Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/02/2022

Quan hệ Nga-Trung : Bề ngoài hữu nghị, bên trong nghi kỵ

Marc Julienne, Trọng Nghĩa

Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo cường quốc hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, xuất hiện bên cạnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh hôm 04/02/2022. Trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Moskva đang hết sức căng thẳng trên vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo đã không ngần ngại phô trương quan hệ "hữu nghị" Nga-Trung trong một bản tuyên bố chung lên án Hoa Kỳ và vai trò của các liên minh quân sự Phương Tây.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. Alexei Druzhinin Sputnik/AFP

Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn dành cho kênh truyền hình TV5 Monde ngày 05/02, chuyên gia về Trung Quốc Marc Julienne thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) cho rằng đằng sau bề ngoài thân thiết được phô bày, quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh vẫn được đánh dấu bằng một thái độ nghi kỵ lẫn nhau, đặc biệt từ phía Nga.

Nga chiếm Crimea 2014 : Khởi đầu tiến trình "tái hơp" với Trung Quốc

Về tiến trình xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây, nhà nghiên cứu Pháp trước hết ghi nhận một dấu mốc quan trọng : Sự kiện Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào năm 2014.

Marc Julienne : Đó là thời điểm mà Vladimir Putin cảm thấy mình bị cô lập trên trường quốc tế. Nga đã thúc đẩy quan hệ đối tác với Trung Quốc với mục tiêu phá vỡ tình trạng cô lập này và cho thấy rằng Moskva không đơn độc. Đó là một động thái phô trương chính trị hơn là một liên minh chiến lược thực thụ, được biểu thị bằng những cuộc tập trận quân sự chung trên quy mô lớn và được nhấn mạnh bằng những cuộc gặp thượng đỉnh song phương, như vào hôm 04/02/2022 ở Bắc Kinh.

Quan hệ đối tác đó chỉ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, nếu Nga vẫn tiếp tục căng thẳng với Mỹ, và nhất là nếu cạnh tranh Trung Quốc-Hoa Kỳ đạt đến một tầm cao mới. Trung Quốc và Nga có cùng những lợi ích giống nhau khi chống lại Washington. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong quan hệ đối tác Moskva-Bắc Kinh.

Trung Quốc đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng dầu khí của Nga. Từ hơn 20 năm nay, Bắc Kinh đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, vốn chủ yếu đến từ vùng Vịnh Ả Rập và chuyển về Trung Quốc xuyên qua eo biển Malacca và Biển Đông.

Để tránh nguy cơ nguồn cung cấp đó bị bóp nghẹt ở khu vực yết hầu đó, Trung Quốc đã cố gắng tìm thêm nhiều nguồn cung cấp dầu và các tuyến đường cung cấp mới. Nga và Turkmenistan hoàn toàn phù hợp với chiến lược đa dạng hóa này nhờ các đường ống mới.

Còn đối với Nga, hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng cũng mang lại cho Moskva một đòn bẩy đáng kể trên Bắc Kinh vì Nga hiện đã trở thành một trong những nhà cung cấp chính của Trung Quốc.

Những mối lo ngại chính của Nga đối với Trung Quốc

Cho đến nay, Nga và Trung Quốc luôn tìm cách phô trương tình "hữu nghị" giữa hai bên trước thế giới. Đối với chuyên gia Marc Julienne, quan hệ đó tuy nhiên không thực sự là một "liên minh" đúng nghĩa.

Marc Julienne : Chúng ta quả là đã nghe nói rất nhiều về một "liên minh" Nga-Trung, nhưng tôi không nghĩ là như vậy. Có sự nghi kỵ rất lớn giữa hai bên, đặc biệt từ phía Nga. Moskva rất thận trọng đối với đối tác của mình, nhất là trong lãnh vực công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc mà chính quyền và quân đội Nga không muốn sử dụng.

Tại Nga cũng tồn tại nỗi lo ngại sâu xa về việc dân Trung Quốc tràn sang các khu vực dân cư thưa thớt ở miền Viễn Đông Nga.

Sau cùng, vùng Trung Á là khu vực cạnh tranh giữa hai bên, nơi mà Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng vừa thông qua sự phát triển của Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa nhờ các quan hệ đối tác an ninh và xuất khẩu vũ khí.

Còn về hợp tác song phương Nga-Trung, đó là những quan hệ hợp tác tình huống. Cả hai bên đều biết cách xác định các lĩnh vực có lợi ích chung mà việc hợp tác sẽ hữu ích. Trong lãnh vực không gian chẳng hạn. Hiện nay, đang có một cuộc đua chinh phục Mặt Trăng giữa một bên là Hoa Kỳ, và bên kia là Trung Quốc và Nga, với mục tiêu là thiết lập một trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2030.

Nga, cường quốc không gian hàng đầu trong lịch sử, hiện không còn đủ phương tiện - ít ra là một mình - để thực hiện tham vọng của mình. Do đó, Moskva và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận hợp tác để thăm dò Mặt Trăng và cùng nhau xây dựng trạm này (với các điều khoản vẫn còn rất mơ hồ). Đây cũng là một cuộc cạnh tranh trực tiếp cụ thể với Hoa Kỳ.

Do đó, quan hệ đối tác Trung-Nga là một cuộc hôn nhân vì lý trí, một mối quan hệ hợp tác tùy theo hoàn cảnh. Chúng ta vẫn còn xa một liên minh ngoại giao, chính trị và quân sự bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung. Hơn nữa, nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine, khó có thể thấy Trung Quốc lao vào giúp đỡ Nga, và đó cũng không phải là yêu cầu của Moskva đối với Bắc Kinh.

Hơn nữa, trong một số lĩnh vực, lợi ích của hai nước hoàn toàn khác biệt. Cần nhớ rằng Nga bán rất nhiều vũ khí cho Ấn Độ, quốc gia đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Bắc Kinh muốn mượn tay Nga thăm dò phản ứng của phương Tây

Một trong những câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc có lợi gì khi "về hùa" với Nga trong cuộc đọ sức trên hồ sơ Ukraine. Theo chuyên gia Marc Julienne, ý đồ của Bắc Kinh là mượn tay Moskva thăm dò phản ứng của phương Tây, để rồi sau đó áp dụng đối với các láng giềng của mình.

Marc Julienne : Xung đột Ukraine là một cuộc xung đột hoàn toàn của Nga, không có sự liên kết nào giữa Moskva và Bắc Kinh hay hợp tác nào trên những gì Putin có thể làm ở Ukraine. Nga chỉ cần đến hậu thuẫn chính trị từ Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh và Moskva rất quan tâm đến việc xem Hoa Kỳ và Châu Âu phản ứng như thế nào.

Theo tôi, cả Vladimir Putin lẫn Tập Cận Bình đều cho rằng phương Tây đang suy tàn và không còn đủ sức mạnh hay ý chí lao vào các xung đột có cường độ cao. Ukraine là một thử nghiệm trên thực địa nhằm xác nhận giả thuyết đó.

Trung Quốc quan tâm trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Ukraine vì nước này có các dự án chống lại Đài Loan. Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng một ngày nào đó sẽ lấy lại hòn đảo, kể cả bằng vũ lực. Nếu Mỹ và Châu Âu không có phản ứng gì với Ukraine, điều đó sẽ củng cố niềm tin của Bắc Kinh vào các kế hoạch bành trướng của họ ở khu vực Đông Á.

Trung Quốc chống NATO vì bắt đầu xem Bắc Kinh là đối tượng

Việc chống lại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO là một điểm hội tụ khác giữa Nga và Trung Quốc. Nga phải đối đầu trực tiếp với NATO ở sườn phía tây của mình và vẫn chống lại mong muốn mở rộng của khối này. Về phần mình, Trung Quốc đang biến thành đối tượng ngày càng bị NATO nhòm ngó.

Vào tháng 6 năm 2022, một hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ mở ra, và một khái niệm chiến lược mới của NATO sẽ được thông qua, xác định các mục tiêu và tham vọng của tổ chức trong mười năm tới.

Dù không bị nêu tên trong chiến lược NATO cho đến nay, nhưng hầu như chắc chắn là lần này, Trung Quốc sẽ giữ một vị trí không thể bỏ qua trong tài liệu mới, và đó không phải là một tin tốt lành cho Bắc Kinh.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 07/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Marc Julienne, Trọng Nghĩa
Read 379 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)