Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/03/2022

Chung quanh cuộc tiến công của Nga vào lãnh thổ Ukraine

Nhiều tác giả

Putin sử dụng NATO như một cái cớ để xâm lược Ukraine

Iliya Kusa, Chi Phương, RFI, 01/03/2022

Đối với Vladimir Putin, Liên Minh Bắc Đại Dương (NATO) luôn là một mối đe dọa lớn. Moskva không ngừng phản đối việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự mạnh nhất hành tinh này. Đòi hỏi của Putin là Ukraine phải có quy chế trung lập, nhưng điều này có khả thi với Kiev hay không ?

nato0

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp thường niên tại Moskva, Nga 19/12/2019.  AP – Pavel Golovkin

Những tiếng nổ đầu tiên trên bầu trời Ukraine đánh dấu cuộc tấn công quân sự trên diện rộng của Nga chính thức bắt đầu vào hôm 24/2. Ngay trong tối cùng ngày, tổng thống Ukraine đã đưa ra phát biểu thể hiện mong muốn gia nhập NATO, nhưng không có phản hồi : 

"Hôm nay, tôi muốn hỏi lãnh đạo các nước Châu Âu là liệu Ukraine có được vào NATO hay không ? Tôi đã hỏi trực tiếp như vậy, nhưng ai cũng lo sợ, không ai trả lời. Nhưng chúng tôi không sợ, chúng tôi không sợ bất cứ thứ gì. Chúng tôi không sợ phải bảo vệ đất nước của chúng tôi. Chúng tôi không sợ Nga, chúng tôi không sợ phải đàm phán với Nga, hay đàm phán về bất cứ điều gì, về việc bảo đảm an ninh cho đất nước chúng tôi. Chúng tôi cũng không sợ phải nói về trung lập, chúng tôi hiện không phải là thành viên của NATO. Nhưng liệu chúng tôi có được bảo đảm từ đâu ? Nhất là quốc gia nào sẽ đưa ra bảo đảm cho chúng tôi ?" 

Vấn đề Ukraine gia nhập NATO dường như là vấn đề chính trong các bài diễn văn của Moskva từ nhiều tháng qua. Bước sang ngày thứ sáu của cuộc chiến, căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hòa dịu, Nga vẫn khăng khăng nhất mực yêu cầu lực lượng NATO rút quân tại Đông Âu, chính phủ Ukraine phải được "tẩy trừ ảnh hưởng quốc xã" và bảo đảm giữ quy chế trung lập.

Về chủ đề này, RFI phỏng vấn chuyên gia về quan hệ quốc tế Iliya Kusa, nghiên cứu tại think tank Ukrainian Institute for the Future, có trụ sở tại Kiev. Ông chuyên nghiên cứu, phân tích các chính sách đối nội đối ngoại của Ukraine.

RFI : Trước tiên ông nhìn nhận về hành động xâm lược, gây hấn của Nga từ những ngày qua như thế nào ? 

Iliya Kusa : Tôi nghĩ rằng Nga đã tính toán sai lầm nhiều thứ. Đầu tiên họ không nghĩ rằng phương Tây lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy, đặc biệt là liên quan đến các lệnh trừng phạt. Thứ hai, họ không ngờ rằng quân đội Ukraine lại phản kháng mạnh đến mức mà họ phải từ bỏ mục tiêu "đánh nhanh thắng nhanh" chỉ trong vài ngày. Hiện giờ, lực lượng Nga đến Ukraine tấn công càng nhiều, thì chiến tranh càng kéo dài lâu hơn. Tôi nghĩ rằng quyết định xâm lược Ukraine của Putin là bản chất của ông ta và ông ta đã tính sai chiến lược. Đó là lý do tại sao ông ta không thể chấp nhận lùi bước bởi vì điều đó có nghĩa là ông ta đã sai lầm. Trong tâm lý và văn hóa hậu Liên Xô, chấp nhận lỗi sai tức là bạn đã làm sai và bạn không còn tư cách làm lãnh đạo nữa. Với Putin, đó là một vấn đề, vì ông ta muốn lãnh đạo mọi thứ, nắm giữ quyền lực. Nếu Putin nói, "được thôi, tôi đã sai" và lùi bước trước áp lực của nước ngoài, nghĩa là ông ta là một lãnh đạo tồi và có thể sẽ mất đi quyền lực 

RFI : Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, khả năng Ukraine gia nhập NATO dường như là nguồn cơ của các cuộc leo thang ? Ông đánh giá như thế nào về việc này ?

Iliya Kusa : Tôi không cho rằng NATO là nguyên nhân thật sự. Tất cả mọi người ở Ukraine đều biết điều đó. Đó không còn là bí mật về việc hồ sơ Ukraine muốn gia nhập NATO bị chặn lại từ 2008 khi Đức và các quốc gia Châu Âu không chấp nhận Ukraine làm thành viên tại hội nghị thượng đỉnh Bucarest. Cho đến nay tình hình không có nhiều thay đổi. 

Tôi nghĩ rằng Nga chỉ sử dụng NATO làm cái cớ để áp đặt các điều kiện chính trị mới đối với Ukraine. Mong muốn thực sự của Nga là Ukraine thực hiện quy chế trung lập và Ukraine công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga (vì chúng tôi vẫn chưa công nhận từ 2014). Thứ ba, Moskva muốn gây sức ép bắt Ukraine nhượng bộ liên quan đến tiến trình của Thỏa thuận Minks. Tôi nghĩ rằng Putin dùng quân bài NATO để giải thích cho người Nga về cuộc chiến và nguy hiểm lớn mà Nga phải đối mặt. Putin đã sử dụng nó từ nhiều năm nay trong các bài hùng biện của mình. Bởi vì Putin không chỉ coi khối này như là một liên minh quân sự tự vệ mà là một công cụ tạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Châu Âu. Đó là lý do tại sao họ cần lời giải thích để gây chiến với Ukraine

RFI : Ngay vào ngày cuộc chiến bắt đầu, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa đã thể hiện mong muốn gia nhập NATO, điều mà Nga nhất mực phản đối. Giả sử như tổng thống Ukraine ngay từ khi căng thẳng leo thang, thể hiện rõ thái độ là không gia nhập NATO, điều này liệu có thể ngăn chặn được chiến tranh xảy ra hay không ?

 Iliya Kusa : Điều này không giải quyết vấn đề với Nga. Tôi nghĩ rằng ông ấy không tuyên bố như vậy bởi vì công luận Ukraine ủng hộ NATO, hơn 55%. Dĩ nhiên ông ấy không thể nói như vậy vì như thế sẽ đánh mất sự tín nhiệm và mọi người sẽ nổi dậy phản kháng. Tôi không nghĩ rằng Putin quan tâm đến các tuyên bố hay quyết định của Ukraine. Bởi vì từ 2020, lãnh đạo Nga không quan tâm đến các hành động của Zelensky nữa. Năm 2020 là lần cuối cùng Nga nỗ lực đàm phán với phương Tây và chính phủ Ukraine, nhưng họ đã thất bại. Kể từ đó họ quyết định : "được thôi, chúng tôi không đàm phán với Ukraine nữa mà nói chuyện trực tiếp với Mỹ" bởi vì họ tuyên bố là Ukraine thân Mỹ. Từ đó đến nay, đối thoại giữa Kiev và Moskva vẫn khó khăn. Putin quyết định như vậy vì ông ta cho rằng trên nhiều lĩnh vực địa chính trị toàn cầu, chỉ có Nga và Mỹ mà thôi.

RFI : Đối với yêu cầu thực hiện quy chế trung lập của Putin mà ông đã nhắc đến ở trên, vậy theo ông, Ukraine có khả năng sẽ tính đến phương án này hay chỉ là ảo tưởng ? 

Iliya Kusa : Đó không phải là ảo tưởng mà vấn đề là sự bảo đảm. Câu hỏi chính ở đây đó là liệu quốc gia nào và sự bảo đảm nào cho an ninh của Ukraine. Đó chính là câu hỏi lớn để thực hiện quy chế trung lập. Trạng thái trung lập có thể được duy trì khi chúng tôi nhận được những bảo đảm đáng tin cậy từ các thể chế quốc tế khác nhau.

Đó là một vấn đề lớn vì không có bất cứ đàm phán nào liên quan đến sự trung lập của Ukraine với bất cứ quốc gia nào và không ai muốn đứng ra bảo đảm cho an ninh Ukraine. Lần cuối cùng chúng tôi nhận được bảo đảm về an ninh vào năm 1994 khi Ukraine quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã.

Cho đến năm 2014, Nga quyết định xâm lược Crimea và không ai nói gì cả. Điều đó có nghĩa là những bảo đảm mà chúng tôi nhận được thực ra lại chỉ là những lời hứa hão. Đó là lý do tại sao rất khó để đàm phán về trung lập.

RFI : Gần đây, hình ảnh lãnh đạo của Ukraine Volodymyr Zelensky được báo chí quốc tế quan tâm, nhất là xuất thân từ nghệ sĩ hài của ông. Năm 2019, Zelensky đắc cử với 73% phiếu ủng hộ, đây là tỉ lệ kỷ lục của Ukraine. Cho đến nay, theo ông, liệu người dân Ukraine vẫn duy trì niềm tin vào lãnh đạo của Zelensky hay không ?

Iliya Kusa : Chiến tranh thường gắn kết mọi người lại hơn. Tôi cho rằng đa số người Ukraine vẫn tin tưởng vào tổng thống và chính phủ, bởi hiện nay chúng tôi đang trải qua thời kỳ khó khăn. Tất cả mọi người đều hợp lực với chính phủ vì đây là cách duy nhất để bảo vệ đất nước chúng tôi. Theo tôi, Zelensky thể hiện là một người lãnh đạo tốt, một lãnh đạo quân sự và đàm phán có năng lực. Và không giống như người tiền nhiệm cựu tổng thống Viktor Yanukovich, ông ấy không chạy chốn khỏi đất nước cũng như không khuất phục trước các áp lực quốc tế. Tôi nghĩ rằng điều này làm tăng thêm tín nhiệm của ông ấy. Nếu như chiến sự kết thúc có lợi cho Ukraine, ghế của ông ấy thêm vững chắc và trong tương lai, ông ấy có thể tái đắc cử vì khủng hoảng chính là thời điểm thử thách vai trò lãnh đạo (và ông ấy đã qua bài kiểm tra).

RFI : Theo ông, đâu là kịch bản lý tưởng nhất để kết thúc chiến tranh Ukraine ?

Iliya Kusa : Điều này phụ thuộc vào lý tưởng cho bên nào. Đối với Nga, đó là thay đổi chế độ và thiết lập chính phủ bù nhìn và hợp pháp hóa việc Nga sáp nhập Crimea và một số thứ khác. Tôi nghĩ kịch bản lý tưởng nhất đó là Zelensky và Putin giải quyết các quan điểm khác biệt, dù khá phức tạp để có thể tiến đến đàm phán một cách cơ bản về quan hệ giữa Nga và Ukraine. Nga nên nhượng bộ, thay đổi cách nhìn nhận Ukraine như là một thuộc địa. Tôi nghĩ rằng điểm khó khăn (sticky point) trong quan hệ giữa chúng tôi và Nga, đó là Nga không chấp nhận Ukraine trở thành một nước độc lập. Trong bài phát biểu của Putin vào 21/02, ông ta nói rõ rằng chúng tôi chỉ là một đất nước giả (artificial state). Tôi cho rằng hai nước sẽ không thể thỏa hiệp ngay được, bước đầu tiên sẽ là lệnh ngừng bắn.

RFI : RFI xin cảm ơn các đánh giá, phân tích của ông Iliya Kusa, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Ukrainian Institute for the Future tại Kiev. Ông đã có nhiều nghiên cứu về Trung Đông và các chính sách đối ngoại của Kiev từ sau 2014 và các chính sách Châu Âu.

Chi Phương

Nguồn : RFI, 01/03/2022

************************

Tướng Việt Nam ủng hộ Nga xâm lược Ukraine ?

Đinh Đăng Định, RFA, 01/03/2022

Nga xâm lược Ukraine và mối họa từ Trung Quốc ở Châu Á

Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày 24/2 đã có diễn biến đột ngột. Sau khi tuyên bố sáp nhập Luhansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin không những tiến quân vào hai khu vực này mà còn phát động cuộc tấn công quân sự đồng bộ vào nhiều thành phố khác của Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev.

nato2

Tòa thị chính ở Kharkiv bị phá hủy do đạn pháo của Nga hôm 1/3/2022 - AFP

Các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu tuyên bố nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga ; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp, Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi Tổng thống Nga Putin chấm dứt hành động quân sự. Cuộc khủng hoảng đã khiến cho thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc, giá năng lượng và lương thực tăng mạnh, trật tự hòa bình dựa trên luật lệ được hình thành sau Chiến tranh Lạnh đứng trước thách thức chưa từng có.

Khi Nga triển khai xe tăng tiến vào lãnh thổ Ukraine, cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine làm chấn động thế giới với mối đe dọa và nguy cơ còn nguy hiểm hơn cả ở Eo biển Đài Loan. Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực đã trở nên "gặp thời" hơn.

Việc Nga xâm lược Ukraine tạo ra những tiền lệ đáng báo động cho các quốc gia khác hiện đang có tranh chấp. Cho đến nay, Trung Quốc chỉ mới đe dọa Đài Loan và các quốc gia khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa tiến gần tới những gì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm. Không có việc tập hợp hàng trăm nghìn quân, hàng nghìn xe tăng và máy bay chiến đấu trên bờ biển Trung Quốc.

Nhưng nếu bạn là Tập Cận Bình, bạn sẽ thích thú và vui mừng khi chứng kiến những hành động của Putin. Nếu Putin có thể làm được điều này, chẳng có lý do gì Trung Quốc không thể làm điều tương tự với Đài Loan hay với các thực thể thuộc Trường Sa trên Biển Đông. Phương Tây đứng yên (theo quan điểm của Trung Quốc) bất lực khi Nga chia cắt Ukraine và biến nước này trở thành một thuộc địa của Nga. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất chú ý tới điều này. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng nhìn thấy và hiểu rõ những tham vọng của Putin về việc đưa đất nước Nga trở lại vinh quang trước đây. Tham vọng đó không chỉ là khôi phục sự vĩ đại của Liên bang Xô Viết cũ, mà còn là sự vĩ đại của các Sa hoàng. Ông Tập Cận Bình cũng có những tham vọng lớn lao không kém. Bất kỳ ai có thể một mình đương đầu với truyền thống lâu đời của Trung Quốc về việc kế nhiệm và tự trao cho mình quyền lực cai trị vĩnh viễn sẽ có tầm nhìn của riêng mình về sự vĩ đại của cá nhân. Ông Tập Cận Bình cũng muốn khôi phục sự vĩ đại trước đây của đế quốc Trung Hoa. Ông cũng có tham vọng muốn Trung Quốc thống trị các vùng biển và triển khai sức mạnh của Trung Quốc trên toàn thế giới.

Thái độ của mấy ông tướng Việt Nam đối với vấn đề Ukraine

Việc Nga xâm lược Ukraine đã tạo một tiền lệ nguy hiểm khi một số người cho rằng Trung Quốc có thể dựa theo logic đó để xâm lược Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam mặc dù đề cao "trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", nhưng trước lợi ích với Nga đã không dám lên tiếng tố cáo hành vi xâm lược này của Nga. Đã vậy, lực lượng tuyên giáo lại tiếp tục bịt miệng báo chí và dư luận Việt Nam trước sự thật trần trụi là Nga đã xâm lược Ukraine. Các phóng viên cho biết tuyên giáo Việt Nam đã yêu cầu các báo không được dùng từ "xâm lược" cho hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Nhà văn Tạ Duy Anh đăng trên FB của mình : "TÍNH ĐẾN GIỜ NÀY :

- Báo chí Việt vẫn bảo vệ vững chắc cụm từ "Chiến dịch quân sự đặc biệt" thay cho từ Chiến tranh xâm lược.

- Các hội đoàn được Nhà nước nuôi vẫn ngoan ngoãn nằm gọn trong vòng tay cấp trên để không có bất cứ sự vượt rào nào trong thể hiện thái độ về cuộc chiến do Putin tiến hành chống lại 4/5 nhân loại.

Chúc mừng Ban tuyên giáo và các đồng nghiệp".

Thêm nữa, các dư luận viên "cao cấp" – vốn là các tướng lĩnh (nhưng không hiểu rõ bản chất của nước Nga thời Putin) nên còn đưa ra các luận điệu nhằm "đánh bùn sang ao", làm dư luận rối trí. Ví dụ, Trung tướng dư luận viên Nguyễn Thanh Tuấn thì viết rằng :

"Đã thế vì sức ép của Mỹ Tổng thống Zelenxki (Zelensky) không chịu thực hiện "thỏa thuận Normandy treaty" tìm biện pháp hòa bình thống nhất đất nước mà đẩy mạnh xây dựng quân đội, phát triển quân sự với ý định gia nhập NATO dựa vào Mỹ để thu hồi các vùng đã mất và ly khai, đối đầu chống Nga, cùng Mỹ bao vây kiềm chế làm suy yếu nước Nga. Một chính quyền chấp nhận phụ thuộc Mỹ đã đẩy Ukraine) đến hoàn cảnh như hiện nay.

Với Nga hay bất cứ nước nào như Nga cũng không thể chấp nhận một nước láng giềng gần gũi cùng chung biên giới quay lưng cùng các nước khác chống mình, đặc biệt Nga càng không thể bị nhiều lần phản bội nên họ cần có biện pháp ngăn chặn xóa bỏ nguy cơ đưa chiến tranh đến với nước mình.

Từ nguy cơ trên Nga đã phát động chiến dịch Quân sự đặc biệt nhằm chống quân sự hóa và phát xít hóa ở Ukraine (Ukraine), với mục tiêu này ngày 24/2 Nga đã tiến công Ukraine như chúng ta đã biết" (1).

Thiếu tướng Lê Văn Cương thì khẳng định như đinh đóng cột : "Tổng thống Putin đã tuyên bố : Thứ nhất, Nga không xâm lược, không cướp đất của Ukraine ; Thứ hai, Nga không đánh vào dân thường Ukraine vì người Ukraine và người Nga cùng một chủng tộc, chung tổ tiên, dòng máu. Tôi tin tuyên bố ấy là đúng mức và ông Putin sẽ làm như vậy" (2).

Cũng cùng ý kiến đó, Trung tướng Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định : "Nga nhấn mạnh rằng không xâm lược các nước láng giềng khác mà chỉ đáp trả mối đe dọa từ Ukraine. Nga muốn thực hiện phi quân sự tiềm lực quân sự của Ukraine, vì thời gian gần đây Nga hiểu rằng tiềm lực quân sự từ bên ngoài trực tiếp hỗ trợ, hiện đại hóa cho Ukraine" (3).

Với logic suy luận của tướng Tuấn, thì việc Trung Quốc đe dọa khi Việt Nam xích lại gần trong quan hệ với Mỹ, và Việt Nam phải "ngoan ngoãn" chấp thuận, đó là điều đương nhiên chăng ? Còn đối với tướng Cương và tướng Hải, các ông nghĩ sao về việc Trung Quốc nếu tấn công các tiền đồn mà Việt Nam đang chiếm giữ ở Trường Sa, và khẳng định đó không phải là xâm lược mà chỉ là "thu hồi" những gì thuộc Trung Quốc, như họ đã và đang rêu rao. Còn nhớ, chiến tranh Biên giới năm 1979, khi mà Trung Quốc tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, Trung Quốc cũng "biện minh" rằng : đây là cuộc chiến tranh tự vệ của Trung Quốc trước Việt Nam. Nếu theo logic này, khi Trung Quốc tấn công Việt Nam, sẽ không có quốc gia nào trên thế giới cần phải lên tiếng ủng hộ Việt Nam hết, vì đâu có chuyện Trung Quốc xâm lược Việt Nam đâu.

Hãy nghe cựu Phó Đô đốc, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Minh Thái nói về vấn đề này trên FB của ông ta : "…Năm 1978 bộ tam sang ký hiệp ước, nhưng 1979 tàu khựa vẫn đánh ta, niềm tin về sức mạnh Liên Xô phai nhạt là tất yếu ?

Năm 1988 xảy ra vụ Trường Sa và thảm sát Gạc Ma. Lãnh đạo Hải quân bức xúc vì Hải quân Liên Xô ở Cam Ranh án binh bất động, không chia sẻ thông tin. Họ trả lời vì... không có lệnh của cấp trên…

Sau này nhiều lần làm việc, họ luôn nói sẵn sàng giúp đỡ ta, nhưng nếu không thanh toán hợp đồng đúng hạn thì còn khuya nhé, chưa kể hợp đồng nào cũng có rất nhiều phát sinh và bổ sung hợp đồng, tức là thêm tiền…

Nhưng phản cảm nhất là chuyến thăm của lãnh đạo ta năm 2014. Đến Moscow đón rất lạnh nhạt, mấy ngày sau bác cả phải bay xuống Sochi mới gặp đối tác để ký các văn kiện ! Riêng văn kiện tôi chịu trách nhiệm, đã xong bản in để ký, họ nói phải sửa... Tôi nhẹ nhàng : Giờ sửa cũng ok, nhưng sẽ không thể ký lần này ! Lúc đó họ mới thôi yêu sách. Khi đoàn đến Minsk, Tổng thống trải thảm đỏ đón và tiễn đoàn, mới thấu hiểu về người Nga mới.

Những chuyện này cũng mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Thế nên chiến tranh với Ukraine cần được nhìn nhạn từ nhiều góc độ, mới hiểu được bản chất vấn đề".

Thế mới hiểu, có nhiều ông tướng chỉ là trong nhà, chả hiểu gì về thế giới mà cũng bàn luận thế sự. Cứ thế thì Việt Nam cái quần cũng chả còn, nữa là biển đảo.

Đinh Đăng Định

Nguồn : RFA, 01/03/2022

Tham khảo :

1. https://www.facebook.com/groups/1122580627823557/permalink/4998635743551340/?sfnsn=mo&ref=share

2. https://baonghean.vn/tuong-cuong-nga-se-khong-sa-lay-o-ukraine-303077.html

3. https://plo.vn/quoc-te/chien-su-ngaukraine-dung-don-quan-su-giai-quyet-van-de-chinh-tri-1045735.html

*****************************

Trục ác mới đang dần lộ diện ?

Tuấn Khanh, RFA, 27/02/2022

Trong khi máu và đổ nát đã diễn ra ở Ukraine trong bánh xích xe tăng của Nga, thì rõ ràng Bắc Kinh đang im lặng quan sát cách phản ứng của thế giới còn lại, và chuẩn bị cho mình những thủ pháp mới.

nato3

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm 4/2/2022 - AFP

Việc Tổng thống Vladimir Putin leo thang quân sự ở Ukraine đã làm lộ diện một người bạn đường quan trọng là Trung Quốc. Người ta nhìn ra là rõ ràng, trong sự kiện binh biến tầm quốc tế này, đã có sự rỉ tai rất thân thiết giữa Putin và Tập Cận Bình. Trước đó, trong sự kiện Mỹ và nhiều quốc gia tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông 2022 với lý do nhân quyền, Putin đã xuất hiện đúng lúc và sáng lòa với tuyên bố chung cùng Tập Cận Bình là "hợp tác không có giới hạn". Nhiều nhà quan sát thời sự đã sớm nhận định rằng Moscow và Bắc Kinh đang hình thành – dù không chính thức - một "liên minh chiến lược" và điều này sẽ là một mối lo về sự ổn định trật tự thế giới tự do. Trước khi tiếng súng vang lên ở Kyiv, Ukraine, đã có dự đoán cho rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ ủng hộ các hành động quân sự của Nga ở Ukraine.

Điều mà mọi người lờ mờ nhận ra, rằng "hợp tác không có giới hạn" được báo đài Nga Và Trung Quốc đưa ra, là Thế vận hội Mùa đông của Bắc Kinh được bảo đảm kết thúc tốt đẹp trong không khí thế giới hòa bình. Vài ngày sau buổi bế mạc, Putin bắt đầu lên giọng về Ukraine.

Rõ ràng, cuộc thể hiện quyền lực quân sự mới nhất của Điện Kremlin vừa là một bài toán hóc búa về cách bộ mặt ngoại giao của Bắc Kinh, nhưng cũng vừa là nguồn cung cấp những bài học kinh nghiệm đắt giá, cơ hội bất ngờ không kém cho Bắc Kinh. Vốn là một quốc gia luôn có âm mưu chiếm đóng và mở rộng các vùng lãnh thổ từ nhiều thế kỷ nay, bài học viễn giao cận công từ thời Tần Thủy Hoàng đã có chút thay đổi : hai kẻ mạnh đứng kề nhau, quyền lợi không nhiều chồng chéo, có thể là một kế sách chiến lược mới.

Tuy nhiên, thể diện và cách trình diễn nhiều màu sắc của Bắc Kinh cũng đang diễn ra. Vào ngày thứ hai của cuộc chiến xâm lăng từ Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị, đã nói một cách mềm dẻo rằng rằng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia cần được bảo vệ, bao gồm cả Ukraine ; và Nga và Ukraine nên quay trở lại bàn đàm phán. Đó được nhiều người coi là quan điểm rõ ràng nhất mà Trung Quốc đưa ra về tình hình hiện tại và được nhắc lại qua cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin hôm nay.

Nhưng đàm phán gì, khi một chính phủ chỉ còn trong tay một thành phố đổ nát, bị bao vây bằng xe tăng và hỏa tiễn. Có phải đó là loại đàm phán mà Trung Quốc từng đưa ra với Đức Đạt Lạt Ma khi đưa hàng chục ngàn quân với vũ khí hạng nặng tiến vào thủ đô Lhasa, và nói rằng muốn xây dựng một Tây Tạng mới, không còn "lạc hậu và tội ác".

Trong giấc mơ sớm cho diễu hành quân đội của mình tại Đài Loan, Trung Quốc cũng tính tới những bước lâu dài là nếu chiếm đóng Đài Loan, có phải đối diện với các cuộc trừng phạt kinh tế dài lâu và mệt mỏi, mà Moscow đang bắt đầu cảm nhận được, kể từ khi Mỹ và nhiều nước khác đồng loạt tuyên bố từ ngày 24-2-2022.

Dù ra vẻ coi trọng chủ quyền của quốc gia, nhưng trong cách nói đầy chuẩn bị từng con chữ một, Bắc Kinh không coi Ukraine như Đài Loan, vốn luôn được xác định là một vùng đất làm loạn. Nhưng Trung Quốc sẽ cẩn thận theo dõi sự sẵn sàng của phương Tây và quyết tâm ứng phó với tình hình ở Ukraine, điều này cũng có thể được coi là dẫn chứng cho Đài Loan sau này.

Lúc này, chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Điện Kremlin cũng sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho Trung Quốc ở một mức độ nào đó. Là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, Trung Quốc có các khoản đầu tư đáng kể và quan hệ tài chính với Nga sẽ phải chấp nhận tuân theo các lệnh trừng phạt của phương Tây. Bên cạnh đó, Bắc Kinh là đối tác thương mại hàng đầu của Ukraine, với nguồn cung cấp ngũ cốc và thiết bị quân sự, nên điều họ Tập đang phải cân nhắc là một chính quyền mới sau khi Nga xâm lược, liệu có còn sẽ nối dài các mối cung cấp này hay không.

Nói gì thì nói, cuộc khủng hoảng Ukraine mang đến hai cơ hội bất ngờ cho Chủ tịch Tập. Trung Quốc coi tình hình Ukraine là một sự phân tâm đúng lúc sẽ khiến Mỹ rời xa khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và quay trở lại Châu Âu, ít nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ vào tháng 11. Điều này mang lại một sự thở phào nhẹ nhõm bất ngờ cho Trung Quốc với tư cách là đối thủ chiến lược chính của Mỹ. Và chính điều này khiến người ta tự hỏi, là có hay không một cuộc phối hợp chiến lược bài bản như vậy.

Chưa bao giờ người ta nhìn thấy một trục ác mới đang hình thành lại lộ rõ như vậy. Nga và Trung Quốc đang có cách ứng xử giống nhau trong tính cách độc tài và thích phô trương vũ lực. Sau sự kiện Ukraine, nếu Putin và Tập xiết chặt tay nhau để đối trọng với sự thống trị của Mỹ hoặc nhằm xa hơn các mục tiêu địa chính trị của họ, thế giới đang ở trong một tình huống vô cùng bất an.

Nhưng lợi thế lớn nhất của Putin và Tập lúc này là gì ? Đó là một số quốc gia cộng sản lý thuyết đã tan rã nhưng giấc mơ chư hầu vẫn âm thầm còn đó, vẫn đang cắn răng chịu đựng đối diện với thế giới dân chủ, sẽ mau chóng trở cờ chào đón một cuộc cách mạng mới từ những ông chủ cũ.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 27/02/2022

*************************

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và một vài điểm nhấn đối với Việt Nam

Vương Hồng Thạch, RFA, 26/02/2022

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga xẩy ra cách Việt Nam 8.000 cây số và sự bận tâm lớn nhất của mỗi nước trong thời điểm hiện nay đều khác nhau. Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam có thể cứ "kê cao gối ngủ" cho tới lúc tàn "cuộc chơi" giữa Đế chế Nga và đứa con "hoang đàn" Ukraine của nó. Hẳn nhiên, Ukraine không phải là Việt Nam, nhưng sự nguy hiểm của chủ nghĩa Đại Xlavơ hay tư tưởng Đại Hán, không bao giờ thay đổi và càng không đuợc coi thường.

nato7

Biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine tại New York, Mỹ hôm 26/2/2022 - AFP

Ngày 25/02/2022 khi được truyền thông quốc tế đặt câu hỏi, chính phủ Ukraine mong đợi điều gì từ Việt Nam, thưa bà Đại biện ? Bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam – trả lời : Trong lúc chiến sự đang xảy ra ác liệt ở đất nước tôi, Việt Nam hiện giờ chỉ quan sát như xem một bộ phim kinh dị. Các cuộc pháo kích và không kích vào các làng mạc và thị trấn của Ukraine, các quân đoàn xe tăng vượt qua biên giới của một quốc gia độc lập, có chủ quyền… Thay mặt cho Chính phủ Ukraine, bà Zhynkina hy vọng rằng, Việt Nam sẽ đánh giá thẳng thắn và kiên quyết, đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, mà luật pháp quốc tế vốn luôn có lợi cho các nước nhỏ trong việc phản đối sự xâm phạm của các nước láng giềng hiếu chiến, cũng như chỉ đích danh kẻ xâm lược (1).

Trên Đài truyền hình trung ương của Việt Nam tối 25/02, hình ảnh Tổng thống Zelensky râu chưa cạo, mặc chiếc áo len như khoác vội trên nền một chiếc phông căng vội, tuột cả một góc như minh họa sự bối rối của cả Ukraine và phương Tây. Tổng thống Zelensky nói ông đã gọi điện cho nhiều Nguyên thủ quốc gia của phương Tây kêu gọi sự giúp đỡ, nhưng không ai trả lời ông. Điện thoại hầu hết đều "thuê bao". Hơn ba tháng qua là cuộc chiến đòn cân não. Vladimir Putin với khuôn mặt lạnh lùng và bất động vẫn tìm cách giữ lại kênh đối thoại với phương Tây để đánh lạc hướng Châu Âu rằng, các nhà ngoại giao có lý với nỗ lực có thể tránh chiến tranh. Nhưng phép lạ đó đã không xảy ra…

Trong bối cảnh nói trên, bà Đại biện đại diện cho Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky (Không biết sẽ tồn tại được bao nhiêu ngày nữa ?), đòi "Việt Nam sẽ đánh giá thẳng thắn và kiên quyết, đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế… và chỉ đích danh kẻ xâm lược". Thưa bà Nataliya Zhynkina, đó là một đòi hỏi không tưởng trong hoàn cảnh hiện nay. Giờ đây, tuy không cho báo chí được bộc lộ ra bên ngoài, nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia quan trọng nhất cùng với giới hoạch định chiến lược ở Việt Nam ngày đêm đang đau đầu, rút tỉa các bài học từ sự thất thủ nay mai của Ukraine. Hẳn nhiên, Ukraine không phải là Việt Nam, nhưng bản chất của chủ nghĩa Đại Xlavơ hay Đại Hán, dã tâm thâu tóm lãnh thổ hay âm mưu bành trướng trên biển đảo cũng như trong đất liền của "hai đối tác chiến lược" hàng đầu của Việt Nam là Nga và Trung Quốc thì đời nào cũng thế : từ phong kiến, cộng sản cho đến hậu cộng sản và thời nay.

Trừ những tướng tá buôn lậu cát chở ra các đảo để giúp Tàu mở rộng diện tích trên những thực thể địa lý ở Trường Sa và Hoàng Sa, trừ những nhà lãnh đạo bán những vùng đất sinh tử đối với an ninh quốc gia, như Tây Nguyên hay các bờ biển mền Trung cho Tàu…, ở một số nào đó của những con người còn lương tâm và trách nhiệm trong hàng ngũ lãnh đạo hiện nay chắc cũng đang lo sốt vó.

Chia sẻ với những nỗi lo ấy, cách đây khá lâu, giới tinh hoa của đất nước đã nhiều lần đưa ra các kiến nghị, các khuyến cáo đầy tính xây dựng. Những người soạn thảo và ký bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mang chữ ký trực tiếp của 72 người đã được trao tận tay Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp ngày 4/2/2013 (2). Bước sang 2015, 127 nhân sĩ trí thức đã có thư ngỏ gửi Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam (3). Rồi còn các thư ngỏ cùng với các kiến nghị khác nhân dịp Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam (năm 2021)…

Giờ đây chính là lúc các vị lãnh đạo nên cho nghiên cứu kỹ hơn các kiến nghị nói trên. Từ đó các vị có thể xây dựng cho mình tầm nhìn xuyên suốt. Và điều quan trong bậc nhất trong tầm nhìn này là quý vị hãy dựa vào trí tuệ của dân tộc Việt. Bởi vì, một trong những hệ lụy từ cuộc xâm lược Ukraine của Putin là các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Á và Đông Nam Á dễ rơi vào một vòng xoáy chạy đua vũ trang mới. Để bảo vệ bờ cõi, hẳn nhiên cần tàu to súng lớn, nhưng các vị chớ quên "sức mạnh mềm" tiềm ẩn trong huyết quản của của đại đa số người dân trên giải đất này. Hãy đừng quên mẩu đối thoại của cha con họ Hồ : "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi". Mà lòng dân thời nay đã được Nguyễn Duy, nhà thơ của chúng sinh, khái quát : "Ai qua thành phố Bác Hồ/ mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm /bây giờ mẹ phải dặn thêm/quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày" (4).

Liền kề "Tầm nhìn xuyên suốt" là "Niềm tin" và "Lòng trung thực". Sử gia người Mỹ gốc Do Thái Yuval Noah Harari có lý khi ông dự đoán, hướng đi của nhân loại đang được quyết định tại Ukraine. Theo Harari, chiến tranh, chinh phạt, xâm chiếm lãnh thổ, cướp bóc tài nguyên, lấy bạo lực để bảo đảm vị thế, sự thịnh vượng, bảo đảm vinh quang, vốn từng là hoạt động hết sức phổ biến trong lịch sử nhân loại hàng ngàn năm nay. Luật Rừng, nơi mạnh được yếu thua, đã từng là nguyên tắc chủ yếu chi phối lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, trong vòng vài thế hệ gần đây, thế giới đã chuyển sang một hướng đi hoàn toàn khác, một thay đổi triệt để. Cụ thể là một bộ phận lớn của giới tinh hoa lãnh đạo thế giới hiện nay tin tưởng là chiến tranh là "cái ác có thể tránh được". Nhưng trong quý một của năm 2022 này, khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa tạm lắng sau hai năm hoành hành, nhân loại lại đứng trước một đe dọa lớn mới đáng sợ hơn bội phần : Chiến tranh. Ukraine bị xâm lăng hiện nay không chỉ là đại họa với người dân của riêng quốc gia này cùng những khu vực xung quanh, mà còn đe dọa toàn bộ thành tựu của thế giới từ hơn nửa thế kỷ qua : "Nền hòa bình Mới". Càng những lúc như thế này, chính ta càng phải có "Niềm tin" và "Lòng Trung thực" đối với Hòa bình (5).

Chúng ta tin rằng, ở vị trí địa-chính trị đặc biệt như Việt Nam thì điều quan trọng là phải biết cân bằng trong mối quan hệ ngoại giao và thậm chí phải biết ứng xử trong từng hoàn cảnh cụ thể, từng giai đoạn cụ thể làm sao cho nó uyển chuyển. Rõ ràng lần này chính phủ Việt Nam phản ứng khá chừng mực. BNG không ra mặt công khai ủng hộ Nga, vì nếu ủng hộ Nga thì sau này Việt Nam nếu có sự cố với Trung Quốc thì sẽ ở vào thế rất là kẹt. Ngay cả bài phát biểu của Tổng thống Ukraine trong phút nguy kịch thì ông ấy cũng cư xử mềm mỏng. Ông ấy chỉ nhắc tới quân xâm lược nước ngoài mà không chỉ mặt đặt tên nước Nga và Putin trước công luận. Vì vậy, người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao của Ukraine tại Hà nội không thể yêu cầu chính quyền Việt Nam "phải chỉ đích danh kẻ xâm lược".

Cân bằng, uyển chuyển nhưng Việt Nam phải "trung thực" với mọi đối tác, đặc biệt là các đối tác hàng đầu. Giáo sư Nguyễn Đình Cống gần đây có đưa ra một nhận xét tinh tế, rằng Việt Nam chưa hoàn toàn thực sự theo đuổi đường lối cân bằng giữa các nước lớn, mà vẫn "nhất bên trọng, nhất bên chưa trọng". Sự phi lý chủ yếu nằm ở chỗ, trong lúc lợi dụng sự giúp đỡ của Mỹ trên hầu hết mọi lĩnh vực, thì Việt Nam vẫn ôm chặt và bị lệ thuộc vào Trung quốc, vì một "đại cục viển vông" nào đó. Đánh mất sự cân bằng về chất giữa các nước lớn đến như vậy thì khó có thể gọi đó là một chính sách "quân bình tích cực" (6).

Vương Hồng Thạch

Nguồn : RFA, 26/02/2022

Tham khảo :

1. https://www.bbc.com/vietnamese/world-60523392

2. http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/06/nhan-si-tri-thuc-tuyen-bo-phan-oi-ban.html

3. http://xuandienhannom.blogspot.com/2015/12/127-nhan-si-tri-thuc-gui-chinh-tri.html

4. http://xuandienhannom.blogspot.com/2018/10/cuop-tho-nguyen-duy.html

5. https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220213-harari-huong-di-cua-nhan-loai-dang-duoc-quyet-dinh-tai-ukraina

6. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/from-diplomatic-trick-to-real-play-02202022085525.html

***************************

Giới trí thức và xã hội dân sự ở Việt Nam ủng hộ Ukraine, kêu gọi Nga chấm dứt chiến tranh

RFA, 01/03/2022

Một số trí thức và tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam vào ngày 1/3 công bố bức thư chung gửi cho Đại sứ quán Ukraine ở Hà Nội. Bức thư trình bày với đại biện lâm thời Nataliya Zhynkina sự đoàn kết của những người ký tên với đất nước Ukraine.

nato4

Biểu tình phản đối Nga xâm lược Ukraine tại Bali, Indonesia hôm 1/3/2022 - AFP

Trong thư, những cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức ký tên bày tỏ sự chia sẻ với người dân Ukraine về mất mát và hy sinh trong cuộc chiến tranh được cho là "một cuộc xâm lược do Putin gây ra".

Tự gọi mình là "những người yêu chuộng tự do", những cá nhân và tổ chức khởi xướng bức thư này cho rằng cuộc kháng chiến của người Ukraine lúc này không chỉ là để bảo vệ hòa bình, mà hơn thế nữa, còn nhằm bảo vệ một "nền dân chủ non trẻ" vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài.

Và mặc dù Việt Nam là một quốc gia cộng sản, nhưng những người này cho rằng vẫn còn đó những người Việt Nam chia sẻ chung các giá trị độc lập và dân chủ mà người dân Ukraine đang đấu tranh để giữ gìn.

Trả lời phóng vấn của Đài Á Châu Tự do, Giáo sư Mạc Văn Trang, một trí thức thường xuyên bày tỏ thái độ về các vấn đề chính trị-xã hội, cho biết lý do ông tham gia ký tên vào bức thư này :

"Việt Nam và Ukraine ở một hoàn cảnh rất là giống nhau. Việt Nam cũng đã từng trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh bởi các nước lớn gây ra, đặc biệt là chúng ta đã từng bị Trung Quốc đô hộ bao nhiêu năm, đặc biệt là Trung Quốc đã gây ra cuộc chiến năm 1979, rồi cướp đảo Hoàng Sa, cướp đảo Gạc ma của Việt Nam, và hiện giờ vẫn đang đe dọa Việt Nam từng ngày, từng giờ.

Thế thì khi mà thấy Ukraine bị Nga, đứng đầu là tập đoàn Putin đe doạ, gây hấn, rồi đem xe tăng, đại bác, tên lửa đến để tàn phá, để xâm lược, để lấn chiếm, muốn khuất phục, lật đổ chính quyền Ukraine, để lập nên một cái chính quyền bù nhìn tay sai. Rồi biến Ukraine thành thuộc địa, chư hầu của Nga. Thì cái cuộc chiến đó rất là phi nghĩa.

Chính phủ và nhân dân Ukraine dũng cảm đứng lên để bảo vệ chủ quyền, độc lập và tự do của dân mình, thì đó là cái tấm gương để cho chúng ta phải ngưỡng mộ, đồng thời chúng ta phải ủng hộ".

Trong cùng ngày, một nhóm luật sư ở Việt Nam cũng đã công bố một bức thư gửi đến tổng thống Vladimir Putin của nước Nga.

Bức thư có nội dung kêu gọi chấm dứt chiến tranh và chỉ ra sự phi lý của cuộc chiến mà Putin đang gây ra tại Ukraine.

Luật sư Trần Đại Lâm, một trong những luật sư tham gia ký tên vào bức thư trên, cho RFA biết chính trải nghiệm của Việt Nam trong các cuộc chiến tranh ở quá khứ, là động lực khiến ông có hành động trên :

"Tôi thấy rằng người dân Việt Nam chúng ta đã phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, đi cùng với chiến tranh đó là sự chết chóc và tàn phá về kinh tế, và hậu quả về tương lai sau này. Do đó tôi không muốn nhìn thấy người Ukraine và người Nga chĩa súng vào nhau. Và những đứa trẻ ở Ukraine, chúng là những đứa trẻ vô tội, và chúng không nên và không cần phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, giống như người Việt Nam chúng ta đã phải trải qua".

Ngoài ra, vị luật sư này còn cho rằng hành vi đưa quân vào Ukraine của tổng thống Putin là hành vi xâm lược, trái ngược với luật pháp quốc tế. Ông cũng lo ngại rằng một ngày nào đó Việt Nam sẽ phải đối mặt với mối họa tương tự từ Trung Quốc.

Tuy hai bức thư được thực hiện riêng rẽ, nhưng cùng chung nội dung phản đối chiến tranh và bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine.

Một điểm chung nữa giữa những người ký tên vào hai bức thư này, đó là nỗ lực phản biện lại thái độ ủng hộ Putin của một bộ phận dân chúng Việt Nam.

Giáo sư Mạc Văn Trang nói về hiện tượng nhiều người Việt Nam ủng hộ việc gây chiến của phía Nga :

"Tôi tôn trọng các sự khác biệt ý kiến của mọi người, nhưng trong trường hợp này thì tôi không thể hiểu được. Bởi vì họ là người Việt Nam, trước sự đe dọa xâm lược của Trung Quốc như vậy mà họ lại không đồng cảm với nhân dân Ukraine, mà họ lại đi ủng hộ Putin xâm lược thì tôi không thể hiểu được cái đầu óc của họ u mê tăm tối đến nhường nào.

Thực sự tôi không thể hiểu được có những người Việt Nam như vậy !"

Còn luật sư Trần Đại Lâm thì cho rằng tâm lý ủng hộ kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu mà nhiều người ở Việt Nam bày tỏ là rất nguy hiểm, ông nói :

"Theo tôi thì cái quan điểm này hết sức là nguy hiểm. Nếu một ngày nào đó Trung Quốc tấn công, hoặc là xâm chiếm một vùng biển hoặc hòn đảo của Việt Nam ngoài Biển Đông, thì liệu rằng người Việt Nam sẽ dựa vào lý lẽ nào để nói về cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của mình ?"

Cuộc chiến mà tổng thống Putin phát động chống lại nước láng giềng Ukraine tiếp tục là đề tài được tranh luận gay gắt trên mạng xã hội tiếng Việt, giữa những người ủng hộ và phản đối cuộc chiến này.

Nguồn : RFA, 01/03/2022

**************************

Báo chí Việt Nam đi chệch lối mòn ủng hộ Nga khi viết về khủng hoảng Ukraine

RFA, 24/02/2022

Khi căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, Hà Nội - đối tác thân cận nhất của Moskva ở Đông Nam Á vẫn tỏ ra thụ động. Hà Nội không đưa ra bình luận mang tính thực chất nào ngoài việc kêu gọi hai bên kiềm chế như vẫn làm bấy lâu.

nato5

Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các liệt sĩ vô danh tại Moskva trong chuyến thăm chính thức Nga tháng 12/2021. Reuters

Trong khi đó, báo chí Việt Nam lại đưa tin rất chi tiết về cuộc xung đột này và đáng ngạc nhiên là họ không đưa tin với thái độ thiên vị Nga thông thường.

Khi cái gọi là phong trào biểu tình Euromaidan làm rung chuyển Ukraine vào năm 2014, tiếp theo là cuộc xung đột Nga-Ukraine dẫn đến việc Nga thôn tính Crimea, báo chí nhà nước thường đổ lỗi rằng cuộc khủng hoảng này là do "phương Tây". Lỗi được cho là nằm ở phía Mỹ và việc mở rộng của NATO nhằm đưa Ukraine ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Bức tranh hôm nay không giống như vậy.

Tờ Nhân Dân- cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam - đã thông tin về lập luận của cả hai bên tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba về Ukraine. Báo này không chỉ dẫn lời các đại diện Nga và Trung Quốc mà còn trích dẫn phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và tuyên bố của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Tin tức - tờ báo điện tử chính thức của Thông tấn xã Việt Nam, mặc dù dành nhiều chỗ hơn thường lệ cho các thông tin của Nga về cuộc khủng hoảng nhưng cũng đưa tin về việc phương Tây lên án sự công nhận của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt của Châu Âu đối với Moskva.

Một bài bình luận thậm chí còn viết rằng hành động của ông Putin đã "hủy hoại kỳ vọng về giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột".

Quan hệ Nga-Việt nam có lịch sử khá dài, khởi nguồn từ thời Liên Xô cũ. Liên Xô là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1950), nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nga là đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam và là một trong ba "đối tác chiến lược toàn diện" duy nhất của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ. Moskva cũng đã là đối tác cung cấp viện trợ lớn nhất cho Hà Nội trong nhiều năm cho tận đến khi Liên Xô và Khối Đông Âu sụp đổ.

Đến nay, Nga vẫn là đối tác quốc phòng quan trọng nhất của Việt Nam và là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chính cho lực lượng vũ trang của Việt Nam.

Vì những lý do đó, những chỉ trích về Nga và chính sách đối ngoại của Putin, đặc biệt là khi nó không liên quan trực tiếp đến Việt Nam, là rất hãn hữu. 

Việt Nam không có báo chí tư nhân và hầu hết báo chí trong nước tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương - cánh tay đặc biệt của Đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên, khi hơn 70% dân số Việt Nam có truy cập internet và thế hệ nhà báo trẻ hiện có thể khai thác các nguồn tin tức bằng tiếng Anh, nhiều tư tưởng "phương Tây hóa" đã xâm nhập vào báo chí trong nước bất chấp sự thất vọng và không hài lòng của những người bảo thủ.

nato6

Người dân đọc báo bên bờ hồ Hoàn Kiếm tại Hà Nội. Ảnh chụp ngày 3/5/2018. Ảnh : Reuters

Những cảnh báo về Trung Quốc

Chính phủ Việt Nam hôm thứ tư đã ra tuyên bố đầu tiên về cuộc xung đột Ukraine với lời kêu gọi quen thuộc, yêu cầu tất cả các bên "kiềm chế và giải quyết các bất đồng một cách hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".

Tuy nhiên, các thảo luận về tình hình Ukraine đang nóng lên trên các diễn đàn mạng xã hội của Việt Nam, đặc biệt trên Facebook - mạng xã hội đang được 66 triệu người Việt Nam sử dụng. 

Sự quan tâm của cư dân mạng Việt Nam đối với cuộc xung đột cách xa khoảng 8.000 km hiện tập trung vào một số chủ đề chính như : Cộng đồng người Việt khoảng 6.000-7.000 người đang sống tại Ukraine, ảnh hưởng đối với kinh tế thế giới và Trung Quốc.

Bất chấp mối quan hệ huynh đệ giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam, hiện có sự nghi ngờ và kình địch giữa hai quốc gia láng giềng, đặc biệt trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

"Trung Quốc đã bắt tay với Nga để hình thành một trật tự thế giới mới" - cựu đại sứ Nguyễn Ngọc Trường, một nhà phân tích chính trị cho biết.

"Bây giờ, Châu Á nên cẩn thận với Trung Quốc" - ông nói thêm.

"Mỹ đã mắc một sai lầm chiến lược" - một nhà phân tích khác từ Việt Nam nhận định. Ông này không muốn tiết lộ danh tính vì mối liên quan với chính phủ Việt Nam và không được phép trả lời báo chí.

"Họ [Mỹ] dường như quên rằng đối thủ cạnh tranh thực sự của họ là Trung Quốc. Đối đầu với Nga nghĩa là phải chiến đấu trên hai mặt trận cùng một lúc. Thất bại gần như là chắc chắn" - nhà phân tích này nói.

Chính quyền Biden tuyên bố sẽ không đưa quân đội đến chiến đấu ở Ukraine. Và Trung Quốc cũng khẳng định sẽ không lợi dụng tình hình ở Ukraine và rằng Trung Quốc không có lợi ích cá nhân trong vấn đề Ukraine. Nhưng nhiều người Việt lo ngại rằng khi Washington bị phân tâm bởi căng thẳng leo thang ở Ukraine, Bắc Kinh sẽ tận dụng tình hình và thúc đẩy chương trình nghị sự của mình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đài Loan và Biển Đông dường như là những mục tiêu nhỡn tiền nhất vì Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với những nơi này - nhà phân tích Việt Nam nhận định. Ông đồng thời nói thêm rằng hành xử của Trung Quốc ra sao sẽ phụ thuộc vào những diễn biến tình hình ở Châu Âu.

Nguồn : RFA, 24/02/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Iliya Kusa, Chi Phương, Đinh Đăng Định, Tuấn Khanh, Vương Hồng Thạch, RFA tiếng Việt
Read 609 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)