Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/02/2022

Siêu giàu : giai cấp lãnh đạo mới ở Việt Nam

Phạm Quý Thọ

Khi giới lãnh đạo trở thành tầng lớp thống trị giàu có, cải cách thế nào ?

Phạm Quý Thọ, RFA, 08/02/2022

Giới lãnh đạo hiện nay trở nên "hữu sản" giàu có. Họ khác biệt với thế hệ cộng sản, "nguyên thủy vô sản", có cơ hội chuyển hoá "đặc quyền" thành "đặc lợi" và tìm mọi cách để duy trì chế độ đã thay đổi về bản chất.

giauco1

Các lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 hôm 31/1/2021 - AFP

Nếu đặc điểm nêu trên được tính đến như một thực tế thì việc tiếp cận với cải cách sẽ phải thay đổi để có thể mang lại niềm tin cho người dân. Đó là xây dựng các thể chế cụ thể nhằm thúc đẩy quá trình dân chủ hoá xã hội.

Thực tế sự giàu có của quan chức là không thể phủ nhận. Để biết đầy đủ mức độ đến đâu là không thể vì đây là chủ đề "nhạy cảm" với chế độ, nhưng quá trình "hữu sản hoá" nhanh chóng, đặc biệt trong thời buổi "tranh tối tranh sáng" của kinh tế thị trường, mang tính xu hướng và có hệ thống. Trước hết, từ những lời đồn, bàn tán của dư luận ở nhiều nơi và trong nhiều tình huống "bên lề" các sự kiện quan trọng hay mỗi khi có quan tham bị trừng phạt. Chẳng hạn trước Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12, những khối tài sản khủng, những biệt phủ, những ngôi nhà mặt phố hay các trang trại của nhiều lãnh đạo cao cấp nhất được nêu đích danh và bị "tung hô" trên các trang mạng như "Quan làm báo", "Dân làm báo"….

Những tin tức kiểu như trên chỉ được xem là các thủ đoạn đấu đá, tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng. Tuy nhiên, từ khi Đảng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng "không vùng cấm", dư luận dần biết rõ hơn về sự giàu có của quan chức qua các phương tiện truyền thông của Nhà nước. Lúc đầu có thể chỉ là những tin đơn lẻ ở một tỉnh miền núi kiểu như trường hợp một giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái có biệt phủ khang trang, cầu treo, hồ cá trên vùng đất rộng hàng hecta… khiến dư luận xôn xao. Sau đó, từ các vụ đại án tham nhũng như "Út trọc", "Vũ nhôm" hay nhận hối hộ hàng triệu đô la, tuy còn hạn chế, nhưng đã phần nào phản ánh quy mô và tính chất độ giàu có của quan chức.

Các nhà cải cách đã công khai thừa nhận thực trạng giàu có của quan chức trong bộ máy công quyền, đã ban hành những quy định về kê khai tài sản của công chức từ cấp phó phòng trở lên. Ở một số đơn vị sự nghiệp công lập bản kê khai này được niêm yết công khai cho các nhân viên, nhưng ở các cấp lãnh đạo cao của Đảng được phân cấp quản lý hồ sơ, thường là tài liệu mật đối với cấp cao nhất. Tuy nhiên, chính sách này gần như là thất bại, mang tính hình thức và không có ai bị "xử lý" về nguồn gốc bất minh. Thậm chí trái lại, những phản ứng "ngược" đã xuất hiện khi cho rằng liệu có vi phạm "quyền riêng tư" hay không. Không thể kiểm soát được nguồn gốc tài sản giải pháp chính sách chống tham nhũng dựa trên "bằng chứng" trở nên bế tắc. Gần đây, tại phiên họp 21 ngày 20/1/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Tổng bí thư Đảng CS kiêm Trưởng Ban đã phát biểu về "tăng cường kiểm tra đảng khi có dấu hiệu" như một lời cảnh báo mang tính tình huống.

giauco2

Một người lái xe ôm đang ngủ trên chiếc xe máy trước một tấm biển quảng cáo khu nhà ở cao cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh. AFP

Mục đích chống tham nhũng được Đảng coi trọng để Đảng và Nhà nước "trong sạch, vững mạnh", nhưng dường như chính sách này đang gặp thách thức từ chính nội bộ. Nhiều vụ việc và quan tham hơn bị trừng trị, nhưng tình hình nghiêm trọng của quốc nạn tham nhũng không thuyên giảm. Đảng đã biện minh cho thực trạng này là "sự suy thoái" của các quan chức hư hỏng, số "bị lộ" bị xử lý và "chưa bị lộ" được cảnh báo, nhưng những vụ việc gần đây như đại án "Việt Á" hay "Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao" cho thấy tham nhũng vẫn phát sinh mỗi khi có cơ hội trục lợi dù hành vi như trên bị lên án là "tội ác" trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây chết chóc và tàn phá nền kinh tế. Gần đây, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra căn nguyên của tình hình tham nhũng là sự tha hoá quyền lực. Trong phiên họp 21 nêu trên, dự kiến xây dựng một "quy chế kiểm soát quyền lực" được giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì soạn thảo. Đây có thể là nỗ lực được tiếp tục thiết kế "lồng thể chế" đã được nêu từ trước Đại hội 13, nhưng có thể dự đoán sẽ gặp thách thức rất lớn từ nội bộ bởi "ta đánh ta" đang đến hồi căng thẳng.

Bộ máy công quyền khác thời "cách mạng" về bản chất, trong đó giới lãnh đạo "vô sản" đã trở thành tầng lớp "hữu sản" giàu có. Nhấn mạnh "chỉnh đốn" Đảng mong muốn quay trở lại mô hình Lenin về tổ chức nhân sự để có thể "lật ngược" tình thế khó khăn sau Cách mạng vô sản Tháng 10 Nga năm 1917. Đó là mô hình chuyên chế, trong đó bằng bạo lực những đảng viên cộng sản nhận "xứ mệnh lịch sử" (dù là thiên đình hay thần linh giao phó – cách giải thích bí hiểm đã từng được Thomas Hobbes là một Triết gia người Anh thế kỷ 17 mô tả là "quyền thiêng liêng của các vị vua !" – "divine right of kings") là lãnh đạo quốc gia phá bỏ áp bức bóc lột và xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, trong suốt hơn một thế kỷ tồn tại "bộ máy đảng trị" dù luôn điều chỉnh để thích nghi với tình hình, nhưng đã thay đổi về bản chất từ khi chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Giới lãnh đạo đảng CS đã hình thành tầng lớp thống trị mới "nomenklatura" (gốc tiếng Nga : номенклатура) có đặc quyền, đặc lợi ở hầu hết các vị trí hành chính quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động từ hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, các đoàn thể) đến kinh tế, văn hoá- xã hội. Sự vận hành của nó được biện minh nhằm mục đích với các giá trị lý tưởng cao đẹp, nhưng đã phụ thuộc vào bộ máy này, vào quyền lực của nó tập trung tinh vi và phức tạp theo hình tháp với đáy là các chi bộ - cấp cơ sở thực thi qua các cấp trung gian lên đến đỉnh, ban chấp hành trung ương, ban bí thư, bộ chính trị – cơ quan quyền lực tối cao của đảng và kết thúc bằng quyền lực tuyệt đối – tổng bí thư. Mô hình này được "du nhập" "sáng tạo" để thích nghi với chế độ phong kiến Á Đông vốn đã tồn tại ở Trung Quốc hàng nghìn năm với hai cội nguồn, đó là "bộ máy Nhà nước tập quyền cao độ và không có đối trọng, được vận hành bởi một tầng lớp quan lại được tuyển chọn thông qua học vấn", mà Việt Nam là một biến thể.

Đặc điểm "đặc quyền đặc lợi" phản ánh rõ nhất sự tha hoá quyền lực đảng. Trong thời bao cấp kinh tế khó khăn, giới lãnh đạo đã sử dụng cơ chế phân phối vật chất theo đẳng cấp. Các lãnh đạo tuỳ theo phân loại, chẳng hạn hạng A đặc biệt dành cho các ủy viên ban chấp hành trung ương, hạng B là cấp tương đương thứ trưởng và C là cao cấp…, ngoài các tiêu chuẩn nhà ở, phương tiện đi lại, nơi nghỉ dưỡng… còn có các cửa hàng riêng để được mua những loại hàng hoá riêng không có ngoài xã hội. Thời kỳ đầu Đổi mới kinh tế thị trường tạo ra động lực tăng trưởng thần kỳ với khối lượng của cải mới được tạo ra trong bối cảnh toàn cầu hoá. Cải cách chính trị đã không theo kịp kinh tế đã tạo cơ hội cho "bộ máy quan lại" "có quyền và gần tiền" trở nên tham lam, tìm mọi cách dưới các hình thức tinh vi để biến "đặc quyền" thành "đặc lợi", trong đó chủ yếu liên kết công khai bởi chính sách hay mờ ám bởi các quan hệ "thân hữu" vì lợi ích nhóm, với giới kinh doanh trong "khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài" hay trong nước, nhưng thực chất họ là các nhà tư bản, để hình thành "nhà nước tư bản thân hữu".

Giới lãnh đạo đảng nay đang là tầng lớp "hữu sản" giàu có. Ý thức hệ "linh hoạt" đang cố giải thích thực tế này, dù bằng "truyền thống cách mạng vẻ vang" của thế hệ "cha anh", rằng "thành tích" xoá đói giảm nghèo là to lớn hay tương lai đất nước sẽ hùng cường sẽ vẫn là chủ nghĩa xã hội, mà sự thực hành "chính sách thực dụng" hiện nay chỉ là "sách lược", tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được khoảng cách giàu nghèo chênh lệch lớn, mà đáy là đại bộ phận lao động nghèo trong khi giới lãnh đạo giàu có ở trên đỉnh thang đo phân tầng xã hội.

Bản chất quyền lực và lợi ích của bộ máy nhà nước đã thay đổi. Tầng lớp hữu sản giàu có đang củng cố vị trí trong hệ thống chính trị hiện hành, họ có "đặc quyền" để chuyển thành "đặc lợi" và, tất nhiên hơn thế, cái "đặc quyền thiêng liêng" ấy luôn được "níu kéo", "viện dẫn" để sẵn sàng bảo vệ những "đặc lợi" đã tích luỹ qua các thế hệ. Vậy cải cách chính trị sẽ ra sao nếu không thay đổi cách tiếp cận ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 08/02/2022

************************

Chuyện gì đang xảy ra với "giới siêu giàu" ?

Phạm Quý Thọ, RFA, 14/01/2022

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm xã hội ‘bế tắc’, con người ‘bí bách’ thường dễ ‘nổi giận’, nhất là khi có những đối tượng và lý do thoả mãn. Dư luận và chính quyền chưa hết phẫn nộ với những cá nhân, tổ chức liên quan trong đại án ‘Việt – Á’, coi chúng là tội ác và "lũng đoạn nhà nước"…, thì lại bàng hoàng không hiểu điều gì đang xảy ra với giới siêu giàu. Hai biến cố khiến dư luận dậy sóng xung quanh hành động ‘bất thường’ của hai ông chủ của hai Tập đoàn : Tân Hoàng Minh về việc đấu giá đất ‘khủng’, 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm gây ‘phá giá thị trường’, và FLC về ‘bán chui’ hàng triệu cổ phiếu để trục lợi…

giau3

Một xe hơi đắt tiền (biểu tượng của giới nhà giàu Việt Nam) trên đường phố Hà Nội, phía trên là banner cổ đồng cho Đảng cộng sản Việt Nam - AP

Các diễn biến vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý. Trước phản ứng dữ dội của công luận chính quyền đã phải ‘vào cuộc’. Đại biểu Quốc hội khoá 15 nói : 'Cần chế tài nghiêm khắc' để ngăn chặn. Ông Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ‘rà soát các bất thường trong những phiên đấu giá đất gần đây và giao Ngân hàng Nhà nước giám sát các nhà băng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất’, ông Bộ trưởng Bộ tài chính cảnh báo về hành vi gây ‘rối loạn thị trường’ tài chính và bất động sản, Uỷ ban Chứng khoán ‘hủy phi vụ giao dịch cổ phiếu FLC vì 'bán chui', tuy "chưa có tiền lệ", nhưng ‘cần làm để đảm bảo minh bạch, kỷ cương thị trường’. Hiệp hội Kế toán Tài chính Việt Nam (VAFI) ‘đề xuất phong tỏa tài khoản chứng khoán của tác nhân’...

Truyền thông còn ‘phát hiện’ những hành vi như trên đã từng xảy ra trước đây đối với hai ông chủ của hai tập đoàn trên. Hơn thế, về việc Bộ Công an xác minh 11 dự án "đất kim cương" của Tân Hoàng Minh tại Hà Nội và ‘đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các sở, ngành liên quan đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về các dự án trên’ là tin nóng…

Ông Chủ tịch Tân Hoàng Minh vừa có ‘tâm thư’ gửi các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước và đơn gửi Hội đồng đấu giá của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, trình bày động cơ, xin bỏ cọc lô đất đã trúng thầu và xin chịu phạt như mất tiền đặt cọc lên tới gần 600 tỷ đồng…

Hành vi ‘khó đoán’ trên, phản ứng của dư luận và những động thái của Chính phủ khiến cho câu hỏi chuyện gì đang xảy ra vậy, trước hết với ‘đại diện’ của giới nhà giàu trở thành vấn đề nóng. Để có thêm vững chắc luận cứ cho câu trả lời hai ý diễn giải dưới đây xuất phát từ góc nhìn mối quan hệ ‘thân hữu’ giữa giới nhà giàu với chính quyền trong quá trình hình thành và phát triển. Và hơn thế, ‘số phận’ của thành phần xã hội này phụ thuộc vào thái độ ứng xử của Đảng và Nhà nước.

Trước hết, nhận định ít tranh cãi là một số cá nhân trở thành giàu và siêu giàu là nhờ ‘thời thế và đất đai’. Chủ trương Đổi mới năm 1986, trong đó chuyển đổi nền kinh tế tập trung bao cấp sang thị trường, quyền tự do kinh doanh và cơ hội làm giàu được mở rộng. Giới siêu giàu đã ra đời, từ số vốn được tích luỹ theo nhiều cách, thậm chí ‘nguyên thuỷ’ và ‘hoang dã’ với số tiền kiếm được trong thời loạn lạc khi Liên Xô cũ và Đông Âu đang tan rã, nhưng phần lớn ‘từ đất’.

Quá trình chuyển đổi tạo ra ‘thời thế’ với mâu thuẫn chủ yếu giữa nền tảng ý thức hệ CNXH của chế độ và kinh tế thị trường. Đất đai và tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, thuộc quyền quản lý bởi những quan chức cộng sản trong một tổ chức đứng trên nhà nước, trong đó lãnh đạo chóp bu không được người dân trực tiếp lựa chọn. Thị trường phát triển nhờ sở hữu tư nhân và những nguyên tắc vận hành khác đối nghịch với toàn trị và kế hoạch hoá tập trung. Giới lãnh đạo cố níu kéo ý thức hệ để duy trì chế độ đã không thể tạo ra những thể chế và chính sách thúc đẩy thị trường như một động lực. Họ biện minh đây chỉ là sách lược quá độ mang tính thực dụng nhưng đã cản trở sự phát triển.

Mâu thuẫn cơ bản trên hiện diện trong mọi thể chế và chính sách hiện hành, không những biến đất đai trở nên ‘màu mỡ’ để làm giàu bởi những kẻ ‘có gan’, mà còn tạo ra kẻ cơ hội, quan chức tiếp tay để trục lợi và tham nhũng. Trong môi trường này mối quan hệ thân hữu hình thành và củng cố để tạo ra một kiểu nhà nước tư bản thân hữu bởi các mối quan hệ chính trị và kinh doanh phức tạp, tinh vi. Các nhóm lợi ích, bảo trợ chính trị và bảo kê kinh doanh, công ty bình phong, ‘sân sau’ của quan chức, ‘thật giả lẫn lộn’ dù được ‘nhắc đến’ nhiều, nhưng việc ‘điểm mặt, chỉ tên’, thậm chí trong số hàng chục ngàn quan tham trong các vụ án hay kỷ luật đảng, là đơn lẻ và rất khó khăn. Đây chắc chắn là điểm nghẽn lớn nhất trong thể chế, thách thức không chỉ công tác chống tham nhũng mà cả việc sửa luật Đất đai năm 2013 cũng như các luật liên quan. Những vụ án xét xử gần đây cho thấy các luật này có thể bị ‘vô hiệu hoá’ bằng nhiều cách khi thực thi, có thể thông qua ‘quân xanh quân đỏ’ hay hối lộ tinh vi để ‘mua’ các thành viên hội đồng thẩm định giá hay xét thầu…

Hai là, chuyển đổi sang kinh tế thị trường tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ, mà tăng trưởng kinh tế đảm bảo duy trì tính chính danh của độc đảng cầm quyền, bởi thế giữa thị trường và Đảng có mối liên kết chặt chẽ ‘cộng sinh’. Dù muốn hay không Đảng cần phải dựa vào kinh tế tư nhân, trong đó có ‘giới nhà giàu’ để duy trì tính chính danh, và ‘giới siêu giàu’ đã có ‘chỗ đứng’ trong chính sách của Đảng. Tuy nhiên, cách giải thích, rằng thành công kinh tế là do Đảng ‘vận dụng sáng tạo’ chủ nghĩa Mác Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể, chứ không phải do thị trường chỉ là tuyên truyền làm sai lệch bản chất sự việc. Cho đến Hội nghị TƯ 6 khoá 12 năm 2018, sau hơn 30 năm Đổi mới, Đảng mới thừa nhận rằng ‘kinh tế tư nhân là động lực quan trọng’ phát triển kinh tế. ‘Dù muộn còn hơn không’, nhưng giải pháp chính sách sao cho động lực thị trường trở nên mạnh hơn vẫn chưa được chú ý. Sự bao biện cho ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều đang cản trở cải cách thể chế. Khi biện minh cho hệ tư tưởng này hai phạm trù thị trường và chủ nghĩa tư bản đã bị giải thích là ‘khác nhau’ một cách có chủ ý. Thực tế chỉ ra rằng, quá trình hàng trăm năm phát triển tư bản chủ nghĩa là nhờ thị trường dựa trên sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân. Hơn thế, các nhà tư tưởng cũng nhìn thấy những mặt trái của nó như rủi ro đạo đức và tha hoá quyền lực và những thể chế dân chủ đã được thiết kế để ngăn chặn. Bởi vậy, nhiệm vụ cải cách rõ ràng là tạo ra môi trường để thị trường vận hành theo các nguyên tắc cần có, cũng như thể chế chính trị dân chủ kiểm soát quyền lực và rủi ro đạo đức, chứ không phải cản trở nó vì ý thức hệ giáo điều.

Cụ thể với câu hỏi liệu chuyện gì đang xảy ra với ‘giới siêu giàu’. Dù tư bản được tích luỹ theo cách nào thì chức năng của nó là không ngừng mở rộng và ‘tham lam’ tìm cách kiếm lời. Thậm chí trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kinh tế ngừng trệ thì giới siêu giàu vẫn không chịu ‘ngồi yên’. Tiền vẫn đổ vào thị trường chứng khoán khiến nó ‘sôi động’ nhất Châu Á. Bất động sản giá vẫn tăng ‘khó hiểu’. Trái phiếu doanh nghiệp ‘lách luật’ phát hành, chuyển vốn ra nước ngoài… Những động thái như nêu trên có thể bộc lộ ‘quán tính bản năng’, từng được thực hiện dựa trên mối quan hệ thân hữu giữa họ với chính quyền và, cũng có thể là ‘phép thử’ nào đó với thị trường… nhưng nhất quyết ‘giới nhà giàu’ không ‘ngu’, vì họ là các nhà tư bản. Vấn đề là chính quyền có tạo ra được khuôn khổ chính sách và thể chế để thúc đẩy động lực thị trường, phòng ngừa mặt trái của nó, tạo ra cơ chế giải trình trách nhiệm, chống tham nhũng và, quan trọng hơn thế, kiểm soát quyền lực và chuyển đổi dân chủ ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 14/01/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 441 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)