Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/02/2022

Washington nghi ngờ về nỗ lực ngoại giao của Paris

Thanh Hà - Anh Vũ

Đối thoại Pháp - Nga về Ukraine 

Washington rất kín tiếng về đối thoại kéo dài trong 5 giờ đồng hồ giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macon và nguyên thủ Nga Vladimir Putin hôm đầu tuần với hy vọng giảm thiểu căng thẳng trên hồ sơ Ukraine. Thái độ thận trọng đó được coi là một dấu hiệu mới thể hiện sự ngờ vực giữa Mỹ và một đồng minh truyền thống là Pháp.

ITALY-FRANCE-US-POLITICS-DIPLOMACY

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Mỹ Joe Biden tại đại sứ quán Pháp (La Villa Bonaparte) ở Roma, Ý, ngày 29/10/2021 nhân thượng đỉnh G20.  AFP – Lodovic Marin

Kiev coi nỗ lực ngoại giao của Paris là "những cơ may thực sự" xua tan viễn cảnh chiến tranh. Berlin hoan nghênh những "tiến bộ" tổng thống Macron đã đạt được với chủ nhân điện Kremlin. Pháp nêu lên viễn cảnh hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới Nga. Trong lúc Washington nỗ lực đưa ra những bằng chứng về nguy cơ Nga sắp xâm chiếm Ukraine nay mai.  

Về phía truyền thông Mỹ, báo New York Times quả quyết "không có một tiến bộ nào đáng kể" sau trao đổi Macron-Putin. Một số khác thì nhấn mạnh đến những tuyên bố trái ngược nhau của Paris và Moskva đồng thời cho rằng Pháp đã quá "lạc quan" trên hồ sơ nóng bỏng này. Riêng đài truyền hình CNN ghi nhận nỗ lực ngoại giao của Paris cho phép "tháo gỡ bế tắc".  

Về lập trường chính thức của Washington, trong cuộc họp báo hôm 08/02/2022, khi được hỏi về đối thoại Putin-Macron tại Moskva, phát ngôn viên phủ tổng thống Mỹ Jen Psaki tuyên bố : "Nếu quả thực đã có những tiến bộ về mặt ngoại giao thì chắc chắn là chúng tôi sẽ hoan nghênh. Nhưng chúng tôi chỉ tin vào những gì trông thấy tận mắt ở biên giới" giữa Nga và Ukraine.

Cả Nhà Trắng lẫn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đều tránh né đề cập đến sáng kiến ngoại giao của Pháp mở kênh đối thoại với Moskva, tránh đề cập đến sự kiện Emmanuel Macron là lãnh đạo phương Tây đầu tiên tiếp xúc với ông chủ Kremlin từ khi hồ sơ Ukraine trở thành điểm nóng. Hoa Kỳ cố tình quên mất rằng từ đầu nhiệm kỳ, tổng thống Macron luôn chủ trương phải đối thoại với nước Nga.   

Bộ Quốc phòng Mỹ bồi thêm : Moskva tiếp tục tăng cường các sự hiện diện và điều thêm trang thiết bị quân sự cần thiết đến biên giới, nhắc lại phân tích của CIA cho rằng Ukraine sắp bị xâm chiếm "nay mai". Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman coi cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus là một bước "leo thang" trên hồ sơ Ukraine. Một nhà quan sát tại Washington thậm chí so sánh hoạt động ngoại giao "dồn dập" của Paris hiện nay với việc Pháp dứt khoát từ chối sát cánh với Hoa Kỳ đưa quân sang Iraq năm 2003 lật đổ chế độ Saddam Hussein.   

Làm sao hiểu được thái độ nghi kỵ đó giữa Washington với Paris trong lúc mà các thông cáo báo chí của Nhà Trắng và bản thân Joe Biden từ khi lên cầm quyền thay Donald Trump luôn nhấn mạnh đến ưu tiên "phối hợp" với các nước đồng minh vì an ninh, hòa bình thế giới ?   

Trả lời AFP, Pierre Morcos, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington ghi nhận : "Mỹ hoan nghênh những sáng kiến từ các đối tác với điều kiện là những nỗ lực đó phải được phối hợp từ trước với Washington và không mâu thuẫn với quan điểm của Hoa Kỳ". Trong trường hợp của Pháp, đành rằng phương Tây đồng thanh tuyên bố sẽ mạnh tay trừng phạt Moskva nếu Nga thôn tính Ukraine, nhưng đồng thời Pháp vẫn chủ trương "khai thác tối đa các kênh ngoại giao" và có lẽ đó là điều làm Joe Biden phật lòng.   

Chuyên gia Pháp Célia Belin thuộc Viện Nghiên cứu Brookings trong một bài tham luận đăng trên tạp chí Foreign Affairs (hôm 10/02/2022) giải thích thêm : Trước mắt, Mỹ chỉ "thận trọng" hưởng ứng các nỗ lực ngoại giao của tổng thống Macron bởi vẫn "tin chắc là Vladimir Putin quyết tâm xâm chiếm Ukraine trong mọi trường hợp". Trong khi đó, nhìn từ Paris, Emmanuel Macron "để ngỏ khả năng cho thấy" điện Kremlin lo ngại cho an ninh của nước Nga là một điều "chính đáng", do vậy các bên cần đàm phán với Putin về những đòi hỏi của Moskva trên vế này.  

Qua quyết tâm của Pháp đối thoại với Nga, chuyên gia Belin nhận thấy rằng tổng thống Macron muốn kiến tạo lại mô hình an ninh cho Châu Âu để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Hoa Kỳ. Nhưng liệu rằng đó có phải là điều mà Mỹ mong muốn hay không ? Đó là một chuyện khác. 

Tuy nhiên cần lưu ý rằng có thể là Nga đã trông thấy rạn nứt giữa Paris và Washington. Cái khó còn lại là tránh để Kremlin khai thác vết nứt này trong ván bài mặc cả với phương Tây.   

Có một điều chắc chắn là phản ứng thận trọng, nếu không muốn nói là thái độ hoài nghi, của chính quyền Biden trước các nỗ lực ngoại giao tổng thống Macron cho thấy rõ ba điểm.

Thứ nhất là Washington dưới chính quyền nào đi chăng nữa vẫn muốn nhắc nhở công luận rằng ổn định và an ninh của thế giới vẫn trong tay Hoa Kỳ. Điểm thứ hai là nhân chuyện một nhà quan sát Mỹ nhắc lại trường hợp của Iraq năm 2003, đó cũng là cơ hội để nhớ lại bài học : Nếu có chiến tranh, không ai biết trước khi nào cuộc chiến đó khép lại và cái giá phải trả sẽ là bao nhiêu. 

Cuối cùng, vẫn còn nhiều thách thức trong quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Pháp "đồng minh truyền thống". Mức độ tin cậy lẫn nhau gần đây nhất đã bị những hợp đồng mua bán vũ khí, khí tài thách thức. Điển hình là vào lúc Paris cung cấp cho Jakarta 42 chiến đấu cơ Rafale thì tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ vội vã đánh tiếng "chấp thuận" về nguyên tắc cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại F-15 cho quân đội Indonesia, trị giá hợp đồng 14 tỷ đô la.

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 11/02/2022

***********************

Indonesia đặt mua 42 chiến đấu cơ Rafale của Pháp

Anh Vũ, RFI, 10/02/2022

Theo AFP, nhân chuyến thăm Jakarta của bộ trưởng Quân Lực Pháp, Florence Parly ngày 10/02/2022, Indonesia đã ký hợp đồng mua của Pháp 6 chiến đấu cơ Rafale đầu tiên trong tổng số đơn đặt hàng 42 chiếc.

phapmy2

Một chiến đấu cơ Rafale của Pháp. Ảnh minh họa.  Christophe Simon AFP/Archivos

Sau Hy Lạp, Croatia và nhất là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đến lượt quốc gia Đông Nam Á, Indonesia gia nhập vào danh sách những nước trang bị chiến đấu cơ Pháp Rafale. Hôm nay, 10/02, bộ trưởng Quân lực Indonesia, Prabowo Subianto, chính thức thông báo sau cuộc gặp với đồng nhiệm Pháp Florence Parly tại Jakarta : "Chúng tôi đã đồng ý mua 42 chiếc Rafale" và "hợp đồng mua 6 chiếc đầu tiên đã ký ngày thứ Năm 10/02".

Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á, từ trước tới giờ chưa hề trang bị chiến đấu cơ của Pháp, giờ quyết định đa dạng hóa nguồn cung cấp trang thiết bị quân sự, trong bối cảnh cạnh tranh căng thẳng gia tăng trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ.

Về phần mình, nước Pháp đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Indonesia để khẳng định vị trí của mình trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ với Canberra rạn nứt từ sau khi xuất hiện liên minh Aukus Úc - Anh - Hoa Kỳ.

Hiện tại không quân Indonesia được trang bị các loại chiến đấu cơ đời cũ của Mỹ, chủ yếu là loại F-16 và một số máy bay Sukhoi Su-27 và Su-30 của Nga. Jakarta gần đây đẩy mạnh thương lượng với nhiều đối tác nhằm hiện đại hóa không quân.

Năm 2018, Indonesia có ký một hợp đồng mua 11 chiến đấu cơ Su-35 của Nga, nhưng hợp đồng không thực hiện được vì vướng trừng phạt của Mỹ.

Năm 2021, tại Paris, bộ trưởng Quân lực Pháp và đồng nhiệm Indonesia đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Việc đàm phán cung cấp máy bay Rafale đã diễn ra từ nhiều tháng nay. 

Tập đoàn Dassault Pháp đã có một năm 2021 bội thu với các hợp đồng bán chiến đấu cơ Rafale cho Hy Lạp 18 chiếc, Ai Cập 30 chiếc, Croatia 12 chiếc và hợp đồng kỷ lục, 80 phi cơ cho Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Anh Vũ
Read 332 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)