Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/02/2022

Lâm vào cảnh khốn cùng, công nhân xuống đường đòi quyền lợi

Nhiều tác giả

Khi chiếc lò xo bung…

Ngọc Lan, VNTB, 21/02/2022

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Đời sống xã hội (Viện SocialLife ), có nhận xét, thời điểm sau Tết Nguyên đán là cơ hội để chính quyền thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động bền vững hơn.

dinhcong1

Người lao động đình công không hề có tính toán trước mà là trạng thái cảm xúc dồn nén, đến một độ nào đó kết hợp cơ chế tập thể sẽ bộc phát.

Đơn cử, nhà nước có thể tận dụng đòn bẩy và có cơ chế quản lý, giám sát chính sách ưu đãi về thuế, tài chính, vay ưu đãi… cho những doanh nghiệp xây dựng các nhà lưu trú, hay cho chủ nhà trọ đảm bảo bình ổn giá thuê, xây dựng hay cải thiện không gian sống cho người lao động, không thu phí điện, nước cao hơn mức bình thường…

Bởi lẽ, các doanh nghiệp cũng như chủ nhà trọ cũng là một loại dịch vụ phúc lợi, và người lao động hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ những chính sách đòn bẩy đó.

Vẫn theo ông Nguyễn Đức Lộc, khi nền kinh tế mở cửa từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam với chính sách trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư với nhiều ưu đãi để thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống dân sinh như : chính sách tiền lương giá rẻ, đầu tư qui hoạch các khu công nghiệp tập trung với các điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung theo qui mô lớn và trọng điểm.

Chính điều này đã tạo ra sức hút lao động từ các khu vực từ nông thôn về các vùng kinh tế trọng điểm. Họ rời khỏi quê hương, bản quán để tới trú ngụ tạm bợ nơi đô thị.

"Với khoản thu nhập ít ỏi, người lao động đã phải làm việc nhiều hơn, cực nhọc hơn và nghèo nàn về thời gian hơn để mua lấy sự an sinh. Chính vì vậy, từ lâu những người lao động di cư dường như đã hình thành tập tính tự xoay sở, tự lo toan và khi những biến cố xảy ra họ cũng một lần nữa ‘trở về để tự sắp xếp chuyện gia đình’.

Khi đại dịch bùng phát, theo số liệu khảo sát của chúng tôi có tới 82% trên tổng số 850 người được hỏi cho biết kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn tài chính. Nguồn thu nhập ít ỏi của họ dường như mất trắng, trong đó nhóm chịu ảnh hưởng nhất chính là nhóm lao động tự do với 73,7% và giáo viên tư thục 73,8% là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ở khía cạnh dịch bệnh, hầu hết trong số hoàn cảnh gia đình người lao động di cư tự thân cũng trở thành nhóm dễ bị tổn thương vì dịch bệnh. Một trong những lý do là điều kiện cư trú chật hẹp.

Những lúc khó khăn cùng cực, họ cũng đã phải gắng gượng để mưu sinh, để sống cuộc đời của mình và lo toan cho người thân. Trong quan sát của chúng tôi, họ là một trong nhóm đi đầu về việc thích ứng an toàn" –ông Nguyễn Đức Lộc diễn giải.

Từ quan sát và ghi nhận ở trên, ông Lộc cho biết thực ra số cuộc đình công trước đó bộc phát đã giảm và chuyển sang đối thoại có lý tính hơn. Người lao động đã biết sử dụng người đối thoại, người trung gian, đồng thời viện dẫn chính sách pháp luật khi đình công để đạt được thương thảo.

Tuy nhiên ông Lộc lo những nguyên nhân phức tạp trong đình công gần đây có thể đạp đổ thành quả này. Ông kiến nghị đây là giai đoạn cần phát huy vai trò trung gian của công đoàn, trước hết là dàn xếp về mặt cảm xúc để người lao động và người sử dụng lao động thấu hiểu nhau.

"Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch, nhưng ngược lại nhiều bên sử dụng lao động vẫn đang đối xử với công nhân của mình theo kiểu cò kè bớt một thêm hai. Trong đại dịch, ai cũng đang cảm thấy bị tổn thương và một khi có người lên tiếng thì đó là tiếng nói chung của họ", ông Lộc nói.

Viện trưởng Sociallife cho biết các nghiên cứu nhận thấy, người lao động đình công không hề có tính toán trước mà là trạng thái cảm xúc dồn nén, đến một độ nào đó kết hợp cơ chế tập thể sẽ bộc phát. Nhóm nghiên cứu của Sociallife từng phỏng vấn một cuộc đình công ở Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên do một công nhân phát hiện bữa cơm trưa có giòi.

Người đó gõ vào mâm, tự dưng cả nhà ăn náo loạn, xảy ra đình công, ngừng việc tập thể và kéo theo phản ánh nhiều chính sách bất hợp lý khác…

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 21/02/2022

**********************

Công đoàn độc lập có đe dọa về "độc quyền chính trị" của Đảng ?

Huỳnh Liên, VNTB, 19/02/2022

Quy định mới của Bộ luật lao động (sửa đổi) cho phép người lao động được thành lập, gia nhập tổ chức đại diện của mình, có thể ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

dinhcong2

Trong cách nhìn bảo thủ, thì công đoàn độc lập chỉ nhằm ủ mưu thúc đẩy đa nguyên, đối lập…

Việc chấm dứt độc quyền công đoàn này thông qua việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động, trước hết là bởi yêu cầu thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do CPTPP và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Đây là các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi cao về tiêu chuẩn lao động.

Vấn đề tự do công đoàn hay đại diện ngoài công đoàn thật ra đã được quy định từ trước khi Việt Nam ký kết CPTPP, tuy nhiên chủ yếu là vẫn dừng ở lý thuyết, khi từ năm 2008, trong nghị định về cổ phần hóa đã có quy định nếu người lao động muốn thì có thể thành lập, trong những đơn vị chưa có công đoàn thì người lao động có thể bầu tổ chức đại diện cho mình.

Có ý kiến rằng sao cứ phải chính trị hóa vấn đề công đoàn ? Tại sao không mạnh dạn quy định trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện cho người lao động thật đơn giản, tránh làm phức tạp quy trình để rồi gây khó cho người lao động, cạnh tranh không bình đẳng giữa các tổ chức ?

Trong các văn bản chính thức, cho đến nay, Việt Nam sử dụng thuật ngữ "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn" để chỉ tổ chức đại diện của công nhân tại doanh nghiệp sẽ được thành lập theo cam kết trong CPTPP.

Giả dụ chấp nhận việc tiếp tục "chính trị hóa", có thể thấy rằng cho đến nay, người ta vẫn chưa nhận diện được nền tảng lý luận về cái gọi là "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn", chưa tường minh, nội hàm về "tính độc lập"của tổ chức này cũng chưa được xác định rõ.

Trong hoàn cảnh như trên, vấn đề đáng chú ý trước tiên là, phải tránh xu hướng hiểu không đúng và không đầy đủ về "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn".

Hiện tại, quan sát qua các tường thuật trên báo chí "tuyên giáo Đảng", cho thấy thái độ nhìn nhận của chủ thể theo hai xu hướng trái ngược nhau.

Xu hướng thứ nhất là hoài nghi, cho rằng "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn" xa lạ và không phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, có tác động tiêu cực là chủ yếu ; từ đó, dẫn đến lo lắng, không ủng hộ, thậm chí tiêu cực hơn là tẩy chay và phản đối sự ra đời của "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn".

Xu hướng này sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện cam kết CPTPP nói riêng và thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, công đoàn nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.

Xu hướng thứ hai, mang tính mơ hồ, cho rằng "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn" ra đời là cứu cánh, phá vỡ rào cản, cởi bỏ nút thắt kìm hãm sự phát triển của phong trào công nhân, công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Từ đó, có thái độ lạc quan thái quá, dẫn đến chủ quan, nóng vội, thiếu thận trọng trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lao động và công đoàn, cũng như trong thực hiện các bước đi, các giải pháp quản lý cần thiết ; để ra đời những "tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn" gượng ép, không thực chất, không đáp ứng yêu cầu là đại diện thực chất của người lao động.

Cả hai xu hướng trên đều không có lợi. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải thống nhất về nhận thức để có hành động đúng.

Giờ đã là tháng 2/2022. Theo lộ trình ký kết các công ước về lao động thì mười tháng nữa, năm 2023 Việt Nam sẽ ký Công ước 87, là công ước cuối cùng trong bốn cặp công ước mà Việt Nam ký kết cho tiến trình hội nhập.

Công ước cuối cùng này mới là trực tiếp liên quan đến việc thành lập công đoàn độc lập. Dù muốn dù không, khi thay đổi một chính sách thì cần phải có thời gian nhất định, nhất là đối với Việt Nam, nên có lẽ cùng chờ đợi những bước tiếp theo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Huỳnh Liên

Nguồn : VNTB, 19/02/2022

**********************

Biểu tình đòi quyền lợi đang lan rộng

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 17/02/2022

Nếu như báo chí Việt Nam dùng cụm từ "ngừng việc tập thể" thay cho "đình công", thì tên gọi ở đây cũng còn có thể là các cuộc "biểu tình" của người lao động để đòi hỏi về quyền lợi.

dinhcong3

Hàng trăm công nhân ở Hà Tĩnh tụ tập trên xe máy đòi quyền lợi.

Từ khoảng 13g ngày 15/2, hàng trăm công nhân thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina, đóng tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã tụ tập tại trụ sở công ty này để đòi hỏi một số quyền lợi. Hầu hết họ cho rằng do lương thấp nên yêu cầu công ty xem xét lại mức lương.

Sau khi được đối thoại, giải đáp, giải quyết các kiến nghị vào buổi sáng, đến chiều ngày 16/2, hầu hết công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Hồng Lĩnh đã trở lại làm việc bình thường.

Đến thời điểm này, Công ty Haivina cũng đã có văn bản trả lời tất cả 19 kiến nghị của công nhân được tổng hợp trong buổi ngừng việc hôm 15/2. Trong đó, đáng chú ý là công ty đồng ý với kiến nghị đối với những người đủ điều kiện tăng bậc lương thì sẽ tăng 5% lương cơ bản, đồng thời vẫn giữ nguyên các phụ cấp khác.

Đối với tiền hỗ trợ Covid-19, khi nào có tiền hỗ trợ từ Chính phủ chuyển về, công ty sẽ tiến hành chi trả. Công ty cũng thêm quạt trong nhà xưởng, cải thiện chất lượng bữa ăn ; xem xét có thể giảm thời gian công nhân may chuyển sang cắt chỉ còn 10 phút, cần thiết hơn thì có thể bỏ hẳn thợ may cắt chỉ…

Về thắc mắc tại sao trong đăng tuyển lao động, công ty đưa ra mức lương 5,5 triệu đồng nhưng thực tế thấp hơn, Công ty giải đáp mức lương đó hoàn toàn có thể đạt được nếu làm việc đầy đủ thời gian và tăng ca 1,5 giờ/ngày làm việc…

Công ty trách nhiệm hữu hạn Haivina Hồng Lĩnh được thành lập ngày 05/10/2018 là doanh nghiệp may mặc 100% vốn Hàn Quốc, vốn đầu tư ban đầu 15 triệu USD tương đương 345 tỷ đồng, hiện tại đang điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu đô tương đương với 69 tỷ đồng, tăng tổng mức đầu tư lên 414 tỷ, tương đương 18 triệu đô.

Hiện công ty có 4 nhà xưởng rộng 9,9 ha với tổng số gần 2.300 công nhân lao động đang làm việc. Mức tiền lương bình quân là 5 triệu đồng. Ghi nhận ý kiến bên lề vụ việc, cho thấy việc nhiều công nhân mới vào làm việc được ít tháng song lại yêu cầu được tăng lương 5% như những người đã làm việc 3 năm, tức đủ thời gian để được tăng lương là điều khó hiểu.

Tiền lương bình quân người lao động của công ty là 5.010.222 đồng/tháng, cao nhất 23.920.368 đồng/tháng, thấp nhất 4.765.241 đồng/tháng.

Ngoài ra việc đi chậm giờ bị trừ tiền chuyên cần, công bằng mà nói đây là một quy định có phần thừa thãi, vì theo nguyên tắc, người lao động phải chấp hành kỷ luật lao động của doanh nghiệp về giờ giấc công việc.

Trong ngày 16/2/2022, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh ký công văn về vấn đề gọi là "giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể" gửi công đoàn các tỉnh thành và công đoàn ngành.

Theo đó, trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc "ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động" tại 11 địa phương. Ông Phan Văn Anh xác nhận thống kê số cuộc có giảm so với cùng kỳ năm 2021, quy mô không lớn song "tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp".

Nguyên nhân "ngừng việc tập thể", tranh chấp lao động tại các địa phương chủ yếu do người lao động chưa đồng tình với thay đổi hình thức trả lương, nâng lương định kỳ của doanh nghiệp, trả thưởng thấp hơn so với năm trước. Một số cuộc còn khởi phát từ thái độ không đúng mực của quản lý với công nhân, doanh nghiệp đưa ra quy định chưa phù hợp, cứng nhắc với người lao động, chất lượng bữa ăn ca kém…

Với những cách dùng từ mang tính tránh né này, cho thấy một khi không nhìn thẳng vào sự thật cần thiết của quyền đình công, quyền biểu tình cũng như quyền tự do hiệp hội, tự do công đoàn của người lao động thì những cách giải quyết chỉ là mang tính tình thế, với hệ lụy là tạo làn sóng âm ỉ về ấm ức mà người lao động phải cam chịu trong thể chế cái gì cũng phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo của đảng.

Ở góc nhìn khác, theo nhận xét của một nhà báo từng chuyên trách mảng công đoàn, thì đây chính là phần nổi của tảng băng chìm về những bế tắc trong đời sống bởi hàng loạt các mệnh lệnh hành chính hà khắc nhân danh kiểm soát dịch giã. Bởi hơn ai hết, công nhân hiểu khi chủ doanh nghiệp đứt đơn hàng thì họ cũng mất việc, chứ nói chi tới việc đình công, yêu sách.

Thế nhưng để giải tỏa những bí bách cơm gạo áo tiền, người ta không thể xuống đường biểu tình, nên trong nhiều trường hợp chỉ cần mồi lửa nhỏ của bế tắc, lập tức đám cháy bùng lớn cho cái gọi là "ngừng việc tập thể" để yêu sách ngay cả phần tiền không hề trong thẩm quyền của chủ doanh nghiệp, là "tiền hỗ trợ Covid-19" như với trường hợp ở đầu bài viết này.

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 17/02/2022

**********************

Hoan hô bạn đình công vì mức lương tối thiểu quá thấp

Phạm Đình Bá, VNTB, 15/02/2022

Gần đây có những vụ đình công đòi tăng lương. Từ ngày 7/2/2022 đến ngày 11/2, 5000 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Viet Glory ở huyện Diễn Châu, Nghệ An đình công đòi tăng lương cơ bản, bổ sung phụ cấp thâm niên, đảm bảo các chế độ hỗ trợ và tôn trọng người lao động [1]. Ngày 14/2, hơn 5.000 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Vienergy (địa chỉ tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã đi làm trở lại sau nhiều ngày đình công đòi tăng lương [2]. Công ty trách nhiệm hữu hạn Vienergy đã đồng ý tăng 6% lương cho công nhân – mức lương thử việc tăng từ 3.920.000 đồng lên 4.150.000 đồng, và lương chính thức tăng từ 4.194.400 đồng lên 4.440.000 đồng. 

dinhcong4

Việt Nam nên cạnh tranh với các nước khác dựa vào quản trị không tham nhũng, nhân lực trẻ và giáo dục cao, điều kiện làm việc tốt và giá trị đời sống cao.

T.K.Tran phân tích các vụ đình công trên. T.K. kết luận là tiền lương tối thiểu quá thấp là nguyên nhân chính của đình công. Theo T.K., hội đồng tiền lương của Nhà nước nên ấn định lại mức lương tối thiểu Vùng, nên nâng cao mức lương tối thiểu đến mức công nhân có thể duy trì cuộc sống. Điều nầy rất quan trọng bởi các doanh nghiệp dựa vào mức lương tối thiểu để trả lương cho công nhân [3]. Trong trường hợp Vietglory, chủ nhân đã nói là họ không làm gì sai vì đã theo đúng pháp luật Việt Nam, trả lương cơ bản còn cao hơn mức luật ấn định.

Tôi tìm các dữ liệu liên hệ. Mức lương tối thiểu ở các nước ASEAN đang tăng dần để phù hợp với mức tăng chi phí sinh hoạt của khu vực và thúc đẩy nhu cầu trong nước [4]. Tuy nhiên, do đại dịch, nhiều nước ASEAN đã không tăng lương tối thiểu hoặc tăng không đáng kể. Bất chấp việc tăng lương, mức lương tối thiểu ở đa số các nước ASEAN vẫn nằm trong nhóm thấp nhất ở Châu Á.

Việt Nam – Mức lương tối thiểu hàng tháng là kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2020, không thay đổi cho năm 2021 [4]. Ở, khu vực I (Hà Nội và Sài Gòn), mức lương tối thiểu hàng tháng là 4.200.000 đồng (181 USD) trong khi khu vực IV thấp nhất với 3.070.000 đồng (132 USD).

Mã Lai – Mức lương tối thiểu hàng tháng năm 2020 đã tiếp tục đến năm 2021, mặc dù chính phủ sẽ tiến hành xem xét để đảm bảo thu nhập vẫn phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại [4]. Mức lương tối thiểu hàng tháng ở 56 thành phố lớn là 1.200 ringgit (291 USD, so sánh với 181 USD ở Việt Nam), trong khi mức lương tối thiểu ở các khu vực ngoài thành thị và thị trấn nông thôn là 1.100 ringgit (266 USD, so với 132 USD ở Việt Nam).

Nam Dương – Bộ Nhân lực Indonesia đã ban hành thông tư vào cuối tháng 10 năm 2020, trong đó khuyến cáo rằng do tác động kinh tế của đại dịch, các chính phủ khu vực nên giữ mức lương tối thiểu hàng tháng trong đại dịch giống như năm 2020 [4]. Trong số 34 tỉnh của Indonesia, chỉ có năm tỉnh quyết định tăng lương tối thiểu cho năm 2021. Mức lương tối thiểu ở Indonesia được yêu cầu thông qua Quy định 78 năm 2015 của Chính phủ, cung cấp công thức cho các chính phủ khu vực để tính toán tỷ lệ phần trăm tăng của mức lương tối thiểu. Từ công thức nầy, người viết bài nầy ước lượng mức lương tối thiểu trung bình hàng tháng là 185 USD, cao nhất là 306 USD và thấp nhất là 122 USD. Ước tính là ở vùng đắt đỏ I, mức lương là từ 209 – 306 USD (so với 181 USD ở Việt Nam), vùng đắt đỏ II là 180 – 208 USD, vùng III là 164 – 179 USD, và vùng IV là 122 – 163 USD (so với 132 USD ở Việt Nam).

Philippines – Philippines có mức lương tối thiểu hàng ngày thay đổi theo từng khu vực, dao động từ PHP316 (6,57 USD mỗi ngày, so với 6,34 USD ở Việt Nam) đến P537 (11,17 USD, so với 8,69 USD) cho năm 2021 [4]. Các con số lương tối thiểu ở Việt Nam là do tôi tính để tiện so sánh, giả đính là 150 ngày làm việc trong năm 2021 và 20.83 ngày làm việc mỗi tháng.

Thái Lan – Mức lương tối thiểu hàng ngày ở Thái Lan dao động từ 313 baht (10,03 USD, so với 6,34 USD ở Việt Nam) đến 336 baht (10,77 USD, so với 8,69 USD đô la Mỹ) cho năm 2021 [4].

Kết luận : Tôi đồng ý với T.K. là Việt Nam nên tăng mức lương tối thiểu để công nhân ta có đời sống bảo đảm như công nhân ở Nam Dương hay Mã Lai. Thực hiện việc nầy có thể làm cho Việt Nam mất đi một phần lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư vào đất nước. Nhưng Việt Nam nên cạnh tranh với các nước khác dựa vào quản trị không tham nhũng, nhân lực trẻ và giáo dục cao, điều kiện làm việc tốt và giá trị đời sống cao. 

Không nên chèn ép công nhân để thu hút đầu tư. Nếu không thì việc công nhân đình công là rất đáng được sự ủng hộ của mọi người và của các nguồn truyền thông xã hội, ví dụ như Việt Nam Thời Báo.

Phạm Đình Bá

Nguồn : VNTB, 15/02/2022

Tài liệu

(1) Ngọc Tú. CAFEF – 5 ngày nghỉ việc của 5000 công nhân đầu năm mới : "Không tăng lương, chúng tôi không làm", 11-02/2022.

(2) Minh Hải and K. Hoan. 10.000 công nhân đình công ở Ninh Bình, Nghệ An đã đi làm trở lại, 14/02/2022.

(3) T.K.Tran. VNTB – Đình công nối tiếp đình công… và vai trò mờ nhạt của Công đoàn. 14/02/2022.

Asianbriefing.com. Minimum Wages in ASEAN for 2021. April 16, 2013.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Lan, Huỳnh Liên, Trần Dzạ Dzũng, Phạm Đình Bá
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)