Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/01/2022

Vì sao Trung Quốc ngăn chặn hàng hóa Việt Nam qua biên giới ?

Nguyễn Nam, Ngô Tuyết Lan, Mỹ Hằng

Việt Nam chỉ trích chính sách ‘Zero Covid’ của Trung Quốc

Nguyễn Nam, VNTB, 06/01/2022

Năn nỉ ở thế ‘kèo dưới’

Tin tức cho biết, mới đây Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công thương) đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng tiến hành hội đàm trực tuyến với Sở Công thương Quảng Tây (Trung Quốc) để trao đổi các biện pháp khẩn cấp nhằm tháo gỡ tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực biên giới với Quảng Tây hiện nay.

biengioi1

Bộ Công thương Việt Nam cho rằng các biện pháp phòng chống dịch mà Quảng Tây (Trung Quốc) đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu, hay tạm dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây của Việt Nam là quá mức cần thiết.

Chia sẻ với áp lực phòng chống dịch của Quảng Tây trong bối cảnh Trung Quốc kiên trì chính sách "Zero Covid" nhưng Bộ Công thương cho rằng các biện pháp phòng chống dịch mà Quảng Tây đang áp dụng như tạm dừng hoạt động cửa khẩu, hay tạm dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây là quá mức cần thiết, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất to lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên.

Theo đó, Bộ Công thương đã đề nghị một số biện pháp cụ thể để góp phần tháo gỡ tình trạng ách tắc hàng hóa tại khu vực biên giới, bao gồm: Khôi phục lại ngay việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu đang tạm dừng, đồng thời tăng thời gian thông quan tại tất cả các cửa khẩu.

Cùng với đó, thống nhất phương án sử dụng và bổ sung lái xe chuyên trách tại mỗi bên; đồng ý cho thí điểm đưa lao động đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 tại các địa phương biên giới Việt Nam sang làm việc tại khu vực cửa khẩu phía Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt lái xe và nhân công bốc xếp.

Trước đó, ngày 29/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có 4 Công thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Bí thư tỉnh ủy Quảng Tây và Bí thư tỉnh ủy Vân Nam về vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới giữa hai nước.

Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Trung Quốc thực hiện nhận thức chung về việc duy trì dòng chảy hàng hóa và duy trì kết nối chuỗi cung ứng như đã được đề cập trong các cuộc điện đàm song phương giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước và trong các Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 tháng 4 năm 2020 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc tháng 11/2021.

Bộ trưởng cũng đề xuất phía Trung Quốc và các địa phương biên giới cùng nhau trao đổi, thống nhất quy trình thông quan phòng dịch an toàn nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt tại cửa khẩu.

Ra roi vì dám ‘học đòi’ phương Tây ?

Tính đến ngày 4/1/2022 thì phía Trung Quốc chưa phản hồi những đề nghị từ Việt Nam trong chuyện mở cửa lại cửa khẩu biên giới. Thế nhưng trong lúc đó thì chuyến tàu hàng hóa khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khởi hành sáng sớm 1/1/2022 để đến Hà Nội, ngay khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực.

Theo Hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chuyến tàu X9101 chở hơn 800 tấn hàng đã rời Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào lúc 0g05 sáng 1/1 và đến Hà Nội sau hành trình dài 28 tiếng. Hàng hóa bao gồm đồ điện tử, nhu yếu phẩm hàng ngày và hóa chất.

Đây là chuyến tàu hàng hóa quốc tế đầu tiên từ Trung Quốc đến các nước thành viên RCEP sau khi hiệp định có hiệu lực trong cùng ngày.

RCEP gồm 15 quốc gia thành viên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

RCEP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới khi đóng góp 30% GDP toàn cầu. Hiệp định này sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.

Đúng là quá trớ trêu trước nghịch cảnh chuyến tàu X9101 chở hơn 800 tấn hàng đã rời Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây ở ngay ngày đầu năm mới để đến Hà Nội, còn mấy ngàn xe tải container Việt Nam lại lâm cảnh ùn tắc cửa khẩu biên giới Trung Quốc.

Đây thực sự là "cơn đau" đến cực kỳ đúng lúc với nền kinh tế Việt, bởi giờ là thời điểm nông sản của các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, sản lượng hàng hóa tăng và tất cả đều ùn ùn kéo về cửa khẩu theo thông lệ để đón trước nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, Tết của thị trường Trung Quốc vào những tháng cuối năm tăng cao.

Thế nhưng vào ngày 15/12/2021, tỉnh Lạng Sơn nhận thông báo Trung Quốc dừng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị là do "lỗi kỹ thuật". Tình trạng dừng thông quan chở hàng sang Trung Quốc vẫn thỉnh thoảng xảy ra và thường chỉ dừng vài tiếng, nửa ngày hoặc 2-3 ngày là việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ trở lại bình thường.

Nhưng lần này đã không như vậy. Lý do được phía Trung Quốc đưa ra là họ theo đuổi chính sách "Zero Covid" nên siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch ở tất cả các cửa khẩu hàng hóa biên giới với Việt Nam. Trong khi đó, vi-rút Corona đang "nở rộ" tại Việt Nam kể từ khi Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định "sống chung" với con vi-rút này kể từ hồi tháng 10/2021.

Phải chăng vì Việt Nam ‘nghịch ý thiên triều’ khi ‘học đòi’ theo phương Tây để ‘bình thường hóa Covid’ nên Trung Quốc ra roi trừng phạt ?

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 06/01/2022

***********************

Cửa khẩu Việt-Trung : 'Khả năng Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu 'răn đe' Hà Nội'

Ngô Tuyết Lan, Mỹ Hằng, BBC, 06/01/2022

Trong bối cảnh Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục chặn hàng hóa Việt Nam trong nhiều tháng nữa , câu hỏi được đặt ra là đâu là nguyên nhân thực sự phía sau thực trạng này và giải pháp cho Việt Nam là gì.

biengioi1

Việc Trung Quốc chặn hàng hóa Việt Nam ở biên giới đã diễn ra vài tuần nay nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào khác ngoài những lời kêu gọi 'giải cứu' trong cộng đồng.

BBC News tiếng Việt có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Trung Quốc, thạc sĩ Ngô Tuyết Lan về vấn đề này.

----------------------------

BBCCó thể có những nguyên nhân thực sự nào phía sau việc Trung Quốc chặn hàng Việt Nam ở biên giới, thưa bà ?

Ngô Tuyết Lan : Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", do đó siết chặt quản lý và hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu thông thương, đặc biệt cửa khẩu trên bộ với Việt Nam.

Ngày 17/8/2021, tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), Trung Quốc tuyên bố phát hiện dấu Sars-cov2 trên trái thanh long Việt Nam và ngừng nhập khẩu. Đến 27/11/2021, Trung Quốc ngừng nhập khẩu toàn bộ trái cây tươi Việt Nam. Đến nay cửa khẩu này vẫn đóng đối với trái cây Việt Nam.

Mới đây, cơ quan phòng chống dịch thành phố Bằng Tường cũng thông báo sẽ tạm ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam trong 4 tuần do 3 lô hàng thanh long Việt Nam xét nghiệm có virus Sars-cov2.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Sars-cov2 có lây qua thực phẩm không ? Hiện nay, WHO và các nhà khoa học đều nêu rõ không có bằng chứng xác nhận con người nhiễm Sars-cov2 qua thực phẩm hay bao bì đóng gói thực phẩm.

Thứ hai, trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc đa phần qua con đường "tiểu ngạch", tự phát, rủi ro cao và thụ động khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách. Việc xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Quốc phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở - những điểm thông quan thường bị đóng đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát.

Hiện chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc do hai nước chưa đàm phán xong về quản lý chất lượng hàng nông sản, dù Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc nên nhiều nông sản được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào nước này. Những loại trái cây khác xuất qua đường tiểu ngạch.

Đáng chú ý là, nông dân và thương lái cả hai phía hiện vẫn chuộng hình thức truyền thống - giao dịch qua đường tiểu ngạch. Một phần là do đặc tính của nông sản tươi, thời gian bảo quản ngắn hạn, nên cần giao dịch, vận chuyển nhanh gọn.

Một thương nhân Việt Nam chuyên kinh doanh ở biên giới Việt Trung cho tôi biết, "tiểu ngạch" cũng có nhiều nghĩa.

Thông thường, theo con đường tiểu ngạch, các thương lái không ký trước hợp đồng mà vận chuyển hàng trực tiếp lên cửa khẩu rồi mới tìm đối tác Trung Quốc và đàm phán giá. Sau đó xe hàng của Việt Nam cùng với đối tác Trung Quốc chạy thẳng qua các cửa khẩu chính thức hoặc lối mở, vận chuyển hàng đến kho ở phía Trung Quốc.

Thương lái Trung Quốc thường làm việc trực tiếp với hải quan Trung Quốc theo hình thức chung chi. Bằng cách nào đó hải quan sẽ cho hàng thông quan mà không cần kiểm dịch cũng như các giấy tờ kê khai thuế.

Một loại hình "tiểu ngạch" khác là, ví dụ 10 xe hàng thông quan qua cửa khẩu, thì 3 xe khai báo theo chính ngạch, số còn lại không ghi trong giấy tờ hoặc ghi sai tên hàng hóa. Đây có thể là lý do chính khiến các thương lái 2 bên ưa chuộng phương thức tiểu ngạch, vừa nhanh gọn vừa giảm chi phí.

biengioi3

Cửa khẩu Lào Cai

Tuy nhiên rủi ro là, nếu chính quyền cấp trung ương hay địa phương Trung Quốc siết chặt quy định, đóng cửa các lối mở hay siết chặt giám sát hoạt động ở cửa khẩu, thì chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy mà thiệt hại đương nhiên thuộc về phía thương lái Việt Nam.

Hiện nay, trong số các xe đang ùn ứ ở cửa khẩu, rất nhiều xe tự phát, chưa tìm được người mua bên Trung Quốc, chưa làm thủ tục xuất khẩu, chứ không hoàn toàn đều là những xe đang chờ thông quan hay bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu nông sản số một của Việt Nam, do thị trường lớn, vị trí địa lý thuận tiện. Nhu cầu tiêu thụ hoa quả trên thị trường Trung Quốc dịp cuối năm rất lớn. Vì vậy, mặc dù có lệnh cấm biên từ phía Trung Quốc và chính phủ Việt Nam lên tiếng cảnh báo nhưng vẫn không ngăn chặn được dòng xe vận chuyển trái cây từ các tỉnh phía nam, nam trung bộ, Tây Nguyên đến các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh ở Lạng Sơn.

Thứ tư, quan sát Trung Quốc nhiều năm, đặc biệt những biến động trên chính trường và xã hội nước này dưới thời ông Tập Cận Bình, tôi cho rằng mọi hoạt động đối nội, đối ngoại, ngoại thương của Việt Nam đều bị chi phối bởi các toan tính và lợi ích chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Do đó, ẩn dưới các chính sách đóng mở thất thường cửa khẩu biên giới không loại trừ khả năng lãnh đạo Trung Quốc muốn gửi đi tín hiệu "cảnh cáo" hay "răn đe" nào đó với Việt Nam, hoặc đơn giản là muốn gây tổn thất cho kinh tế Việt Nam.

BBC : Việc chặn hàng hóa ở cửa khẩu như vậy có gây ảnh hưởng hay mang lợi ích gì cho Trung Quốc không ?

Ngô Tuyết Lan : Người dân và thương lái Trung Quốc có nhu cầu thực sự đối với hàng nông sản trái cây Việt Nam, do ưu thế địa lý, trái cây tươi ngon, chi phí vận chuyển thấp. Do đó, việc Trung Quốc cấm biên cũng gây thiệt hại đáng kể cho thương lái Trung Quốc và người dân nước này trong dịp cuối năm.

Nhưng đáng chú ý là, hàng nông sản Trung Quốc, trong khi đó, vẫn được thông quan vào Việt Nam, chỉ bị chậm hơn trước một chút.

Trong các giỏ hàng Tết bán ở Việt Nam thường có hoa quả dán tem từ Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… nhưng thực ra nhiều sản phẩm là hàng Trung Quốc ẩn dưới các lớp tem.

Tóm lại, nông dân Việt xuất khẩu hoa quả loại một sang Trung Quốc giá thấp và thậm chí bị chặn không cho thông quan. Trong khi người dân Việt Nam trong nước tiêu thụ hoa quả đắt tiền nhập từ Trung Quốc dưới mác "sạch và xịn".

BBC : Việc bị chặn hàng hóa ở cửa khẩu như vậy đã xảy ra từ lâu, tại sao Việt Nam chưa thể cùng Trung Quốc bàn thảo để đưa ra giải pháp ?

Ngô Tuyết Lan : Tình trạng này đã được Bộ Công thương, Cục Xuất Nhập khẩu Việt Nam dự báo sớm và thường xuyên có văn bản khuyến cáo gửi các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, hộ nông dân. Theo trang chinhphu.vn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có 3 cuộc điện đàm trực tuyến với các đối tác Trung Quốc và 10 cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu.

Nhưng thương lái vẫn ùn ùn đưa xe lên biên giới đường bộ.

Điều đó cho thấy thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa trung ương với địa phương. Còn tồn tại khoảng cách giữa hoạch định chính sách và tính hiệu quả của quyết sách khi đưa vào thực tiễn. Không thực thi chính sách một cách triệt để.

BBC : Bà có bình luận gì về các biện pháp giải cứu nông sản, hàng hóa hiện nay của Việt Nam ?

Ngô Tuyết Lan : Tôi cho rằng Việt Nam nên chấm dứt biện pháp kêu gọi 'giải cứu nông sản và hàng hóa'. Đây là biện pháp tình thế, cảm tính và không có lợi cho tất cả các bên.

Nông dân là phía chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vì khi phải giải cứu, có nghĩa là sản phẩm không tiêu thụ được theo như kế hoạch ban đầu của họ, có dấu hiệu hỏng nên phải "giải cứu" với giả rẻ thậm chí như cho không.

Nhiều tiểu thương cho biết, giải cứu chỉ giải quyết được một phần nhỏ hàng tồn đọng. Số hàng còn lại phần lớn không kịp tiêu thụ, phải bỏ đi. Tóm lại, nông dân lỗ nặng khi rơi vào tình cảnh "giải cứu".

Về phía người tiêu dùng, khi mua giải cứu là mua các sản phẩm không xuất khẩu được, không được kiểm định chất lượng, đa phần sắp hỏng, chất lượng không đảm bảo.

Trên hết, "giải cứu" nông sản là biểu hiện của sự phát triển thiếu chiến lược vĩ mô, không bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

BBC : Giải pháp trước mắt và lâu dài cho Việt Nam trong vấn đề này là gì ?

Ngô Tuyết Lan : Tôi đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc đưa ra :

biengioi4

Thứ nhất, tiến tới chấm dứt hoạt động tiểu ngạch truyền thống không có hợp đồng thương mại, đường mòn, lối mở. Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch, hai bên có hợp đồng, mở chứng thư bảo lãnh ngân hàng, hợp đồng bồi thường bảo hiểm.

Chuyển sang vận tải theo đường biển và đường sắt để tránh tập trung về các cửa khẩu đường bộ, vì hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt có thể chạy thẳng vào nội địa Trung Quốc không cần dừng chờ thông quan. Vừa an toàn trong phòng dịch lại giảm chi phí vận chuyển, bằng nửa thời gian vận chuyển bằng đường biển.

Tuy nhiên, nếu không thay đổi được tư duy của nông dân và doanh nghiệp, thiếu các chính sách hỗ trợ, lộ trình phát triển và chế tài thì rất khó để chấm dứt hoạt động tiểu ngạch ở các cửa khẩu biên giới trên bộ. Vận tải bằng đường sắt và đường biển đều qua con đường chính ngạch, vừa không khả thi đối với một số nông sản và vừa không phải ưu tiên hàng đầu của nông dân. Khổ đường sắt Việt Nam là 1.000mm, của Trung Quốc là 1.435mm nên vẫn phải làm một số thủ tục trung chuyển ở cửa khẩu.

Thứ hai, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường trong nước, giảm áp lực xuất khẩu. Hiện nông dân và thương lái Việt thường xuất khẩu sản phẩm loại một, và bán sản phẩm loại hai trong nước. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn giá bán trong nước và tiềm ẩn rủi ro khi xuất hàng qua đường tiểu ngạch, nhưng nông dân vẫn làm vì Trung Quốc là thị trường lớn.

Tôi cho rằng nông dân và thương lái Việt nên chú trọng hơn thị trường nội địa vô cùng tiềm năng, nên cung cấp hoa quả loại một cho người tiêu dùng trong nước. Để người tiêu dùng Việt không phải chờ lúc nông dân kêu cứu mới đổ xô một cách cảm tính đi mua hoa quả loại một nay đã không còn đảm bảo chất lượng.

Không gì tuyệt vời bằng ăn những hoa quả trồng trên chính địa phương mình sinh sống, phù hợp thổ nhưỡng, mùa nào thức đó, tươi ngon bổ dưỡng.

Thứ ba, nâng tầm nông sản Việt từ đó đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm đáp ứng đủ chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc, mã vùng để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường "khó tính".

BBC : Trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nói chung, Việt Nam cần chú ý những điểm gì ? Vì sao ?

Ngô Tuyết Lan : Quan hệ Việt Trung luôn bị chi phối bởi mối quan hệ giữa Đảng cộng sản hai nước. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam khi đưa ra các quyết sách kinh tế xã hội nên đặt lợi ích của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích chính trị giữa hai Đảng.

Bên cạnh đó, không ngừng phát triển quan hệ đa phương, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia, giảm thiểu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Mỹ Hằng thực hiện

Nguồn : BBC, 06/01/2022

*************************

Tìm hiểu video bộ đội Trung Quốc 'ném đá và to tiếng' ở biên giới Việt Nam

BBC, 06/01/2022

Một số tài khoản trên mạng xã hội tiếng Trung và của người Việt những ngày gần đây đã đăng đoạn video, được cho là quay cảnh binh lính bên phía lãnh thổ Trung Quốc đang ném đá sang bên kia sông thuộc biên giới Việt Nam, nhưng chưa rõ độ chân thực của video này.

biengioi5

Ảnh chụp màn hình 8 người mặc quân phục bên phía Trung Quốc đang ném đá sang phần lãnh thổ Việt Nam

Video được cho là góc quay từ phía Việt Nam, không nói rõ địa điểm, có thể thấy 8 binh lính Trung Quốc mặc quân phục giống với trang phục chống bạo động với mũ bảo hộ, đồ che mặt và cả khiên chắn.

Những binh lính này đứng bên phần biên giới Trung Quốc, liên tục ném đá sang phía bên kia bờ sông, tức lãnh thổ biên giới của Việt Nam nơi có hai xe xúc đất đang thi công nhưng không có binh lính nào.

Chỗ bờ sông tám binh lính Trung Quốc đứng ném đá cũng có một nhóm công nhân cùng xe cơ giới đang thi công đắp đá bờ kè với hàng rào thép gai kiên cố vây quanh được gắn camera. Những người này có vẻ không quan tâm đến sự việc đang diễn ra.

biengioi6

Ảnh chụp màn hình video hai xe xúc đất đang thi công bên bờ sông thuộc lãnh thổ Việt Nam bị binh lính Trung Quốc ném đá vào

'Khó xác minh'

Hiện không rõ độ chân thực của video này mặc dù nó đang gây bàn tàn khá sôi nổi trên mạng internet.

Ban tiếng Trung của BBC tại London sau khi tìm hiểu câu chuyện đã cho biết : "Không thấy truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, cũng không thấy các mạng xã hội đề cập. Nhưng có một vài tài khoản mạng xã hội của người Hoa hải ngoại đăng lại một video có vẻ nguồn gốc ban đầu từ trang TikTok".

Bản tin ngày 4/1 của Ban tiếng Việt đài Châu Á Tự do (RFA) nói : "Vụ việc không rõ xảy ra ở đoạn nào ở biên giới, tuy nhiên người đăng tải clip là tài xế xe ben chở đất dạo gần đây cho việc thi công các công trình xây dựng bờ kè biên giới ở Lào Cai".

Trả lời BBC News Tiếng Việt, một nhà nghiên cứu Trung Quốc học, thạc sỹ Ngô Tuyết Lan từ Hà Nội, chuyên theo dõi thông tin trong nước Trung Quốc cho biết cũng không thấy truyền thông chính thống Trung Quốc đưa tin về sự kiện này.

"Nếu là xung đột nhỏ trong thời gian ngắn thì chuyện chỉ dừng ở đây", bà Lan nói thêm.

Bà Tuyết Lan cho biết trên mạng thấy một số tài khoản viết tiếng Hoa bình luận về video này.

Theo bà, có tài khoản tiếng Hoa nói địa điểm xảy ra xung đột là cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.

Có tài khoản thì nói 8 người ném đá vào công nhân Việt Nam đang thi công là bộ đội biên phòng của Trung Quốc.

Như thế, hiện vẫn chưa rõ vụ việc cụ thể nói trên xảy ra ở Lào Cai, hay Quảng Ninh.

Hôm 06/01/2022, BBC liên lạc với Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị có thêm thông tin chính thức và đang chờ phản hồi.

Trung Quốc siết chặt biên giới ?

Trong thời gian qua, khi tình hình dịch bệnh Covid tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, Trung Quốc đã siết chặt hơn các cửa khẩu giữa hai nước, khiến "hàng nghìn xe hàng Việt Nam" buôn bán tiểu ngạch bị ách lại.

Không chỉ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị chặn mà hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam cũng gặp khó khăn không kém.

Các nhà quan sát cho BBC News tiếng Việt hay việc giải toả giao thương biên giới có khi "mất cả sáu tháng đầu năm 2022", và có thể còn sang nửa năm nay.

Dư luận Việt Nam cũng lan truyền tin về đường rào cao Trung Quốc cho xây mấy năm qua ít nhất là ngăn đường biên giới với Quảng Ninh và Lạng Sơn của Việt Nam.

Công trình này được nói là để "chặn lây truyền Covid" và chống buôn lậu, gồm cả buôn lậu người.

Mới đây nhất, một thành phố ở Quảng Tây "bêu riếu" bốn người Trung Quốc bị cáo buộc "giúp người nhập cư lậu từ Việt Nam" sang nước họ, theo BBC News, bản tiếng Anh hôm 29/12/2021.

Trang tin nhà nước Guangxi Daily cho biết hành động kỷ luật này nhằm ngăn chặn "tội phạm qua biên giới" và khích lệ sự tuân thủ các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh.

biengioi7

Bốn người Trung Quốc bị cáo buộc "giúp người nhập cư lậu từ Việt Nam" sang nước họ, theo BBC News, bản tiếng Anh hôm 29/12/2021

Truyền thông Trung Quốc thì mô tả tình hình dịch Covid ở khu vực biên giới với Việt Nam là "nghiêm trọng và phức tạp".

biengioi8

Trung Quốc từ cuối 2018 cho xây hàng trăm km rào cao, kiên cố ngăn lối trên bộ với Việt Nam ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh

Nhắc lại vụ xả súng ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh năm 2014

Đã lâu trước đây, tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tỉnh Quảng Ninh, ngày 18/4/2014, xảy ra nổ súng làm 5 người Trung Quốc và 2 bộ đội biên phòng Việt Nam thiệt mạng.

Báo Việt Nam khi đó nói "một nhóm người Trung Quốc vượt biên trái phép cướp súng AK tấn công".

Họ được bộ đội biên phòng Bắc Phong Sinh đã kêu gọi đầu hàng nhưng sau đó buộc phải nổ súng.

Những người nhập cảnh trái phép này bị Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện và cùng Công an huyện Hải Hà bắt giữ, đưa về cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Sau đó, theo phía Việt Nam, những người này bất ngờ tấn công cướp khẩu súng AK có 5 viên đạn, và cố thủ tại tầng 3 nhà liên ngành cửa khẩu Bắc Phong Sinh.

Vụ việc làm hai sĩ quan biên phòng Việt Nam thiệt mạng, còn trong số 16 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép có 5 người chết, 5 người bị thương.

Quan hệ Việt - Trung cho đến nay được truyền thông của đảng cộng sản ở hai nước coi như "vừa là đồng chí, vừa là anh em".

Thế nhưng thực tế cuộc sống kinh tế lại khác, với sức mạnh thương mại của Trung Quốc được cho là giúp Việt Nam phát triển nhưng cũng bị cho là lấn át Việt Nam và các láng giềng Đông Nam Á.

Một phần dư luận mạng xã hội ở Việt Nam, vì không bày tỏ được trên các kênh chính thống, luôn tỏ ra nghi ngờ hệ thống chính trị Trung Quốc, thậm chí 'bài Trung', theo các nhà quan sát nước ngoài.

*********************

Đụng độ ở biên giới : Lính Trung Quốc ném đá xe xúc đất của Việt Nam

RFA, 04/01/2022

Những đoạn video mới đây trên mạng xã hội cho thấy vụ đụng độ mới nhất ở biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngay những ngày đầu của năm 2022. 

biengioi9

Lính biên phòng Trung Quốc ném đá sang phía Việt Nam - Chụp màn hình video/RFA edited

Đoạn clip được một tài khoản Tik Tok quay lại và đăng tải gần đây, trong đó tám binh lính biên phòng Trung Quốc có trang bị áo giáp và khiên chắn liên tục ném đá vào hai chiếc xe xúc đất của Việt Nam đang thi công ở khúc sông chia cắt hai nước. 

Bên phía Trung Quốc công nhân đang thi công, gia cố lại phần bờ kè sông phía sau hàng rào kẽm gai kiên cố, người xem cũng có thể thấy camera an ninh được trang bị trên đoạn hàng rào này. 

Các binh lính này sau đó căng băng rôn, gọi loa bằng tiếng Trung yêu cầu phía Việt Nam dừng việc xây dựng. 

"Các bạn trước tiên đã vi phạm luật. Hai bên chúng ta đều chưa thương lượng vì vậy đề nghị dừng việc thi công. 

Sau khi đàm phán thì các bạn có thể thi công trở lại. Các bạn đã vi phạm luật khi xây dựng bờ kè".

Vụ việc không rõ xảy ra ở đoạn nào ở biên giới, tuy nhiên người đăng tải clip là tài xế xe ben chở đất dạo gần đây cho việc thi công các công trình xây dựng bờ kè biên giới ở Lào Cai. 

Các đoạn video sau đó bị tài khoản Tik Tok này xóa bỏ khỏi mạng xã hội và được các trang khác đăng tải lại trên Facebook. 

Một số hình ảnh khác cho thấy, bên phía Trung Quốc cắm các tấm bảng màu đỏ chữ màu vàng, viết bằng song ngữ Việt Trung với nội dung : "Khu vực biên giới chưa thống nhất, không được thi công". 

Vấn đề xây kè trên biên giới Việt Trung đã từng được đưa ra chất vấn tại Quốc hội Việt Nam hồi năm 2020.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan thuộc tỉnh Quảng Ninh nói tại Quốc hội rằng, tại "biên giới Việt - Trung tại Móng Cái, Quảng Ninh, hệ thống kè biên giới của chúng ta mới hoàn thành 10%, phía nước bạn đã xây dựng kiên cố và có cống thoát lũ tiết diện lớn xả thẳng ra sông vào mùa mưa làm xói lở bờ sông và thay đổi vị trí tâm điểm xác định ranh giới hai nước".

Báo Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến năm 2020, hệ thống kè biên giới bên phía Trung Quốc đã được xây dựng kiên cố, nhưng hệ thống kè biên giới của Việt Nam thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới được xây dựng hoàn thành 16,43 km trên tổng số đường biên giới trên sông giữa hai nước tại tỉnh Quảng Ninh là 89 km.
Trả lời chất vấn các đại biểu tại Quốc hội hồi năm 2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, hiện Hiệp định quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận song phương liên quan đã xác định rõ các nội dung, quy trình liên quan đến việc xây dựng các công trình biên giới của hai bên, trong đó có việc xây dựng các công trình kè bảo vệ sông, suối biên giới.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, trong năm 2019, theo đề nghị của tỉnh Quảng Ninh và Quân khu 3, Bộ Quốc phòng đã tiến hành khảo sát thực tế và đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng Tuyến kè chắn ang, kết hợp đường tuần angơ động bờ ang biên giới đối diện với bến biên mậu phía Đông Hưng/Trung Quốc (thuộc phường Hải Yên, TP.Móng Cái) với quy mô 1,38 km kè ang và 640 m đường cơ động tuần tra với tổng mức đầu tư 210 tỉ đồng, một nửa do ngân sách Trung ương và một nửa do ngân sách địa phương đầu tư.

Hồi giữa tháng 9 năm 2021, một đoạn video xuất hiện trên mạng internet quay lại cảnh phía người dân Việt Nam và biên phòng Trung Quốc đối đầu ở đoạn hàng rào tại mốc biên giới số 57 ở tỉnh Lai Châu. 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Nam, Ngô Tuyết Lan, Mỹ Hằng, RFA tiếng Việt
Read 406 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)