Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/01/2022

Đã bị bắt là có tội !

Hoài Nguyễn

Dường như cơ quan tố tụng mặc định đã mang thân phận bị can thì dứt khoát là phạm nhân.

bibat1

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada - Ông Trương Quốc Cường (người ôm bó hoa đứng giữa) – Ảnh minh họa

Ngày 8/1/2022, theo nguồn tin, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Theo cáo trạng thì cơ quan tố tụng xác định trong quá trình điều tra, Trương Quốc Cường không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.

Tòa sẽ xử thế nào ?

Về áp dụng tình tiết giảm nhẹ ‘người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải’ tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, giữa hai tình tiết "thành khẩn khai báo" và "ăn năn hối cải" có dấu "phẩy" ngăn cách thì đây được xem là một hay hai tình tiết giảm nhẹ ? Khi người phạm tội đủ điều kiện thoả mãn một trong hai tình tiết này là "thành khẩn khai báo" hoặc "ăn năn hối cải" thì có được áp dụng quy định này không ? Hay phải thỏa mãn cả hai điều kiện này thì mới được áp dụng ?

Nhiều trường hợp bị cáo đã khai hết toàn bộ diễn biến hành vi phạm tội, nhưng họ cho rằng hành vi của mình không phải là tội phạm – như trường hợp của bị can Trương Quốc Cường trong liên quan đến vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế – thì Hội đồng căn cứ vào hành vi này nên không áp dụng tình tiết "người phạm tội thành khẩn khai báo" ?.

Qua thực tiễn tham gia xét xử và tham khảo hướng dẫn tại mục 23 Phần I Công văn số 16/1999/KHXX ngày 01/02/1999 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vấn đề về hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính và tố tụng, thì trường hợp bị cáo thật thà khai báo về những hành vi mà họ đã thực hiện như cáo trạng truy tố, nhưng cho rằng hành vi của mình là hợp pháp, không thừa nhận là đã phạm tội, liệu họ có được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm h khoản 1 Điều 38 Bộ luật hình sự (người phạm tội tự thú, thật thà khai báo, ăn năn hối cải hoặc tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm) hay không ?.

Hiện nay, còn có quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ "thành khẩn khai báo" "ăn năn hối cải", nếu chỉ căn cứ vào hình thức để giải thích và xác định số lượng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội thì sẽ gây nên nhiều cách hiểu khác nhau, bởi vì theo quy định của Bộ luật hình sự thì cũng có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự sử dụng dấu "phẩy" ở giữa các tình tiết và đây được xem là các tình tiết độc lập.

Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng pháp luật cho thấy hầu hết các trường hợp, người phạm tội chỉ cần thỏa mãn một hai yếu tố là "thành khẩn khai báo" hoặc "ăn năn hối cải" thì được hưởng 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, và đây là 1 trong những căn cứ để Hội đồng xét xử xem xét khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Ông Trương Quốc Cường đang là người vô tội

Theo Điều 15, Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (bên buộc tội). Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

Người bị buộc tội không có nghĩa vụ phải chứng minh sự vô tội của mình mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan buộc tội, người buộc tội) phải tuân thủ nghiêm ngặt trình tự, thủ tục luật định.

Người bị buộc tội được quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội đồng nghĩa với việc tại phiên tòa bị cáo có quyền im lặng, tức là không có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Để có thể ra một trong các quyết định khởi tố, điều tra, truy thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm chứng minh và xác định rõ ràng các căn cứ là có tội được quy định trong bộ luật hình sự ; phải đảm bảo xem xét các tình tiết vụ án một cách khách quan, đầy đủ.

Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án ; không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Luật pháp về tố tụng của Việt Nam quy định tòa án phải hoàn toàn dựa trên cơ sở những chứng cứ được trình bày trước tòa để đưa ra phán quyết. Bản án kết tội phải dựa trên các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, chứng minh bị cáo có tội.

Nguyên tắc suy đoán vô tội đòi hỏi sự buộc tội phải dựa trên những chứng cứ xác thực không còn nghi ngờ. Mọi sự nghi ngờ đối với người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đều phải được kiểm tra, chứng minh làm rõ. Khi có những nghi ngờ về pháp luật như về lỗi của bị can, bị cáo và chứng cứ xuất hiện nếu không chứng minh làm rõ được, thì những nghi ngờ này được hiểu và giải thích theo hướng có lợi cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo.

Pháp luật tố tụng cũng quy định không được dùng làm chứng cứ những tình tiết do người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác, nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó. Việc suy đoán vô tội chỉ bị bác bỏ bằng việc tuyên bản án buộc tội đã có hiệu lực pháp luật trên cơ sở những chứng cứ được thu thập, thẩm vấn và xác minh một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện tại phiên tòa xét xử chứng minh lỗi của bị cáo theo trình tự luật định.

Trên thực tế, ở nhiều bản án liên quan đến những nhà bất đồng chính kiến, các nguyên tắc tố tụng như trên gần như không được quan tâm. Một số bản án tham nhũng có liên quan đến nhiều ‘bề trên’ chóp bu hơn cũng gặp tình cảnh tương tự vậy.

Đó là những câu chuyện về một người luôn vô tội khi nhà nước không chỉ ra được những bằng chứng hữu hiệu chống lại điều này và chứng minh được họ có tội.

Như là một điều luật bảo vệ bên yếu thế, chống lại sự xâm hại quyền con người từ phía công quyền, nguyên tắc suy đoán vô tội bảo vệ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự và lợi ích của người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đặt ra yêu cầu cao hơn cho những người tiến hành tố tụng trong việc chứng minh tội phạm : cơ quan tư pháp, điều tra có trách nhiệm phải tìm được bằng chứng chứng minh vô tội song song với việc tìm bằng chứng chứng minh có tội.

Hoài Nguyễn

Nguồn : VNTB, 12/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoài Nguyễn
Read 324 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)