Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/02/2022

Đình công : vũ khí tự vệ cuối cùng của công nhân Việt Nam

Phạm Quý Thọ - Trần Quốc Việt

Chúng ta phải lên tiếng ủng hộ công nhân !

Trần Quốc Việt, 21/02/2022

Vì quyền lợi thiết thân của mình, hàng ngàn công nhân đã và đang đình công để phản đối luật bảo hiểm mới mang tính chất cướp đoạt công khai và lường gạt trắng trợn bao công sức khó nhọc của họ. Lên tiếng ủng hộ họ chính là sự đồng hành của lương tâm chúng ta với sự đấu tranh của công nhân, và là một trong những bước đầu tiên để kêu gọi lực lượng công nhân đông đảo hướng về tương lai tự do và dân chủ chung, một nền tảng thể chế bảo đảm bền vững quyền lợi của họ và mở ra những chân trời mới sáng lạn cho tất cả mọi người Việt Nam hôm nay và ngày mai.

dinhcong2

Những người đấu tranh cho tự do và dân chủ đứng trong và bên ngoài các tổ chức dân sự tuy còn non yếu nhưng đông đảo nên và phải lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ họ, cùng sát cánh đồng hành tinh thần và chính nghĩa với họ, cùng đứng trên điểm xuất phát chung là quyền lợi của họ để từ từ tiến về mục tiêu tự do và dân chủ chung mà chúng ta đã và đang ươm trồng, nuôi dưỡng, và đấu tranh không ngừng trong suốt hàng chục năm nay.

Hãy nhìn vào lịch sử thế giới đấu tranh bất bạo động - một chọn lựa mang tính chiến lược và đạo đức - để học hỏi những bài học chiến thuật đấu tranh của rất nhiều dân tộc và từ đấy ta thấy rõ chiến thuật họ dùng và áp dụng chúng một cách linh hoạt và sáng tạo trong hoàn cảnh và tình hình trong từng thời điểm ở Việt Nam.

Những nhà cựu lãnh đạo phong trào tuổi trẻ phản kháng Otpor, phong trào lật đổ thành công chế độ độc tài ở Nam Tư vào năm 2000, đưa ra lời khuyên quan trọng là đa số mọi người đều không quan tâm về nhân quyền. Họ quan tâm về những vấn đề thiết thực hơn và trước mắt hơn như điện nước, giáo dục, sinh kế, hay những quyền lợi sát sườn khác. Chúng ta thấy rõ điều này hơn khi thấy cuộc tuần hành vì cây xanh ở Hà Nội, vô số các cuộc biểu tình của tiểu thương phản đối việc phá các chợ truyền thống để xây những khu trung tâm thương mại mà ảnh hưởng lớn đến việc buôn bán của họ, những cuộc phản đối vì môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề, những vụ người dân phản đối tập thể việc cưỡng đoạt đất đai như ở Dương Nội, vân vân. Tập trung vào những vấn đề dân sinh này không chỉ dễ thành công hơn mà còn an toàn hơn và dễ gầy dựng phong trào ở cơ sở hơn. Nhân dân thuộc mọi tầng lớp sẽ đứng hẳn và dứt khoát về phía những phong trào và tổ chức dân sự nào có tầm nhìn mà hứa hẹn sẽ làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn không những cho ngày mai mà cho ngay từ bây giờ.Và đa phần những cuộc phản kháng nhỏ và thực tế này dễ thành công, từ đấy phong trào lớn dần theo những chiến thắng nhỏ này đến những chiến thắng nhỏ khác. Đây chính là những mồi lửa và những cuộc diễn tập cho những cuộc biểu tình lớn đồng loạt và liên tục của hàng trăm ngàn người trong tương lai cho những mục tiêu lâu dài hơn và chiến lược hơn.

Mặt khác, nói về bao cảnh đời và số phận khốn khổ và bị tàn hại dưới chế độ độc tài là một chiến lược không hay. Ai cũng biết hết, và người dân chỉ càng trở nên sợ hãi hơn, co cụm hơn, cam phận hơn, thụ động hơn và ích kỷ hơn. Chưa bao giờ có cuộc biểu tình thực sự của xã hội ở Việt Nam để phản đối việc công an giết người trong các đồn công an ngoại trừ những sự phản đối nhỏ nhoi và thoáng qua của các gia đình nạn nhân và thân hữu. Còn đa phần những người không liên quan cũng tức giận lắm nhưng không làm gì hết. Quyền lợi thực tế, chứ không phải sự phẫn nộ, mới chính là nhân tố tạo thời cơ.

Lich sử đã minh họa những lời họ khuyên chúng ta.

Phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan khởi đi và lớn mạnh mau chóng phần nào từ khẩu hiệu ngàn, ngàn vàng của họ là "Không có bánh mì nếu không có tự do". Giả sử họ sửa khẩu hiệu ấy lại thành "Không có tự do nếu không có bánh mỳ" thì lịch sử, cơ hội, vận may, và lòng dân biết đâu không đứng về phía phong trào được đứng đầu bởi một người thợ điện thất học và hoàn toàn vô danh. Hãy nhớ lời của Abraham Lincohn : "Với lòng dân, chẳng có gì có thể thất bại. Không lòng dân, chẳng có gì có thể thành công". Lòng dân, xét cho cùng, chính là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến họ nhất. Thử nhìn lại hàng chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam diễn ra trong những năm gần đây. Số lượng người tham gia hầu như rất ít mặc dù không ai có thể nói rằng yêu nước là không thiêng liêng hay không chính đáng. Đa số mọi người không xuống đường vì họ thờ ơ với tất cả những gì nằm ngoài mối quan tâm và quyền lợi thiết thực của họ. Đám đông xuống đường vì nước còn ít hơn cả những đám đông chen lấn vì miếng ăn miễn phí.

Gandhi giành độc lập cho Ấn Độ nhờ vạch ra chiến lược xuất sắc. Ông chọn muối làm điểm xuất phát để kích hoạt lòng dân với mục tiêu chiến lược là tẩy chay, không ủng hộ, và không làm lợi cho đế quốc Anh. Nhiều người cười ông vì họ cho rằng luật về muối của người Anh tuy bất công nhưng quá nhỏ nhặt và không đáng quan tâm bằng chuyện độc lập và tự do. Họ chỉ thấy đường chân trời, còn Gandhi hình dung và lát những viên gạch mở đường đến chân trời. Hay nói cách khác, họ chỉ thấy rừng mà không thấy cây còn Gandhi thấy cả hai. Ông nói : "Ngoài không khí và nước, muối có lẽ là chất cần thiết nhất của sự sống", đặc biệt muối cũng là "gia vị duy nhất của người nghèo".

Ông và những người cộng sự đã đọc nhiều cuốn sách về muối, nghiên cứu và tìm ra lộ trình tốt nhất cho cuộc tuần hành muối, vận dụng tối đa truyền thông trong nước và thế giới để đưa tin hàng ngày về cuộc tuần hành, và chính ông dẫn dầu cuộc tuần hành này. Hai mươi lăm ngày đi trên chuyến đường dài 350 cây số để đến bờ biển, ông bước xuống biển vốc lên nắm bùn và muối rồi nói với mọi người rằng "Với muối này tôi đang lam lung lay nền móng đế quốc Anh".

Phải mất 17 năm sau Ấn Độ mới giành được độc lập, nhưng chiến thắng tượng trưng khởi đi từ muối là bước kích hoạt quan trọng nhất để đẩy lùi tâm lý nô lệ ra khỏi lòng dân Ấn và lên men lòng dân về nền độc lập và tự do. Chiến thắng tượng trưng đầu tiên này đã rút ngắn con đường đưa đến độc lập của Ấn độ đến 350 cây số và rút ngắn rất nhiều máu xương và oán thù phải đổ ra cho cuộc chiến tranh bạo động cho cùng mục tiêu.

Có rất nhiều lý do khiến cộng sản sụp đổ. Trước nhất chế độ sụp đổ từ từ vì thối nát, bất tài, và lòng tham không đáy ngày càng nhiều. Nhà văn Mỹ Hemingway đã tóm tắt lại trong hai hàng trong tác phẩm "Mặt trời Cũng Mọc" :

"Anh bị phá sản như thế nào ?"

"Hai cách. Dần dần rồi bất ngờ".

Chế độ cộng sản chết dần do nó nhưng chết bất ngờ do nhân dân khi họ đứng lên đòi quyền lợi chính đáng của mình. Toàn bộ các cuộc mạng ở Đông Âu đều không bắt nguồn từ ý muốn công khai là sẽ lật đổ chế độ mà từ các yêu cầu chế độ phải tôn trọng hiến pháp, nhân quyền, và phải tôn trọng quyền lợi của người dân. Đây chính là những viên gạch mở đường đến huyệt mộ của chế độ cộng sản. Từ đấy chúng ta thấy yêu cầu cấp bách là phải ủng hộ, và nếu được nên đứng sau các cuộc phản kháng mang tính dân sinh như cuộc đình công của công nhân hay cuộc phản đối chặt cây hàng loạt ở Hà Nội trước đây.

Con đường đến chân trời là con đường khởi đi từ những viên gạch nhỏ nhất, tầm thường nhất, nhưng không có chúng mọi chân trời hy vọng đều là ảo vọng ru ngủ mình trong giấc mộng triền miên.

Trần Quốc Việt

(21/02/2022)

**********************

Đình công là vấn đề "nhạy cảm", chính quyền lo ngại nguy cơ lan rộng

Phạm Quý Thọ, 20/02/2022

Chỉ ít ngày sau Tết Nhâm Dần 2022 đã xảy ra gần 30 cuộc đình công, ngừng việc tập thể tại các công ty có yếu tố đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 100% vốn hay liên danh. Thực trạng này chưa từng có trong các năm trước, nhiều cuộc ngừng việc tập thể xảy ra thời gian qua do lương, thưởng Tết và việc thay đổi hình thức trả lương, thưởng của doanh nghiệp mà người lao động chưa đồng tình. Một số địa phương có vụ việc nổi cộm được báo chí đưa tin nhiều là Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Bắc Ninh… Chẳng hạn, gần 5.000 công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn giày da Viet Glory ở tỉnh Nghệ An đã quay trở lại làm việc sau hơn một tuần nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi khi được tăng lương cơ bản và có cam kết thay đổi thái độ ứng xử của cán bộ quản lý của công ty… Chính quyền lo ngại nguy cơ lây lan "đình công" tại nhiều tỉnh, thành phố, và mới đây Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã phải ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể…

dinhcong1

Đình công tại công ty trách nhiệm hữu hạn Cresyn Hà Nội (Bắc Ninh) và Công ty trách nhiệm hữu hạn EM-TECH Việt Nam tại Nghệ An trong tháng 2/2022 - Facebook/ RFA edit

Đình công là vấn đề cấp thiết và phức tạp đối với cải cách thể chế khi chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Động lực thị trường mạnh mẽ với làn sóng đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy kinh tế, có xuất phát điểm thấp, tăng trưởng nhanh chóng như một sự bảo đảm tính chính danh của Đảng. Nếu tách biệt tương đối các loại thị trường hàng hóa và dịch vụ… thì thị trường lao động vì lý do ý thức hệ có quá trình chuyển đổi chậm chạp hơn cả. Việc ban hành Bộ luật Lao động năm 1995 là một bước tiến thể chế hóa nhưng nhiều nội dung không phù hợp với kinh tế thị trường nên cho đến nay đã phải sửa đổi nhiều lần, trong đó có điều khoản về đình công theo quy trình phức tạp, thiếu tính khả thi. Việc duy trì quá lâu chế độ biên chế nhà nước, bộ máy hành chính cồng kềnh phình to, hệ thống tiền lương thống nhất lạc hậu dung dưỡng tính quan liêu, cửa quyền và các hành vi tiêu cực của công chức. Việc giải quyết tranh chấp lao động mang tính hình thức, cơ chế ba bên: Bộ Lao động, thương binh và xã hội đại diện Nhà nước, Tổng Liên đoàn Việt Nam đại diện người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng nên quyết định về lương tối thiểu là không thể mang tính độc lập, việc cam kết với quốc tế như với Tổ chức Lao động về điều kiện và quyền lao động trong ký kết tham gia các Hiệp định thương mại và đầu tư với nước ngoài và thực thi luôn bị trì hoãn, việc tự thành lập các tổ chức công đoàn độc lập trong nước đều bị coi và trái pháp luật và bị trừng phạt…

Như hậu quả của môi trường luật pháp và hành chính như trên, những cuộc đình công sau Tết Nhâm Dần cho thấy một số vấn đề sau : Không đúng theo quy định về đình công trong Bộ luật Lao động ; Những công nhân tự phát nghỉ việc và tụ tập và không thấy xuất hiện "người cầm đầu", nhưng "nghiêm khắc xử lý hành vi kích động ngừng việc tập thể với động cơ xấu" được cảnh báo. Nguyên nhân chủ yếu là lương thấp, đời sống khó khăn do Covid-19 và giá cả hàng hóa tăng ; vai trò công đoàn mờ nhạt; chính quyền "vào cuộc" xử lý như trường hợp ở tỉnh Bắc Ninh là các cơ quan chức năng như Sở Lao động, thương binh và xã hội, Phòng Kinh tế, Công an tỉnh ; lãnh đạo các công ty viện dẫn luật, như các điều khoản về lương tối thiểu đứng về phía giới chủ sử dụng lao động ; thời gian đình công thường kéo dài khoảng trên dưới một tuần sau khi một số yêu cầu của người lao động được thoả mãn…

Đình công là vấn đề nhạy cảm với chế độ vì bản chất chính trị. Đình công có lịch sử hàng trăm năm gắn liền với quá trình công nghiệp hóa và sự phát triển tư bản chủ nghĩa, và đình công bị cho là "xấu xa" dưới góc nhìn ý thức hệ cộng sản dựa trên tư tưởng Mác-Lênin về xóa bỏ bóc lột sức lao động và đấu tranh giai cấp. Động cơ và hành vi làm việc vì tập thể được kiểm soát bởi cơ chế kế hoạch hóa thông qua các tiêu chuẩn, định mức lao động, cơ chế tiền lương thống nhất trên cơ sở tính hao phí lao động, thi đua thay cho cạnh tranh, thu quốc doanh thay thế lợi nhuận… Mô hình trên không còn tồn tại, bởi vậy việc tránh bị níu kéo bởi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều là điều kiện tiên quyết để tạo lập môi trường phát triển cho các yếu tố thị trường lao động. Chủ nghĩa xã hội là "huyền thoại" nhưng câu hỏi đến khi nào là "thực tế" sẽ luôn thách đố đối với những người tham vọng quyền lực.

Đình công là vấn đề thời sự và thời đại gắn với sự vận động của thị trường và cần được giải quyết bằng các giải pháp thị trường có tính đến cả hai mặt phải trái: ưu thế và khiếm khuyết cố hữu của nó. Adam Smith từ 1776 đã nhìn thấy sức mạnh của thị trường đồng thời với khả năng băng hoại đạo đức, tha hóa quyền lực. Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác trong thời khai sáng và cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã đặt nền móng cho môi trường tự do kinh doanh và chế độ dân chủ để kiểm soát quyền lực hiệu quả. Thomas Piketty, nhà kinh tế học người Pháp trong công trình có tiếng vang : Tư bản trong thế kỷ XXI (tiếng Anh : Capital in the Twenty-First Century, 2014) đã đưa ra cảnh báo rằng trong thế kỷ hai mươi mốt này sự phân hóa giàu nghèo, sự bất bình đẳng, như mặt trái cố hữu của thị trường, một đặc điểm của chủ nghĩa tư bản, vẫn bám đuổi loài người như một xu hướng.

Bởi vậy, quan điểm, cách tiếp cận và giải pháp đối với đình công là cấp thiết đối với Việt Nam, nhưng phải toàn diện và lâu dài, kiểm soát đình công phải mang tính thị trường đồng thời với cải cách chính trị và thị trường nói chung. Ở đây nhấn mạnh hai đề xuất quan trọng cho vấn đề đình công xuất phát từ thực tế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và những yêu cầu thực tế cải cách chính trị phù hợp với thị trường. Một là, thiết lập cơ chế độc lập và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi người lao động, cơ chế giải quyết thông qua đối thoại, trong đó thành lập các tổ chức công đoàn thực sự đại diện, độc lập và chuyên nghiệp trong đồng thời với cải cách thể chế luật pháp và chính sách có liên quan. Giá nhân công cần được xác định trên thị trường lao động nhưng hiện đang phải duy trì ở mức thấp để thu hút đầu tư nước ngoài, bất lợi với người lao động. Hai là, cải cách thị trường lao động mạnh hơn, trước hết xóa bỏ biên chế nhà nước, hoàn thiện cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, vấn đề đã được khởi động, thực hiện dở dang và đang gặp chống đối bởi sự tha hóa quyền lực và nhóm lợi ích. Điều này được minh chứng bởi những vụ án, trục lợi do quản lý yếu kém của ngành y tế và giáo dục hiện nay.

Theo tôi, cùng với sự thâm nhập sâu rộng của thị trường trong thời gian tới đình công có thể lan rộng, tuy nhiên, "sự nhạy cảm" và tính chất phức tạp đình công tuỳ thuộc vào các cải cách chính trị và thể chế theo hướng thị trường. Hy vọng các biện pháp giải quyết tranh chấp lao động cần thông qua cơ chế đối thoại, dân chủ và văn minh bởi vì "triệt tiêu" nó bằng chuyên chế là không thể.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 20/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ, Trần Quốc Việt
Read 532 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)