‘Thống nhất’ ? Vì sao khó ?
Trân Văn, VOA, 20/01/2022
Đề nghị của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam :Chính phủ cần có chỉ đạo để đạt được sự thống nhất về quy định phòng dịch khi dân chúng về quê đón Tết âm lịch với gia đình làm thiên hạ mắc cười !
Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)
Việt Nam đã trở thành một quốc gia thống nhất cách nay 47 năm nhưng tình trạng khác biệt trong thực thi công quyền giữa trên với dưới càng lúc càng trầm trọng, đặc biệt là từ khi Covid-19 bùng phát thành đại dịch.
Xem tường thuật cuộc họp mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức để nghe Ban Dân nguyện trình bày "Báo cáo về công tác dân nguyện" ắt sẽ thấy, tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, luật pháp là giấy lộn và công dân chẳng khác gì "con sâu, cái kiến" (1) !
***
Trong cuộc họp ấy, ông Hoàng Thanh Tùng – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, nhắc lại chuyện chính phủ rồi Bộ Y tế đã yêu cầu chính quyền các địa phương không được buộc dân chúng xét nghiệm khi cần đi lại. Chính quyền các địa phương chỉ được yêu cầu xét nghiệm khi có ai đó đến từ "vùng đỏ" (vùng có tỉ lệ lây nhiễm rất cao). Khi đi từ vùng này đến vùng khác dân không phải cách ly tập trung mà chỉ cần cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú nhưng vẫn theo lời ông Tùng :Trên thực tế, khi có dân từ nơi khác về quê, mỗi địa phương thực hiện một kiểu, không thèm bận tâm người từ nơi khác về quê đã chích vaccine hay chưa, chích mấy mũi. Thậm chí có nơi như Thái Bình còn mang khóa đến khóa cửa, nhốt gia đình có người từ "vùng đỏ" trở về tới bảy ngày, khiến gia đình này phải nhờ người mua giúp thực phẩm !
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam, kể thêm những điều ông ta "mắt thấy, tai nghe" từ việc đi thăm, tặng quà Tết cho người thiểu số :Từ bản này sang bản kia vẫn có rào chắn. Nhiều nhóm lao động phi chính thức, thậm chí cả lao động có hợp đồng làm việc ở các thành phố cũngphải về sớm để hoàntất yêu cầu cách ly tại gia đủ bảy ngày. Giống như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam – khẩn khoản đề nghị chính phủ quan tâm -Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam cũng đề nghị :Chính phủ cần có chỉ đạo tổng thể. Nếu không thì người lao động có quê ở miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số sẵn sàng không nhận lương dịp này để được về quê ăn Tết !
Ông Dương Thanh Bình - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, đề cập tới một vấn đề khác cũng liên quan đến dịch và sự kiện Tết âm lịch đang cận kề :Chính phủ và chínhquyền các địa phương cần có giải pháp để hỗ trợ công nhân, người lao động, người có thu nhập thấp về quê đón Tết an toàn. Ông Bình nhắc thêm : Do chưa có sự nhất quán trong việc chi trả chi phí xét nghiệm cho người lao động, nênxảy ra tình trạng công nhân phải xét nghiệm Covid-19 nhiều lần và chi phí cho tất cả những lần xét nghiệm đó đều bị trừ vào lương. Tại một số địa phương, việc thanh toán chi phí, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động bị nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà đang có vướng mắc vì thiếu "giấy nghỉ ốm"...
Cuối cùng, theo báo chí Việt Nam, ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, nhất trí cao với những đề nghị đã dẫn và kết luận :Cách ứng xử của các tỉnh đối với người dân về quê ăn Tết đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết
***
Về lý thuyết, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhất ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài lập hiến, lập pháp, Quốc hội còn là nơi quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của quốc gia, đồng thời giám sát hoạt động của nhà nước, chính phủ.
Tuy nhiên giống như trước, cho dù "mắt thấy, tai nghe" hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương hành xử bất nhất trong việc ngăn ngừa đại dịch, làm khó công dân về quê đón Tết, song từ Chủ tịch Quốc hội đến các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rụt rè thay dân kể khổ và thỏ thẻ "đề nghị" ! Không ai dám chất vấn tại sao lại thế, cũng chẳng có ai dám yêu cầu chính phủ phải hành động ngay lập tức để chấm dứt cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" này và xác định trách nhiệm để xử lý.
Đáng ngạc nhiên, dù Việt Nam là xứ sở có quốc pháp nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam không hề bận tâm đến việc chính quyền một số địa phương như Thái Bình, mang khóa tới khóa cửa ra vào tư gia của gia đình có người trở về từ "vùng đỏ" là chà đạp cả hiến pháp lẫn pháp luật. Dân không phải gia cầm, cũng chẳng phải gia súc, tại sao chính quyền các địa phương dám làm như vậy suốt từ năm ngoái (2) đến năm nay (3) ?
Câu trả lời nằm ở chỗ ngay cả các thành viên chủ chốt của Quốc hội như Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng xem đó là bình thường, thậm chí tất nhiên ! Chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có chuyện người đứng đầu bộ phận đặc trách về pháp luật của cơ quan dân cử ở cấp cao nhất, không những không phản đối việc chà đạp các quyền căn bản của công dân mà còn biện bạch giúp cho bạo hành hành chính : Có thể lãnh đạo cơ sở sợ dịch bệnh lây lan nhưng biện pháp hơi quá, không thống nhất...
Dẫu thực tế cho thấy, chủ trương "truy vết, cách ly, cô lập", thực thi "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", buộc "xét nghiệm thần tốc trên diện rộng và thần tốc hơn nữa" hồi năm ngoái vừa xâm hại nhân quyền, vừa là sai lầm nghiêm trọng mà đến giờ vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả về kinh tế - xã hội, đặc biệt là hậu quả về sinh mạng – khiến 20.000 người Việt mất mạng nhưng chính phủ không xin lỗi, Quốc hội cũng không xem đó là vấn đề cần điều tra, truy cứu trách nhiệm.
Có đại biểu quốc hội nào thấy rằng cần xem lại việc phá cửa, xông vào tư gia cưỡng bức xét nghiệm như ở Bình Dương (4) để buộc các viên chức xâm phạm thân thể, xâm phạm chổ ở công dân phải bồi thường thiệt hại ? Có đại biểu quốc hội nào yêu cầu tái thẩm những bản án đã tuyên – phạt tù bà Hoàng Thị Hồng ở Nghệ An (5), ông Nguyễn Hoàng Suốt ở An Giang (6), chỉ vì họ phản kháng, từ chối cưỡng bức xét nghiệm Covid-19 ? Chẳng có đại biểu nào như thế cả !
Khi các đại biểu quốc hội – những cá nhân mà về lý thuyết là được dân cử làm đại diện cũng khinh dân thì tới thiên thu, hệ thống công quyền vẫn tiếp tục bất nhất khi đối xử với dân trong tất cả mọi chuyện chứ chẳng riêng lúc cần ngăn ngừa đại dịch !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/01/2022
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/de-nghi-chinh-phu-chi-dao-thong-nhat-dieu-kien-ve-que-an-tet-4417913.html
(3) https://vnexpress.net/ho-dan-bi-khoa-cong-7-ngay-vi-ve-tu-vung-do-4417883.html
(6) https://angiang.toaan.gov.vn/webcenter/portal/angiang/chitiettin?dDocName=TAND188563
************************
Sau một năm tan tác vì dịch, Việt Nam sẽ đón cái Tết ảm đạm ?
VOA, 20/01/2022
Nỗi đau mất mát người thân trong đại dịch Covid-19 cùng với thu nhập giảm sút trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người dân ở thành phố Hồ Chí Minh không còn tâm trí đón Tết hoặc đón Tết trầm lắng hơn mọi năm, theo tìm hiểu của VOA.
Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua một đợt phong tỏa kéo dài trong năm 2021
Việt Nam nói chung và thành phố lớn nhất nước nói riêng đã trải qua một năm dịch bệnh tàn khốc với trên 2 triệu ca nhiễm và gần 36.000 người chết, theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 19/1 năm 2022. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh chiếm phần lớn với gần 512.000 ca nhiễm và trên 20.000 ca tử vong.
Trong lúc chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần, vốn là thời điểm buôn bán nhộn nhịp nhất mọi năm, nhưng năm nay tình hình ảm đạm với chợ vắng khách, mua bán ế ẩm và tiểu thương ráng cầm cự, theo tường thuật của tờ Thanh Niên.
‘Giảm một nửa’
Tại chợ Bình Tây, chợ đầu mối cung cấp hàng tiêu dùng cho toàn bộ các tỉnh miền Nam, bà Phạm Thúy Hiền, chủ sạp bánh kẹo Thúy Hiền, cho VOA biết tình hình kinh doanh của bà bết bát hơn mọi năm mặc dù càng gần đến Tết khách hàng đi chợ có đông hơn.
Theo lời bà thì sức mua ở tiệm bà năm nay ‘chỉ bằng một nửa năm rồi’. Số khách hàng mua đi và lượng mua của khách hàng cũng ít đi ‘chỉ còn 5 phần đổ lại’, bà Hiền nói.
Về mối sỉ lấy hàng của bà đem về bán dưới quê, bà cho biết ‘cũng lấy ít hơn, do ở dưới cũng có dịch bệnh nên người ta cũng không dám mua bán nhiều’.
"Năm nay người ta không dám làm hàng, mùa dịch người ta sợ bán không được nên làm hàng ít lắm. Đến bữa nay (17 tháng Chạp) người ta cũng nghỉ hết rồi", bà nói.
"Nguồn hàng có ít nên thành ra cũng không bán được nhiều", bà nói thêm.
Đối với ông Mai Ngọc Toàn ở quận 12, mùa cận Tết hàng năm là mùa làm ăn chủ lực của ông do ông làm nghề làm giò chả và gói bánh chưng bỏ mối. Ông nói với VOA đến thời điểm này, số lượng đơn hàng mà ông nhận được ‘thấp hơn năm ngoái từ 30 đến 50%’.
"Các năm trước người ta ở trên này đi làm, xong rồi tới lúc về quê sẽ đặt một số lượng hàng đem về quê ăn Tết. Năm nay trong đợt dịch vừa rồi người ta về quê hết rồi", ông Toàn giải thích tại sao ông nhận được ít đơn hàng như vậy.
Về giá cả, ông Toàn cho biết năm nay hàng hóa Tết không tăng giá như mọi năm. Bản thân ông vẫn giữ giá bánh chưng từ 120 đến 150 ngàn đồng một cái tùy kích cỡ.
Ông cho biết năm nay dù làm ăn không được như trước nhưng do vợ chồng ông có đến bốn con nhỏ nên ‘ăn Tết vẫn phải ăn thôi’.
"Ăn thì có bao nhiêu đâu chỉ có mấy ngày thôi", ông phân trần. "Chỉ là tiêu xài thì cắt bớt, chỉ chi tiêu những gì cần thiết".
Theo lời ông thì mỗi năm gần Tết, ông mua sắm quần áo, giày dép cho con ‘mỗi đứa vài triệu’, còn bây giờ ‘chỉ gói gọn mấy trăm ngàn thôi’. "Có nhiêu mặc nhiêu chứ không se sua nữa", ông nói.
Cả gia đình ông Toàn gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, trong đó có một em bé mới sinh, đều nhiễm Covid-19 trong năm vừa qua, ông cho biết. Do đó, ông nói giờ ông ‘lì rồi, không sợ nữa’ và tính đến Tết sẽ đưa vợ con đi chơi.
"Chỉ cần giữ kỹ chút thôi vì chắc trong người có kháng thể rồi", ông nói. Riêng về đi chúc Tết, ông cho biết chỉ ‘đi hai bên nội ngoại vì đó là trách nhiệm’, còn bạn bè thân hữu ‘thì chỉ gửi lời chúc qua Zalo hay Facebook chứ không tụ tập’.
‘Mong Tết qua lẹ’
Đối với anh Long, 33 tuổi, một nhân viên kinh doanh sống ở huyện Bình Chánh không muốn nêu đầy đủ tên họ, năm 2021 là ‘một năm đại nạn’ vì anh lần lượt mất cả bà ngoại và mẹ chỉ trong vòng 7 ngày vì Covid-19. Đến cuối năm, vợ chồng anh lại ly dị, anh nói với VOA.
Anh nói những ngày gần đến Tết, anh ‘cảm thấy rất trống trải, trong đầu không nghĩ được cái gì’.
"Năm nay mình chỉ muốn qua cho lẹ thôi. Mong thời gian trôi nhanh qua năm sau để mình làm lại cuộc sống của mình", anh giãi bày.
Theo lời anh kể thì năm ngoái đến tầm này (17 tháng Chạp) ‘gia đình anh rất vui’. "Mỗi lần tôi đi làm về mở cửa vào nhà mẹ lại hỏi đã mua củ kiệu chưa, đã sắm sửa đồ đạc trong nhà chưa, rồi mẹ kêu vợ chồng tắm rửa rồi vào ăn cơm với mẹ", anh nói.
Thời điểm này hàng năm thì anh đã ‘dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sơn dặm tường’, anh cho biết, nhưng năm nay thì anh ‘không muốn làm gì nữa’. "Mỗi năm gần đến Tết là tôi hết ăn cơm nhà rồi mà chỉ chở vợ đi chơi, đi sắm quần áo", anh kể.
Anh nói khi ra đường thấy nhà người ta sum họp vui vẻ anh ‘thấy vui cho người ta’, nhưng suy nghĩ tới mình ‘thì lại chạnh lòng, buồn và chảy nước mắt’.
Anh Long dự định đến 22 tháng Chạp, tức ngày tảo mộ theo phong tục Việt Nam, sẽ về quê xây mồ mả cho bà ngoại. Còn cốt mẹ anh để ở chùa thì đến Tết anh sẽ đến thăm, anh cho biết.
Tết năm nay, anh nói là đối với anh ‘chỉ như ngày thường được nghỉ làm để xả hơi thôi’. Anh tính sẽ chở con gái nhỏ đi chơi, ngoài ra ‘ở nhà không đi đâu’.
"Tôi chỉ lủi thủi trong nhà một mình thôi, lúc nào buồn quá thì đi uống cà phê cho qua nỗi buồn rồi về", anh bày tỏ.
Về mua sắm Tết, anh nói anh chỉ ‘sắm đồ cho con đủ mặc’ và ‘mua đồ ăn để mình tôi ăn trong mấy ngày Tết’.
"Tôi cũng mua trái cây về cúng kiếng như hồi xưa mẹ chỉ, và chỉ làm mâm cơm cúng kiếng đơn giản thôi chứ không vui vẻ như những năm trước", anh nói thêm.
Theo quan sát của anh Long thì không khí giáp Tết Nhâm Dần ‘rất trầm lắng’. "Không có ai hỏi nhau là đã sắm sửa, chuẩn bị Tết nhất gì chưa", anh cho biết.
Nguồn : VOA tiếng Việt, 20/012022
*************************
Thực trạng thưởng Tết đối với nhà giáo
RFA, 18/01/2022
Thưởng Tết của giáo viên năm 2022 theo ghi nhận của truyền thông nhà nước giảm nhiều so với năm ngoái, thậm chí nhiều nơi còn không có đồng nào. Nguyên nhân được cho là do năm nay ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh gần như chỉ học trực tuyến, không tổ chức dạy học buổi 2, bán trú do đó các trường không có nguồn thu để thường Tết.
AFP Photo
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện đang giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Thường Tín - Hà Nội cho biết RFA biết hôm 18/1 về thực tế thưởng Tết cho giáo viên :
"Do dịch Covid-19, mà thực ra ngành giáo dục từ trước đến nay thưởng Tết coi như không có, càng ở vùng sâu vùng xa càng không có Đơn giản vì ngành giáo dục sử dụng ngân sách Nhà nước, có chăng thì một số địa phương có tiền tăng thu nhập ngày Tết bằng những khoản thu thêm trong trường. Như vậy trường nào có lạm thu thì ngày Tết có thể có thêm. Tại Hà Nội một số trường có khoản thu dạy thêm, cho thuê địa điểm thì có thể thưởng từ ba đến năm triệu, hiếm có trường nào cao hơn. Khi tôi qua trường Trung học phổ thông Thường Tín thì như trường nông thôn, mỗi năm được thưởng một hai triệu thôi. Tôi hỏi một số anh em ở miền núi thì không được đồng nào, chỉ được gói mì chính hay chai nước mắm".
Dù vậy vẫn có trường tại Thành phố Hồ Chí Minh thưởng Tết Nguyên đán cho giáo viên hàng chục triệu đồng như Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm là 20 triệu đồng/người, cao hơn năm ngoái năm triệu đồng/người. Hay Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên sẽ nhận dao động từ 10 triệu đến 45 triệu đồng.
Cá biệt có Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, thu nhập Tết Nguyên đán của giáo viện thấp nhất là khoảng 30 triệu đồng, còn cao nhất là 70 triệu đồng.
Trong khi một số giáo viên ở Sài Gòn được nhận tiền thưởng Tết cao, những đồng nghiệp tại nhiều nơi khác không được như vậy.
Cô Bích Ngọc, giáo viên trường Trung học Cơ sở Thới An - tỉnh Vĩnh Long, khi trả lời RFA hôm 18/1, cho biết thực tế thưởng Tết ở trường Cô :
"Không có, năm nay dịch nên không có được thưởng nhiều như mấy năm trước, dịch nên kinh phí phải trả về bớt Có nghĩa là đầu năm ở trên khoán kế hoạch tổng phí, người ta gởi về trường theo tổng số giáo viên để mua sắm rồi trong mùa dịch xài không nhiều, nghe kế toán nói vậy, chứ không rõ ràng Năm nay được có ba triệu, năm trước được 4,8 triệu. Ở quê thì không thưởng nhiều, chỉ có mấy trường ở thành phố mới thưởng nhiều thôi. Ví dụ như trường người ta có làm những cái phúc lợi như cho thuê gởi xe hay photo, còn trường mình ở quê diện tích cũng hẹp, học sinh gởi xe bên ngoài chỉ có hai năm trước là có thưởng, còn từ đó đến giờ đi dạy mấy chục năm nhưng không có tiền thưởng Tết".
Ảnh chụp màn hình clip khấn cầu lương tháng 13 của Thầy Ngô Công Tấn.
Chủ yếu nguồn chi cho giáo dục đều từ tiền ngân sách nhà nước , vậy do đâu lại có tình trạng tiền thưởng tết chênh lệch như vậy ?
Trao đổi với RFA tối ngày 18/1, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, giải thích :
"Mức thưởng Tết không thể nói chênh lệch hay không, đại học cao hơn hay trung học cao hơn ở Việt Nam phải hiểu là tùy trường. Chuyện lương và thu nhập không dính với nhau, ví dụ học trò của tôi lương thấp hơn nhưng thu nhập cao hơn tôi nhiều, dù tôi dạy đại học còn em đó dạy trung học. Chuyện đó rất khó nói, ngay những trường cùng cấp 3 thì trường này với trường kia cách nhau một trời một vực về thưởng Tết. Dù là thuộc chính quyền nhưng không phải tiền nhà nước, vì nếu tiền nhà nước thì trường nào cũng thưởng như nhau, như thu nhập từng trường khác nhau. Ví dụ có mặt bằng tốt cho thuê thì dĩ nhiên hơn một trường ở nông thôn. Ngay tại Sài Gòn thì trường ở ngoại thành như Cần Giờ cũng không bằng trung tâm. Thành ra người ta muốn thưởng thì tiền đâu mà thưởng ?"
Mới đây một thầy giáo bị mời làm việc vì đã lên mạng xã hội nói lên mong ước được thưởng Tết lương tháng 13.
Đó là trường hợp thầy Ngô Công Tấn, giáo viên trường Trung học cơ sở Lộc An, Huế. Vào ngày 14/1, Thầy Tấn đã đăng tải lên trang Facebook cá nhân clip dài 2 phút 37 giây đề cập việc giáo viên bị chậm trả lương tháng 13. Thông điệp được thầy Tấn diễn giải bằng kiểu tụng kinh, hài hước.
Đến ngày 18/1, ông Cao Ngọc Hải, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lộc An đã mời thầy Ngô Công Tấn làm việc với mục đích nhắc nhở tư cách giáo viên, đồng thời yêu cầu gỡ bài đăng trên mạng xã hội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, nhận định về việc này :
"Ông Hiệu trưởng đó mẫn cán quá, chứ một người hiểu biết chỉ nên cười xòa thôi. Giáo viên cũng là một người lao động, và ước mong có thu nhập cao hơn vào ngày Tết, thì chuyện đó cũng bình thường, nên nở một nụ cười thông cảm hơn là kêu lên giáo dục vớ vẩn. Ông Hiệu trưởng đó một khi mà mời giáo viên lên để uốn nắn chuyện đó thì quá ‘mẩn cán’, hiểu theo nghĩa tiêu cực. Một người có đầu óc hài hước, thực tế hơn thì không làm chuyện đó".
Còn Thầy Đỗ Việt Khoa thì cho rằng, đó là phản ánh đúng thực trạng nghèo khó quá của giáo viên, kêu la nhà nước nên hỗ trợ, cứu giáo viên bằng lương tháng 13 Thầy Khoa nói tiếp :
"Đó là quan điểm cá nhân của họ, không vi phạm pháp luật gì cả. Người nào cũng sẽ kêu gào, nhưng họ nản quá rồi nên im lặng Ở các cơ quan khác của cả nước, rất nhiều đơn vị cho nhân viên tháng 13, chuyện đó không lạ. Riêng ngành giáo dục anh kêu gào có khi chính quyền câu lưu dù không kết người ta một cái tội nào cả ?"
Theo Thầy Đỗ Việt Khoa, lãnh đạo ngành giáo dục nên nhớ rằng đó là tiếng kêu nghèo khó của giáo viên và đừng ‘hành hạ’ thêm những người khốn khó này.
Nguồn : RFA, 18/01/2022
**************************
Về đi mà ăn tết
Nguyễn An Sinh, RFA, 17/01/2022
Sài Gòn năm nay không thể có cái không khí hội hè miên man của những năm kinh tế phát triển tốt hồi trước. Nhưng khi chết chóc và mất mát qua đi thì rất đáng ăn mừng. Nhất là khi ngoài kia gió cứ se se lạnh, nắng cuối năm trong vắt mà da trời thì xanh leo lẻo. Bất chấp mọi thứ trên đời, tết về tới đầu hẻm rồi trời ơi !
AFP
Năm nay là cái năm đặc biệt chỉ xảy ra có một lần trong cả trăm năm. Người ta quan sát thấy quy luật của đại dịch hình như là vậy, cứ trăm năm thì tái diễn một lần. Cho nên ở đúng giai đoạn giao mùa này nhiều người thấm thía ý nghĩa của cái việc còn được ngồi lại với nhau là điều đáng mừng rỡ hơn bất cứ điều gì khác trên đời. Chén trà, ly rượu, tách cà phê chỉ là cái cớ để người ta xúm xít tận hưởng, để nhìn thấy người khác đang sống mà cảm tạ trời đất rằng mình cũng đang còn sống.
Vậy nên Sài Gòn năm nay không có không khí mua sắm ăn chơi tết sôi trào, nhưng có cái mong muốn đoàn viên và tụ hội rất mãnh liệt. Nó gần như lan tỏa trong không gian, pha vào từng làn sương ban mai, nhấn trái tim ta chìm ngập trong một bể nước ấm.
Cách đây chừng hơn tháng, không biết có phải do thời tiết năm nay có đợt lạnh sớm hay không, tự dưng những cây mai kiểng người ta chưng từ tết năm trước bỗng nảy lộc non rồi đơm bông vàng kín cả cành, cứ như mùng một tết đã tới âm thầm hồi nào không hay. Đi trong thành phố, lâu lâu lại nhìn thấy lấm chấm mai vàng trên ban công những ngôi nhà mặt tiền hay sáng rực trước cửa những căn chung cư cũ kỹ lâu đời. Dân Sài Gòn thích thú và (hơi lo) chụp hình đăng lên trang cá nhân, bàn tán xôn xao.
Nay mới mười một, mười hai tháng Chạp. Chưa thấy ai làm mứt gừng, nhưng chắc cũng hai tuần nữa thôi là rạo rực. Kỳ lạ, có những món ăn mang tính tượng trưng và ước lệ cao cỡ đó. Cứ tết thì người ta phải ăn bánh chưng bánh tét (ghét bánh chưng bánh tét lắm thì cũng ăn một miếng ngay sáng mùng một), phải sên mứt gừng, phải tặng quà cha mẹ và người thân, phải gặp gỡ bạn bè. Mặc dù quanh năm cũng tặng quà, cũng gặp gỡ, cũng ăn mứt gừng và bánh tét bánh chưng, cũng mua bông hoa về chưng, cũng dọn dẹp nhà cửa và mua quần áo mới. Nhưng mặc kệ, những thứ đó đều được làm trong năm, nên hổng có tính dzô. Tết… nó khác !
Bánh chưng ngày thường gói lá chuối cột dây nilon cũng được, nhưng bánh chưng bánh tét đặt lên bàn thờ cúng gia tiên phải gói bằng lá dong hai lớp xanh ngắt, gút lạt tre truyền thống, trên mặt dán tờ giấy trang kim đỏ vàng lấp lánh rực rỡ in những câu kinh điển như Cung chúc tân xuân, An khang thịnh vượng. Trái dưa hấu phải thiệt to, thiệt tròn, thiệt già trái, vỏ ngoài phải láng bóng xanh đen nổi gân, bên trên phải còn cái cuống dài quăn queo. Trái đu đủ phải ú nu, không sần không sẹo, da xanh ngắt mịn bóng điểm những mảng vàng tươi. Trái quýt căng tròn bánh xe, toàn thân vàng cam, trên cuống xòe ra hai cái lá xanh đối xứng y như hình tập vẽ trong tranh. Bình vạn thọ hay cúc mâm xôi phải tròn xoe, vun đầy, vàng rộm, không một điểm hoa khác màu, lá phải cứng chắc xanh ngắt. Úi chu cha sáng hăm bảy hăm tám, cả nhà vây quanh cái bàn thờ gia tiên rộn ràng như đám hội : người xếp trái cây lên chỗ này, người kêu không được không được, lại xích ra một xíu chỗ kia. Trái đu đủ thẳng lên xíu, nhưng vẫn phải hơi nghiêng nghiêng để chừa cho thấy trái thơm đằng sau ra chớ. Mấy trái thanh long này đẹp quá, thứ trái gì đẹp lạ đẹp lùng, vỏ thì đỏ tươi, lá xanh non, ruột trắng trong, hột thì đen lánh. Trái sam pô chê nâu vàng nè. Phải đủ sắc đủ màu chen nhau mới đẹp chớ. Hổng được để chỗ nào thiếu hụt nghen, cuối năm phải dọn cho thiệt đầy ắp, tràn trề, chan chứa, nhà cửa mới may mắn, ông bà mới vui mừng, phù hộ độ trì cho con cháu một năm mới sung túc an lành.
Gói bánh chưng Tết ở Hà Nội năm 2002. AFP
Rồi cuống quýt mua củ kiệu về lột vỏ, lặt rễ, tỉa cà rốt hình bông hoa, phơi héo héo mà muối chua ngọt nhậu với lạp xưởng tôm khô, muối củ cải mặn ngọt ăn với bánh chưng bánh tét. Nhớ dặn mối để mấy ký thịt heo ba chỉ thiệt ngon, lớp mỡ lớp nạc phân minh cân đối, da mỏng mỏng vừa thôi, thịt phải hồng chắc, ấn ngón tay vô đàn hồi trở ra, mỡ phải dính sát, không có chút nào bầy nhầy. Rửa muối thiệt sạch, cắt miếng vuông vắn nửa bàn tay, trộn đường mang ra gió phơi cho mỡ được trong.
Kho măng hay kho hột vịt nước dừa đây ta ? Kho măng thì phải lựa măng non vàng tươi, người phơi đã tước hết vỏ xơ chỗ khớp, ngâm từ mười tám, hai mươi tết. Cứ ngâm mềm rồi xả, cho tới khi nước ngâm măng còn vàng trong, miếng măng mềm ra dùng tay xé được thì lùa đám con nít vô xé măng. Xé nhỏ chừng ngón tay út chớ không xé nát nghe con, để kho nó còn rục ra nữa, bỏ miệng ngậm là tan liền nhưng phải nguyên miếng thịt miếng măng mới đẹp nghe con ! Xoong thịt kho măng mà lụn vụn là tao quất tét đít tụi bay ! (Xin lỗi các nhà gia đình học vẫn cho tôi xài câu này ở đây, dù nhiều người mắng Đen Vâu vì cái tội đưa câu hăm đánh của mẹ vào bài hát. Nhưng ở tâm thế của những người hiểu rõ văn minh để dạy con không đòn roi nhưng vẫn thích thú nhớ về cây chổi lông gà của mẹ-quất vô mông nó còn êm êm nữa-thì những câu hăm he này là ký ức của cả một bầu trời ngây thơ, chỉ còn khiến người ta bật cười âu yếm).
Rồi luộc hột vịt kho thịt. Tụi bay giờ làm biếng quá, đứa nào cũng lột trắng hột vịt ra xong thảy dzô xoong đốt lửa đùng đùng như đốt đồng để mà mau mau cho xong, đặng cầm cái điện thoại dzô phây. Làm sao ngon được con ! Hột vịt kho phải rửa thiệt sạch vỏ, luộc xong bỏ nguyên trái vô kho ít nhứt hai lửa. Liu riu hoài cho nước dừa sủi tăm nhè nhẹ thôi, miếng thịt và cái trứng mới ngấm từ từ cái ngọt, cái thơm vô tận bên trong mà không bị háp. Tới khi ăn mới lột vỏ trứng ra, cắt làm hai hay làm bốn đặt lên dĩa, quả trứng vẫn nguyên vẹn tròn trĩnh và mịn màng chớ không bị trầy tróc hay bể tròng đỏ, làm đục nước, xấu nồi kho.
Rồi canh chừng hăm lăm, hăm sáu tết thì đi chợ hoa. Ôi chợ hoa ! Sài Gòn đẹp kỳ diệu và cắn rấm rứt vào ký ức của người đi xa là vì nó đa dạng muôn màu. Một trong số đó là cảnh trên bến dưới thuyền. Chợ bông Bến Bình Đông bên kinh Tàu Hủ của Sài Gòn là địa danh lịch sử, nơi cứ giáp tết thì mấy km dọc bến rộn rịp ghe bầu miền Tây chở bông và cây kiểng chưng tết lên bán. Dưới bến ghe neo san sát, trên bến người xe nườm nượp, bông kiểng bạt ngàn. Ban đêm, ngàn vạn sắc màu của bông, của lá, của cây kiểng chen với vô vàn ánh đèn chiếu xuống mặc nước, rực rỡ lung linh như sao sa.
Mặc dù nhà nước từ lâu nay đã chuyển chợ hoa vào đường Nguyễn Huệ hay phân tán ra các công viên khắp thành phố thì với cư dân Sài Gòn lâu đời hay những người yêu và hiểu Sài Gòn, giáp tết vẫn phải đi chợ bông bến Bình Đông mới được gọi là đi chợ bông đúng nghĩa. Bông hoa ở đó mới rợi tươi nguyên, thương lái nổ máy ghe chạy một đêm thẳng từ vườn ở Sa Đéc lên tới Sài Gòn. Mùi đất, mùi lá, mùi những giọt nước tưới còn đẫm nguyên tinh khôi, những người bán cũng nguyên vẹn nông dân chân chất từ màu da sạm nắng đến gương mặt hồn hậu, đôi bàn tay lao động dãi dầu nổi gân cuồn cuộn. Đi chợ bông này là để hít lấy cái hơi ruộng vườn ngùn ngụt sinh khí, hít cái bầu không khí thanh tân trên những nụ hoa, chồi lá non mởn. Để chìm vô sự đơn sơ, mộc mạc của con người và đất đai, gột bớt bụi bặm thành thị, trải lòng ra nghe nó mềm mại, nhẹ bâng như ngày ấu thơ. Rồi lựa một cây mai thiệt sum suê chi chít nụ, bốn bồn cúc vàng ươm chưng trước cửa và ngoài sân, thay cây bông giấy trộn đủ năm sắc vàng cam, tím, trắng, hồng như một quầng mây ngũ sắc. Bưng thêm mấy chậu ớt kiểng trái nhiều màu, đặc nghẹt trên quầng lá. Đặt lên đôn, hay đặt thẳng trên bàn nếu nhà chật, vừa lạ vừa xinh.
Rồi ủi đồ đẹp, rồi chuẩn bị bao lì xì. Đi đổi tiền mới cứng keng ở ngân hàng, nhét vô mỗi bao lì xì một tờ, bắt tụi con nít bận áo mới thiệt đẹp xếp hàng khoanh tay chúc tết ông bà cha mẹ năm mới rồi mới trao.
Cứ chộn rộn tới tấp như thế, một ngày qua như chớp mắt. Mới đó mà đã cúng ông Táo, rồi đã tới giao thừa.
Mấy đứa nhỏ tới tuổi yêu đương thì trông tới tết lắm. Nhà có con trai đang thời sung sức đi cua gái thì thôi rồi. Sáng sớm ra nó đã tếch tới nhà bạn gái, ra sân lặt lá mai, sửa cái nọ, chữa cái kia, chở mẹ của bạn gái đi chợ tết một ngày mấy bận, đêm 30 cũng ngồi nhà người ta hùn canh nồi bánh chưng y như ông rể con. Vậy chớ mẹ ruột nó kêu chở đi chợ tết một bữa coi, nó chẳng nhăn nhó ỉu xìu như cái bánh nhúng nước, hết giục mẹ lẹ lẹ đi thì cằn nhằn mẹ mua gì mua nhiều dữ vậy, ba với mấy chú mấy bác toàn nhậu chớ có ăn đâu !
Phải tới bữa cơm tất niên, nó xin phép ba mẹ đưa bạn gái tới nhà. Con nhỏ tóc chải thiệt kỹ, bận đồ thiệt đẹp, bẽn lẽn lí nhí chào cô chào bác xong ăn nhón nhén như mèo mấy đũa rồi giành dọn dẹp rửa chén. Ông con trai nhà mình cũng ngoan ngoãn bất ngờ dính lấy một bên bạn gái, đứa kia đưa cái nào nó tráng nước úp lên cái đó gọn bâng. Cha mẹ phải dụi mắt mấy lần vì cứ tưởng con nhà ai lạc vào. Lúc đó mình mới biết nhà mình đúng là có con trai.
Phải hông mấy ông nhỏ ? Tui biết quá mà !
Chuỗi ngày cuối năm cứ vậy mà trôi….
Không biết là tết làm nên vị cay ấm sực của mứt gừng, vị dẻo thơm béo bùi của bánh chưng, cái nhàn nhã thư thả trong rộn ràng náo nhiệt của những sáng những chiều cuối năm, hay là ngược lại.
Mà càng đi xa nhà, càng xa thời trẻ con bám đít mẹ nhằng nhẵng, người ta càng nhớ quay nhớ quắt.
Nguyễn An Sinh
Nguồn : RFA, 17/01/2022