Những điều cần biết về Chiến tranh Biên giới Việt – Trung 1979
Luật Khoa tạp chí, 17/02/2022
Nhìn lại một cuộc chiến mà cả hai bên chính quyền đều muốn lãng quên.
1. Thông tin sơ lược
Rạng sáng 17/2/1979, tức ngày 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc cho hàng trăm nghìn quân tấn công vào 6 tỉnh dọc biên giới phía Bắc Việt Nam, bao gồm Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.
Theo các dữ liệu phổ biến, số quân lính Trung Quốc lên đến hơn 600 nghìn, cùng với khoảng 400 xe tăng, xe bọc thép và hơn 1.500 khẩu pháo [1] & [10].
Cuộc chiến chính thức kéo dài 30 ngày. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam (một số trang tiếng Anh ghi Trung Quốc rút quân vào ngày 16/3). Dù vậy, các cuộc tấn công quy mô nhỏ vẫn tiếp diễn đến tận 10 năm sau đó.
Kết quả : Cả hai phía đều tuyên bố chiến thắng. Các con số thương vong chính xác không được công bố, mỗi bên đều có xu hướng giảm con số phía bên mình và tăng con số phía đối phương. Theo một ước tính của giới nghiên cứu phương Tây được dẫn lại trên tờ Time, Trung Quốc mất ít nhất 20 nghìn người, trong khi số người tử vong tại Việt Nam là dưới 10 nghìn [2].
2. Quyết tâm tàn phá của Trung Quốc
Quân Trung Quốc áp dụng chiến thuật "tiêu thổ" (scorched-earth policy), tức là đặt mục tiêu hủy hoại tất cả những gì mà họ cho là có lợi cho kẻ thù. Đây là sách lược mà Trung Quốc sử dụng trong Chiến tranh Triều Tiên 1950 [1].
Đoàn quân đông đảo của Trung Quốc vì thế phá hủy mọi thứ họ gặp trên đường, chiếm đóng các khu dân cư, giết hại thường dân. Cuộc chiến dù ngắn, nhưng sự hủy hoại của nó lại khủng khiếp.
Phía Việt Nam tuyên bố có đến hàng chục nghìn thường dân đã bị giết hại [3]. Không thể kiểm chứng con số này, nhưng có nhiều lời kể của nhân chứng về việc trẻ em và phụ nữ mang thai đã bị quân Trung Quốc giết hại và ném xuống giếng [4]. Nhiều thị xã bị hủy diệt hoàn toàn.
3. Lý do của cuộc chiến
Lý do phổ biến nhất được đưa ra là Trung Quốc "muốn dạy cho Việt Nam một bài học", trích dẫn câu nói của Đặng Tiểu Bình trong cuộc họp riêng của ông này với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter về vấn đề Việt Nam vào tháng 1/1979 tại Washington [5].
Phía Trung Quốc muốn bắt tay với Mỹ để chống lại Liên Xô. Đặng Tiểu Bình gọi việc "Việt Nam xâm lược Campuchia" là tiếp tay cho chủ nghĩa bá quyền của Liên Xô. Ông bày tỏ ý định sẽ đưa quân vào để trừng phạt Việt Nam [6].
Theo nhà ngoại giao Trần Quang Cơ, Việt Nam đã "không khôn ngoan" trong việc cân bằng quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Các động thái ngả về phía Liên Xô – kẻ thù lớn nhất của Trung Quốc lúc đó, cùng với chính sách hà khắc với người Hoa trong nước đã tạo thành cớ để Trung Quốc tấn công. Trong khi đó, việc dính líu sâu và lâu vào vấn đề Campuchia khiến Việt Nam mất đi sự ủng hộ của khu vực ASEAN, đồng thời để tuột mất cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ [6].
4. Ứng xử của Việt Nam
Việt Nam cho rằng Trung Quốc đã tiếp tay cho các hành động của Pol Pot, xâm phạm tình hữu nghị của hai nước và dựng lên sự kiện nạn Kiều để làm cớ tấn công Việt Nam. Phía Việt Nam tuyên bố chiến thắng cuộc chiến năm 1979, bảo vệ thành công biên giới phía Bắc [7].
Trong phần lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980, Việt Nam gọi Trung Quốc là "bọn bá quyền xâm lược". Câu này được bỏ đi vào năm 1988, khi hai nước tiến đến bình thường hóa quan hệ ngoại giao [8].
Sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam tránh nhắc đến sự kiện này. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông dâng cao. Năm 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở thành chủ tịch nước đầu tiên công khai tưởng niệm cuộc chiến. Đến năm 2019, dịp kỷ niệm 40 năm, sách báo về cuộc chiến bắt đầu xuất hiện, cùng với lời kêu gọi sửa đổi sách giáo khoa để viết chi tiết hơn về cuộc chiến này. Các cựu chiến binh lên tiếng mạnh mẽ để đòi công bằng cho những người đã hy sinh trong cuộc chiến [1] & [7].
5. Quan điểm quốc tế
Ngày nay, Trung Quốc vẫn gọi cuộc chiến 1979 là động thái "tự vệ" trước Việt Nam. Bộ máy tuyên truyền của nước này thuyết phục công chúng rằng Trung Quốc là phe chính nghĩa, và đã bảo vệ thành công đất nước [9]
Theo The Diplomat, giới nghiên cứu phương Tây đã đồng thuận rằng Trung Quốc mới là bên gây hấn, với bằng chứng rõ rệt rằng gần như toàn bộ khu vực chiến sự nằm ở phía lãnh thổ Việt Nam [1].
Nhiều học giả cho rằng cuộc chiến là một thất bại của phía Trung Quốc ở ba phương diện :
1) không khiến Việt Nam rút quân khỏi Campuchia,
2) không làm tổn hại nhiều đến quân lực chính của Việt Nam, vì lực lượng tham chiến phía Việt Nam phần lớn là dân quân tự vệ, và
3) không thuyết phục được Mỹ tham gia liên minh chống Liên Xô.
Đối với mục tiêu phá hoại miền Bắc Việt Nam, có thể nói Trung Quốc đã thành công, tuy nhiên, họ phải mất thời gian đến vài tuần, thay vì vài ngày như dự định.
6. Đọc thêm về cuộc chiến
Tham khảo :
- "Hồi ức và suy nghĩ", hồi ký của nhà ngoại giao Trần Quang Cơ. Link tải.
- "Biên giới 1979 trước biển người phương Bắc " – Phóng sự đặc biệt của báo điện tử VnExpress.
- "Những mùa xuân con không về" – Tập bút ký về Chiến tranh Biên giới 1979, Nhiều tác giả, Nhà xuất bản Trẻ 2019
- "The bitter legacy of the 1979 China – Vietnam war ", Nguyễn Minh Quang, đăng trên tạp chí The Diplomat ngày 23/2/2017.
- "Bên thắng cuộc – Quyển I : Giải phóng", chương 4 : Vụ Nạn kiều
Luật Khoa tạp chí
Nguồn : Luật Khoa tạp chí, 17/02/2022
Bài viết tổng hợp các nguồn tư liệu về cuộc chiến trên Luật Khoa : "Chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 : Đọc gì về một cuộc chiến bị lãng quên ?"
Tài liệu tham khảo :
[1] The Diplomat. (2017, February 24). The Bitter Legacy of the 1979 China-Vietnam War.
[2] Time, China-Vietnam Border War, 30 years later
[3] VnExpress. (2014, February 13). 35 năm cuộc chiến biên giới phía Bắc (vnexpress.net).
[4] VnExpress. (2017, February 17). Remembering Vietnam’s bloody border war with China – VnExpress International.
[5] VnExpress. (2019, July 4). Biên giới 1979 trước "biển người" phương Bắc. vnexpress.net.
[6] Hồi ức và suy nghĩ, Trần Quang Cơ, 2001.
[7] VnExpress. (2019, February 15). Cuộc chiến biên giới phía Bắc sẽ có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Tin nhanh VnExpress.
[8] Hiến pháp 1980, Nghị quyết về việc sửa lời nói đầu của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 28/6/1988.
[9] Lu, R. (2014, February 21). Comment : Beijing wants people to forget the Sino-Vietnamese War. SBS News.
[10] Báo Thanh Niên (2021, February 17). 42 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 – 17.2.2021): Thắm màu cờ cực Bắc. Báo Thanh Niên.
************************
Biên giới tháng Hai & Phương Bắc
Trương Huy San, Osinhuyduc, 17/02/2022
Khác với thông lệ, Đại hội Đảng diễn ra đã hơn một năm, chưa thấy các tân lãnh đạo Việt Nam sang thăm Trung Quốc. Trong khi, cả Chủ tịch Nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều đã đã đi gần khắp Á, Âu. Tháng Ba tới đây, Thủ tướng cũng có lịch sang thăm Mỹ.
Ngày 26/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại khu tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn.
Chuyến thăm Trung Quốc gần nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra cũng đã từ tháng 1/2017. Kể từ tháng 4/2019, Tổng bí thư rất ít khi ra khỏi Thủ đô. Trong nhiệm kỳ này, ai – trong số "tam nhân" – mở đầu chuyến thăm Trung Quốc sẽ được giới quan sát coi là một chỉ dấu chính trị mở ra rất nhiều suy đoán.
Trong khi đó, ngày 8/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Và, trước Tết, ngày 26/1/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại khu tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn. Nhân vật đầu tiên trong Bộ Tứ thắp hương trên mộ các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc là Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang. Ông lên Biên giới vào ngày 17/2/2016, gần một tháng sau Đại hội (XII).
Càng nghiên cứu các tư liệu trong quan hệ Việt – Trung kể từ năm 1949 càng buồn. Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Phương, thư ký cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, "Trong lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước chưa có thời đại nào ngây thơ, mất cảnh giác như thời đại ngày nay". Trên thực tế, Hà Nội thường đồng hành hăm hở với Bắc Kinh những khi họ rất sai và rất Mao (cải cách ruộng đất, chỉnh huấn, chỉnh quân, hợp tác hóa…) ; và khi Bắc Kinh đúng, Hà Nội lại chọn con đường ngược lại.
Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình chủ trương, "mèo trắng, mèo đen miễn là bắt được chuột", Trung Quốc không còn "mèo đen". Trong khi đó, chiến dịch "đánh tư sản" tháng 9/1975, Việt Nam mới chỉ nhắm vào các nhà "tư sản mại bản" liên quan tới chiến tranh. Hàng vạn các nhà tư sản sản xuất và thương nghiệp vẫn chưa bị đánh.
Cũng năm 1978, khi Đặng sửa những cái sai của Mao, Lê Duẩn đưa Đỗ Mười cầm quân vào Nam, bắt đầu chiến dịch "Cải tạo công thương nghiệp tư doanh". Hàng vạn nhà tư sản bị tịch thu tài sản ; bị đưa đi kinh tế mới và bị đẩy "vượt biên" theo "Phương án II". Hàng vạn đối tác tiềm năng cho dòng vốn từ Hồng Kông, Đài Loan… đến Việt Nam bị "đánh" cho tan tác.
"Ngây thơ, mất cảnh giác, tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản" là niềm tin dễ đổ vỡ nhất. Thay vì hành xử trên nền tảng tư duy chiến lược với bài học lịch sử nghìn năm, những gì chúng ta chứng kiến là phản ứng như sự dao động trả về của con lắc (swing back).
Và, cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới, kéo dài hơn mười năm đã cướp đi sinh mạng hoặc một phần cơ thể của hàng vạn thanh niên thuộc thế hệ chúng tôi (sinh trong các thập niên 1950s, 1960s) ; đồng thời làm khánh kiệt quốc gia và nhấn chìm vị thế của người Việt Nam xuống đáy.
Tôi đã viết đơn nhập ngũ ngay vào sáng 17/2/1979, khi hai anh tôi đang ở trong quân ngũ. Nếu Trung Quốc gây hấn, tôi tin là các thế hệ thanh niên ngày nay cũng sẽ làm như chúng tôi. Trong lịch sử nghìn năm của Việt Nam những anh hùng chống phương Bắc, trong dân, đều bất tử.
Thật là xấu hổ khi kể từ sau Hội nghị Thành Đô, cuộc chiến tranh Biên giới tháng 2/1979 đã dần bị lãng quên. Bài báo đầu tiên trên báo nhà nước, Biên Giới Tháng Hai, nhắc lại sự kiện này, đưa lên Sài Gòn Tiếp Thị chỉ sau vài tiếng đã bị tuyên giáo bắt gỡ xuống (2/2009). Các lễ dâng hương viếng hương hồn các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh vệ quốc này thường bị né tránh. Nhiều 17/2, chúng tôi đi trên các nẻo đường Biên giới mà mồ liệt sĩ không có một nén hương…
Việc các nghĩa trang trên Biên giới phía Bắc đang được trùng tu và các nhà lãnh đạo trong hàng nguyên thủ lần lượt đến dâng hương, dù muộn, cũng an ủi phần nào cho những người đã hy sinh vì đất nước.
Chưa có kẻ nào nhiều tham vọng thôn tính lãnh thổ và nền độc lập của người Việt Nam như Trung Quốc. Nhưng, chúng ta vừa ở gần một mối đe dọa vừa ở gần một nền kinh tế lớn.
Cách ứng xử trong mối quan hệ với Trung Quốc trong nhiệm kỳ này có thể là đang có nhiều cân nhắc.
Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ. Nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những nhà lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc.
Phú Nhuận
Nguồn : VNTB, 16/02/2022
**************************
43 năm sau
Trân Văn, 18/02/2022
43 năm là một khoảng thời gian không ngắn nhưng so với chiều dài lịch sử của xứ sở hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương thì chẳng đáng gì song hiểu biết của rất nhiều người ở độ tuổi dưới 50 dường như rất khiêm tốn.
Khoảng 10 nhà hoạt động biểu tình về vụ Bãi Tư Chính ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, 6/8/2019. Hình minh họa.
Tuần này nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ viết và chia sẻ những suy nghĩ, những cảm xúc về sự kiện xảy ra cách nay tròn 43 năm : 17/2/1979 – 17/2/2022, ngày Trung Quốc xua quân tràn sang Việt Nam để "dạy" cho người Việt một "bài học" !
43 năm là một khoảng thời gian không ngắn nhưng so với chiều dài lịch sử của xứ sở hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương thì chẳng đáng gì song hiểu biết của rất nhiều người ở độ tuổi dưới 50 dường như rất khiêm tốn.
Vì sao ? Trên website của Dự án Đại sự ký Biển Đông (1) giới thiệu một câu trả lời của Travis Vincent trên The Diplomat tuần trước :Đó là chủ trương nhằm xóa bỏ quá khứ. Khơi gợi, tưởng niệm những gì đã qua là phản động !
Vincent đã trình bày khá cặn kẽ về chủ trương xóa bỏ ký ức của hệ thống giáo dục ở Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với những gì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã làm với Việt Nam hồi 1979.
Học sinh người Việt được dạy rất kỹ về những cuộc chiến khác nhau giữa cha ông của họ với các triều đại khác nhau của Trung Quốc, song cuộc chiến do Đảng cộng sản Trung Quốc khởi xướng, chống lại các "đồng chí" – những người cùng tôn thờ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, vào năm 1979 thì chỉ có 24 dòng trong sách giáo khoa về lịch sử của lớp 12 ấn bản năm 2001. Sau cải cách giáo dục, ấn bản năm 2018, mô tả về cuộc chiến này trong sách giáo khoa về lịch sử của lớp 12 được biên tập lại, chỉ còn 11 dòng !
Vincent dự đoán :Cho dù dường như chính quyềnViệt Nam cho phép thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiếnchống cộng sản Trung Quốc xâm lược trên các phương tiện truyền thông chínhthức nhưng việc giảng dạy toàn diện hơn về cuộc chiến đó vẫn chưa được thực hiện và có lẽ sẽ vẫn vậy. Việc soạnlại đểcác thế hệ hậu sinh hiểu và nhớ vềcuộc xâmlược của Trung Quốc đòi hỏi phải điều chỉnh chương trình, nội dung sách giáo khoa vềlịch sử do Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đạo thực hiện (2).
Đó có lẽ cũng là lý do bộ phận điều hành nhiều trang web khác như Tạp chí Luật khoa tổng hợp các điểm cốt lõi chưa nhiều người biết về Chiến tranh biên giới Việt Trung 1979 (3) hoặc dịch – giới thiệu thêm các tài liệu về cuộc chiến này như Tiếng dân (4).
***
Ngoài việc kể lại những trải nghiệm cá nhân xoay quanh cuộc chiến Việt – Trung năm 1979, sự kiện Gạc Ma 1988, nhiều người như ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh :Có những cuộc chiến, những cái chết không được phép quên. Lịch sử chống giặc ngoại xâm cần được ghi chép trung thực, chính xác, đúng như những gì đã diễn ra để các thế hệ Việt Nam sau này noi gương cha ông bảo vệ tổ quốcvà đểtri ân sự hy sinh của những người ngườiViệt đã ngã xuống khibảo vệ chủ quyềncủa tổ quốc.
Ông Phước dẫn hai câu trong Đền thơ Hùng Vương : "Ngọn muốn vươn đến tột đỉnh của tương lai. Rễ phải bám chặt tận cùng của quá khứ" để hỗ trợ cho mong muốn từ lâu của nhiều người, phải sớm đưa những sự kiện như thế vào sách giáo khoa (5).
Bàn về sự kiện 17 tháng 2, Huy Đức dẫn chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Nhà nước đến dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên hồi tháng 12 năm ngoái và tháng rồi (1/2022) ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng đến dâng hương tại Khu Tưởng niệm các liệt sĩ Pò Hèn như một số dấu hiệu tuy trễ mà tích cực. Facebooker này nhắc lại nhiều dữ kiện để chứng minh :"Ngây thơ, mất cảnh giác, tin vào chủ nghĩa quốc tế vô sản" là niềm tin dễ đổ vỡ nhất.
Theo Huy Đức :Việc các nghĩa trang ởbiên giới phía Bắc đang được trùng tu và các nhà lãnh đạo trong hàng nguyên thủ lần lượt đến dâng hương, dù muộn, cũng an ủi phần nào cho những người đã hy sinh vì đất nước.Chưa có quốcgia nào nhiều tham vọng thôn tính lãnh thổ và nền độc lập của người Việt Nam như Trung Quốcnhưng, chúng ta vừa ở gần một mối đe dọa vừa ở gần một nền kinh tế lớn... Dân chúng không bao giờ tha thứ cho những ai hèn hạ nhưng dân chúng đã phải trả giá rất đắt với những lãnh đạo chỉ muốn làm người hùng. Dân chúng cần những bộ óc chiến lược, hiểu lòng dân mà không tạo cơ hội cho những âm mưu đến từ phương Bắc (6).
Cũng nhận định theo hướng như thế, Hiếu Orion cho rằng :Trung Quốc là láng giềng tham vọng và không đáng tin cậy. Đối với Trung Quốc, chắc chắn vừa phải hợp tác, vừaphải đấu tranh. Giang Trạch Dân viết 16 chữ nói về tình hữunghị giữa Việt Nam - Trung Quốc không ngượng tay, không thật lòng. Chắc ai cũng hiểu được điều đấy ! Ông ấy viết bằng mực đen, bằng suy nghĩ màu đen, chứ không phải bằng vàng !Với Winston Churchill : "Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn" – điều đó đã trở thành chủ thuyết của Trung Quốc trong đối ngoại. ViệtNam ở sát nách họ, bởi vậy, cũng vĩnh viễn phải đề phòng (7) !
***
Đúng là có vài dấu hiệu cho thấy cách ứng xử với Trung Quốc và với những người Việt đã vị quốc vong thân trong cuộc chiến Việt – Trung bắt đầu từ tháng 2 năm 1979 đến cuối thập niên 1980 đã khác trước, song những dấu hiệu ấy có thật sự tích cực ?
Sau khi xem chương trình thời sự trên VTV1 tối 17 tháng 2 để quan sát Đài Truyền hình quốc gia ứng xử thế nào, Le Đức Dục thở dài.Có Lễ dâng hương của anh em đồn Pò Hèn tổ chức tại Khu Tưởng niệm cạnh đồn.Tin ngắn, đưa vào phút cuối cùng giốngnhư : "Bọn mình có tưởng niệm 17tháng 2 đấy, không phải không nhớ đâu nhé".Rồi một bài viết công phu về 17tháng 2 được đưa vào chuyên mục "Văn hóa" và ẩn kín ở đó thay vì cho lên "mặt tiền". Nhiều điều nữa...Nghe bảo lý do né nhắc là vì hàng ngàn container nông sản vẫn kẹt ở cửa khẩu phía Bắc !Thôi thì hãy như "những bông hoa không cần chỉ thị, cứ ra giêng rụng thắm đất anh nằm" (8).
Bà Đặng Bích Phượng, thành viên của một nhóm vì thường xuyên tổ chức tưởng niệm những người Việt đã vị quốc vong thân khi đối đầu với Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền Việt Nam cả trên đất liền lẫn trên biển, mà bị xếp vào loại phản động, mới kể chuyệndân phòng được cử ra Nghĩa trang Liệt sĩ để gác nhân dịp 17 tháng 2, nhằm ngăn chặn biểu tình chống Trung Quốc, giăng biểu ngữ, chụp ảnh rồi phóng lên facebook,chuyện một thành viên trong nhóm bị an ninh chặn ở cửa, không cho ra khỏi nhà ! Sau khi tường thuật cuộc đối thoại ngắn với những dân phòng này, bà Phương nêu thắc mắc :Tớibây giờ mà chính quyền vẫn sử dụng cái đám ngu dốt đến thế này ư (9) ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/02/2022
Chú thích :
(2) https://dskbd.org/2022/02/16/tai-sao-viet-nam-khong-day-lich-su-chien-tranh-trung-viet/
(3) https://www.luatkhoa.com/2022/02/nhung-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-bien-gioi-viet-trung/1979/
(5) https://www.facebook.com/nguyenvanphuocfirstnews/posts/4826290290817717
(6) https://www.facebook.com/hieuorion/posts/5160077774005177
(7) https://www.facebook.com/hieuorion/posts/5160077774005177
(8) https://www.facebook.com/duc.leduc/posts/10219169313560807
(9) https://www.facebook.com/phuong.dangbich/posts/4280061792095591
***********************
Việt Nam vẫn "né tránh" cuộc chiến biên giới với Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 18/02/2022
Vì sao sách giáo khoa Việt Nam vẫn "né tránh" cuộc chiến biên giới với Trung Quốc ?
Ngày 17/02/1979, Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam. Cuộc chiến biên giới khốc liệt giữa hai quốc gia "cộng sản" còn âm ỉ kéo dài đến tận năm 1989 tại một số địa điểm. Tuy nhiên, cho đến nay "cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba", theo cách gọi của một số sử gia, vẫn gần như hoàn toàn vắng mặt trong sách giáo khoa môn lịch sử Việt Nam.
Một góc thị xã Lào Cai, tây bắc Việt Nam, bị tàn phá trong cuộc tấn công của Trung Quốc, tháng 2/1979. © Flirkt
Thực trạng giảng dạy về cuộc chiến biên giới Việt – Trung ra sao ? Những lý do gì khiến cuộc chiến Việt – Trung gần như bị gạt khỏi môn lịch sử ? RFI tổng hợp một số thông tin về chủ đề này, đặc biệt qua bài Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War ? của Travis Vincent (trên The Diplomat, ngày 09/02/2022).
***
1. Việc giảng dạy về lịch sử cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung hiện tại ra sao trong nhà trường Việt Nam ?
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến 1979, nhưng việc giảng dạy về cuộc xung đột này vẫn gần như vắng bóng trong các trường học phổ thông cũng như đại học. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam, phiên bản 2001, thuật lại cuộc chiến biên giới Việt – Trung năm 1979 vỏn vẹn với 24 dòng ở cuối cuốn sách. Phiên bản năm 2018 về chủ đề này thậm chí rút lại nội dung xuống chỉ còn 11 dòng.
Sự cố tình quên lãng này tương phản một cách kỳ lạ với lịch sử chiến tranh chống lại các triều đại phương Bắc được giảng dạy rất cặn kẽ trong nhà trường Việt Nam. Từ lớp 6, lớp 7, học sinh Việt Nam đã được học về một nghìn năm Bắc thuộc, về các cuộc chiến tranh giải phóng và kháng chiến kể từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chống lại nhà Nam Hán. Các cuộc chiến tranh được tìm hiểu sâu hơn từ lớp 10. Sự im lặng trước cuộc chiến cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, thường dân và bộ đội Việt Nam, cùng binh sĩ Trung Quốc, đặt ra nhiều dấu hỏi.
Tác giả bài viết "Why Won’t Vietnam Teach the History of the Sino-Vietnamese War ?", nhà hoạt động xã hội Travis Vincent đã tập hợp nhiều nhân chứng về vấn đề này. Cô Nguyễn Ngọc Trâm, giáo viên lịch sử tại một trường trung học tư thục ở Hà Nội, nhận định : cuộc chiến tranh nà được đưa vào cuối chương trình của năm học, vì vậy không ai chú ý đến nó. Chiến tranh biên giới Việt – Trung cũng không phải là nội dung thi, nên học sinh không có động lực. Theo cô giáo Nguyễn Ngọc Trâm, rất nhiều bạn bè cô – không học chuyên ngành lịch sử - đã không hề hay biết về cuộc chiến này.
Đặng Ngọc Oanh, một sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, sở dĩ biết đến cuộc chiến này là nhờ bố, một cựu chiến binh. Cô đã bị sốc khi biết có một cuộc chiến như vậy. Phạm Kim Ngọc, một sinh viên năm thứ 3 ngành Quan hệ quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, thuật lại việc cô giáo đề cập đến cuộc chiến trong một bài giảng ngắn, nhưng không có sách giáo khoa nào về chủ đề này. Với các sinh viên, "một sự kiện như vậy vẫn còn được coi là nhạy cảm", trong lúc Trung Quốc được coi như một quốc gia quan trọng hàng đầu trong chương trình.
Cho đến nay, những lời kêu gọi của các chuyên gia về cải cách sách giáo khoa lịch sử, để đưa đầy đủ thông tin hơn về cuộc chiến Việt – Trung 1979, nhưng chính quyền vẫn im hơi lặng tiếng, mặc dù chính phủ đã cho phép thông tin và thảo luận cởi mở hơn về cuộc chiến nói trên trên truyền thông nhà nước.
2. Những lý do gì khiến cuộc chiến Việt – Trung gần như bị gạt khỏi môn lịch sử ?
Trung Quốc là thế lực chủ yếu hậu thuẫn chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong các cuộc chiến chống lại Pháp, và sau này là Mỹ, và chế độ Việt Nam Cộng Hòa do Mỹ hậu thuẫn, tuy nhiên quan hệ giữa hai nước xuống dốc nhanh chóng kể từ những năm 1970. Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, trong lúc Việt Nam vẫn gắn bó với khối Liên Xô. Sau khi Việt Nam lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, được Trung Quốc hậu thuẫn, Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới năm 1979, mà Trung Quốc gọi là để dạy cho "tiểu bá" Việt Nam một bài học. Trong bản Hiến pháp năm 1980, chế độ cộng sản Việt Nam đã gọi quốc gia đàn anh "môi hở răng lạnh" trước đây là "bá quyền Trung Quốc xâm lược", "kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm hiểm nhất".
Từ năm 1980 đến năm 1987, Hà Nội đã có nhiều động thái chính thức và bí mật để nối lại đàm phán bình thường hóa với Bắc Kinh, nhưng không có kết quả. Tháng 3/1988, Trung Quốc cưỡng chiếm nhiều khu vực thuộc quần đảo Trường Sa, do Việt Nam kiểm soát, với vụ Gạc Ma khiến 64 binh sĩ Việt Nam hy sinh. Tuy nhiên, cũng chính vào tháng 12/1988, Quốc Hội Việt Nam đã từ bỏ diễn đạt Trung Quốc là "kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất" ra khỏi Hiến pháp, để mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ.
Trong bối cảnh khối Liên Xô sụp đổ, Việt Nam bị cô lập, Bắc Kinh cũng bị quốc tế cô lập sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, hai Đảng cộng sản đã tổ chức họp bí mật năm 1990 tại Thành Đô, Trung Quốc. Kết quả là chính quyền Việt Nam đã chọn không kỷ niệm chính thức cuộc chiến Việt – Trung năm 1979. Quan hệ được bình thường hóa năm 1991. Năm 1999, Hà Nội và Bắc Kinh thiết lập "quan hệ đối tác và hợp tác chiến lược toàn diện".
Thỏa thuận giữa ban lãnh đạo hai Đảng cộng sản đóng vai trò chính trong việc cuộc chiến 1979 và giai đoạn chiến tranh biên giới dai dẳng trong thập niên 1980 bị chìm trong quên lãng, trong xã hội nói chung và bị gạt ra khỏi sách giáo khoa nói riêng. Ngoài sách giáo khoa, trong nhiều bảo tàng, cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc năm 1979 đã được tránh nhắc đến. Nhiều vết tích liên quan đến cuộc xâm lăng của Trung Quốc bị xóa bỏ, vùi trong quên lãng.
3. Những năm gần đây dường như đã có một số thay đổi quan trọng ? Đâu là những tác nhân chính mang lại thay đổi ?
Năm 2016 được coi là bước ngoặt đáng chú ý trong thái độ của chính quyền đối với biến cố lịch sử này. Tháng 2/2016, chủ tịch nước Trương Tấn Sang là lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam có chuyến viếng thăm tưởng niệm các binh sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lược Trung Quốc, tại Cao Bằng. Kể từ đó, các dịp kỷ niệm 17/02, thông tin về cuộc chiến Việt – Trung 1979 được nhắc đến nhiều hơn trên truyền thông Nhà nước, cho dù bài vở vẫn bị kiểm duyệt.
Đầu năm nay, thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Đài tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc năm 1979 tại tỉnh Quảng Ninh. Việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ hy sinh tại Vị Xuyên (Hà Giang), nơi chiến tranh diễn ra dữ dội từ 1984 đến 1989, đã được chính quyền ủng hộ.
Về phía chính quyền, tác giả bài tổng thuật trên The Diplomat ghi nhận, Hà Nội đã có một thay đổi đáng kể, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn ở Biển Đông. Năm 2014, căng thẳng giữa hai nước leo thang đến đỉnh điểm với việc Trung Quốc đưa một giàn khoan dầu vào trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc bùng lên khắp cả nước. Ký ức về cuộc chiến sống lại trong công chúng. Nhiều người bắt đầu quan tâm hơn đến các xung đột vũ trang trong quá khứ gần đây với láng giềng phương Bắc. Một số người dân tổ chức biểu tình, kiến nghị, yêu cầu Nhà nước chính thức tưởng niệm các liệt sĩ, nạn nhân cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc xâm lược.
Đóng vai trò hàng đầu trong việc mở lại các thảo luận về chiến tranh biên giới Việt – Trung, là các cựu chiến binh Việt Nam, từng tham gia xung đột, cùng các thân nhân của họ. Đặc biệt là những quân nhân tham gia chiến đấu tại Vị Xuyên (Hà Giang). Tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an Việt Nam, thừa nhận "có thể kéo dài đến năm 2014 tức là 35 năm chúng ta không kỷ niệm mít tinh, không hội thảo, truyền thông cũng không nói về cuộc chiến này" (Dân Việt, ngày 17/02/2022).
Tuy nhiên, nhìn chung, các lễ kỷ niệm hàng năm cuộc chiến Việt – Trung được đánh giá là ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các chiến thắng chống Pháp và Mỹ. Trong nhiều xuất bản báo chí, hay sách, nhiều người vẫn tránh nhắc đến từ Trung Quốc. Cuốn "Những người đi giữ biên cương", một trong những cuốn sách hiếm hoi về chiến tranh biên giới phía Bắc xuất bản năm 1979, cũng tránh nhắc đến từ Trung Quốc. Cô giáo dạy môn sử tại trường trung học ở Hà Nội, Nguyễn Ngọc Trâm, vẫn phải rất thận trọng khi đưa các nội dung liên quan đến cuộc chiến vào bài giảng, do lo ngại sẽ bị phụ huynh "phàn nàn vì nội dung dạy khác với sách giáo khoa".
4. Những trở lực nào khiến sách giáo khoa vẫn sẽ gần như không nói đến cuộc chiến biên giới Việt – Trung ?
Bài viết của Travis Vincent trên The Diplomat dẫn lại nhận định của ông Dương Danh Dy, cựu tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, trả lời BBC năm 2018, cho biết hiện tại khó nói là ai đã "đạo diễn" không khí im lặng về cuộc chiến biên giới Việt – Trung.
Còn theo giáo sư Vũ Tường, Khoa Chính trị học đại học Oregon (Hoa Kỳ), cho đến nay, cuộc chiến tranh Trung-Việt vẫn chia rẽ giới lãnh đạo Hà Nội. Giáo sư Vũ Tường nói đến hai phe, có lập trường đối kháng về chủ đề này : một phe đổ lỗi cho Lê Duẩn, cố lãnh đạo đầy quyền uy của Đảng cộng sản Việt Nam (1907 – 1986), do lập trường chống Trung Quốc, phe kia ngược lại cho rằng đảng đã mắc sai lầm, khi quá tin vào Trung Quốc. Một trong những câu hỏi mà nhiều lãnh đạo Việt Nam có thể lo ngại khi phải đối mặt, đó là "Liệu Việt Nam có thể tránh được cuộc chiến năm 1979 với Trung Quốc ? ". Giả thiết được nhiều nhà quan sát chia sẻ là Bắc Kinh "sẽ không dám tiến hành một cuộc chiến tranh quy mô chống lại Việt Nam, nếu Việt - Mỹ sớm bình thường hóa quan hệ" sau 1975.
Trả lời tác giả Travis Vincent qua email, giáo sư Vũ Tường nhận định : "Việc cho phép bất kỳ cuộc thảo luận nào về cuộc chiến đều có nguy cơ làm sâu sắc thêm rạn nứt đó,… phơi bày những sai lầm của ban lãnh đạo đảng". Giáo sư Vũ Tường nhấn mạnh là : "việc dạy trẻ em về cuộc chiến này có thể tạo ra áp lực dư luận buộc đảng phải rời xa Trung Quốc, và xích lại gần Mỹ hơn. Đây là điều mà đảng không muốn".
Trả lời RFI tiếng Việt, nhà văn Phạm Viết Đào, tác giả của nhiều khảo cứu về cuộc chiến biên giới Việt Trung (trong đó có bộ biên khảo Vị Xuyên : Thế sự Việt - Trung ) nhận định : giới lãnh đạo Việt Nam hiện tại có thể có nhiều "vướng víu" với Trung Quốc, họ bị "há miệng mắc quai", nên không thể đưa ra được các thay đổi trong vấn đề sách giáo khoa, cho dù đòi hỏi trong xã hội về chuyện này trong những năm gần đây đã rất rõ ràng. Những phụ thuộc nặng nề về tài chính có thể là một nguyên nhân chính. Nhưng người dân không thể có bằng chứng về câu chuyện diễn ra trên thượng đỉnh quyền lực này.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 18/02/2022