebel chuyên về Trung Quốc học của University of Vienna nói trong một phân tích trực tuyến.

"Nếu nó có hiệu quả, trung ương sẽ trao thưởng, còn nếu không, quan chức địa phương bị sẽ đổ lỗi và bị xử lý"

Hai quan chức cấp cao của đảng ở thành phố Tây An đã bị sa thải, trong khi hàng chục đảng viên khác bị trừng phạt.

Lối thoát nào ?

Nhưng vấn đề lớn hơn là hiệu quả thu được ngày càng giảm của chính sách không Covid.

Các chuyên gia cảnh báo rằng khi Covid phát triển và xuất hiện nhiều biến thể dễ lây lan hơn, nó có thể dẫn đến các biện pháp ngày càng khắc nghiệt để duy trì mức độ đàn áp như cũ.

Mặc dù chính sách không Covid vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi, sự kiên nhẫn của người dân sẽ chỉ ngày càng giảm đi.

Ví dụ như ở Tây An, đã có một số phản ứng dữ dội chống lại những nỗ lực tuyên truyền của truyền thông nhà nước, chẳng hạn như các hashtags trên mạng xã hội, để lấy lại tinh thần.

Hashtag "#TouchMomentsofXi'anFightingCovid my ass", của một người trên xét trên Weibo, trước khi nó bị kiểm duyệt nhanh chóng.

Cho đến nay, Trung Quốc không có dấu hiệu nới lỏng chính sách không Covid và dường như đang hài lòng chờ đợi đại dịch toàn cầu chấm dứt, nhưng với các biến thể mới như Omicron đang xuất hiện, nhiều người tin rằng điều này sẽ không sớm xảy ra.

Vậy Trung Quốc có thể tìm thấy một lối thoát nhanh chóng khỏi những gì có thể là một chính sách cuối cùng không bền vững ?

Giáo sư Huang tin rằng có một lối thoát giữa hai sự kiện rất nhạy cảm về mặt chính trị - Thế vận hội vào tháng tới và Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 20 vào cuối năm - nơi Trung Quốc có thể thực hiện các bước hướng tới sống chung với Covid.

Một cách có thể thực hiện điều này là tìm ra vaccine và liệu pháp điều trị Covid có hiệu quả hơn, đồng thời giáo dục công chúng Trung Quốc bớt lo sợ về virus.

Một cách khác sẽ là chọn ra một số thành phố để thử nghiệm một cách tiếp nới lỏng hơn - nhưng ngay cả điều này cũng sẽ khó khăn về mặt chính trị, Giáo sư Low cảnh báo.

"Họ sẽ chọn thành phố nào? Và nói với người dân rằng virus là kẻ thù, điều này có vẻ như là một sự phản bội", ông nói và nói thêm rằng nhiều người vẫn lo lắng về hệ thống y tế yếu kém của Trung Quốc bên ngoài các thành phố lớn và hiệu quả của vaccine nội địa.

Trong khi đó, công dân Trung Quốc sẽ tiếp tục gánh chịu gánh nặng từ các biện pháp này.

Trong một bài xã luận đầy ẩn ý được đăng trên nền tảng Wechat - đã bị xóa sau đó - nhà báo Jiang Xue ở thành phố Tây An đã nêu chi tiết những khó khăn mà cư dân đang phải đối mặt khi bị phong tỏa và cầu xin sự thay đổi.

"Sau này mọi chuyện kết thúc, nếu chúng ta không phản ánh, không tiếp thu những bài học từ máu và nước mắt, và vội vàng trao thưởng và ca ngợi thành tích - thì nỗi khổ của nhân dân đã phải chịu đựng là vô ích".

Tessa Wong

Nguồn : BBC, 06/01/2022

***********************

Chiến lược "zéro Covid" của Trung Quốc : Cấp thiết y tế hay chính trị ?

Anh Vũ, RFI, 06/01/2022

Trước biến thể mới Omicron, chiến lược "zero Covid-19" mà Bắc Kinh theo đuổi khó có thể trụ nổi. Đây không chỉ là một thách thức y tế mà còn cả về chính trị đối với Bắc Kinh trong lúc Trung Quốc đang chuẩn bị đón các sự kiện Thế Vận Hội Mùa Đông 2022 và Đại Hội lần thứ 20 của Đảng cộng sản.

tq4

Một chốt gác phòng chống Covid-19 ở khu chung cư bị phong tỏa trong thành phố Tây An, Trung Quốc, ngày 03/01/2022.  AP

Là một trong số quốc gia hiếm hoi đến giờ vẫn theo đuổi chính sách "zero Covid-19" nhằm ngăn chặn tuyệt đối virus lây lan, Trung Quốc, mới cách đây hơn một tháng, còn ngạo nghễ nhìn hàng loạt nước trên thế giới phải trở lại với các biện pháp hạn chế như phong tỏa, đóng cửa biên giới để cố ngăn chặn làn sóng lây lan của biến thể Omicron. Bắc Kinh tự tin cho rằng đó là bằng chứng cho thấy chiến lược hà khắc chống virus lây lan của mình là đúng đắn. Truyền thông chính thức Trung Quốc vội vàng tô vẽ đất nước như là là "pháo đài cuối cùng" mà Covid-19 không thể chiếm được.

"Mọi người phải tự hỏi chẳng phải cách làm của Trung Quốc mang lại sự bảo vệ tốt nhất đó sao, bởi vì nhiều nước đã bắt đầu trở lại các hạn chế đi lại trước sự gia tăng lây nhiễm theo cấp số nhân của biến thể Omicron", Hoàn cầu Thời báo (Global Times), hồi đầu tháng 12 vẫn còn hân hoan ca ngợi chiến lược "zero Covid-19" của chính quyền như vậy. Nhưng chỉ đến giữa tháng 12 vừa qua, "pháo đài Trung Quốc" đó đã bắt đầu rạn nứt dần dần.

Ngày 13/12, Bắc Kinh thông báo phát hiện hai ca nhiễm biến thể Omicron tại Trung Quốc. Gần 10 ngày sau, 9 ca nhiễm biến thể Omicron đã chính thức thống kê trên lãnh thổ nước này. Một con số có vẻ quá nhỏ so với những khu vực khác trên thế giới nhưng với một chính quyền vốn vẫn dương dương tự đắc về chính sách "zero Covid-19" thì như thế là quá nhiều.

Chính quyền y tế nước này cũng không thể nào kiềm chế được sự lây lan của virus tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Sơn Tây (miền trung). Đến ngày 26/12, hơn 150 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện tại thành phố 13 triệu dân, dù đã bị phong tỏa toàn bộ từ vài hôm trước đó ngay khi phát hiện hơn chục ca nhiễm.

Chính quyền ngay lập tức áp dụng các biện pháp phòng dịch hà khắc nhất kể từ sau khi cách ky phong tỏa hoàn thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch Covid-19 hồi tháng Giêng năm 2020. Không một ai được ra vào Tây An, mỗi gia đình chỉ có một người được phép ra ngoài đi chợ, hai ngày một lần. Tất cả các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa, xét nghiệm cho toàn bộ hơn chục triệu dân thành phố. Thành phố còn thông báo sẽ áp dụng những biện pháp nhiêm ngặt hơn nữa, tuy chưa cho biết rõ cụ thể ra sao.

Chính quyền trung ương Bắc Kinh cũng đã kỷ luật, cách chức một loạt các quan chức địa phương vì đã lơ là cảnh giác, phản ứng chậm chạp để dịch bùng lên. Dường như ổ dịch bắt nguồn từ một hành khách đi chuyến bay từ Pakistan tới.

Chính quyền địa phương vội vã thông báo không có ca nhiễm Omicron nào ở Tây An trong số người được xét nghiêm dương tính. Nhưng đó chỉ là một chút an ủi cho Bắc Kinh vì ổ dịch ở Tây An chứng minh trước hết rằng "ngay cả khi cho rằng việc kiểm soát dịch là tốt nhất ở Trung Quốc, thì những kẽ hở ở khâu kiểm soát biên giới vẫn giúp cho virus lan truyền", chuyên gia về virus, thuộc đại học Hồng Kông In Dong–yan nhận định trên báo South China Morning Post.

Omicron với Olympic mùa đông

Nhưng với sự xuất hiện của biến thể Delta và nhất là Omicron có sức lây nhiễm mạnh hơn nhiều, thì chính quyền "phải thích ứng để phản ứng nhanh hơn nữa trong trường hợp phát hiện các ổ dịch mới", chuyên gia Jin Dong-yan nhận định.

Nhiều người hoài nghi Trung Quốc sẽ khó mà duy trì được chính sách zero Covid-19 với biến thể Omicron, nhà nghiên cứu virus Nam Phi Tulio de Oliveira nhận định. Ông là một trong số những người đã xác định được biến thể mới Omicron.

Với biến thể Omicron, số lượng nhiễm mới sẽ tăng lên gấp bội cứ sau 2 hay 3 ngày, vì thể việc truy vết ca nhiễm là rất khó khăn, theo nhà dịch tễ học tại Hồng Kông Kwok Kin-on. Truy vết triệt để ca nhiễm là một trong những cách làm chủ yếu của chiến lược "zero Covid-19".

Để đạt được, chính phủ Trung Quốc "có thể sẽ buộc phải cấp thêm nhiều phương tiện tài chính cho cuộc chiến chống virus lây lan. Đây là điều sẽ khiến kinh tế Trung Quốc giảm mạnh tăng trưởng", báo Financial Times nhận định. Chính vì thế Bắc Kinh "sẽ phải làm theo các nước khác, chấp nhận chính sách chung sống với virus hơn là thanh toán nó", theo Lawrence Gostin, chuyên gia về các vấn đề y tế công cộng tại Đại học Georgetown, Washington.

Nhưng hiện giờ chính phủ Trung Quốc vẫn từ chối sự lựa chọn này. Trước hết vì lý do chính trị. Đến ngày 04/02tới đây Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh sẽ khai mạc. Đây là sự kiện thể thao quốc tế nhưng lại mang ý nghĩa chính trị quan trọng với Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn duy trì vẻ bề ngoài của chính sách "zero Covid-19" đang vận hành tốt, nhà nghiên cứu virus Hồng Kông, Leo Poon nhận định trong cuộc phỏng vấn báo Finacial Times.

Với chính phủ, cũng không có chuyện chuyển hướng mục tiêu y tế vào năm Đại Hội Đảng cộng sản sẽ họp và dự kiến sẽ quyết định trao nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 3 cho ông Tập Cận Bình. Thực ra, chính ông là người cổ vũ chủ chốt cho chính sách "zero Covid-19". Nếu từ bỏ chiến lược này thì có nghĩa là thừa nhận thất bại của Đảng.

Hệ thống y tế không thích ứng

Hệ thống y tế Trung Quốc bản thân cũng không sẵn sàng cho chính sách phòng dịch theo kiểu chung sống với virus, theo đánh giá của chính quyền Bắc Kinh. Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Trung Quốc hồi cuối tháng 11 đã công bố một nghiên cứu, theo đó dự báo "một sự bùng nổ tai họa" các ca nhiễm mới trong trường hợp từ bỏ chính sách cứng rắn phòng chống virus hiện nay. Đó là khả năng sẽ có hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày và toàn bộ hệ thống y tế sẽ bị đổ sập.

"Đơn giản là Trung Quốc không đủ năng lực tiếp nhận một làn sóng bệnh nhân lớn như vậy. Lấy thí dụ, số y tá trên 100 nghìn dân ở Hoa Kỳ cao gấp 7 lần ở Trung Quốc thêm mà Mỹ vẫn còn thiếu trầm trọng nhân viên chăm sóc y tế", một chuyên gia chính sách y tế tại Đại học Yale, Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Chính sách "zero Covid-19" không chỉ là sự lựa chọn chính trị để chứng minh với thế giới rằng Trung Quốc thoát ra khỏi dịch tốt hơn so với đa số các nước khác. Đây cũng là một "cấp bách y tế trong khi hy vọng chiến dịch tiêm chủng toàn dân đạt được miễn dịch cộng đồng", theo nhận xét của Capital Economics, văn phòng phân tích kinh tế của Anh Quốc.

Đây mới chính là điểm yếu : Đối phó với biến thể Omicron, hai vac-xin chủ yếu được dùng tại Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm lại rất kém hiệu quả. Ngay cả tiêm liều thứ 3 vac-xin Sinovac cũng không mang lại sự "bảo vệ đầy đủ" trước biến thể mới, các nhà nghiên cứu Hồng Kông đã khẳng định như vậy.

Bắc Kinh, giờ bị kẹt giữa chiến lược "zero Covid-19" dường như không còn thích ứng được với các biến thể lây lan mạnh, đang chuyển sang với cách tiếp cận theo kiểu "phương Tây" để chống đợt dịch mà có thể sẽ kéo theo một thảm họa y tế. Nhưng trên hết Trung Quốc đang bước vào một năm đầy nhạy cảm chính trị đối với chế độ.

Anh Vũ

*********************

Trung Quốc áp dụng "bong bóng y tế" cho Olympic Bắc Kinh 2022

Phan Minh, RFI, 05/01/2022

Từ ngày 04/01/2022, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu thiết lập hệ thống cách ly y tế - "bong bóng y tế", tức là một chuỗi các điểm cách ly khép kín, phục vụ cho Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022 khai mạc vào ngày 4 tháng 2 tới.

tq5

Toàn cảnh National Speed Skating Oval, nơi sẽ tổ chức các cuộc thi trượt băng tốc độ trong Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh 2022, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 18/12/2021.  Reuters – Carlos Garcia Rawlins

Bất kỳ ai bước vào "bong bóng" đều phải tiêm đầy đủ vac-xin, nếu không sẽ phải cách ly 21 ngày. Tất cả mọi người đều được xét nghiệm hàng ngày và phải đeo khẩu trang mọi lúc. 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình : 

Vạn Lý Trường Thành, nhà hát Bắc Kinh, Tử Cấm Thành, tất cả những biểu tượng ở thủ đô của các hoàng đế đều có mặt trong đoạn video mới được đăng 30 ngày trước khi các môn thi đấu bắt đầu. Nhưng trên thực tế, ngoài việc có thể nhìn từ cửa sổ xe búyt, các vận động viên sẽ không có cơ hội ngắm những công trình này. Cũng không có các chương trình đi tham quan, du lịch.

Trong suốt thời gian ở Trung Quốc và trước khi lên máy bay về nước, 3.000 vận động viên và thành viên của các phái đoàn sẽ bị cách ly nghiêm ngặt với bộ phận còn lại của người dân Trung Quốc thông qua "điểm cách ly y tế khép kín - bong bóng y tế", hay chính xác hơn là các bong bóng y tế được kết nối với nhau : "bong bóng phương tiện giao thông", "bong bóng khách sạn", "bong bóng sân băng", "bong bóng dốc trượt tuyết", "bong bóng làng Olympic".

Tất cả những người tham gia đều phải tiêm chủng, nếu không, họ sẽ bị cách ly 21 ngày kể từ ngày bước vào "bong bóng". Tương tự khi ra khỏi "chuỗi cách ly khép kín" như cách gọi của ban tổ chức, đặc biệt đối với các tình nguyện viên, họ cũng sẽ phải trải qua một thời gian cách ly trong các trung tâm được chỉ định, trước khi trở lại cuộc sống bình thường ở Bắc Kinh. Những người tham gia sẽ phải làm xét nghiệm Covid hàng ngày trong suốt thời gian diễn ra Thế Vận Hội và Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật.

Tuy ban tổ chức cũng trù tính khả năng các ổ dịch xuất hiện trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội, nhưng đồng thời vẫn tin tưởng vào biện pháp cách ly - các "bong bóng y tế" - nhằm ngăn ngừa mọi lây truyền virus ra những thành phố đăng cai. 

Cũng tại Trung Quốc, các nhà chức trách thành phố Trịnh Châu (Zhengzhou), tỉnh Hà Nam (Henan) hôm nay đã yêu cầu 12 triệu dân cư thành phố làm xét nghiệm Covid, sau khi phát hiện 11 ca dương tính trong mấy ngày qua.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tessa Wong, Anh Vũ, Phan Minh
Read 384 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)