Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/02/2022

Tiếng Việt không phải là vật thể để tùy nghi sử dụng

Nguyễn Văn Tuấn - Đỗ Văn Phúc

Ngôn ngữ thậm xưng ở Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn, VNTB, 07/02/2022

Bất cứ ai thuộc thế hệ tôi từng sống ở Việt Nam những năm sau 1975 đều chú ý đến loại ngôn ngữ mới rất hoa mĩ và thậm xưng. Không chú ý cũng không được vì nó xuất hiện hàng ngày trên hệ thống truyền thông, trong môi trường học đường, trong công sở, và trong các bài diễn văn rất dài của các vị cầm quyền mới. Hóa ra đó là một cách nhồi sọ.

tiengviet01

Cách nói thậm xưng và những ngữ vựng mới này được phát đi từ những cơ quan truyền thông của nhà nước, nên chúng có uy quyền và được xem là ‘chánh thống’.

Trong lab tôi có một em nghiên cứu sinh từ Việt Nam. Vì đến từ Việt Nam nên cách nói của em ấy cũng ít nhiều khi mang tính thậm xưng và ví von, giống như cách nói của các vị trong đảng và Nhà nước hay trên báo chí. Ví dụ như thay vì nói "vấn đề là …" thì em ấy nói "bài toán là …". Cách nói đó y chang như cách nói của các vị lãnh đạo chánh trị ở Việt Nam. Chẳng hạn như thay vì nói "vấn đề giải cứu nông sản" họ nâng lên thành bài toán : "Bài toán giải cứu nông sản Việt". Cái gì đối với em ấy cũng là "bài toán", nhìn đâu cũng thấy "bài toán".

Em ấy bị ‘lậm’ đến nổi khi trình bày trong seminar em dùng "bài toán là…" làm cho mọi người nhìn nhau tự hỏi "bài toán nào", "bài toán gì ở đây" ? Cách nói ví von hay thậm xưng như thế làm cho em ấy không suy nghĩ cụ thể và thông suốt được, mà cứ lòng vòng và chung chung với "bài toán". Phải một thời gian sau em ấy mới gột rửa cách nói thậm xưng như thế và quay về thực tế phức tạp hơn là "bài toán".

Cách nói đó có thể xem là một loại ngôn ngữ thậm xưng. Thậm xưng theo tôi hiểu là cách phóng đại hay cường điệu hóa sự vật và sự việc. Nó giống như cách nói "hyperbole" trong tiếng Anh. Thật ra, cách nói hyperbole cần phải dùng đến từ ngữ hoa mĩ (rhetoric), rất đại kị trong khoa học. Mục tiêu của thậm xưng là gây chú ý ở người nghe và người đọc. Thậm xưng thể hiện tuỳ theo mức độ. Ở cấp nhẹ thì có khi được đề cập đến là ‘khuếch đại’ ; ở cấp vừa thì ‘đại ngôn’, ‘ngông’ ; còn cao hơn thì là ‘lộng ngôn’, ‘nổ’.

Một cách nói thậm xưng là dùng ví von, khoa trương. Thay vì nói "Những chuyến bay giải cứu", người ta thêm vào chữ "ngạo nghễ" thành "Những chuyến bay ngạo nghễ vào tâm dịch". Thay vì viết "phi công" trong các chuyến bay đó, người ta nâng lên thành "những người hùng trong chuyến bay". Hay như cách mô tả tình hình dịch bệnh là "phức tạp", rồi cách cách nói ví von phổ biến mà chúng ta hay thấy trong mùa dịch là "Chống dịch như chống giặc". Và, chữ "phức tạp" (vô nghĩa) và cách xem dịch như là giặc làm lu mờ suy nghĩ của chúng ta về khoa học và chủ trương.

Thật ra, cách nói thậm xưng chẳng phải là mới vì nó đã xuất hiện trong thơ văn lâu lắm rồi ; nhưng nó mới trong ngôn ngữ nghị luận chánh trị. Trước 1975, báo chí miền Nam Việt Nam cũng thỉnh thoảng dùng cách viết thậm xưng, nhưng không quá phổ biến như sau 1975 dưới chế độ mới. Chẳng hạn như để cường điệu hóa sự việc, nhà cầm quyền mới rất thích thêm vào các định ngữ và bổ ngữ (danh sách từ Nguyễn Hưng Quốc) :

• nói đến lãnh đạo ta là phải có chữ ‘vĩ đại’, ‘thiên tài’, ‘sáng suốt’, ‘anh minh’, ‘kính yêu’ ; còn lãnh đạo đối phương thì ‘nguỵ’, ‘tay sai’, ‘du côn’, ‘ác ôn’ ;

• nói về đảng thì phải đi kèm với ‘quang vinh’, ‘muôn năm’, ‘thần thánh’, ‘bách chiến bách thắng’ ;

• nói đối phương thì ‘tàn bạo’ ;

• với âm mưu của kẻ thù thì phải có ‘tinh vi’, ‘hiểm độc’ ;

• với chánh quyền địch thì phải có chữ ‘tay sai’, ‘bù nhìn’ ;

• văn hóa ở miền Bắc thì đi liền với chữ ‘xã hội chủ nghĩa’, ‘văn minh’ ;

• văn hóa ở miền Nam thì ‘suy đồi’ ;

• nói về chiến thắng thì phải ‘vẻ vang’, ‘vang dội’, ‘giòn giã’ ;

• nói về giải cứu thì ‘ngạo nghễ’ ;

• với lịch sử thì ‘rực rỡ’ ;

• với tranh đấu thì ‘oanh liệt’ ;

• với dân tộc thì ‘bất khuất’, ‘vĩ đại’ ;

• với chính sách thì "đúng đắn" ;

• với chỉ đạo thì ‘sâu sát’, ‘sáng suốt’ ;

• với tội ác thì ‘dã man’.

Với cách nói/viết như thế, nhà cầm quyền mới tạo ra một cách nói mới mà trước đây chưa bao giờ có. Chẳng hạn như báo chí trong Nam trước 1975 chưa bao giờ gọi ông Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu là ‘vĩ đại’ hay ‘thiên tài’ ; ngược lại, giới kí giả đặt cho họ nhiều biệt hiệu để chế giễu họ. Nhưng sau 1975 thì ‘vĩ đại’ và ‘thiên tài’ xuất hiện hầu như hàng ngày.

Ngoài những cách nói thậm xưng trên, người miền Nam sau 1975 còn phải làm quen với những chữ hay mệnh đề mới như :

cái gọi là, chế độ ăn uống, đăng kí, hộ khẩu, căn hộ, kiểm điểm, đề xuất, bồi dưỡng, chỉ đạo, qui hoạch, kênh phát sóng, chùm ảnh, chùm thơ, ùn tắc, ôtô con, xe con, mặt bằng, phản ánh, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, biện chứng, phạm trù, đối tượng, v.v.

Và mới đây là những chữ mới như : thế lực thù địch, yếu tố nước ngoài, tự diễn biến, tự chuyển hoá, ổn định xã hội, bộ phận không thể tách rời, bóp méo, xuyên tạc, can thiệp thô bạo, quyền lợi chánh đáng, quyền lợi hợp pháp, v.v.

Thời đó, tôi tự hỏi mấy chứ này xuất phát từ đâu. Sau này ra nước ngoài và có dịp đọc báo Anh ngữ và có dịp ghé qua Tàu, tôi mới biết tất cả đều xuất phát từ Tàu hay du nhập hay bắt chước từ hệ thống truyên truyền của Tàu.

Chế độ Mao rất ý thức rằng chữ, ngoài chức năng thông tin, còn là một cách suy nghĩ. Chữ cũng có thể trở thành võ khí, và chánh phủ võ trang hóa ngôn ngữ để khuếch đại sự tức giận, nhắm vào một người hay nhóm để đổ lỗi, và hợp thức hóa sự bất công. Do đó, Mao và tay sai đã làm thay đổi Hoa ngữ bằng cách đưa vào hàng loạt ngữ vựng mới.

Chẳng hạn như để gieo nghi ngờ, họ sáng chế ra mệnh đề ‘cái-gọi-là’ (dịch sang tiếng Anh là "so-called"), và mệnh đề này rất phổ biến trong thời Mao và lan tràn sang các nước xã hội chủ nghĩa khác. Theo học giả Peter Pomerantsev (London School of Economics) ‘cái-gọi-là’ là mệnh đề dùng để tạo ra những điều kiện bất định, cho ra cảm giác không có cái gì là chắc chắn, và tất cả đều có thể, tức là gieo một sự nghi ngờ.

Hay để bịt miệng mấy người biểu tình ở Hồng Kông, nhà cầm quyền mới đưa ra khái niệm ‘ổn định xã hội’. Các nhà ngôn ngữ học phân tích rằng mệnh đề này có một lịch sử khá dài trong chủ nghĩa toàn trị. Khái niệm ‘ổn định’ rất mơ hồ, nhưng mơ hồ chính là đặc tính mà chế độ toàn trị muốn duy trì để đàn áp những làn sóng chống đối nhà nước toàn trị, hay dùng để bịt miệng những người phản biện và đòi cải cách thể chế.

Các học giả nghiên cứu ngôn ngữ còn chỉ ra rằng trong các thể chế toàn trị, có những chữ và mệnh đề không có ý nghĩa gì cả. Ví dụ như Putin nói về "dictatorship of the law" (độc tài pháp luật) và "free expression of citizen will" (tự do biểu đạt ý chí của công dân) là chẳng có nghĩa gì cả. Nhà văn và cựu tổng thống Tiệp Khắc Václav Havel cũng từng nhận xét rằng bởi vì các chế độ hậu toàn trị bị giam cầm trong những lời nói dối của họ, nên họ phải giả tạo mọi thứ.

Nhưng khổ nỗi cách nói thậm xưng và những ngữ vựng mới này được phát đi từ những cơ quan truyền thông của nhà nước, nên chúng có uy quyền và được xem là ‘chánh thống’. Loại ngôn ngữ chánh thống này theo thời gian nó bấu kết vào đầu óc con người, và do đó trở thành một phương tiện nhồi sọ. Đó chính là một tác hại lâu dài vậy.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn : VNTB, 07/02/2022

***********************

Lại chuyện ngôn ngữ : ‘Giải mã’ hay ‘Giải thích/Giải độc’ ?

Đỗ Văn Phúc, VNTB, 17/11/2021

Lạ quá, việc Mỹ rút quân và việc ông Mattis từ chức nghe trên các đài truyền hình hay đọc hà rầm trên các báo ; có gì bí mật phải che đậy bằng các mã số, ký hiệu mà cần các tác giả phải ‘giải mã’ ?

tiengviet02

Những lúc về sau này, chúng tôi đọc thấy nhiều tựa đề các bài bình luận phân tích thời sự thường bắt đầu bằng hai chữ ‘giải mã’. Trên nhiều trang web hay các diễn đàn, thấy có các bài : "Giải mã Mỹ rút quân khỏi Syria" hay "Giải mã việc Đại Tướng James Mattis từ chức", "MC Quyền Linh giải mã các hiện tượng", "Giải mã giấc mơ thấy quan tài" vân vân.

Chữ Mã theo Từ điển Tín Đức, trang 330

Lạ quá, việc Mỹ rút quân và việc ông Mattis từ chức nghe trên các đài truyền hình hay đọc hà rầm trên các báo ; có gì bí mật phải che đậy bằng các mã số, ký hiệu mà cần các tác giả phải ‘giải mã’ ?

Chúng tôi không phải là nhà ngôn ngữ học để có thể ngồi đọc hết và phân tích những từ ngữ trong các bài viết. Nhưng "đừng im tiếng, mà phải lên tiếng…". Bất kỳ người nào cũng muốn đọc các bài viết dễ hiểu, chữ nghĩa dùng đúng cách, câu văn gọn gàng tròn ý. Có phải bất cứ người Việt Nam nào mong muốn bảo vệ sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ của mình ?

Từ khi cộng sản chiếm hết cả nước, họ đã đem từ miền Bắc vào Nam rất nhiều chữ viết, lời nói tuy cũng là ngôn ngữ Việt, nhưng nghe rất chói tai, khó hiểu. Lý do là những kẻ ngu dốt mà lại sính dùng chữ, họ đã cắt xén, ráp nối, thay chữ, đổi nghĩa rất nhiều từ ngữ mà chúng ta đã dùng một cách đứng đắn tại miền Nam trước 1975. Ngày nay, phương tiện internet đã giúp cho nhiều người tham gia vào việc truyền thông. Nhà văn, nhà báo, nhà thơ nổi lên như nấm dại sau cơn mưa. Tuy nhiên số người viết đúng văn phạm, chính tả lại rất hiếm hoi. Và lại, không thiếu những người ưa dùng chữ đao to búa lớn mà ý nghĩa thì không đi sát với những gì họ muốn diễn đạt. Lại có những ‘nhà văn’ hà tiện các dấu chấm, phẩy… Cả một đoạn văn dài nửa trang giấy không thèm cho một cái dấu để tách biệt các câu, các mệnh đề. Ai đọc thì ráng chịu khó mà hiểu lấy.

Chúng tôi hoạt động trong ngành truyền thông gần 50 năm qua, từ trong nước ra đến hải ngoại ; lúc nào cũng tâm niệm phải cố gắng viết cho chính xác vừa ngữ vựng vừa văn phạm. Nhất là Việt ngữ, thứ ngôn ngữ đã thấm sâu vào từng tế bào, từng giọt máu của mình ; thứ ngôn ngữ mà tổ tiên truyền lại, được bảo lưu là làm phong phú thêm bởi bao nhiêu thế hệ. Ngôn ngữ có thể theo thời mà biến đổi. Có khi sai nhưng được nhiều người dùng và lâu ngày, mỉa mai thay, nó trở thành đúng !

Cho nên, chúng ta cần chặn cái sai càng sớm càng tốt.

Từ lâu, mỗi lần nhận được từ thân hữu chuyển đến các bài viết ; chúng tôi rất trân trọng. Nhưng chúng tôi cũng lại rất khó tính khi tìm thấy trong bài những câu, những chữ mà tác giả đã vô ý thức sử dụng theo kiểu viết sai trái của Việt Cộng. Có khi chỉ đọc thoáng cái tựa đề là thẳng tay bấm nút delete mà không buồn ghé mắt xem vài hàng nội dung ra sao.

Vì sao chữ giải mã trong các bài trên không đúng ? Lẽ nào các tác giả có đủ khả năng viết những bài bình luận mà lại không hiểu đúng nghĩa của hai chữ này ? Hay là vì họ quá thờ ơ, nghe quen tai sau khi đọc nhiều bài ‘giải mã’ và đã áp dụng một cách vô ý thức vào bài của mình ? Tôi đoán có thể tác giả muốn nói đến việc ‘giải độc’ những bản tin do người viết tin bóp méo vì mục tiêu chính trị của người đưa tin. Đúng thế, có nhiều tin làm cho người đọc hiểu sai lạc bản chất vấn đề, nên coi tin đó là đầu độc, phải ‘giải độc’.

Vậy, xin phép trước hết, tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ ‘giải mã’.

Chúng tôi tin rằng rất nhiều quý vị từng nghe quen các chữ ‘mã số’, ‘mật mã’. Nguyên từ ‘mã’ là chữ Hán , theo Từ điển Thiều Chửu, có nghĩa "một thứ chữ riêng để biên số cho tiện" là "dấu để ghi số".

 mã (15n) • 1 : Mã não 碼瑙 đá mã não, rất quý rất đẹp. Cũng viết là 瑪瑙. • 2 : Pháp mã 砝碼 cái cân thiên bình. Có khi viết là 法馬. • 3 : Mã hiệu, một thứ chữ riêng để biên số cho tiện. Như sau này : chữ mã Tàu 〡〢〣〤〥〦〧〨〩, chữ mã A-lạp-bá 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10, chữ mã La Mã I II II IV V VI VII VIII IX X.

Từ điển của Hội Khai Trí Tín Đức trang 330 cũng có định nghĩa tương tự là "thứ chữ số của người Tàu dùng để biên sổ".

Còn chữ ‘giải’ đơn giản là mở ra.

Như thế, ‘mã’ trước hết, là những ký hiệu dùng thay cho các chữ. Giải mã là tìm cách mở cái ‘ký hiệu’ ra để đọc các chữ.

Giữa thế kỷ thứ 19 (năm 1836), ông Samuel F.B. Morse đã có sáng kiến soạn ra các ký hiệu bằng dấu hiệu ‘tích, tè’ tức là các dấu chấm (dot .) và dấu ngang (dash -). Mục đích là để chuyển đi những tin tức qua viễn thông bằng các phương tiện mà không thể chuyển các chữ được. Qua dòng điện hay qua ánh đèn pin thì khi bấm nhanh là dấu ‘tích’, giữ lâu gấp ba lần thì đó là dấu ‘tè’. Nếu dùng cờ hiệu, thì đưa 1 tay lên là ‘tích’, dang cả hai tay là ‘tè’. Giữa hai chữ cái (letters) là một khoảng im lặng ngắn bằng dấu ‘tích’ ; giữa hai chữ (words) thì khoảng cách dài bằng ba dấu ‘tè’. Quý vị nhớ chữ SOS là tín hiệu cấp cứu. Nó được truyền đi bằng ba ‘tích’ (ngưng), ba ‘tè’ (ngưng) rồi ba ‘tích’ (… — …).

Ký hiệu Morse này trở thành vô cùng thông dụng trong hàng hải. Nhưng nó không mang tính chất bảo mật.

Trong quân đội hay tình báo, với mục đích chỉ cho phe bạn nhận hiểu bản tin của mình mà kẻ địch không thể đọc hiểu, trước khi chuyển đi, người ta ‘mã hoá’ (encode, encoding) bản văn bằng cách thay các chữ cái hay con số bằng những chữ khác hay dãy số khác. Những người phe bạn sẽ có một cái khóa (key) để lần mò theo từng ‘mã tự’ hay ‘mã số’ (code) thì mới đọc được. Chính việc dùng khóa để dọc bản văn đã được ‘mã hoá’ này, người ta gọi là ‘giải mã’ (decode, decoding)

Thời Thế Chiến 2, quân đội Đức Quốc Xã đã thành công phần lớn là do các hình thức mã hóa tinh vi mà quân Anh và Mỹ không thể đọc được các lệnh truyền tin của Đức. Trong một trận hải chiến trên Đại Tây Dương, Hải quân Hoa Kỳ đã bắn chìm một chiến hạm Đức (dường như là một tiềm thủy đỉnh) và đã tịch thu được một máy giải mã. Máy này được đưa về đại bản doanh ở London để các nhà tình báo chiến lược và các nhà toán học siêu việt nghiên cứu. Từ đó, đã tìm ra các khóa để giải mã tất cả những thông tin của phe địch.

Một cách mã hóa đơn giản là dùng các chữ ‘Alpha’ thay cho chữ A, Bravo thay cho chữ B, Charlie thay chữ C… X-ray thay chữ X, Yankee thay chữ Y, Zulu thay chữ Z ; tương đương với ‘Anh dũng, Bắc bình, Cải cách… Xung phong, Yên Bái, Zulu’ dùng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Ngoài ra còn cách mã hóa khác như khi báo cáo 5 quân nhân tử trận, họ nói là ‘năm im lặng’, 10 người bị thương thì gọi là ‘mười kiến cắn’ ; Pháo binh thì gọi là phổi bò, xe tăng thì gọi là con cua. Những cách này cũng không có tính cách bảo mật nữa vì quá đơn giản. Về sau, dường như bắt đầu từ khoảng năm 1970, các đơn vị được phát một tập Khóa Đối Chứng dày gồm nhiều trang. Mỗi trang gồm những cột dọc với nhiều hàng chữ cái hay con số gọi là ‘khóa’, và chỉ dùng cho một ngày được ấn định. Qua hôm sau, phải xé bỏ, hủy trang đó đi. Nếu tập này rơi vào tay địch, sẽ có lệnh cấp tốc cho ngưng sử dụng và tập mới được phát ngay. Chỉ có đơn vị trưởng và những người hiệu thính viên mới được biết đến tập sách này mà chúng tôi biết với tên gọi là ‘Khóa Đối Chứng’ (KDC).

Trong ngành computer, người ta dùng các loại ngôn ngữ riêng bằng dãy 8 con số gồm 0 và 1 gọi là binary code. Đó là khi chuyển đi chữ hay số, các chữ hay số đánh trên bàn phím sẽ trở thành các tín hiệu điện đóng hoặc mở (1 hoặc 0). Khi truyền đến máy người nhận, nó sẽ được chuyển lại thành các dòng chữ hay số để đọc. Ngay cả hình ảnh, âm thanh cũng được ‘mã hoá’ bằng binary code trước khi được dòng điện chuyển qua những cái gọi là ‘processors" trong máy computer.

Như thế, khi viết lên tựa để "Giải mã Mỹ rút quân khỏi Syria" hay "Giải mã việc Đại tướng James Mattis từ chức", chắc các tác giả có ý muốn nói về sự ‘giải thích’, ‘phân tích’…về các diễn biến trên mà không hề có chút nào ý nghĩa ‘giải mã’.

Ngoài chữ ‘giải mã’, chúng tôi còn thấy nhiều vị dùng chữ ‘huyền thoại’ cũng rất bừa bãi. Hình như các tác giả nghĩ rằng ‘huyền thoại’ có nghĩa như ‘siêu việt’, ‘phi thường’ Quả đúng như thế đấy. Nhiều tác giả viết về vài vị tướng tài, vài biến cố quan trọng, vài trận đánh anh hùng, cũng ghép thành ‘Vị tướng huyền thoại’, rồi ‘Huyền thoại Bình Long’, ‘Tiểu đoàn X đánh một trận huyền thoại’…

Chúng tôi đã bàn đến hai chữ ‘huyền thoại’ trong vài bài viết về ngôn từ Việt Nam (bài "Mặt Trận Ngôn Từ" trong tác phẩm Quê Mẹ Mùa Xuân Chưa Về, trang 311). Xin ân cần nhắc lại một lần nữa và mong các tác giả sẽ tránh dùng sai hai chữ này.

Huyền thoại là gì ?

Huyền là mầu nhiệm, huyền hoặc, huyền bí, viễn vông, không có thật, là chuyện truyền kỳ, thần thoại. Ví dụ các truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ trăm trứng, truyện Phù Đồng từ đứa bé vươn vai thành một dũng sĩ mạnh khoẻ, nhảy lên ngựa sắt, nhổ cây tre làm vũ khí…, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh… Truyện cổ Hy lạp thì có Ilyad, Odyssey kể về các dũng sĩ Achilles, Hercules…

Những câu chuyện trên hoàn toàn là viển vông, không có sử sách thời đó ghi chép mà chỉ do truyền tụng lại.

Còn các Tướng Đỗ Cao Trí, Tướng Ngô Quang Trưởng là người có thật, khả năng, tài trí, can đảm là có thật, công trận là có thật. Trận An Lộc long trời lỡ đất với sự dũng cảm chiến đấu, hy sinh vô bờ của quân sĩ ta là có thật, xảy ra vào một nơi có thật, vào một thời gian có thật. Báo chí đã ghi lại những tin có thật về họ và các biến cố đó. Những người trên chúng ta thấy được, sờ được thì không thể gán cho là huyền hoặc, chỉ xảy ra trong hoang tưởng.

Chúng ta có cả hơn một tá những chữ rất thông dụng để ca tụng, miêu tả những anh hùng, những chiến công, những biến cố. Tại sao lại không dùng chúng mà lại dùng một chữ hoàn toàn không đúng và nếu xét sâu xa hơn, thì lại có tính cách mỉa mai chăng ?

Cũng có thể, người viết muốn ca tụng các nhân vật, các biến cố quá phi thường, vượt ra khỏi sự tưởng tượng của con người. Vậy thì nên viết rằng "Tướng Hưng là một chiến sĩ dũng cảm như trong huyền thoại. Trận An Lộc là một trận chiến cầm cự phi thường như trong huyền thoại".

Thêm một điều nữa

Có vị thắc mắc chữ ’hoành tráng’ có phải của Việt Cộng không vì thấy bên Việt Nam sính dung chữ này cho hầu hết các trường hợp. Từ điển Đào Duy Anh có định nghĩa là "quy mô to lớn, rộng rãi", chỉ về tầm vóc của không gian. Vì thế, chỉ nên dùng cho những công trình, kiến trúc, cảnh quang ; mà không nên dùng cho cảnh sắc, lễ hội, tiệc tùng. Đối với ba trường hợp sau, có thể dùng các tĩnh từ huy hoàng, tráng lệ, linh đình, huy hoàng, long trọng, trọng thể, tùy theo danh từ trước nó.

 Chúng tôi xin đề nghị các tác giả nên có sẵn trong tủ sách hay trong hard drive của máy tính vài ba cuốn từ điển Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hoà trở về trước ; và nên bỏ chút thì giờ ra tra cứu một khi gặp những chữ mà mình không chắc hiểu đúng ý nghĩa của nó.

Đỗ Văn Phúc

Nguồn : VNTB, 17/11/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Văn Tuấn, Đỗ Văn Phúc
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)