Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2022

Đầu Xuân Nhâm Dần

Mặc Lâm - Tường Vi

Tản mạn ngày đầu năm

Mặc Lâm, SaigonnhoNews, 31/01/2022

Ngày đầu năm, tức mùng Một tết, người Việt tận hưởng những mỹ tục mà từ ngàn xưa đã tiếp nối tới hôm nay, được gìn giữ cẩn thận như di sản mà tổ tiên để lại. Bất kể tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo hay sang hèn, người Việt tự tiếp dẫn vào gia đình mình những tập tục không thay đổi, những thói quen mà ông cha chúng ta gọi là thuần phong mỹ tục.

tanman1

Cành đào ngày đầu năm. MXH

Tết Nguyên đán quan trọng nhất là ngày mùng Một, khi mà thời khắc giao mùa vừa qua trong đêm trừ tịch, vũ trụ như thay áo mới và con người cũng từ đó mà đổi thay theo. Gió đầu năm hình như mơn trớn và lay động nhè nhẹ vào tai rằng cả không gian đều tập trung vào sáng sớm hôm nay, để vũ trụ ban thưởng cho con người những giây phút êm ái nhất trong một năm, bắt đầu với niềm hy vọng và sáng tạo mới.

Cùng với gió là hoa lá trong vườn. Sắc hồng thắm, vàng tinh ươm, xanh ngọc lá… tất cả như cùng bảo nhau quấn quýt con người, những sinh linh mà vũ trụ ban tặng duy nhất có linh hồn để biết gìn giữ và tận hưởng những gì được gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc đầu năm là một trong những niềm vui không tốn kém, nó như nguồn lực thiên nhiên bồi dưỡng cho cây đời thêm tươi, cuộc sống thêm ý nghĩa và nhất là hạnh phúc thêm viên mãn.

tanman2

Sắc hương ngày Tết qua hoa lá trong vườn. MXH

Bắt đầu từ người già, tức người lớn tuổi nhất trong gia đình, hình như luôn luôn là người dậy sớm nhất bất kể khuya hôm qua thức canh nồi bánh với con cháu tới mấy giờ mới ngủ. Trong buổi sáng tinh mơ của ngày mùng Một, tuổi già chừng như được tắm gội hương sắc đầu Xuân một cách thuần khiết nhất. Người già nghe tiếng chim hót đầu ngày khác với thanh niên hay trẻ thơ, giai điệu trong tiếng hót mang hương sắc của cả một quãng đời hay ít ra cả một thời gian đáng nhớ. Tiếng chim hòa với những tạp âm đầu ngày là sức sống khiến tuổi già phục hồi tiềm lực, tỉnh giấc vào sáng đầu năm là tiêm nguồn sinh khí mới vào linh hồn để từ đó ý nghĩa cuộc sống thấm đẫm hơn vào từng ngày giờ mà Thượng đế tiếp tục ban cho.

tanman3

Người già và thú vui ngày Tết. MXH

Trẻ hơn một chút là gia trưởng, những người cha tần tảo, những bà mẹ đảm đang. Như những cành cây trĩu quả họ luôn luôn là nguồn sống cho cả gia đình. Đối với họ, sáng mùng Một không những tinh khôi mà còn là một tinh mơ đầy bổn phận.

Người mẹ đã chuẩn bị đầy đủ những vật phẩm để bày ra giữa nhà để cúng Gia tiên vào ngày đầu năm mới. Khi các con còn trong chăn ấm hai vợ chồng và người trưởng bối trong nhà đã khăn áo chỉnh tề khấn hứa với Gia tiên về những gì cả gia đình mong muốn trong năm mới. Có người cầu xin tài lộc, có người ao ước sum vầy nếu còn ai trong gia đình không thể về nhà chung sống, có người khấn vái bình an hạnh phúc lại cũng có người hối hận về những gì thiếu sót với gia tiên….Mâm cúng đầu năm của người Việt mang hình ảnh của một xã hội nông nghiệp khi mà con trâu là tài sản tinh thần vừa là vốn quý văn hóa. Khi con người còn gần gũi với thần linh và sức mạnh thiên nhiên chỉ còn cách khấn hứa và cần khẩn.

Đối với những tôn giáo không có mâm cúng Gia tiên thì bù lại bằng cách tới nhà thờ hay nhà nguyện để cầu xin ơn trên che chở cho một năm đầy hồng ân và tha thứ. Người ta quỳ gối trước bàn thờ như một cách bày tỏ lòng cảm xúc trước thần linh, và niềm cảm xúc ấy là chất xúc tác cho một hành trình mới đầy thách thức trong năm mới.

Ngày đầu năm cũng là một bắt đầu cho người trẻ tuổi. Với nhiệt huyết và năng động tuổi trẻ nhìn ngày đầu năm như một nhịp cầu bắt từ cũ sang mới, từ chậm chạp sang nhanh nhạy từ bình thường sang năng động…những bay nhảy tung tăng hứa hẹn tương lai và bỏ lại những ngày cũ, mặc dù ngày cũ ấy chỉ mới hôm qua, chỉ mới chốc lát trong cái vô cùng tận mà thời gian được vũ trụ ban phát. Tuổi trẻ là mầm sống, là hương sắc của thế gian và vì vậy tuổi trẻ không băn khoăn như người già, không chật vật và toan tính như người chủ gia đình. Chúng là thác lũ, sẵn sàng cuốn trôi mọi tàn tích trong buổi sáng hôm nay, buổi sáng của một ngày mới.

tanman4

Tết là ngày đoàn viên, hạnh phúc. MXH

Với những líu lo ríu rít thơ ngây, trẻ con tuy không biết gì nhưng chúng là mầm sống nhỏ nhoi đang đâm lên từ gia đình, nơi mà mỗi thành viên là một ý thức, một tương lai, một số phận. Không ai biết chúng sẽ trở nên thế nào nhưng cả nhà đều biết chúng là mầm hy vọng cần vun đắp. Mỗi người một tay, ai cũng muốn chúng hạnh phúc đủ đầy trong cuộc sống, thứ hạnh phúc làm cho cả nhà ấm lại vì những tiếng cười rộn rã, những bập bẹ dễ thương và những ngọng nghịu đầy hơi ấm.

Nhìn áo mới chúng khoác lên mình, tay cầm phong bao lì xì vừa hờ hững vừa vui mừng khó có ai không thấy xúc động trong lòng. Tâm lý ấy lan rộng toàn xã hội trong ngày đầu một năm khi mà nhà nhà đều giống nhau, người người cùng mang một tâm trạng, tâm trạng của an lành và tha thứ.

Chỉ có ngày Tết người ta mới nhìn nhau bằng ánh mắt thân quen, tha thứ và ấm áp nhất. Bởi một năm dài cuộc sống đã đánh cắp những đẹp đẽ ấy của con người khiến họ trở nên dửng dưng và lạnh nhạt. Chỉ có ngày Tết người ta mới thành tâm chúc nhau những lời chân thành nhất vì họ muốn nhận lại lời chúc cũng thành tâm từ người khác. Sự trao đổi đầy ý nghĩa ấy là nét đẹp của ngày Tết, ngày mà người ta phủi sạch ấm ức, bức bối lẫn giận hờn với cuộc sống, ngày mà người ta tặng cho nhau những gì mà họ chưa có, chưa có nhưng không phải là vĩnh viễn sẽ không có được.

Những cộng hưởng của ngày Tết khiến người Việt quên hết mọi phiền lụy, lo âu. Hạnh phúc tuy nhỏ nhoi nhưng nói lên được rất nhiều điều : Tết là sum vầy, là đầm ấm dù trong hoàn cảnh nào của cuộc sống. Văn hóa Tết của người Việt xuất phát từ hy vọng  àtha thứ, nó sẽ mãi là ngày mà mọi người ghi nhớ như một quà tặng của Thượng đế cho loài người, hay đúng hơn cho một dân tộc luôn thấp thỏm trong những cuộc sống còn giữa con người và con người, giữa những thể chế khác nhau và nhất là giữa những người đồng bào nhưng không cùng chính kiến.

Tất cả những khác biệt ấy được san phẳng như chưa hề có. Tết thúc đẩy con người ngồi gần nhau hơn cả nghĩa đen và nghĩa bóng sau khi cả năm cách xa nhau vời vợi bởi hàng ngàn so đo tính toán. Tết vì thế, là mầm sống của thương yêu và bồi đắp.

Rất may cho dân tộc Việt Nam còn có một ngày chung đập một quả tim: Tết Nguyên đán.

Mặc Lâm

Nguồn : SaigonnhoNews, 31/01/2022

*********************

Nên làm gì trước và sau đêm Giao thừa để may mắn cả năm ?

Tường Vy, SaigonnhoNews, 31/01/2022

Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa ngày cuối cùng của năm cũ sang ngày đầu tiên của năm mới. Về nguồn gốc, "giao thừa", có nghĩa là "Cũ giao lại, mới tiếp lấy – lúc năm cũ qua, năm mới đến".

tanman5

Chuẩn bị cúng giao thừa - Ảnh minh họa : Soha

Với người Việt Nam, đêm giao thừa là phút giây đặc biệt thiêng liêng. Đêm 30 Tết (hoặc 29 Tết cho năm thiếu), hay còn gọi là đêm Trừ tịch, được coi là khoảng thời gian thiêng liêng nhất của năm khi các gia đình sum họp, chuẩn bị đón năm mới với những điều tốt lành và tiễn trừ năm cũ.

Những việc nên làm trước đêm Giao thừa

– Theo quan niệm phong thủy, vào khoảnh khắc đón năm mới, tất cả các cửa sổ và cửa ra vào của gia đình nên được rộng mở. Điều này có nghĩa xua đuổi những điều tiêu cực ra khỏi nhà và đón nhận điều may mắn, tốt đẹp đến với gia chủ.

– Đặt chổi ra ngoài vào đúng thời khắc Giao thừa biểu thị những năng lượng tiêu cực, những điều xui xẻo sẽ bị xua đuổi ra khỏi nhà.

– Đồ dùng trong nhà nếu có gì hỏng hóc hoặc sứt mẻ nên sửa chữa hoặc bỏ đi thay mới trước khi đón Giao thừa để có năm mới thật may mắn, trọn vẹn.

– Mặc quần áo mới sáng màu, mặc quần áo màu đỏ vào thời khắc Giao thừa mang ý nghĩa năm mới cái gì cũng mới. Đặc biệt hơn là mặc quần áo màu đỏ, vì màu đỏ mang ý nghĩa may mắn, phát tài, phát lộc.

– Luôn giữ tiền trong túi vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới mang ý nghĩa rằng bạn luôn duy trì dòng chảy của tiền trong suốt cả năm.

– Trước và sau đêm Giao thừa không nên gây gổ, tranh cãi, mắng trẻ con hay cãi vã trong gia đình vì lời mắng không chỉ làm tổn thương hòa khí mà còn đuổi đi tài lộc, đem đến sự đen đủi cho gia đình.

tanman6

Cầu lộc đầu năm - Minh họa : Phatgiao.org

Những việc nên làm sau thời khắc Giao thừa

– Thắp hương đầu năm cầu bình an. Việc thắp hương cầu may đầu mùng Một cũng trở thành nét đẹp tâm linh mỗi dịp Xuân về. Đầu năm đầu tháng, các gia đình thường thắp hương ông bà, tổ tiên và cùng nhau đi viếng chùa, lễ Phật hoặc đến những nơi linh thiêng gửi gắm mong muốn một năm thuận lợi, an lành.

– Ăn món ăn có màu đỏ. Thường để may mắn nguyên năm, dân gian quan niệm ngày mùng Một âm lịch nên ăn món ăn có màu đỏ như chè đậu đỏ, xôi gấc, dưa hấu,… cho nhiều may mắn, tài lộc trong cả năm. Bời vì dân gian cho rằng, màu đỏ là màu may mắn, phát tài nên ăn vào những món mang màu đỏ sẽ vạn sự như ý.

– Tránh đổ vỡ. Đầu mùng Một, một trong những điều bạn nên tránh là không làm vỡ đồ vào ngày này. Bởi vì quan niệm dân gian cho rằng bạn làm vỡ bất kỳ đồ vật gì thì năm đó bạn sẽ gặp vận xui, gia đạo không hòa thuận, công việc không thuận.

– Dân gian có câu "cái răng cái tóc là gốc con người" nói lên tầm quan trọng của hai bộ phận trên, vì vậy bạn không nên cắt tóc sau Tết, đặc biệt là mùng Một. Vì theo tướng học, tóc là bộ phận nhạy cảm ảnh hưởng đến đường tài lộc, vận may của bản thân, nên cắt tóc là cắt đi vận tài của chính mình. Do đó, thường người ta nên kiêng cắt tóc sau đêm Giao thừa. 

Tường Vi (sưu tầm)

Nguồn : SaigonnhoNews, 31/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mặc Lâm, Tường Vi
Read 312 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)