Tư bản thân hữu và mối liên hệ với thể chế của Việt Nam
Vincente Nguyen, Luật Khoa, 12/01/2022
Tìm hiểu về một biến thể của chủ nghĩa tư bản trong mối tương quan với Việt Nam.
"Tư bản thân hữu" là gì ?
Tư bản thân hữu là một khái niệm không quá xa lạ với giới nghiên cứu khoa học chính trị và pháp lý.
Thuật ngữ tiếng Anh của từ này, "crony capitalism",là sự kết hợp hai thành tố giữa :
- Chủ nghĩa tư bản (capitalism) : mô hình kinh tế nơi mà quyền tư hữu được đặt lên hàng đầu. Theo đó, nhà nước bảo đảm rằng các hoạt động kinh tế được vận hành dựa trên quyền tự do sở hữu, môi trường tự do cạnh tranh và các chủ thể kinh tế tự do theo đuổi các mục tiêu lợi ích của mình.
- Chủ nghĩa thân hữu (cronyism) : một loại tư duy/định hướng hành vi, trong đó các lợi ích, ưu thế, quyền lực hoặc thông tin có giá trị được phân bổ cho người thân, bạn bè, hay các chủ thể khác dựa trên sự tin tưởng, thay vì dựa trên các chuẩn mực công bình hay minh bạch.
Như vậy, tư bản thân hữu có thể hiểu là một mô hình kinh tế nơi mà quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh được bảo vệ về mặt hình thức. Tuy nhiên, trong mô hình này, cấu trúc nhà nước không bảo đảm được môi trường tự do cạnh tranh. Thay vào đó, nó tạo cơ hội ưu đãi cho một số chủ thể kinh tế có kết nối chính trị/ huyết thống/xã hội với các chủ thể nắm quyền nhà nước.
Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, thông qua chính sách, pháp luật, rào cản đăng ký, truyền thông, hay độc quyền thị trường tạm thời, v.v.
Vấn đề tư bản thân hữu đặc biệt liên quan đến tình hình kinh tế của các quốc gia đang phát triển.
Nếu xét theo các sự kiện bề nổi của vụ bê bối về bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á, với sự hậu thuẫn của cơ quan chính quyền trung ương thông qua quy trình "cấp phép " [1], nhận chỉ định thầu/giá độc quyền tại địa phương [2], được ca ngợi bằng hệ thống báo chí lẫn các cơ quan ban ngành [3], tính thân hữu nhất định của Việt Á bên trong hệ thống chính trị để tạo nên các ưu đãi đó, dù chưa có thông tin cụ thể và rõ ràng, vẫn có thể cảm nhận được.
Ông Phan Quốc Việt, tổng giám đốc công ty Việt Á (ảnh trái), cùng những người đã bị khởi tố điều tra trong vụ án Việt Á. Nguồn : Báo Người Lao Động.
Tư bản thân hữu khác gì với hối lộ ?
Nếu cho rằng tư bản thân hữu là hệ thống dây nhợ với lợi ích chồng chéo giữa các chủ thể kinh doanh và những cá nhân có thẩm quyền trong nhà nước, vậy tư bản thân hữu có khác gì với các khái niệm lợi ích khác như hối lộ (bribery) ?
Trong vụ Việt Á, "tiền hoa hồng" trị giá hàng chục tỷ đồng dành cho người đứng đầu trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thường được nêu lên trước báo chí như là dấu hiệu sai phạm rõ ràng nhất của Việt Á (tức hành vi hối lộ). Tuy nhiên, cách mà Việt Á được ưu ái biến thành doanh nghiệp "đầu tàu" của cả nước, và từ đó là "đầu mối" cung cấp bộ xét nghiệm cho tất cả các tỉnh thành, rõ ràng không thể chỉ dựa vào hối lộ.
Đây cũng là một trong số ba điểm khác biệt căn bản, theo nhiều nghiên cứu, giữa tư bản thân hữu và hối lộ [4].
Thứ nhất, tư bản thân hữu lấy nền tảng là niềm tin, lòng trung thành chính trị, mối quan hệ thân bằng quyến thuộc và các mối quan hệ xã hội khác. Thuật ngữ này nhắm đến các mối quan hệ gắn kết và lợi ích (mà không nhất thiết về tiền bạc, kinh tế) giữa các giai tầng bậc cao, nắm giữ quyền lực và các lợi ích lớn.
Trong khi đó, hối lộ, dù vẫn xảy ra ở thượng tầng kiến trúc, thường tập trung vào trao đổi lợi ích kinh tế và có thể diễn ra ở mọi tầng cấp xã hội, đặc biệt là ở cấp trung và cấp thấp.
Thứ hai, thân hữu và các hoạt động trục lợi thân hữu thường có liên quan đến một nền công nghiệp, hay cả một nền kinh tế. Ví dụ như việc đưa ra quy định rào cản gia nhập một ngành, hay chỉ cấp phép thông qua một vài nhóm sản phẩm nhất định (như đặc trưng của ngành y tế trong trường hợp Việt Á).
Mặt khác, hối lộ có tính chất cụ thể và phụ thuộc vào vụ việc hơn (firm and case-specific). Nói cách khác, lợi ích đổi chác từ hối lộ là thông qua từng tình huống và từng hoàn cảnh, không nhất thiết có ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường.
Cuối cùng, chúng ta cần hiểu rằng bản chất lợi ích và động lực chính trị giữa hai hành vi là rất khác nhau, từ đó dẫn đến những hệ quả khác nhau.
Hối lộ có tính sai dễ thấy, và hậu quả cũng dễ chứng minh hơn. Điều này bởi vì trong hành vi hối lộ, chúng ta xác định được người có quyền (điển hình là quan chức) nhận tiền/ lợi ích để thực hiện một hành vi dù đúng hay không đúng với quy định.
Trong khi đó, tư bản thân hữu đi kèm cả một hệ thống lợi ích gắn kết giữa các cá nhân kinh doanh và các cá nhân đưa ra quyết định pháp lý, thường vượt lên trên vấn đề kinh tế.
Ông Đỗ Anh Dũng (trái), chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh, người vừa gây dư luận với việc trúng đấu giá lô đất Thủ Thiêm và ngay sau đó rút lui. Người bắt tay ông trong ảnh là ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLC. Nguồn : cafebiz.vn.
Các quyết định đưa ra có thể nhân danh việc kiểm soát chất lượng thị trường, đấu tranh vì lợi ích người tiêu dùng, cách biệt về năng lực của chủ thể tham gia ngành, v.v.
Tại một thị trường mới nổi với hệ thống minh bạch yếu như Việt Nam, sự trỗi dậy của các doanh nghiệp ít nhiều đều có liên quan tới quá trình thân hữu, mà giới bình dân hay nhìn nhầm thành tài năng hay năng lực của chủ doanh nghiệp.
Cụ thể, doanh nghiệp phất lên nhờ bất động sản luôn có các mối thân hữu liên quan đến đất đai ; phát triển nhờ vào xuất nhập khẩu gạo, gỗ hay hải sản sẽ có các mối thân hữu liên quan đến hạn ngạch hay quy trình, tiêu chuẩn xuất khẩu ; kiếm tiền nhờ vào truyền thông hay bán lẻ sẽ có các mối thân hữu dính dáng đến giấy phép hay thủ tục, v.v.
Song tựu trung, cả hối lộ lẫn tư bản thân hữu đều là những biểu hiện khác nhau của tham nhũng (corruption) trong hoạt động quản lý nhà nước.
Khái niệm "cộng sản thân hữu" (crony communism) có tồn tại hay không ?
Khái niệm cộng sản thân hữu không được giới nghiên cứu khoa học pháp lý và chính trị ghi nhận, bởi nhiều lý do.
Mô hình kinh tế tư bản có sự tách bạch hiến định nhất định giữa cơ quan nhà nước và các hoạt động kinh tế.
Chủ nghĩa tư bản cho rằng sự can thiệp của nhà nước sẽ làm mất đi giá trị mà nó trân trọng nhất – tư hữu và tự do kinh doanh. Do đó, cơ quan và các chức danh nhà nước thường bị kiểm soát hay loại trừ khỏi các hoạt động kinh tế sinh lợi. Chủ nghĩa thân hữu làm biến dạng mô hình kinh tế tư bản, và vì vậy trở thành một biến thể của mô hình này.
Ngược lại, tự thân mô hình kinh tế cộng sản là nơi mà chính quyền nắm toàn bộ quyền lực trong các quyết định kinh tế. Tự thân các chức danh nhà nước và các mối quan hệ thân hữu của họ đã nắm vai trò cốt yếu trong việc phân bổ lợi ích kinh tế.
Do đó, chủ nghĩa thân hữu được xem là một phần đặc trưng của mô hình kinh tế cộng sản. Việc thêm thành tố "thân hữu" vào được cho là thừa.
Vincente Nguyen
Nguồn : Luật Khoa, 12/01/2022
Chú thích :
1. Bài và ảnh : Ngọc Dung. (2021, December 22). Vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm của Công ty Việt Á : Bộ Y tế làm đúng quy định ?
2. Bách An, P. T.-. (2021, December 21). Kit test của Việt Á được Bộ Y tế giới thiệu cho các địa phương thế nào ? PLO.
3. Hằng T. (2021, December 20). Bộ KH-CN gỡ thông tin "bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á được WHO chấp thuận". Báo Thanh Niên.
4. Aligica, P. D., & Tarko, V. (2014). Crony capitalism : Rent seeking, institutions and ideology : Crony capitalism. Kyklos (Basel), 67(2), 156-176 và Harstad, Bard and Jakob Svensson (2011). Bribes, lobbying and development.American PoliticalScience Review. 105(1) : 46–63.
*************************
Vì thế mà họ yêu thể chế xã hội chủ nghĩa !
Trân Văn, VOA, 12/01/2022
Hai doanh nhân nổi tiếng vì giàu có tại Việt Nam vừa vướng vào hai scandal có dấu hiệu làm xiếc. Đáng nói là cả hai vốn nằm trong nhóm thường đề cập đến ái quốc, thương dân và thường nhấn mạnh, ngoài việc kiếm tiền, hoạt động kinh doanh của họ còn nhắm đến việc giúp xứ sở có điều kiện tự hào ! Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam đã tạo ra nhiều doanh nhân như thế và có lẽ đã tới lúc cần ngắm nghía thật kỹ đến những doanh nhân luôn bày tỏ sự tin yêu chủ nghĩa xã hội, thể chế xã hội chủ nghĩa – tiền đề giúp họ trở thành đại phú !
Đỗ Anh Dũng và Trịnh Văn Quyết (phải). (Hình : Screenshot từ infonet.vietnamnet.vn)
***
Hôm qua, Bộ Công an Việt Nam tiết lộ, trước khi Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng mua một trong bốn lô đất tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đem ra đầu giá hồi tháng trước,Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tiến hành xác minh 11 dự án bất động sản do Tân Hoàng Minh đầu tư tại Hà Nội (1). Nói cách khác, cuộc điều tra nhắm vào Tân Hoàng Minh đã khởi động ngay sau khi doanh nghiệp này trả 24.500 tỉ để có quyền sử dụng lô 3-12 ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, nâng giá đất ở đó lên mức không tưởng 2,4 tỉ đồng/m2 !
Trong "Tâm thư" gửi cho hàng loạt cá nhân là Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và hàng loạt tập thể từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2), ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh giải thích, sở dĩ doanh nghiệp này từ bỏ quyền sử dụng lô 3-12 mới giành được hồi tháng trước, bỏ khoản tiền cọc khoảng 588 tỉ vì trả giá cao như vậy có thể dẫn tới những hệ lụy không tốt, rút lui để góp phần ổn định thị trường bất động sản và muốn đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích riêng.
Trước đó, ông Dũng không nghĩ như vậy. Trò chuyện với báo giới về sự kiện Ngôi sao Việt – doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá bốn lô đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm – ông tuyên bố, đại ý :Sở dĩ Tân Hoàng Minh nâng giá đất lên tớimức khiến thiên hạ sững sờ là vì muốn tất cả tư bản nước ngoài phải mua đất của Việt Nam với giá như Tokyo hoặc New York, có như vậy nhân dân ta mới giàu nhanh, đất nước mới phát triển. Chúng ta phải xây dựng và phát triển đất nước ta đẹp và giàu mạnh về kinh tế, để không cho bất cứ kẻ thù nào có thể nhòm ngó vào lãnh thổ của chúng ta (3).
Tuy nhiên lần này, nhiều nơi, nhiều người không dám chứng cho tinh thần ái quốc của ông Dũng. HoREA (Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự lo ngại khi qua đấu giá, giá trị đất ở Thủ Thiêm được nâng lên tới mức bất thường. Điều này chỉ có lợi với một số doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất. Kết quả đấu giá đó khiến giá đất tăng vọt bất lợi cho cả người tiêu dùng, nỗ lực giảm giá nhà thực hiện chính sách phát triển nhà ở, lẫn giới đầu tư vì giá bán cao sẽ làm tăng lượng hàng hóa tồn đọng. Chưa kể đó có thể là nền tảng để một số doanh nghiệp xin định giá lại tài sản, đặc biệt là những tài sản đang thế chấp nhằm "rút ruột" ngân hàng, hoặc để "làm sạch" bảng cân đối tài chính (4).
Bộ trưởng Tài chính Việt Nam thì xem việc tự nguyện trả giá đất Thủ Thiêm ở mức cao không tưởng là hành động gây "nhiễu loạn thị trường", đồng thời cảnh báo về tình trạng, một số doanh nghiệp vay mượn cả từ ngân hàng lẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp cao gấp nhiều lần vốn thực có, thành ra Bộ Tài chính phải tổ chức kiểm tra những doanh nghiệp có liên quan trên thị trường chứng khoán. Chủ tịch Quốc hội cũng ái ngại khi sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán và bất động sản "nóng quá" nên tỏ ra hết sức dè dặt trước chuyện chưa từng có, giá đất ở Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ/m2 (5).
Song yếu tố đáng chú ý nhất và dường như là nguyên nhân chính khiến Tân Hoàng Minh tuyên bố từ bỏ việc thực hiện quyền sử dụng lô 3-12 ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm là việc Cục Thanh tra – Giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng nhà nước yêu cầu một số ngân hàng báo cáo về việc cấp tín dụng(cho vay, bảo lãnh, đầu tư trái phiếu…)đối với những doanh nghiệp tham gia đấu giá đất ở Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Theo yêu cầu này, ngân hàng phải giải trình xem giữa hai bênđã vay – cho vay - hứa cho vay bao nhiêu, mục đích vay – cho vay - hứa cho vay là những gì, tổng nợ có phân loại chi tiết về nợ gốc, nợ lãi, kèm phân tích kế hoạch – khả năng trả nợ, phía hỏi vay có nợ xấu – nợ khó trả hay không(6),...
Nếu những thông tin có liên quan đến yêu cầu vừa kể được tổng hợp và công bố, có lẽ chúng sẽ không chỉ bất lợi cho Tân Hoàng Minh mà còn làm phiền nhiều nơi, nhiều người. Lần này, dường như ông Dũng không gặp may. Năm 2015, Tân Hoàng Minh từng thắng đấu giá một khu đất 3.000 m2 ở trung tâm quận 1 rồi bỏ. Đến 2016 đề nghị mua lại chính lô đất này và chấp nhận trả khoản phạt 260 tỉ rồi để đó cho đến 2019 thì chuyển nhượng cho Techcombank (7).
***
Cũng hôm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo đã phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC vì ngày 10/1/2022, ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu của FLC mà không công bố thông tin (8). Về nguyên tắc, những cá nhân như ông Quyết (cổ đông nội bộ - nằm trong nhóm chi phối doanh nghiệp có giao dịch cổ phiếu, cổ đông lớn - sở hữu từ 5% số cổ phiếu có quyền biểu quyết trở lên...) buộc phải báo cáo các quyết định liên quan đến cổ phiếu đang nắm giữ để giới đầu tư có thông tin trong suy tính mua bán.
Ông Quyết đã vi phạm nguyên tắc mà ai cũng biết này và hành động bị xem là "bán chui" cổ phiếu đó đem lại cho ông khoản lợi từ 1.200 tỉ đến 1.600 tỉ nhưng gây thiệt hại cho hơn 19.000 nhà đầu tư. Đây không phải lần đầu tiên ông Quyết hành xử giống như gian lận với giới đầu tư. Năm 2017, ông Quyết từng lẳng lặng bán ra 57 triệu cổ phiếu và kiếm được khoảng 400 tỉ. Vào thời điểm đó, tuy VAFI (Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính) phản ứng dữ dội và tuyên bố sẽ "theo đuổi đến cùng" để bảo đảm thị trường tài chính Việt Nam phát triển lành mạnh, có thể hội nhập với thị trường tài chính quốc tế (9) nhưng cuối cùng, ông Quyết chỉ bị phạt 65 triệu đồng (10) !
Lần này thì sao ? Chưa biết ! Tuy hành vi của ông Quyết bị nhiều người, nhiều giới xem là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho thị trường chứng khoán và giới đầu tư nhưng chưa rõ ông Quyết sẽ bị phạt tiền (tối đa khoảng 1,5 tỉ đồng) hay sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì hành vi "bán chui" thu lợi bất chính lớn khiến thị trường chứng khoán chao đảo có dấu hiệu "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" hay "thao túng thị trường chứng khoán" (11) ?
***
Trong "Tâm thư" gửi nhiều cá nhân, nhiều tập thể để thông báo ý định từ bỏ quyền sử dụng lô 3-12 ở Thủ Thiêm, ngoài việc giới thiệu cá nhân, gia đình, gia tộc là "người của ta", ông Đỗ Anh Dũngcám ơn đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ đã cho Tân Hoàng Minh nói riêng và các doanh nghiệp trong, ngoài nước nói chung được sống, làm việc và phát triển trong một môi trường kinh doanh hòa bình, ổn định theo định hước xã hội chủ nghĩa công bằng, bình đẳng và minh bạch. Ông Quyết cũng thế. Cách nay vài tháng, khi được tờ Tuổi Trẻ hỏi rằng ông nghĩ sao khi là người gây ra nhiều tranh cãi (?), doanh nhân chuyên thực hiện những dự án vây biển, dọn rừng biến thành tài sản của FLC, bảo rằng, đại ý :Tôi nghĩ ngườiyêu là chính, còn ghét chẳng qua họ chưa gặp tôi. Trong suy nghĩ và hành động tôi đều mong muốn những gì tốt nhất cho xã hội, cho đất nước thì không có lý do gì để ghét (12).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 12/01/2022
Chú thích
(1) https://thanhnien.vn/bo-cong-an-xac-minh-11-du-an-cua-tan-hoang-minh-tai-ha-noi-post1420379.html
(2) https://www.facebook.com/photo/?fbid=10219010422228623&set=pcb.10219010346146721
(4) https://thesaigontimes.vn/horea-chi-ra-nhung-bat-cap-cua-phien-dau-gia-dat-ky-luc-o-thu-thiem/
(6) https://vnexpress.net/tan-hoang-minh-xin-bo-coc-lo-dat-dau-gia-o-thu-thiem-4415047.html
(7) https://vnexpress.net/tan-hoang-minh-xin-bo-coc-lo-dat-dau-gia-o-thu-thiem-4415047.html
(8) https://tienphong.vn/phong-toa-tai-khoan-chung-khoan-cua-ong-trinh-van-quyet-post1408917.tpo
(9) https://viettimes.vn/vafi-kien-nghi-ve-quan-ly-thi-truong-chung-khoan-post65857.html
(10) https://vnexpress.net/chu-tich-flc-bi-xu-phat-65-trieu-dong-3668779.html