Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/01/2022

Quân đội Ukraine sẽ chống đỡ thế nào nếu bị Nga tấn công ?

Anh Vũ

Leo thang quân sự ở biên giới Ukraine-Nga những ngày qua tăng thêm một nấc. Các nước phương Tây ráo riết chuẩn bị khả năng chiến sự nổ ra bất kỳ lúc nào. Ukraine chưa quên hồi 2014, quân đội Nga đã nhanh chóng khống chế các đơn vị của Ukraine để kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea. Từ đó đến nay, Kiev đã cố gắng cải thiện khả năng quốc phòng nhờ vào trợ giúp của phương Tây.

quandoi1

Đoàn xe tăng Nga di chuyển trên một xa lộ tại Crimea ngày, 18/01/2022.  AP

Thực lực quân sự của Ukraine hiện nay thế nào ? Quân đội Ukraine liệu có đủ khả năng cầm cự trước một đội quân hùng hậu của Nga một khi chiến tranh nổ ra ?

Cảnh báo của Washington "Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào" dường nhưng ngày càng gần với thực tế. Luân Đôn đã có hành động cụ thể bằng việc cung cấp thiết bị quân sự, chủ yếu là vũ khí chống tăng, cho Kiev.

Chính quyền Ukraine đang căng thẳng không biết chuẩn bị ra sao trước không khí chiến tranh đang lan gần đến bên kia biên giới quốc gia. Kiev đã phải gõ cửa nước Đức tìm kiếm sự trợ giúp quân sự của Berlin, nhưng đến giờ chưa có kết quả .

Sự thức tỉnh trong đau đớn từ 2014

Không có gì nghi ngờ việc huy động quân sự ở bên kia biên giới đang tăng tốc từng ngày. Phía Ukraine muốn sẵn sàng trong trường hợp Nga tấn công. Cho dù Moskva vẫn phủ nhận không hề có ý định đánh chiếm Ukraine, đồng thời biện minh cho việc huy động binh lính đến biên giới là vì lo ngại NATO tăng cường sức mạnh bên sườn nước Nga.

Nhưng quân đội Ukraine liệu có thực sự đủ khả năng chống lại một đội quân của Nga mà theo ước tính của Mỹ, bao gồm khoảng 100 nghìn quân và chiến xa ở biên giới, được trang bị tên lửa tầm ngắn và được không quân yểm trợ ?

Năm 2014, trong vụ sáp nhập Crimea, người Nga đã không hề gặp trở ngại nào với binh lính Ukraine. Vào thời đó, "quân đội Ukraine ở trong tình trạng khá thảm hại" Julia Friedrich, chuyên gia các vấn đề an ninh giữa Nga và Ukraine, tại Viện Global Poublic Polcy, đóng trụ sở tại Berlin, nhắc lại. Còn theo Nicolo Fosola chuyên gia các vấn đề an ninh trong không gian hậu Xô Viết, đại học Birmingham, sự kiện 2014-2015 đã khiến Kiev phải tỉnh ngộ trước thực tế phũ phàng.

Thời gian đầu, sự cố gắng đã có kết quả. Quân đội Ukraine đã được tăng từ 6.000 lên gần 150.000 binh sĩ, theo một báo cáo tổng hợp của cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Mỹ thực hiện tháng 6/2021. "Quân đội Ukraine giờ đã có xe tăng, bộ binh cơ động, pháo binh, tên lửa và các đơn vị phòng không", bản báo cáo ghi nhận.

Kiev đã thông qua một ngân khoản lớn để hiện đại hóa quân đội. Tỷ lệ ngân sách dành cho an ninh đã từ 1,5% GDP trong năm 2014 tăng lên thành 4,1% trong năm 2020, theo các dữ liệu chính thức của Ngân hàng Thế giới. Nếu so sánh tỷ lệ này với các quốc gia khác, chi tiêu quân sự của Ukraine còn vượt phần lớn các nước NATO và tương đương với tỷ lệ chi phí quốc phòng của Nga

Hơn nữa, Ukraine không còn đơn độc đối mặt với nước Nga. Từ 2014, NATO, với tư cách là một tổ chức và một số nước thành viên "đã trợ giúp đáng kể, tương đương khoảng 14 tỷ đô la cho Ukraine", theo ông Nicolo Fasola. Hoa kỳ là nước chủ chốt cung cấp trang thiết bị quân sự cho Ukraine, như thiết bị liên lạc, các loại xe vận tải quân sự và hơn 200 tên lửa chống tăng Javelin. Anh Quốc, Ba Lan hay cả Litva cũng chuyển cho Ukraine các loại vũ khí phòng thủ.

Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham dự hỗ trợ Ukraine bằng cách bán các drone loại Bayraktar TB2. "Nếu như việc giao tên lửa Mỹ Javelin cho Kiev đã gây không ít ồn ào thì việc Thổ Nhĩ Kỳ bán drone cũng gây lo ngại không kém cho Moskva", nhật báo Washington Post nhận xét.

"Thực sự các thiết bị quân sự nói trên đã chứng tỏ hiệu quả quyết định trong cuộc xung đột Thượng Karabagh, nhưng khó biết được chúng có thể có tác động thế nào trong cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga, trong một hình thái hoàn toàn khác", chuyên gian Julia Fiedrich nhận định.

Quân đội Ukraine thay đổi về chất ?

Nhưng việc hiện đại hóa quân đội Ukraine không chỉ ở số lượng. "Đã có những tiến bộ lớn trong vấn đề huấn luyện và chuẩn bị chiến đấu", Gustave Gressel, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga tại Hội đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế, khẳng định. Theo ông, một trong những điểm yếu chính trong hệ thống phòng thủ Ukraine là các học thuyết quân sự đều từng do người Nga soạn ra từ thời Liên Xô. "Moskva biết rõ được điều gì sẽ đến và có thể chuẩn bị trước", chuyên gia này nhấn mạnh.

Chính vì thế việc huấn luyện của những chuyên gia quân sự phương Tây tại các cơ sở huấn luyện của NATO, lập nên gần Lviv, gần biên giới Ba Lan có tầm quan trọng đặc biệt. "Việc huấn luyện nhằm xóa đi trong các sĩ quan và binh sĩ Ukraine những phản xạ cũ mà Moskva có thể dễ dàng tính trước được", theo Gustav Gressel.

Một thế mạnh khác của quân đội Ukraine là ở các binh sĩ. Phần lớn quân số hiện nay nhập ngũ sau sự kiện 2014. "Đó là những người tình nguyện bảo vệ tổ quốc, điều này có nghĩa là các binh sĩ này có động cơ và tinh thần cao", ông Glen Grant, một nhà phân tích tại Baltic Security Foundation, từng làm việc tại Ukraine về cải cách quân đội nước này. Được trang bị tên lửa Javelin, drone cộng thêm tinh thần binh sĩ, lục quân Ukraine đã trở thành một đối thủ đáng sợ, chuyên gia này nhận xét thêm.

Hơn thế nữa các binh sĩ Ukraine đều đã tích lũy được kinh nghiệm từ cuộc xung đột trong vùng Donbass, nơi mà từ hơn 7 năm qua, Ukraine đã phải chiến đấu với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Tình hình trong vùng Donbass, tuy nhiên, cũng như con dao 2 lưỡi đối với Ukraine. "Đây là một cuộc xung đột cường độ thấp, gần với chiến tranh du kích. Điều này đã dẫn đến việc phương Tây và Kiev tập trung vào học thuyết quân sự và các trang thiết bị thích ứng với kiều xung đột như vậy. Nhưng nếu Nga tấn công, thì sự việc sẽ rất khác", chuyên gia Nicolo Fasola nhận định.

Chẳng hạn, việc người Mỹ cung cấp cho quân độ Ukraine súng trường bắn tỉa để chống lại Nga, Donbass trở thành đất luyện tập cho các tay súng bắn tỉa của họ. Nhưng loại vũ khí này không có tác dụng gì để chặn xe tăng Nga tràn qua biên giới.

Đặc tính xung đột trong vùng Donabass, chủ yếu là đấu súng, đã khiến cho Kiev không phải sử dụng đến không quân. Ukraine hiện đại hóa rất ít lực lượng này. Đa phần các máy bay ném bom hay chiến đấu cơ của Ukraine đều đã qua 30 năm, phi công thì ít được luyện tập và lương thấp. Chính vì thế nếu Nga quyết định tấn công bằng máy bay, thì Ukraine phải được hỗ trợ khẩn cấp.

"Dù sao, sẽ rất khó khăn cho Ukraine và các đồng minh cân bằng được tương quan lực lượng nếu Nga quyết định tấn công", chuyên gia Julia Friedrich nhận định. Việc Anh cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine cũng không phải là vô ích. Theo Dimitru Minzarari, chuyên gia về xung đột ở Đông Âu thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Đức, sự trợ giúp của Anh cũng mang giá trị chiến lược. Điều đó cho thấy có nhiều khả năng nước hỗ trợ quân sự có thể quyết định can dự sâu hơn nếu xung đột vũ trang nổ ra.

Ngoài ra, nhờ có các thiết bị quân sự đó mà quân đội Ukraine gây thiệt hại hơn cho lực lượng xâm lược của Nga, có tác dụng ngăn chặn đường tiến quân. Mọi cuộc tấn công của Nga sẽ tiến hành với việc triển khai xe bọc thép, nếu Ukraine có trong tay vũ khí hiện đại để chống lại, thì có thể Moskva sẽ phải cân nhắc giữa lợi và hại của cuộc tấn công, theo phân tích của Dumitru Minzarari.

Vì thế, chuyên gia Glen Grant thuộc Baltic security Foundation, cho rằng cần phải khẩn cấp cung cấp cho quân đội Ukraine tất cả những gì có thể tăng cường tính cơ động và sức kháng cự của các đơn vị quân. Bởi Ukraine càng kéo dài được cuộc chiến thì quân Nga cũng càng phải chịu tổn thất. Như thế sẽ khiến Moskva phải cân nhắc trước khi hành động.

Anh Vũ

(Nguồn : France24.com)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 299 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)