Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/02/2022

"Phần Lan hóa" là gì ?

The Economist

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến các quan chức phương Tây tuyệt vọng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn một cuộc xâm lược của Nga. Trên đường tới cuộc gặp với Tổng thống Nga, Vladimir Putin, tại Moscow, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được hỏi về một giải pháp khả dĩ : "Phần Lan hóa", ám chỉ tình trạng trung lập chính thức của Phần Lan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ông Macron thừa nhận đó là "một mô hình đang được cân nhắc", nhưng ông khẳng định các nhà ngoại giao sẽ phải tìm ra một cái gì đó mới. Tin tức này đã làm dấy lên sự giận dữ ở cả Ukraine lẫn Phần Lan, nơi mà ký ức về trải nghiệm này không hề dễ chịu. Trên thực tế, "Phần Lan hóa" hoạt động như thế nào và tình trạng tương tự có thể được áp dụng cho Ukraine ra sao ?

 phanlan0

Bản đồ các nước thành viên NATO. Nguồn : The Economist.

Khi Châu Âu dần chia thành hai khối đối lập do Mỹ và Liên Xô dẫn đầu vào buổi bình minh của Chiến tranh Lạnh, Phần Lan có một vị thế đặc biệt. Mặc dù chống lại một cuộc xâm lược toàn diện của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước này đã buộc phải nhượng lại những vùng lãnh thổ rộng lớn, chi trả bồi thường và cho hợp pháp hóa Đảng cộng sản Phần Lan. Trong thời kỳ ngay sau chiến tranh, đất nước này có ít mối liên hệ với phương Tây và bị người láng giềng khổng lồ ở phía đông đe dọa. Một hiệp ước được ký với Liên Xô năm 1948 đã trở thành cơ sở cho chính sách "Phần Lan hóa". Phần Lan sẽ được duy trì chủ quyền của mình nhưng phải giữ vị trí trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa hai siêu cường, không tham gia NATO lẫn Hiệp ước Warsaw.

Trên thực tế, cái giá phải trả cho nền độc lập của Phần Lan là Liên Xô sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến nền chính trị của nước này. Urho Kekkonen, tổng thống Phần Lan trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đã coi tình hữu nghị với Liên Xô là hòn đá tảng trong thời gian ông cầm quyền và biến vai trò được cho là không thể thiếu của ông trong việc bảo vệ mối quan hệ với Điện Kremlin thành một lợi thế chính trị. Ông thường xuyên vượt quá thẩm quyền hiến định của mình, thiết lập các mạng lưới cá nhân tham nhũng và từ chối bổ nhiệm những người mà giới lãnh đạo Liên Xô không chấp nhận vào các chức vụ quan trọng. Đảng bảo thủ chính, đảng Liên minh Quốc gia, bị loại khỏi các chính phủ liên minh, mặc dù đã giành được số ghế quốc hội nhiều thứ hai hoặc thứ ba trong năm cuộc bầu cử từ năm 1966 đến năm 1987. Truyền thông Phần Lan thường xuyên phải tự kiểm duyệt khi nói về các nội dung được coi là mang tính chỉ trích Liên Xô. Tammi, một nhà xuất bản, đã phải chịu khuất phục trước áp lực vào năm 1974 và không phát hành bản dịch tiếng Phần Lan của cuốn "Quần đảo ngục tù" (The Gulag Archipelago), một cuốn tiểu thuyết của nhà bất đồng chính kiến ​​hàng đầu Liên Xô, Alexander Solzhenitsyn, mc dù cun sách cui cùng cũng đã được xut bn Phn Lan vài năm sau đó.

Sự trung lập cũng không giúp Phần Lan tránh khỏi ảnh hưởng của Liên Xô về mặt chính sách đối ngoại. Để xoa dịu Liên Xô sau khi nước này ký một thỏa thuận vào năm 1972 với Cộng đồng Kinh tế Châu Âu, tiền thân của Liên minh Châu Âu, Phần Lan đã phải tham gia Comecon (Hội đồng Tương trợ Kinh tế), một khối do Liên Xô lãnh đạo, với tư cách là quan sát viên vào năm 1973. Các nhà lãnh đạo Phần Lan đã cố gắng kiềm chế không chỉ trích công khai chính sách đối nội và đối ngoại của Liên Xô, ngay cả khi Liên Xô can thiệp quân sự vào Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968 và Afghanistan năm 1979.

Bất chấp những hạn chế này, Phần Lan đã phát triển rực rỡ. Nước này duy trì khả năng phòng thủ mạnh mẽ và vẫn là một nền dân chủ tự do. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước này đã có thể theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập thực sự. Năm 1994, Phần Lan tham gia Đối tác vì Hòa bình của NATO, một chương trình hợp tác quốc phòng không dẫn đến tư cách thành viên đầy đủ, và vào năm 1995, nước này trở thành thành viên của Liên minh Châu Âu. Ngày nay, lập trường hiếu chiến của Nga ở Ukraine đã khiến các nhà lãnh đạo Phần Lan phải xem xét các mối quan hệ thậm chí gần gũi hơn nữa với phương Tây. Vào tháng 12 năm 2021, họ đã chọn mua F-35 do Mỹ sản xuất làm thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của mình, trong khi Sauli Niinisto, Tổng thống Phần Lan, nhắc lại rằng Phần Lan được tự do lựa chọn liên kết quân sự của mình, và điều đó bao gồm cả lựa chọn gia nhập NATO.

Đối với những người Ukraine đang lo lắng cân nhắc về số phận của họ, "Phần Lan hóa" có vẻ không hấp dẫn. Mục tiêu chính của Putin đối với Ukraine, cũng như với Phần Lan trước đây, là ngăn nước này không bao giờ được gia nhập NATO. Các yêu cầu khác của Putin cũng sẽ hạn chế chủ quyền của Ukraine, điều mà Macron và các lãnh đạo phương Tây khác cho là lằn ranh đỏ. Việc thực hiện các nghị định thư Minsk, vốn kêu gọi Ukraine phân cấp quyền lực cho các khu vực do phiến quân thân Nga nắm giữ ở miền đông Ukraine, có thể giúp Moscow tham gia trực tiếp vào chính trường Ukraine thông qua các nhân vật ủy nhiệm của họ ở đó. Mặc dù Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ đáng kể về ngoại giao và vật chất từ ​​phương Tây, nhưng theo nhiều cách khác nhau, vị thế của Ukraine yếu hơn so với Phần Lan vào thời kỳ đầu Chiến tranh Lạnh. Nền kinh tế và chính trị của nó đang rối loạn chức năng, và các lực lượng Nga cũng như lực lượng ủy nhiệm của họ đã chiếm đóng lãnh thổ Ukraine ở Crimea và Donbas. "Phần Lan hóa" có thể cho phép Ukraine tránh được một cuộc xâm lược, nhưng nước này sẽ nằm trong sự kìm kẹp của Moscow.

The Economist

Nguyên tác : What is "Finlandisation" ?, The Economist, 14/02/2022.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 16/02/0222

*********************

30/11/1939 : Liên Xô tấn công Phần Lan

The Economist, Nghiên cứu quốc tế, 30/11/2018

Vào ngày này năm 1939, Hồng quân đã vượt biên giới Liên Xô-Phần Lan với 465.000 lính và 1.000 máy bay. Helsinki bị không kích, và 61 người Phần Lan đã bị thiệt mạng, khiến người Phần Lan đứng dậy chiến đấu, thay vì đầu hàng.

finland2

Lực lượng áp đảo của Liên Xô khiến hầu hết các quốc gia phương Tây, cũng như chính Liên Xô, tin rằng cuộc xâm chiếm Phần Lan sẽ là một cuộc dạo chơi. Các binh sĩ Liên Xô thậm chí còn mặc đồng phục mùa hè, mặc dù mùa đông Scandinavia đã bắt đầu ; bởi họ cho rằng sẽ không có hoạt động ngoài trời nào, chẳng hạn như chiến đấu.

Nhưng cuộc tấn công vào Helsinki đã gây ra nhiều thương vong – và có nhiều bức ảnh, bao gồm những bà mẹ đang ôm những đứa trẻ đã chết, và những cô bé bị tàn tật bởi bom đạn. Những bức ảnh này được treo lên khắp nơi để thúc đẩy tinh thần chiến đấu của người dân Phần Lan.

Mặc dù phong trào kháng chiến chỉ bao gồm một số lượng nhỏ những người lính được huấn luyện, sử dụng ván trượt tuyết và xe đạp chiến đấu dũng cảm trong những khu rừng, và dân quân kháng chiến ném bom xăng vào trong các tháp pháo xe tăng Liên Xô, nhưng việc Phần Lan từ chối đầu hàng đã trở thành tin chính của các báo trên khắp thế giới.

Tổng thống Roosevelt nhanh chóng trao khoản tín dụng 10 triệu đô la cho Phần Lan, đồng thời cũng lưu ý rằng Phần Lan là quốc gia duy nhất đã trả toàn bộ khoản nợ Thế Chiến I của họ cho Hoa Kỳ. Nhưng khi Liên Xô có cơ hội củng cố lực lượng và gửi các nhóm tiếp viện lớn, lực lượng kháng chiến Phần Lan đã trở nên kiệt quệ. Vào tháng 03 năm 1940, các cuộc đàm phán với Liên Xô bắt đầu, và Phần Lan sớm phải nhượng cho Liên Xô eo đất Karelia, khu vực cầu nối để tiếp cận Leningrad, cũng chính là khu vực mà Liên Xô muốn kiểm soát.

History.com Editors

Nguyên tác : U.S.S.R. attacks Finland, History, 20/02/2022

Lê Thị Hồng Loan biên dịch

Lê Hồng Hiệp biên tập

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 21/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)