Một tài liệu được phát hiện trong Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh được cho là ủng hộ cáo buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng phương Tây "phản bội" Nga với sự bành trướng về phía đông của NATO. Bài báo của tạp chí Đức Der Spiegel (tuần báo uy tín nhất nước Đức) dựa trên một phát hiện của nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ Joshua Shifrinson. Đó là bản ghi nhớ cuộc họp giữa đại diện cấp cao của các bộ ngoại giao Đức, Anh, Pháp và Hoa Kỳ tại Bonn (Đức) ngày 6/3/1991. Sau đây là bản dịch :
Tài liệu mới được phát hiện hồi năm 1991 cho thấy cáo buộc Phương Tây "phản bội" Nga với sự bành trướng về phía đông của NATO là có lý
Trong nhiều thập kỷ, Nga đã tuyên bố rằng sự mở rộng về phía đông của NATO đã vi phạm các cam kết của phương Tây sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Bây giờ một tài liệu đáng chú ý đã xuất hiện.
Cách đây vài tuần, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra vô cùng tự tin. Khi được tờ SPIEGEL hỏi trong những năm 1990, liệu Nga có từng được hứa sẽ không mở rộng NATO sang phía đông hay không, người Na Uy này nói một cách dứt khoát : "Điều đó là không đúng, một lời hứa như vậy không bao giờ được đưa ra, không bao giờ có một thỏa thuận "cửa sau" như vậy. Đó quả thật là sai".
Thật không ?
Tương tự như Stoltenberg, nhiều chính trị gia, quan chức quân sự và nhà báo ở phương Tây cũng tin như thế. Việc kết nạp Ba Lan, Hungary và các nước Đông Âu khác vào NATO không mâu thuẫn với các thỏa thuận với Moscow sau khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Đó cũng là điều dễ hiểu. Ai muốn bị buộc tội ủng hộ tuyên truyền của Putin ? Tại mỗi dịp thích hợp, Tổng thống Nga Vladimir Putin phàn nàn rằng phương Tây đã lừa dối đất nước của ông bằng việc mở rộng NATO về phía đông.
Nhưng, lời nói trên của Stoltenberg và những người khác là đáng ngờ. Một ghi chú từ Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Anh chứng tỏ điều đó. Nhà khoa học chính trị người Mỹ Joshua Shifrinson đã phát hiện ra tài liệu, vốn được xếp vào loại "bí mật". Đó là về cuộc họp của các quan chức chính trị bộ ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp và Đức tại Bonn vào ngày 6 tháng 3 năm 1991.
Chủ đề cuộc họp là an ninh của Ba Lan và các nước Đông Âu khác. Đề tài thống nhất của nước Đức đã xong xuôi tốt đẹp cách đây 5 tháng, và sự kết thúc của Hiệp ước Warsaw – đế chế Xô Viết – có thể thấy trước mắt. Từ nhiều tháng qua, các chính trị gia ở Warsaw và Budapest đã báo hiệu sự quan tâm của họ đối với liên minh phương Tây. Tuy nhiên, như tài liệu cho thấy, người Anh, Mỹ, Đức và Pháp đều đồng ý rằng tư cách thành viên NATO đối với các nước Đông Âu là "không thể chấp nhận được".
Hiệp ước về dàn xếp cuối cùng đối với Đức, được gọi là "Hiệp ước hai cộng bốn", được ký kết tại Moscow vào ngày 12 tháng 9 năm 1990 giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức, cũng như Pháp, Liên Xô, Anh và Hoa Kỳ.
Đáng chú ý là sự biện minh (giải thích lý do). Theo bản ghi nhớ, đại diện của Bonn, Jürgen Chrobog cho biết : "Trong các cuộc đàm phán hai cộng bốn, chúng tôi đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ không mở rộng NATO ra ngoài sông Elbe. Do đó, chúng tôi không thể đề nghị Ba Lan và các nước khác trở thành thành viên NATO". Trong các cuộc đàm phán hai cộng bốn, CHLB Đức và CHDC Đức đã thương lượng về sự thống nhất của Đức với các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp.
Kể từ năm 1993, rất lâu trước chính thể Putin, người Nga đã tuyên bố rằng sự mở rộng về phía đông của NATO vi phạm tinh thần của hiệp ước hai cộng bốn. Rõ ràng Chrobog cũng đã nhìn thấy nó theo cách đó. Căn cứ vào ghi chú trên, khiếu nại của Nga là trùng hợp với quan điểm chính thức của chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Helmut Kohl (đảng CDU) và Bộ trưởng Ngoại giao Hans-Dietrich Genscher (đảng FDP) hồi năm 1991.
Và người Mỹ có lẽ đã nhìn nhận tình hình năm 1991 theo cách mà Putin đang miêu tả nó ngày nay. Theo ghi chú của Chrobog, Đại diện Mỹ Raymond Seitz đồng ý và nói : "Chúng tôi đã nói rõ với Liên Xô – trong các cuộc đàm phán hai cộng bốn cũng như các cuộc đàm phán khác – rằng chúng tôi sẽ không lợi dụng việc rút quân đội Liên Xô khỏi Đông Âu… NATO sẽ không mở rộng chính thức và không chính thức sang phía Đông".
Phát hiện mới trong kho lưu trữ phù hợp với vô số tài liệu từ những tháng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ hiện đã có sẵn. Tuy nhiên, phương Tây đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận ràng buộc pháp lý nào với Điện Kremlin nhằm loại trừ việc NATO mở rộng về phía đông. Nói đúng hơn, vào năm 1990, nhiều chính trị gia và quan chức liên quan của cả hai bên đã ứng xử một cách thiện chí.
Người đứng đầu Điện Kremlin vào lúc đó, Mikhail Gorbachev, đã hứa đưa vào thực hiện dân chủ, tôn trọng nhân quyền và tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc ; Gorbachev thậm chí còn đưa ra ý tưởng rằng Liên Xô có thể gia nhập NATO. Đế chế ở phía đông làm như nó có khả năng cải cách. Và vì vậy Kohl, Genscher và các chính trị gia phương Tây khác thực sự muốn thay đổi NATO thành một liên minh chính trị và coi trọng lợi ích của Điện Kremlin. Đáng lẽ ra không bao giờ có xung đột về sự mở rộng về phía đông của NATO.
Klaus Wiegrefe
Nguyên tác : "Neuer Aktenfund von 1991 stützt russischen Vorwurf", Der Spiegel, 18/02/2022
Hiếu Bá Linh dịch
Nguồn : VNTB, 20/02/2022