Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/01/2022

Nghề viết quốc doanh ở Việt Nam không khác gì Bắc Triều Tiên

Phú Nhuận - RFA tiếng Việt

Nịnh Đảng muốn chết…

Phú Nhuận, VNTB, 21/01/2022

Giới báo chí Sài Gòn khi nhắc về họa sĩ Ớt chuyên vẽ tranh biếm, kể có lần tờ báo mà ông đang là tổng biên tập có một sơ xuất gì đó, ông bị Thành ủy gọi lên nhắc nhở, khi trở về, ông nói oang oang trong cuộc họp với đồng nghiệp, đại khái vầy (lược bỏ những từ đệm ‘chửi thề’) :

"Các anh chị biết tôi đã nói gì với Thành ủy không ? Tôi nói : Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. Chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng !".

ninh1

"Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm".

Những nhà báo "suốt đời nịnh Đảng" chẳng qua cũng chỉ là để giữ cái ghế của mình, giữ nồi cơm của gia đình mình mà thôi. Họ không có chọn lựa nào khác. Hoặc anh làm việc trong ngành báo chí xuất bản thì anh phải cầm cái kéo, cái đục để "cắt xén", "đục bỏ", "vứt sọt rác" những gì trái ý Đảng, hoặc anh không thích các ngành ấy thì anh nghỉ việc, đi làm chuyện khác.

Còn nếu anh cứ ý kiến – ý cò phản biện, đóng góp về những sai lầm của Đảng, a-lê-hấp, anh có thể bị kết án tù đến 15 năm như nhà báo Phạm Chí Dũng chẳng hạn.

Một trong những tòa soạn báo vẫn ra sức nịnh nọt Đảng, có lẽ đầu bảng không ai khác ngoài báo Nhân Dân. Tin tức cho biết, hôm 18/1/2022, tại Hà Nội, báo Nhân Dân phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Lễ giới thiệu sách "Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Tựa sách nghe đã thấy công khai nịnh nọt, đã vậy dàn quan chức tham dự buổi lễ này càng khẳng định cho việc nịnh Đảng đến mức khó thể hơn nữa rồi. Theo đó, tham dự buổi lễ có các ông, bà : Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng ; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh ; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn ; Phó Giám đốc – Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh, cùng đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Cuốn sách là tập hợp của hơn 200 bài viết nịnh nọt cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, được người dẫn chương trình ở buổi lễ cho biết như sau với lời văn xu nịnh công khai đến mức lẽ ra nên ‘biên tập tiết chế’ vì ông Tổng bí thư có phải thánh nhân đâu mà tung hê kiểu ‘khen cho chúng chửi’ tới ngần ấy kia chứ :

"Hầu hết các tác giả không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, nhưng thông qua những vần thơ, bài viết đều bày tỏ sự ngưỡng mộ, lòng kính trọng, biết ơn sâu sắc và gửi gắm sự tin tưởng tuyệt đối vào người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta – đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, luôn hy sinh cống hiến cho Đảng, cho dân, cho nước mà không màng quyền lực, bổng lộc, vun vén cá nhân hay gia đình.

Đồng thời, họ cũng bày tỏ mong muốn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong giai đoạn phát triển mới.

Các bài viết, bài thơ đều thể hiện sự đồng tình, quyết tâm cao với Tổng bí thư trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Các tác giả đều đặt niềm tin vào Tổng bí thư – người đã chỉ đạo kiên trì, chắc chắn, kiên quyết, nghiêm minh và cũng rất nhân văn ; rất đau lòng khi phải xử lý cán bộ của mình, nhưng kỷ luật một vài người là để cứu muôn người. Từ đó góp phần quan trọng làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Cuốn sách "Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" không chỉ là tình cảm đặc biệt dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mà còn là niềm tin của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đối với Đảng ta, Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đây là cuốn sách thứ hai sau cuốn "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với tình cảm của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế" đã được xuất bản vào tháng 6/2019".

…Sử bên Tàu cho thấy chỉ một nịnh thần Hòa Thân là đủ khiến chao đảo nhà Thanh, nay Việt Nam lại có hàng lô lốc nịnh thần kiểu như hai tựa sách kể trên ‘dâng’ lên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, xem chừng "Khen nhau như thế bằng mười hại nhau !"

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 21/01/2022

***********************

Sách về Nguyễn Phú Trọng : ‘Niềm tin yêu của nhân dân’ hay ‘Đại Nghịch Bất Đạo’ ?

RFA, 19/01/2022

Vào ngày 18/1/2022, Báo Nhân Dân phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức Lễ giới thiệu cuốn sách "Niềm tin yêu của nhân dân và bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng" và cho rằng đây là cuốn sách quý (!?).

ninh2

Sách "Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Cuốn sách được mô tả dầy hơn 620 trang, tập hợp và tuyển chọn nhiều bài viết, bài thơ, nhiều lá thư của các tác giả hầu hết không phải là người cầm bút chuyên nghiệp, nhưng được cho là đều bày tỏ sự ngưỡng mộ và gửi gắm sự tin tưởng tuyệt đối vào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Dư luận trên mạng xã hội cho rằng Ban Tuyên giáo và báo Nhân dân tuyển chọn nên đương nhiên trong sách chỉ toàn những bài ca ngợi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, còn những phê phán trong dư luận xã hội hiển nhiên sẽ không được nhắc đến.

Trong khi trước đó, người dám viết sách phê phán Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đang phải chịu án năm năm tù. Đó là nhà báo tự do, nhà văn Phạm Thành, chủ trang blog Bà Đầm Xòe, với tác phẩm "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo Hay Đại Nghịch Bất Đạo ?".

ninh3

Bìa quyển sách "Thế thiên hành đạo hay đại nghịch bất đạo" của Nhà văn Phạm Thành, do Nhà xuất bản Tên Lửa phát hành. Courtesy : Facebook Nhà xuất bản Tự Do

Trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 19/1, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, người từng giới thiệu sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo ?" trên kênh YouTube của mình, nhận định :

"Nhà báo Phạm Thành là người theo dõi ông Trọng từ khi ông là Chủ tịch quốc hội, sau đó là Tổng bí thư. Nhà báo Phạm Thành đã theo dõi các bài viết, bài phát biểu, việc làm của ông Trọng và kết luận ông Trọng là người có tội với đất nước dân tộc chứ không phải có công. Nó phản ánh con đường ông Trọng đi là gian ngoan, xảo quyệt. Tức là trước khi ông ta ngồi vào ghế cao nhất thì không bao giờ ông ta đề cập đến vấn đề chống tham nhũng, không bào giờ ông ta làm việc này việc kia để giành uy tín, để người trong Đảng coi ông ta là người trung dung, có thể dĩ hòa vi quý. Đó là cách ông Trọng che giấu, ẩn mình để đến khi ông ta ngồi vào ghế quyền lực cao nhất rồi mới dở những mưu mô thủ đoạn ra để đấu đá phe nhóm tranh giành quyền lực. Sách của nhà báo Phạm Thành phản ánh hết những thủ đoạn chính trị, mưu mô thủ đoạn của ông Trọng trong cuốn sách Thế Thiên Hành Đạo".

Cuốn sách chính luận về ông Nguyễn Phú Trọng của ông Phạm Thành được phát hành trong bối cảnh diễn ra các cuộc đấu đá giành ghế, khi Đảng cộng sản Việt Nam chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 13. Tuy nhiên khi trả lời báo chí trước khi bị bắt, ông Thành cho biết không hề có ý nghĩ chọn thời điểm để xuất bản tập sách này, mà chỉ do lo sợ Facebook của ông bị xóa, nên đã tải các bài viết trên trang cá nhân từ năm 2014 về, trong đó có gần 100 bài về ông Nguyễn Phú Trọng để tập hợp cùng các bình luận, thành cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo ?".

Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình, từng công tác tại Tạp chí Cộng sản, khi trả lời RFA hôm 19/1, cho rằng :

"Cuốn sách của anh Thành tập hợp những bài viết, qua những bài đó ảnh phê phán ông Trọng rất là dữ, từ việc quan hệ với Trung Quốc, rồi việc xử lý các vấn đề của đất nước Tất nhiên sự phản biện của anh Thành không giống báo chí Nhà nước tâng bốc lãnh đạo của mình, nó hầu như là ngược lại. Chính vì vậy Anh Thành bị án tù năm năm, mà trong đó cuốn sách là nguyên nhân chủ yếu".

Trong tác phẩm "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo ?", nhà báo Phạm Thành mô tả ông Nguyễn Phú Trọng là người nhát gan, thích yên phận, thuộc dạng người bảo thủ, nhưng được Trung Quốc yểm trợ cho lên nắm quyền lực, có nhiệm vụ nhập nước Việt Nam vào nước Trung Quốc. Với dẫn chứng từ năm 2006 – thời điểm ông này giữ chức chủ tịch Quốc hội đến khi thành Tổng bí thư, Chủ tịch nước ông Trọng chưa từng một lần phê phán Trung Quốc xâm phạm chủ quyền cướp của, phá hoại tài sản của ngư dân Việt Nam...

ninh4

Sách viết về Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Courtesy State Media / GĐVN.

Theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, các bài viết ca ngợi ông Nguyễn Phú Trọng thì hoàn toàn không chính xác so với những gì ông Trọng đã làm cho đất nước. Bởi vì khi chúng ta xét về khía cạnh một người đứng đầu Đảng và Nhà nước thì chúng ta phải thấy đất nước đó kinh tế phát triển ra sao ? Có dân chủ hay không ? Thì trong suốt hơn một thập kỷ cầm quyền của ông Trọng, đất nước Việt Nam đã rất tệ hại. Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu dẫn chứng :

"Thứ nhất nói về tham nhũng thì nó đã trở thành quốc nạn, ông ta càng chống tham nhũng thì tham nhũng lại càng lan tràn mạnh, bởi 100% quan chức cộng sản đều tham nhũng. Thứ hai là vấn đề xã hội càng ngày càng diễn ra, đến nỗi một quan chức giáo dục phải nói trước Tòa là ‘ai cũng gù thì người thẳng lưng trở thành khuyết tật’ Về xã hội thì mọi giá trị đạo đức đều bị đảo lộn. Thì thấy rằng xã hội Việt Nam hoàn toàn tệ hại như vậy, mà người đứng đầu không đem lại một thành tựu nào cho đất nước thì không xứng đáng được người dân Việt Nam ca ngợi cả".

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, báo Nhà nước phải tuyên truyền cho ông Trọng như vậy vì Đảng cộng sản Việt Nam luôn phải xây dựng hình tượng nào đó để người dân tin vào đảng, vào chế độ Họ nói có thể có quan chức sai, nhưng người đứng đầu luôn luôn đúng. Theo ông Đài, trước đây chưa có internet thì kiểu tuyên truyền này của cộng sản thành công. Nhưng ngày nay với truyền thông mạng xã hội thì tất cả thực tiễn đều phơi bày. Cho nên theo Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài, nếu hỏi người dân ông Trọng là một lãnh tụ tốt đẹp hay tội đồ dân tộc thì chắc chắn tỷ lệ trả lời ‘là tội đồ’ rất cao. Ông Đài nói tiếp :

"Tôi đã từng thăm dò trên trang YouTube của tôi, trong 7.000 người được hỏi, thì 94% người ta trả lời ông Nguyễn Phú Trọng là tội đồ dân tộc. Chỉ có 6% người ta nói ông Nguyễn Phú Trọng là người tốt".

Nhà báo tự do, nhà văn Phạm Thành, từng nói ông muốn cuốn sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế Thiên Hành Đạo hay Đại Nghịch Bất Đạo ?" được phát hành trong nước, chứ không phải ở nước ngoài, vì đối tượng cần được khai trí là người Việt Nam ở trong nước. Thực tế, theo ông Thành, ở trong nước còn có quá nhiều người Việt Nam vẫn tin ông Nguyễn Phú Trọng là ‘sĩ phu Bắc Hà’, hay là người ‘thế thiên hành Đạo,’ là người thích dân chủ, muốn thoát Trung và cũng còn có quá nhiều người vẫn tin rằng ‘còn đảng còn mình’.

Nguồn : RFA, 19/01/2022

********************

Không có tự do, dân chủ thực sự sẽ không có được nhân tài

RFA, 14/01/2022

Thủ tướng Việt Nam mới đây cho rằng muốn có cán bộ giỏi phải tổ chức thi tuyển. Ông Phạm Minh Chính phát biểu như vừa nêu khi tham dự Hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội hôm 12/1/2022.

ninh5

Ảnh minh họa chụp tại một kỳ họp quốc hội trước đây. AFP Photo

Ông Chính cho rằng người tài quan trọng nhất là phải có tư duy, phương pháp luận tốt, họ có thể học ngành này làm ngành kia, nhưng vẫn tiếp cận rất nhanh. Theo ông, những người tài chỉ làm việc một vài năm, nhưng hiệu quả công việc đã bằng người khác làm 10 năm. Ông Chính cho biết thêm : ‘thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu và thế giới cũng đang thực hiện’.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 14/1 cho rằng, nếu cán bộ lãnh đạo do Đảng lựa chọn thì rất khó có được cán bộ giỏi dù cho là bằng bầu cử hay thi tuyển, vì rằng tiêu chuẩn số một là lòng trung thành với Đảng, với Mác Lê. Những người giỏi chân chính thường không có lòng trung thành ấy lại hay có ý kiến phản biện, họ đã bị loại ngay từ vòng đầu. Ông nói tiếp :

"Thủ tướng đề cao việc thi tuyển. Nó là cần, nhưng là công việc cuối cùng. Phải có nhiều người giỏi đã mới có nguồn để tuyển chọn. Người giỏi trước hết là do Trời sinh ra, rồi có môi trường thuận lợi để phát triển. Môi trường tốt là tự do dân chủ. Vậy để có nhiều người giỏi cho Đảng lựa chọn thì trước hết phải tạo ra môi trường tự do, quan trọng nhất là tự do tư tưởng, tự do phản biện và phải bỏ tiêu chuẩn trung thành với lý tưởng của Đảng trong lựa chọn. Bóp nghẹt tự do tư tưởng, tạo ra dân chủ giả hiệu thì chỉ vùi dập nhân tài, tiêu chuẩn trung thành chỉ nhằm loại bỏ nhân tài. Đường lối cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam phạm một số sai lầm về phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo đường lối đó dù có tổ chức thi tuyển kiểu nào cũng chủ yếu chọn được bọn người cơ hội".

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhưng theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, trong một bộ máy cồng kềnh, gồm ba lực lượng Đảng, Chính quyền, Mặt trận chồng chéo , dẫm đạp lên nhau thì tinh gọn được chỗ này lại phình ra chỗ khác mà thôi. Vì vậy Giáo sư Cống cho rằng, trước hết cần tinh gọn cơ cấu, như vậy sẽ có hiệu quả hơn nhiều.

ninh6

Giáo viên trường Chu Văn An tại Hà Nội tham gia khóa đào tạo công chức. Reuters.

Luật Cán bộ, công chức Việt Nam năm 2008 quy định công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Nhà nước hay của Đảng cộng sản Việt Nam.

Lâu nay Việt Nam vẫn tổ chức các kỳ thi tuyển công chức thường kỳ Nhưng vì sao vẫn không tuyển được người tài như lời ông Nguyễn Minh Chính ?

Trả lời RFA hôm 14/1 từ Hà Nội, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận định :

"Thi công chức cũng là một việc tuyển cán bộ cho Nhà nước, việc thi đặt ra thì tôi cho là đúng hướng. Nhưng thực thi của nó thì tôi cũng nghe ý kiến từ nhiều nơi, thậm chí người ta có thể tiết lộ đầu bài, hay chăn dắt trước theo kênh này kênh khác chẳng hạn, để tuyển dụng được người nhà vào Nhiều ý kiến phản ảnh đến tai, là chuyện ấy vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Thành ra mặc dù đã chính thức có cuộc thi tuyển công chức, thậm chí cấp Vụ Trưởng, Vụ Phó cũng có thi tuyển. những cũng có nhiều nơi thi không nghiêm túc, chấm trước rồi mới đặt ra câu hỏi, rồi mới đưa vào hội đồng Nói chung là độ minh bạch còn thiếu".

Thế nhưng theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, điều quan trọng hơn ngoài chuyện thi tuyển thì lương công chức phải tử tế hơn. Chứ lương công chức như hiện nay thì theo ông Võ là không thể làm giỏi được Bởi vì ăn ít thì làm cũng chểnh mảng, theo kiểu đến uống nước là chính, rồi sau lại kéo nhau về chẳng hạn.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Văn Tất Thu khi trả lời báo chí trong nước cũng cho rằng, chừng nào đội ngũ cán bộ công chức có một chính sách lương ở mức trung bình khá trở lên, khi đó chính phủ Hà Nội mới kỳ vọng có được khát vọng vươn lên để đề cao trách nhiệm, văn hóa công vụ, đạo đức công chức…

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạo nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhận định trên báo nhà nước rằng, tiền lương không phải nguồn thu nhập chính của cán bộ công chức, bổng nhiều hơn lương. Ông Thạo cũng cho rằng nhiều người thích vào công chức nhà nước vì có phần ngoài lương ; còn nếu chỉ có lương thì không ai thích vào.

Nếu chỉ với đồng lương thực nhận, thì liệu giới lãnh đạo Việt Nam có thể có cơ ngơi như mọi người trông thấy, hay con cái họ liệu có thể có tiền để đi du học tại nước ngoài hay sống cuộc đời ‘vương giả’ ?

Trong khi việc tổ chức thi tuyển công chức được cho là còn nhiều kẽ hở thì việc đào tạo nâng cao trình độ công chức cũng còn nhiều bất cập.

Liên quan vụ bê bối trường Đại học Đông Đô cấp hơn 600 bằng cử nhân tiếng Anh giả, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều cán bộ công chức nhà nước cũng đã tham gia mua bằng giả. Đáng chú ý, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án tiến sĩ.

Nhiều người cho rằng, Bộ Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức và cần xem lại thay vì đào tạo tiến sĩ cho công chức thì công chức nên học chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công...

Nguồn : RFA, 14/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phú Nhuận, RFA tiếng Việt
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)