Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/01/2022

Nhìn lại năm Tân Sửu 2021

Song Chi

Trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022, nhìn lại năm Tân Sửu 2021

Năm Tân Sửu 2021 của Việt Nam là một năm hết sức ảm đạm.

tansuu1

Đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến Việt Nam, theo số liệu của Statistics cho đến ngày 31/1/2022 có 2.230.000 người bị nhiễm, 37.547 người chết (vẫn không có gì bảo đảm những con số này là chính xác). Nhưng đại dịch cũng đồng thời phơi bày rõ hơn bao giờ hết, những vấn đề nhức nhối trong thế chế chính trị và xã hội Việt Nam.

Công cuộc "chống dịch như chống giặc" sai lầm gây ra bao thảm cảnh

Trong những ngày đại dịch hoành hành ở Việt Nam, có nhiều câu chuyện bi hài bộc lộ sự ngu dốt, chủ quan, bất lực, phi nhân của nhà cầm quyền Việt Nam qua hàng loạt chủ trương, chính sách sai lầm, độc đoán, vi phạm nhân quyền nghiêm. Ví dụ như những câu chuyện "Bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu" và "Đàn chó 15 con bị giết".

"Bánh mì không phải là thực phẩm thiết yếu" là câu nói của ông Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) đối với một người dân bị ông cho là đã vi phạm Chỉ thị 16 khi dám ra đường mua thức ăn. Anh công nhân Trần Văn Em, nạn nhân trong câu chuyện đã bị lập biên bản xử phạt, bị thu giữ xe. Người dân bức xúc không chỉ vì ông này dùng lời lẽ đe nẹt, thái độ hoạnh họe, coi thường người dân mà còn vi phạm pháp luật khi quay clip vụ việc và đăng lên facebook.

Nhờ dư luận lên tiếng, cuối cùng anh Trần Văn Em đã được nhận lại xe còn ông Thọ đã bị kỷ luật cảnh cáo trước khi làm đơn xin nghỉ việc vì lý do cá nhân. Báo chí đưa tin sau đó ông được phân công làm nhiệm vụ khác. Vụ này xảy ra trong tháng 7/2021.

Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự, ví dụ như cũng trong tháng 7/2021, một nam thanh niên là shipper khi ship rau muống đã không được thông chốt vì lực lượng chức năng tại chốt không biết rau muống có phải là thực phẩm thiết yếu không ; cuối cùng viên Đại úy phải hỏi Thượng sSĩ, cấp dưới của mình là rau muống có phải thực phẩm thiết yếu không, hay "Xe chở băng vệ sinh, tã bỉm bị chặn vì 'không phải thiết yếu" (VnExpress)…

Những câu chuyện như thế này vừa cho thấy một số cán bộ cơ sở quá yếu kém, không hiểu thứ gì là thực phẩm, thế nào là các mặt hàng thiết yếu, trong đời sống của người dân, vừa cho thấy cách chống dịch cứng ngắc, cực đoan, thiếu tính nhân văn của nhà nước Việt Nam.

Đàn chó bị giết là câu chuyện hai vợ chồng ông Phạm Minh Hùng, quê ở Bình Dương, nhưng làm thợ hồ ở Long An. Hôm 8/10, vợ chồng ông Hùng chạy xe máy chở theo 15 con chó từ Long An về Cà Mau tránh dịch. Nhưng khi về đến Cà Mau, gia đình ông bị xét nghiệm dương tính với Covid-19 và bị đưa đi bệnh viện cách ly, điều trị. Thấy đàn chó không ai trông giữ và sợ chó cũng bị dương tính sẽ lây sang người, chính quyền địa phương và ban y tế xã đã quyết định tiêu hủy đàn chó. Vụ việc gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nhìn chung mọi người đều sốc trước cách hành xử tàn nhẫn này, nhất là khi các chuyên gia đều cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy chó mèo có thể lây Covid-19 cho người, và ngay cả điều đơn giản nhất, đàn chó thuộc quyền sở hữu của 2 vợ chồng ông Hùng, không thể cứ đem đi tiêu hủy mà không cho chủ nhân hay ("Cà Mau 'thảm sát đàn chó' : Các góc độ dịch tễ, pháp lý và tình người", BBC).

Câu chuyện cũng được đưa lên báo chí nước ngoài, và ở các nước dân chủ văn minh vốn rất yêu thương vật nuôi, xem như bạn, như con trong nhà thì đây quả là một hành động dã man.

Có nhiều vụ việc mà qua đó mới thấy mức độ văn minh, nhân văn của nhiều quan chức Việt Nam hay tình trạng nhân quyền giữa Việt Nam và nhiều nước còn một khoảng cách khá xa. Tất cả những chuyện như giết chó, đưa thông tin chi tiết nhân thân của người bị nhiễm Covid-19 lên báo chí như thời kỳ đầu, lập hàng rào, thậm chí khóa cổng ngõ ngăn người dân đi ra ngoài trong những ngày phong tỏa, treo biển báo gia đình có người bị nhiễm Covid-19 trước cửa, cưỡng bức cả bà bầu, trẻ em đi cách ly tập trung v.v. đều là những hành vi, chủ trương không thể hiểu nổi dưới con mắt của người dân nước khác.

Cũng trong đại dịch, 3 lần người dân lao động nhập cư phải tháo chạy khỏi Sài Gòn về quê tránh dịch vì sợ đói, vì không có việc nên không còn đủ tiền đóng tiền nhà trọ, và không chịu nổi sự bức bối khi bị bó buộc ở trong nhà v.v. Lần thứ nhất là 15 tháng Tám, lần thứ hai 15 tháng Chín, lần thứ ba 30 tháng Chín, tổng cộng có đến hàng trăm ngàn người, thậm chí cả triệu người đã tháo chạy khỏi Sài Gòn-thành phố từ bao đời nay vẫn được tiếng là "đất lành chim đậu", dễ kiếm ra tiền và lòng người thì cởi mở, bao dung.

Rất nhiều hình ảnh, video tràn lan trên mạng cho thấy đủ mọi thảm cảnh, có những gia đình 3, 4 người chen chúc trên xe máy, có người chở vợ mới sinh con còn đỏ hỏn, có người chở vợ đang mang bầu, có cả trẻ em, họ ra đi bằng mọi phương tiện, xe gắn máy, xe đạp, kể cả đi bộ, đi bằng xe tự chế… vượt hàng trăm hàng ngàn kilomet đường vế quê, ăn ngủ vạ vật giữa đường… tạo ra một bi kịch chưa từng có kể từ sau ngày chiến tranh kết thúc.

Một trong những người tháo chạy còn trốn trong thùng xe đông lạnh. Vào khoảng tháng 9, tổ tuần tra Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Tân phát hiện 15 người có cả phụ nữ, trẻ em trốn trong xe đông lạnh để đi từ Long Khánh về quê ở Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Quảng Trị ("15 người ngồi trong xe đông lạnh để về quê", VnExpress). Tình cảnh những con người trốn trong thùng xe đông lạnh, phải "vượt biên" ngay trên đất nước mình, khiến nhiều người bỗng liên tưởng đến thảm kịch 39 người Việt chết trong chiếc container xe tải tại một khu công nghiệp ở Grays, hạt Essex, London, vào ngày 23/10/2019, khi đang trong hành trình tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh, đã làm rúng động lương tâm cả nước Anh và thế giới ("Thảm kịch 39 thi thể trong container ở Anh", VnExpress).

Vậy mà có nhiều người khi về đến quê còn bị chính quyền địa phương không cho vào hoặc bắt quay trở lại nơi xuất phát vì sợ họ mang dịch về !

Tình người trong đại dịch

Nhưng giữa bức tranh đen tối đó của đại dịch, vẫn có những đốm lửa ấm áp tình người của người dân giúp nhau theo tinh thần "lá rách đùm lá nát", nhất là người Sài Gòn. Người Sài Gòn bao nhiêu năm nay vẫn nổi tiếng về sự hào phóng, tình nhân ái, thành phố gần như luôn luôn đi đầu trong mọi phong trào có tính cách xã hội từ thiện. Trong những ngày đại dịch, bị phong tỏa đời sống dân nghèo gặp khó khăn, có ai đếm được bao nhiêu ngàn tỷ, chục ngàn tỷ VNĐ người dân bỏ ra cứu trợ, giúp đỡ người khác, đến từ những người không phải là giàu có cho đến doanh nhân, người trong và ngoài nước. Vô số cá nhân, tổ chức miệt mài làm từ thiện, bằng nhiều cách khác nhau, từ nấu những suất cơm, bánh mì, bánh bao miễn phí, cho quà, gạo, tiền mặt, hỗ trợ oxy miễn phí cho người bệnh hoặc tổ chức mai táng miễn phí cho người xấu số qua đời vì Covid-19 v.v. Trong số đó có những người đã bị nhiễm Covid-19 trong khi đang đi làm việc từ thiện vì cộng đồng và đã qua đời

Tham nhũng đã đến mức độ hết thuốc chữa

Trong năm 2021 nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đưa ra xét xử những vụ án tham nhũng lớn, với nhiều gương mặt quan chức cỡ bự. Phải nói rằng kể từ khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động cuộc chiến gọi là "đốt lò" chống tham nhũng, thì tham nhũng càng chống càng nhiều, càng quy mô. Trong lĩnh vực kinh tề-đất đai là nhiều nhất như Đại án buôn lậu ở Công ty Nhật Cường, Vi phạm sử dụng đất đai xảy ra tại Công ty xây dựng Tân Thuận có liên quan đến ông Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) ; vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tức Vũ Nhôm, Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an) ; vụ thua lỗ hơn 500 tỷ đồng tại Dự án Ethanol Phú Thọ có liên quan đến Ðinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam, vụ án liên quan đến mua bán chế phẩm Redoxy-3 C ở Hà Nội có liên quan đến ông Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng Công an, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, v.v. Ông này bị liên quan đến 3 vụ án.

Vụ 9 ông tướng cảnh sát biển là tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy, phó chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam bị kỷ luật vì tham nhũng cũng là một vụ án gây xôn xao dư luận…

Phải nói là quá nhiều, tham nhũng xảy ra ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi cấp độ, nhưng điển hình là vụ Test Kit "đểu" của công ty Việt Á. Thứ nhất vì trong thời kỳ đại dịch, giữa lúc người dân đang lao đao khốn khổ trăm đường, thì họ đã nhẫn tâm làm giàu, bán bộ xét nghiệm khắp 62 tỉnh thành, kiếm được hơn 4.000 tỷ VND, tức xấp xỉ 175-176 triệu USD. Thứ hai là sự liên quan cấu kết chằng chịt giữa nhiều bộ ngành ban bệ, mà nhiều người đã chỉ ra đây không chỉ là tham nhũng, mà là một trường hợp điển hình của lũng đoạn nhà nước. Vụ Test Kit Việt Á vừa cho thấy sự thất bại của chiến dịch "đốt lò" chông tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, một điều mà ai cũng có thể đoán trước vì làm sao có thể chống tham nhũng khi chính thể chế này tạo ra và nuôi dưỡng tham nhũng, vừa đặt ra yêu cầu sống còn đối với đất nước và ngay chính với đảng cộng sản Việt Nam, nếu họ không tiến hành cải cách thể chế, "đổi mới lần thứ hai" (sau công cuộc "đổi mới" chủ yếu về kinh tế chính thức bắt đầu năm 1986).

Khoảng cách giàu nghèo, bất công trong xã hội ngày cảng rõ nét

Đại dịch càng làm phơi bày nhiều nghịch lý bất công trong xã hội. Chẳng hạn, trong khi người dân phải trải qua những ngày hết sức khó khăn, nhiều người phải sống nhờ tấm lòng bác ái của đồng bào để cầm cự qua ngày, thì ông Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Đại tướng Tô Lâm cùng vài quan chức khác ăn uống tại một hàng thuộc loại hết sức đắt đỏ ở Châu Âu và được chính anh đầu bếp người Thổ Nhĩ Kỳ biệt danh Salt Bae hay còn gọi "Thánh rắc muối", tự tay chế biến, tự tay phục vụ tận miệng món "thịt bò dát vàng", Được biết các bữa ăn tại nhà hàng nổi tiếng này thường có giá "ngất ngưởng", có thể lên tới 37.000 bảng Anh bao gồm gần 5.000 bảng tiền phí phục vụ. Những hỉnh ảnh này được quay lại trong cái video clip dài 41 giây, đăng tải trong tháng 11 trên tài khoản TikTok của anh đầu bếp, ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của người Việt trong và ngoài nước. Dư luận phẫn nộ, báo chí nước ngoài cũng phải chú ý, trong khi toàn bộ báo chí nhà nước thì im thin thít.

Thông tin chưa được chính thức xác nhận cho biết video được quay tại nhà hàng của đầu bếp Nusret Gökçe tại London vào đầu tháng 11, khi ông Tô Lâm theo phái đoàn của Thủ tướng Phạm Minh Chính sang Anh dự Hội nghị biến đổi về Khí hậu tại thành phố Glasgow, Scotland của Vương quốc Anh.

Ở Việt Nam, có quyền là có tiền, quan chức nào cũng nhà cao cửa rộng, biệt thự biệt phủ to đùng, tài sản của chim của nổi trong ngoài nước, con cái thì đi du học toàn bên Anh, Mỹ… nếu ở Việt Nam mà có báo chí độc lập, và được quyền khui ra mọi thứ về nhà nước, về quan chức, thì sẽ còn có khối tin động trời về mức độ giàu có, hoang phí của họ.

Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam cũng ngày càng tăng. Trong khi bình quân thu nhập đầu người Việt Nam là vào khoảng chưa tới 200 USD/tháng thì có một số người giàu, thậm chí siêu giàu, không chỉ là tỷ phú Việt Nam mà còn không thua kém gì tỷ phú các nước khác (báo chí trong nước cũng đưa tin là trong năm 2021 Việt Nam có 6 người lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes công bố hôm 6/4/2021). Người ta chứng kiến có những trường hợp người giàu Việt Nam vung tay chơi lầy tiếng mà thế giới cũng phải "choáng". Như vụ bà tỷ phú Nguyễn Phương Thảo, tổng giám đốc của VietJet Air, ký bản ghi nhớ tặng 155 triệu bảng Anh cho Linacre Collge, thuộc Đại học Oxford của Anh, hôm 31/10/2021, được biết đây là số tiền cao nhất mà một cá nhân đóng góp cho Đại học Oxford đến thời điểm này. Hay vụ Quỹ VinFuture của tỷ phú Việt Nam Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup trao giải thưởng cho các nhà khoa học gia xuất sắc nước ngoài hôm 20/1/2022 (6 người được nhận giải, là công dân của những quốc gia giàu có hơn Việt Nam nhiều như Mỹ, Canada, Nam Phi), với tổng giá trị là 4,5 triệu USD.

Đạo đức suy đồi, cái ác tràn lan với những vụ án khiến dư luận phải bàng hoàng

Như vụ một bé gái 8 tuổi bị người tình của cha đánh đập, bạo hành dã man suốt 4 tiếng đồng hồ đến tử vong, đáng nói hơn, chuyện đánh đập này đã diễn ra suốt một thời gian dài, người cha biết nhưng không hề ngăn cản ; một bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ hành hạ, tìm mọi cách để sát hại nhiều lần, nào đổ thuốc sâu cho uống, bắt nuốt đinh, đánh gãy tay, đóng 9 cái đinh vào đầu, cuối cùng bé bị tổn thương não, hôn mê sâu, phải nhập viện với tình trạng sức khỏe nguy kịch ; một nữ sinh trường Luật bị cha chửi mắng suốt thời gian dài, ức chế từ lâu nên đã đầu độc cha chết bằng chất độc xyanua sau đó mua gạch, xi măng về đắp lên thi thể, xây gạch bịt kín rồi dùng xăng đốt nhà tạo hiện trường giả, rồi thì "Đang ngủ bị đánh thức, con trai đập đầu bố rồi chặt xác giấu nhiều nơi" (Sài Gòn Nhỏ) v.v.

Nhà cầm quyền mạnh tay đàn áp

Những năm gần đây nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng đàn áp mạnh tay, năm 2021 cũng vậy. Một phần vì đại dịch, kinh tế lao đao, lòng người oán thán, nhà nước càng phải đàn áp mạnh để ngăn ngừa mọi mầm mống nổi dậy nếu có, thứ hai, chúng ta biết là quan hệ giữa Mỹ và các nước phương Tây đối với Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Việt Nam do vị trí địa-chính trị của mình đã trở nên quan trọng đối với cả hai nước Mỹ và Trung Quốc trong việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực biển Đông, chính vì vậy Trung Quốc gần đây cũng không quá hung hăng bắt nạt Việt Nam vì không muốn đẩy Việt Nam về phía Mỹ, mà Mỹ và các nước phương Tây cũng gia tăng làm ăn, giúp đỡ Việt Nam trong đại dịch, đồng thời làm lơ trong vấn đề nhân quyền, Hà Nội biết vậy nên càng thẳng tay đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến.

Trong năm 2021, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ hàng loạt những nhà hoạt động, người bất đồng chính kiến, như ông Bùi Văn Thuận, facebook Thuan Van Bui, nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn gọi là Lê Dũng Vova, nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh….

Hàng loạt người bị đem ra xét xử với những bản án nặng nề như ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn với những bản án từ 11-15 năm tù, nhà văn Phạm Thành tức blogger Bà Đầm Xòe bị 5 năm 6 tháng tù và 5 năm quản chế... Đặc biệt chỉ riêng trong tháng 12, họ đã đem ra xử hàng loạt người như nhà báo Phạm Đoan Trang bị 9 năm tù, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương 10 năm tù, 5 năm quản chế cùng với bà Nguyễn thị Tâm 6 năm tù, 3 năm quản chế, y án đối với 2 mẹ con Bà Cấn thị Thêu, Trịnh Bá Tư 8 năm tù, 3 năm quản chế, tức là chỉ riêng gia đình này thôi đã có 4 người từng hoặc đang ngồi tù với 6 bản án. Rồi thì nhà hoạt động chống "bot" bẩn Đỗ Nam Trung 10 năm tù, 4 năm quản chế…

Những bản án phải nói là quá nặng nề, quá bất công phi lý. Những con người đó, nếu không vì bức xúc trước những bất công, sai trái mà lên tiếng thì họ đã có một cuộc sống bình yên, êm ấm, thậm chí có thể có chức vụ cao vì là đảng viên, con nhà cách mạng "gộc" như nhà báo Phạm Chí Dũng, hay có cơ hội sống và học tập ở nước ngoài như nhà báo Phạm Đoan Trang, nhưng họ đã không im lặng. Và điều đáng nói ở đây là thái độ của họ trước tòa.

Trái ngược với quan chức Việt Nam ra tòa vì tội tham nhũng, thường khóc lóc kể khổ, hết kể lể nhân thân quá trình hoạt động cách mạng để xin khoan hồng lại than thở sợ làm ma trong tù… những người bất đồng chính kiến ra tòa với thái độ, hiên ngang. Dù là nông dân không được học cao như ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu, hay là nhà báo có trình độ như Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, tất cả họ đều hiên ngang, bất khuất, không sợ hãi, không nhận tội, không xin khoan hồng. Hai mẹ con bà Cấn Thị Thêu khi tòa hỏi họ tên, họ liền trả lời "Tên tôi là nạn nhân Cộng Sản" và họ hô "Đả đảo cộng sản" trước tòa ("Hai nhà đấu tranh hô "đả đảo Đảng cộng sản" tại tòa phúc thẩm", RFA), hay nhà báo Phạm Đoan Trang với những lời nói cuối cùng trước tòa vô cùng khẳng khái ("Lời nói sau cùng tại phiên tòa của Phạm Đoan Trang", facebook Luật Khoa Tạp Chí)

Thái độ đó, những lời nói đó chứng tỏ rằng càng ngày những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam càng mạnh mẽ, không sợ hãi, dám nói những lời quyết liệt, dữ dội trước tòa. Một mặt, chúng ta xót xa vì thấy con số những người dám đứng lên vẫn còn quá ít ỏi trên tổng số 96, 97 triệu người dân trong nước, nên sự dũng cảm của họ phải trả bằng một giá rất đắt, nhưng mặt khác, thái độ không khuất phục đó cho chúng ta niềm hy vọng vào lương tri, phẩm giá Việt Nam. Cùng với tình người, sự tử tế, thì lương tri, phẩm giá con người là những đốm sáng đẹp giữa bức tranh chung u ám, đen tối của Việt Nam năm 2021.

Cuối cùng, một điểm cộng cho nhà cầm quyền là từ chỗ bị động, không có vaccine khi đại dịch bùng phát, họ đã tích cực tiến hành "ngoại giao vaccine", tức là kêu gọi sự viện trợ giúp đỡ của các nước, bên cạnh việc đi mua, và cho triển khai tiêm chủng cấp tập trên cà nước, nên số người chết đã giảm, Việt Nam lại có thể mở cửa dần dần để người dân có thể làm ăn sinh sống.

Người Việt vốn quen chịu đựng, một năm u ám là thế nhưng Tết đến, mọi người vẫn mong chờ, hy vọng vào một Năm Mới tốt đẹp hơn…

Song Chi

Nguồn : RFA, 30/01/2022 (songchi's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song Chi
Read 341 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)