Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2022

Sự hèn nhát không thể biện hộ bằng những ngôn từ

Hoàng Hải Yến, Nguyễn Chí Vịnh, Trương Nhân Tuấn

Không thể hèn hạ và đạo đức giả như thế !

Hoàng Hải Yến, RFA, 06/03/2022

Đã có nhiều bình luận về "lá phiếu trắng" mà Việt Nam lựa chọn tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3/2022. Lập trường đó đi ngược lại dư luận của thế giới tiến bộ, phản ánh một xu hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Hà Nội.

UN-UKRAINE-RUSSIA-CONFLICT

Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang (trái), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine hôm 28/2/2022 - AFP, RFA edit

Sự kháng cự gay gắt của các lực lượng Ukraine tiếp tục cản trở những bước tiến của Nga trên khắp đất nước vào ngày thứ 10 của cuộc chiến tranh xâm lược. Ở phía nam, quân đội Nga đã chiếm được các khu vực dọc theo bờ Biển Đen và thành phố cảng Mariupol vẫn bị bao vây. Tuy nhiên, Thống đốc Mykolaiv cho biết quân đội Nga đã bị đuổi khỏi thành phố. Thành phố Kharkiv thứ hai của Ukraine, ở phía bắc, cũng bị bao vây. Từ ảnh của vệ tinh có thể thấy, đoàn xe quân sự hùng hậu dài đến 64 km của Nga tiến về Kyiv những ngày gần đây không đạt bước tiến nào đáng kể. Ngoại trưởng Mỹ Blinken trả lời phỏng vấn phóng viên ngoại giao của BBC, James Landale sau khi gặp những người đồng cấp Liên Hiệp Châu Âu tại Brussels khi bắt đầu chuyến công du Châu Âu kéo dài sáu ngày. Ông cho biết cộng đồng quốc tế cam kết làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine và sẽ gây "áp lực lớn lên Nga để chấm dứt cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng" (1).

Hèn nhát và đạo đức giả

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong số rất ít nước đã không tuân thủ cam kết nói trên của cộng đồng quốc tế. Đã có rất nhiều bình luận về "lá phiếu trắng" mà Việt Nam lựa chọn tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 2/3/2022. Lá phiếu ấy đi ngược lại lập trường của thế giới tiến bộ, phản ánh xu hướng nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Hà Nội. Nhìn bộ mặt như "người mất sổ gạo" của Đặng Hoàng Giang thấy tội nghiệp cho nền ngoại giao thuần phục Tàu tuyệt đối (2).

Hãy đọc bình luận sắc sảo của Tiễn sĩ Nguyễn Ngọc Chu về cái gọi là lập trường "trung lập và khôn khéo" của Việt Nam. Tiến sĩ Chu viết thế này về "trung lập" : Kẻ yếu, viện cớ trung lập để yên thân, đến mức thấy kẻ mạnh xâm lược không dám lên án, thấy kẻ mạnh cướp bóc không dám hô hoán, thì đến lúc mình rơi vào hoàn cảnh tương tự sẽ không ai cứu giúp... Và viết thế này về "khôn khéo" : Kẻ yếu, sợ kẻ mạnh mà ‘khôn khéo’ im lặng để kẻ mạnh ức hiếp người yếu, thì khi ngồi ghế quan tòa sẽ bẻ cong công lý mà xử lợi cho người thân, xử lợi cho người phải chịu ơn, xử lợi cho kẻ có quyền, có tiền. Theo Tiến sĩ Chu : ‘Trung lập’ không có nghĩa là im lặng cho cái ác lộng hành. ‘Khôn khéo’ không có nghĩa là ủng hộ phi nghĩa. ‘Trung lập’ có biên độ, ‘Khôn khéo’ có giới hạn.

Để chứng minh, Nguyễn Ngọc Chu dẫn Thuỵ Sĩ làm ví dụ : Thụy Sĩ vừa từ bỏ truyền thống trung lập hàng trăm năm để đưa ra quyết định mang tính lịch sử - đóng băng tài sản của Tổng thống Putin, Thủ tướng Mishustin, Ngoại trưởng Lavrov, cùng 367 cá nhân trong danh sách trừng phạt của EU. Ngoài Thụy Sĩ còn Thuỵ Điển cũng từ bỏ truyền thống trung lập không viện trợ vũ khí cho các quốc gia đang có chiến tranh và gửi cho quân đội Ukraine 5.000 hỏa tiễn xách tay dùng chống tăng, 5.000 mũ và áo chống đạn, 135.000 phần ăn dùng ở chiến trường. Phần Lan – quốc gia quan niệm trung lập là khôn khéo vì sẽ được yên thân – cũng đã thôi "khôn khéo" và "trung lập" gửi cho Ukraine 1.500 bệ phóng tên lửa, 2.500 súng cá nhân, 150.000 băng đạn, 70.000 phần ăn dùng ở chiến trường (3). 

Lập trường hèn hạ và đạo đức giả của Việt Nam không chỉ thể hiện ở bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc. Nó còn thế hiện ngay ở sự chuyển dịch (nói trắng ra là sự thay đổi) trong các bình luận công khai của mấy ông tướng "quảng lạc" theo đóm ăn tàn. Ngay sau khi Nga xua quân vào Ukraine, tướng Lê Văn Cương, học vị Tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư, từng là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an, nhận định : Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine có "ba trọng tội". Trên bục diễn giả, tướng Cương phân tích cặn kẽ về "ba trọng tội" này của ông Zelensky : ‘Nó’ không hiểu lịch sử – lịch sử mách bảo Ukraine phải đứng trung gian giữa Đông và Tây, nghiêng về phương Tây, chống Nga là thất bại. Ngờ nghệch, ấu trĩ về chính trị quốc tế, "một ‘thằng hề 43 tuổi’ làm sao đấu với ông Putin KGB 70 tuổi được... ‘Hắn’ chờ đợi Hoa Kỳ, đâu đó ở Châu Âu xắn quần, xắn áo đổ vũ khí vào. ‘Hắn’ không hiểu một điều tối thiểu là lợi ích của Hoa Kỳ với Nga là 100, thì lợi ích của Hoa Kỳ với Ukraine chỉ là một. Những cường quốc hàng đầu như Anh, Đức, Pháp không bao giờ đấu với Nga để cứu một ‘con bệnh’, bản thân Ukraine là ‘con bệnh của Châu Âu’. Không có ‘thằng điên’ nào đấu với Nga để cứu ‘con bệnh’ cả (4).

"Năm không" là đầu hàng vô điều kiện

Tuy nhiên, gần đây, khi tình hình chiến sự ở Ukraine diễn ra ngày càng ác liệt, và sự thất bại về chiến lược của Putin đã trở nên nhỡn tiền, thì truyền thông "lề phải" của Việt Nam bắt đầu đổi giọng. Tướng Nguyễn Chí Vịnh "phát" trên tờ Tuổi trẻ : "Với Việt Nam, cần làm rõ : trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta". Cuộc chiến "tốn" hàng ngàn nhân mạng mỗi ngày, mà tờ báo này gọi là "xích mích" giữa Nga và Ukraine. "Cháy nhà ra mặt chuột", thấy Nga thua đến đít nên mấy ông tướng "quảng lạc" nay lên giọng dạy đời như thế này : "Điều chúng ta cần quan tâm hơn không phải là bên nào đúng, bên nào sai mà là khi chiến sự kết thúc sẽ tạo ra một tình thế rất mới mẻ trong trật tự an ninh toàn cầu và chắc chắn sẽ làm nảy sinh rất nhiều vấn đề chưa có tiền lệ trong các mối quan hệ quốc tế của Việt Nam những năm sắp tới. Đây mới là thách thức quan trọng nhất mà Việt Nam phải tính toán và đối mặt" (5).

Nhưng ai cho phép Việt Nam được "tính toán" và "bày tỏ" các vấn đề liên quan đến lợi ích dân tộc và quốc gia của mình, một khi Tập Cận Bình chưa "bật đèn xanh" cho Nguyễn Phú Trọng, như hắn đã "bật đèn xanh" cho Hun Sen được phép một lần, tỏ thái độ chống Putin xâm lược. Trong tình hình hiện nay, Trung Quốc thấy càng phải đẩy mạnh kế hoạch tiến chiếm Biển Đông. Trong một thông cáo vào cuối ngày 4/3, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) đăng thông tin cho biết quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các tọa độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km. Theo thống kê của South China Morning Post, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất bảy cuộc tập trận ở Biển Đông bao gồm một cuộc tập trận ở vùng Vịnh Bắc Bộ (6).

Nếu không nhầm thị chính tướng Vịnh là một trong các tác giả của chính sách quốc phòng "ba không" và "bốn không". Mà hình như thấy "ba không", "bốn không" Trung Quốc vẫn chưa hài lòng, những kẻ "Hán gian" nằm vùng tại Hà Nội đang chuẩn bị cho ra đời một "không" thứ năm nữa. Chiều 2/3 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tháng 3/2022 bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị chỉ thị : "Không trích dẫn thông tin thiếu kiểm chứng, không sử dụng các từ ngữ không phù hợp, các từ ngữ mang tính chỉ trích, tiêu cực về các bên liên quan, về lãnh đạo các nước". Nói nôm na, cấm truyền thông mọi loại đưa tin về Putin đang phạm tội ác "diệt chủng" ở Ukraine. Một bài báo đăng trong dịp này nhấn mạnh : "Trong quan hệ đối ngoại, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên trì thực hiện chính sách ‘năm không’ : Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam và không liên kết nước này để chống nước kia". "Năm không" này là chủ trương đầu hàng Tàu vô điều kiện. Vậy thì lấy đâu ra vị trí trung lập để xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và hành động" ??? (7)

Hoàng Hải Yến

Nguồn : RFA, 06/03/2022

____________

Tham khảo :

1. https://www.bbc.com/vietnamese/world-60629185

2. https://www.voatiengviet.com/a/ngo%E1%BA%A1i-giao-vi%E1%BB%87t-nam-li%E1%BB%87u-s%E1%BA%BD-r%C6%A1i-t%E1%BB%B1-do-%C4%91%E1%BA%BFn-khi-n%C3%A0o-/6470570.html

3. https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2587351048064976

4. https://www.facebook.com/100062975111538/posts/321149096660925/

5. https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm

6. https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-exercise-near-hue-city-03052022203958.html

7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60602302

**********************

Tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về xung đột Nga – Ukraine

Đà Trang, Lê Kiên, Thành Cung, Tuổi Trẻ online, 06/03/2022

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ xung quanh tình hình chiến sự Nga – Ukraine, sự can dự của các bên, dự báo kết cục của xung đột và Việt Nam cần làm gì trong bối cảnh này.

hen02

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cho rằng việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine thời điểm này là sự kiện lạ thường xảy ra trong một thế giới hiện đại, giữa kỷ nguyên hội nhập và toàn cầu hóa. Đây là một bất ngờ với cả thế giới, dù trước đó có thể có rất nhiều "thuyết âm mưu".

Chiến dịch quân sự tạo ra tiền lệ xấu

Nguyễn Chí Vịnh : Cuộc đối đầu quân sự và các diễn biến tại Ukraine mang tính cục bộ nhưng đã nhanh chóng được đẩy lên phạm vi toàn cầu. Bởi xét trên bình diện quốc tế, các cuộc chiến tranh đều gây ảnh hưởng đến ổn định, hòa bình, chính trị, quân sự, an ninh, kinh tế…

Với Việt Nam, cần làm rõ : trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta.

Phóng viên : Với Việt Nam, cả Nga và Ukraine đều là những người bạn truyền thống, nên mỗi người chúng ta đều rất không vui trước tình hình xung đột, chiến sự hiện nay. Các nước can dự vào xung đột này cũng đều là bạn bè, đối tác của Việt Nam, vậy chúng ta phải đứng về bên nào ? Lựa chọn cách ứng xử như thế nào ?

Nguyễn Chí Vịnh : Một câu hỏi được đặt ra trong những ngày qua là ai đúng, ai sai trong cuộc xung đột này và liệu nó sẽ đi về đâu ? Các bên xung đột trực tiếp và các bên can dự đều viện dẫn lý lẽ của mình.

Tôi nghĩ rằng nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, nhưng rõ ràng chiến dịch quân sự này tạo ra tiền lệ xấu trong việc sử dụng sức mạnh quân sự trong quan hệ quốc tế, hòa bình thế giới bị đe dọa.

Nhưng kết cục của cuộc chiến sẽ đi về đâu, ai sẽ thắng ? Cá nhân tôi cho rằng cả Nga và Ukraine đều không có bên nào thắng.

Phóng viên : Hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng súng vẫn nổ, Mỹ và một số đồng minh viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong lúc Tổng thống Putin ra lệnh đặt lực lượng răn đe (vũ khí hạt nhân) của Nga vào tình trạng cảnh giác cao. Theo ông, có những nguy cơ gì trong thời gian tới ?

Nguyễn Chí Vịnh : Rõ ràng phải lo ngại chứ, khi hằng ngày hằng giờ số người chết và bị thương cứ tăng lên. Đặc biệt khi Tổng thống Putin lệnh cho quân đội Nga đưa lực lượng phản ứng chiến lược lên mức cảnh giác cao.

Ai cũng nghĩ rằng đó chỉ là lời đe dọa nhưng đã làm cộng đồng quốc tế đặc biệt quan ngại, bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân lẽ ra không được có trong suy nghĩ của lãnh đạo các quốc gia sở hữu thứ vũ khí hủy diệt này, chứ không phải là thể hiện ra bằng lời nói và được lặp đi lặp lại không chỉ một lần.

Ở phía ngược lại, Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa.

Tôi đặt ra câu hỏi : hàng tỉ đôla viện trợ vũ khí của Mỹ và phương Tây cho Ukraine hiện nay đang và sẽ nằm trong tay ai ? Quân đội chính quy của Ukraine thì đã rõ.

Nhưng nên nhớ lực lượng xung kích và thiện chiến nhất tại Ukraine hiện nay, thường được gọi là các "Binh đoàn dân binh tự vệ" có nòng cốt là các nhóm cực hữu, phân biệt sắc tộc rất manh động (được bổ sung thêm một số tù hình sự được thả để "đổi mạng người lấy tự do").

Phía bên kia là các đơn vị bán vũ trang và lính đánh thuê ở miền Đông do Nga hậu thuẫn. Thử hỏi khi cuộc chiến tranh đã đi qua, những vũ khí hiện đại đó nằm trong tay các nhóm vô chính phủ sẽ được sử dụng như thế nào ?

Phải ngăn chặn nguy cơ thế giới phân cực

Phóng viên : Chiến sự Nga – Ukraine không thể kéo dài mãi, phải có kết cục. Điều nhiều người đang lo ngại là cho dù cuộc chiến này có kết cục như thế nào đi nữa thì sau đó thế giới cũng bị biến đổi sâu sắc, bởi cấu trúc an ninh toàn cầu sẽ thay đổi. Ông bình luận gì ?

Nguyễn Chí Vịnh : Đúng như vậy. Như tôi đã nói, tôi cho rằng cuộc chiến này Nga và Ukraine sẽ không có bên nào thắng. Chúng ta nhớ lại năm 1979, Liên Xô đưa quân sang Afghanistan và thời điểm đó, mọi chuyện tưởng chừng như đã an bài, nếu so sánh sức mạnh của hai bên.

Nhưng sau 10 năm sa lầy, Liên Xô phải quay trở về trong thế yếu và đó là một nhân tố góp phần làm Liên Xô sụp đổ. Nước Nga cần nhớ lại bài học này để có thể ngồi vào bàn đàm phán.

Theo tôi, chiến sự tại Ukraine hiện nay khó có khả năng lan rộng, bởi không ai muốn nó lan rộng, kể cả Nga. Tuy vậy, nếu các bên thiếu kiềm chế, không chỉ Nga – Ukraine mà cả các quốc gia can dự nữa, thì nguy cơ từ chiến tranh mở rộng, cộng hưởng với chiến tranh kinh tế, chính trị và tạo ra phân cực thế giới mới thì vấn đề có thể bị đẩy đi xa hơn, rộng hơn, xấu hơn rất nhiều.

Điều chúng ta lo ngại là cuộc chiến này có thể dẫn đến hệ lụy xấu đối với tương lai thế giới khi cấu trúc an ninh hiện tại bị phá vỡ. Một trật tự thế giới đa cực có thể bị biến đổi thành "hai phe", nếu như vậy nguy cơ đối đầu dai dẳng và nguy hiểm.

Cho nên tất cả những gì chúng ta mong muốn và cần phải hành động là ngăn chặn kết cục xấu ấy, ngăn chặn nguy cơ phân cực thế giới một lần nữa.

Phóng viên : Muốn tránh nguy cơ nguy hiểm này thì chỉ có một con đường : đối thoại, đối thoại và đối thoại ?

Nguyễn Chí Vịnh : Cho dù cuộc chiến có kết cục thế nào đi nữa thì Nga và Ukraine đều có những tổn hại về phía mình. Nga phải bỏ chi phí rất lớn để thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, lại phải chịu các đòn trừng phạt kinh tế của EU, Mỹ và đồng minh.

Về đối ngoại, nước Nga sẽ có một kẻ thù ở sát nách thay vì một người anh em hay một nước láng giềng truyền thống. Hơn thế nữa, uy tín và đoàn kết quốc gia sẽ bị tổn hại vô cùng nặng nề và lâu dài.

Còn Ukraine thì sẽ tan nát sau cuộc chiến và trước mắt là một tương lai lệ thuộc, mất ổn định, xung đột, thậm chí nội chiến lâu dài. Nhiều chuyên gia có chung nhận định rằng hưởng lợi từ sự kiện này, cả trước mắt và lâu dài, là những nước lớn không trực tiếp tham gia xung đột, đang đứng ngoài "tọa sơn quan hổ đấu".

Con đường đối thoại là đương nhiên, nhưng cách nào để có đối thoại thực chất, trên cơ sở tôn trọng lợi ích, nhân nhượng lẫn nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế (mà trong cuộc chiến này yếu tố đó hình như không được coi trọng cho lắm), nên cần có nhiều tiếng nói ở các góc độ khác nhau với các bên tham gia, trong đó có đa phương, có song phương.

Nói cho gọn, tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải "quay xe", lùi lại – tức là đều phải nhân nhượng.

Nhưng phải để cho mọi quốc gia đều giữ được thể diện, tức là không có người thắng, kẻ thua – mà là "cùng thắng", người thắng thực sự là hòa bình. Nếu các bên không cùng nhau đảm bảo yêu cầu này, đàm phán sẽ thất bại. Cũng đừng chờ đợi vào công thức "người thắng trên chiến trường sẽ là người có tiếng nói cuối cùng trên bàn đàm phán" như đã từng diễn ra trong quá khứ.

Vậy công thức nào ? Không khó để nhìn ra, đó là : ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới ; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên ; các khu vực tranh chấp (Crimea, Donbass…) giữ nguyên trạng, 2 nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế ; Ukraine trung lập, "3 không" – đối với tất cả các bên.

Tôi nhắc lại, muốn hạ nhiệt ở Ukraine cần chọn công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận.

Việt Nam có thể làm gì ?

Phóng viên : Theo ông, cuộc xung đột này ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam và chúng ta cần có hành động gì để đóng góp vào việc thiết lập lại hòa bình ?

Nguyễn Chí Vịnh : Rõ ràng là tình hình đã ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực và ngày càng ảnh hưởng nhiều hơn đến Việt Nam. Đây mới là thách thức quan trọng mà Việt Nam phải tính toán và đối mặt để không bao giờ cho phép xảy ra những vấn đề tương tự trên đất nước của chúng ta.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị ngoại giao mới đây đã nhận định rằng trong tình hình thế giới hiện nay, là một quốc gia có trách nhiệm, chúng ta cần phải căn cứ vào vị thế của đất nước để có tiếng nói phù hợp đóng góp cho hòa bình, ổn định, an ninh thế giới và đó cũng là lợi ích của Việt Nam.

Đồng thời, cần rất chủ động để xúc tiến các bước đi ngoại giao nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, đó chính là bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Chúng ta không thể đứng ngoài sự việc này, bởi trước hết Nga và Ukraine đều là bạn của Việt Nam, những bên can dự vào đều là đối tác của chúng ta. Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh để có thể tham gia, đóng góp giúp tạo lập lại hòa bình.

Thứ nhất, chúng ta đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, để kiến lập nền hòa bình bền vững cho đất nước.

Thứ hai, chúng ta cũng có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nhưng vẫn giữ được hòa bình. Trong hơn 1/4 thế kỷ qua, sóng gió như vậy nhưng Việt Nam giữ vững được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ được độc lập tự chủ và những gì chúng ta đang có, đồng thời giữ được hòa bình.

Thứ ba, chúng ta có quan hệ đa phương rộng rãi với hầu hết các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Đó là thế mạnh mà chúng ta phải tận dụng để đóng góp cho hy vọng hòa bình ở Ukraine trong sự bình đẳng, phù hợp luật pháp quốc tế. Và đó cũng chính là lợi ích của Việt Nam.

Phóng viên : Như ông phân tích, chúng ta đều là bạn của Nga và Ukraine, vậy khi 2 người bạn xảy ra "xích mích" thì chúng ta nên hành động thế nào cho phù hợp trong lúc này ?

Nguyễn Chí Vịnh : Tôi lại nhớ đến câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính : Ngoại giao phải chân thành. Chúng ta cần chân thành, thẳng thắn nêu ý kiến với tất cả bạn bè, đối tác để đóng góp cho hòa bình.

Theo tôi, với nước Nga, một người bạn truyền thống, từng giúp đỡ nghĩa tình cho Việt Nam, chúng ta ủng hộ Nga là một cường quốc trên thế giới, ủng hộ bảo đảm an ninh của nước Nga trong nội địa và không bị uy hiếp ngoài biên giới, không đồng tình với các lệnh trừng phạt kinh tế, bao vây, cấm vận áp đặt lên nước Nga.

Nhưng đồng thời cũng góp ý với bạn, trước hết không đồng tình khi chủ quyền, lãnh thổ các nước không được tôn trọng theo luật pháp quốc tế, bất luận là hình thức nào. Việc dùng chiến tranh hoặc sức mạnh để giải quyết tranh chấp là không thể chấp nhận, chúng ta cũng không đồng tình khi cuộc chiến này sẽ tạo ra các tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.

Với Ukraine, chúng ta ủng hộ người bạn của mình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ danh dự quốc gia. Chúng ta chân thành mong muốn Ukraine hòa bình, không bị áp đặt bởi chính trị cường quyền, không phải chịu đựng chính sách "ngoại giao pháo hạm" của nước lớn.

Chúng ta phản đối bất cứ hình thức nào áp đặt chiến tranh với Ukraine, kêu gọi hòa bình, ổn định cho người dân. Tuy nhiên, cũng cần góp ý với các bạn Ukraine về việc để đất nước mình trở thành nơi xung đột quyền lực của các nước lớn là rất không ổn.

Thêm vào đó, khi sống cạnh nước lớn mà anh lại định đem sức mạnh quân sự để đối đầu với họ là hạ sách. Cũng cần góp ý với bạn về việc không nên nghiêng về bên nào.

Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bài học "3 không" trong chính sách quốc phòng, đó là không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ nước mình để chống lại nước thứ ba.

Đà Trang, Lê Kiên, Thành Cung thực hiện

Nguồn : Tuổi Trẻ online, 06/03/2022

*************************

Đôi lời cùng tướng Vịnh

Trương Nhân Tuấn, 06/3/2022

Ý kiến của tướng Vịnh về cái gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga đối với Ukraine, thể hiện qua bài nói chuyện đăng lại trên Tuổi Trẻ hôm qua (thấy chuyền qua chuyền lại trên net), theo tôi có nhiều điều "không thuyết phục".

hen03

Những mũi tiến quân của quân đội Nga vào lãnh thổ Ukraine ngày 24/02/2022

Thứ nhứt, khi Tướng Vịnh cho rằng : "nguyên nhân để xung đột leo thang như hiện nay không có bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối".

Tướng Vịnh nói vậy, không bên nào đúng hoặc sai tuyệt đối, tức là phía Nga "có lý do" để biện hộ cho hành vi mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" mà thực chất là xâm lược Ukraine.

Đồng thời tướng Vịnh cũng hàm ý nói rằng các hành vi trừng phạt Nga về kinh tế của cộng đồng thế giới là không hoàn toàn đúng.

Mọi người đều biết, ngay cả tướng Vịnh, thực chất của "chiến dịch quân sự đặc biệt" là một cuộc xâm lược vũ trang và mục tiêu chiến dịch là chinh phục lãnh thổ và "vẽ lại đường biên giới" Ukraine.

Đây là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế vì nó phá hủy toàn bộ các nguyên tắc nền tảng lập nên luật lệ quốc tế (tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia như không xâm phạm biên giới, lãnh thổ, không can dự vào chuyện nội bộ… của quốc gia khác v.v..). Tướng Vịnh trong bài phát biểu đã nhấn mạnh ở các điều này.

Ngay từ đêm trước khi tấn công vào Ukraine, Putin đã ký sắc lệnh "công nhận hai cộng hòa độc lập Donestk và Luhansk".

Donesk và Luhansk là hai vùng lãnh thổ của Ukraine mà Putin ủng hộ ly khai năm 2014. Đồng thời còn có vụ "trưng cầu dân ý" sáp nhập lãnh thổ Crimea, vốn thuộc Ukraine, vào Nga.

Từ các việc này Putin vịn vào điều 51 hiến chương Liên Hiệp Quốc về "quyền tự vệ chính đáng" và "quyền tự vệ tập thể chính đáng" để đem quân bảo vệ "sự toàn vẹn lãnh thổ" của hai cộng hòa độc lập Donestk và Luhansk.

Nếu tướng Vịnh không cho rằng các hành vi này của Putin không sai 100% thì tướng Vịnh đã "mở cửa" cho một tiền lệ nguy hiểm, có thể áp dụng cho Việt Nam.

Tướng Vịnh không thể không biết các vùng lãnh thổ miền Trung và phía Nam của Việt Nam chỉ mới được sáp nhập vào Việt Nam từ vài chục năm đến vài thế kỷ nay mà thôi. Vùng đất Khmer Krom (bao gồm Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc liêu…) chỉ mới yên ổn vài thập niên trở lại đây.

Trong khi Hiệp định Paris 1973 (còn mới nguyên) có qui định "nhân dân miền Nam được giữ quyền dân tộc tự quyết". Nhân dân miền Nam ở đây là dân Việt Nam phía nam vĩ tuyến 17.

Giả sử rằng, một cường quốc bá đạo nào đó khích động dân địa phương nổi dậy vũ trang và tuyên bố "ly khai".

"Cường quốc bá đạo" có thể nhìn nhận "nền độc lập của cộng hòa Khmer Krom", với lãnh thổ bao gồm lục tỉnh Nam Kỳ. Tức vùng "đất mới" của Việt Nam, tính từ thời các chúa Nguyễn. Việt Nam dĩ nhiên đem quân trấn áp. Tức thì "cường quốc bá đạo" đó vịn điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền "tự vệ tập thể chính đáng". "Cường quốc bá đạo và đồng minh" đổ quân vô Việt Nam, chia Việt Nam thành nhiều khúc, chiếm Sài gòn, sau đó phong tỏa Hà Nội (kiểu phong tỏa Stalingrad 1943 hay Kiev hiện tại).

Hoặc là "cường quốc bá đạo và đồng minh" yêu cầu Việt Nam tuân thủ "quyền dân tộc tự quyết" của nhân dân miền Nam (nam vĩ tuyến 17). Sau đó bằng các áp lực quân sự lẫn ngoại giao và kinh tế, một cuộc "trưng cầu dân ý" được mở ra để nhân dân miền Nam thể hiện ý chí, thí dụ miền Nam ly khai để thành lập Cộng hòa Nam Việt (Nam Việt Dân quốc) độc lập, có chủ quyền với chế độ dân chủ tự do, đa nguyên chính trị và thân tư bản. Hiển nhiên yêu sách này là chính đáng.

Khi Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và các đại cường có ký kết và bảo hộ Hiệp định Paris 1973, các pháp nhân này đã nhìn nhận "quyền dân tộc tự quyết" của nhân dân miền Nam. Quyền này không thể truất bãi. Nhân dân miền Nam còn thì quyền này còn.

Nghĩ lại thấy "kẹt" phải không tướng Vịnh ?

Thứ hai, tướng Vịnh cho rằng : "Mỹ và một số quốc gia viện trợ vũ khí cho Ukraine trong tình hình hiện nay là sai lầm, và có thể đằng sau nó là một âm mưu sâu xa bởi nó chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa"

Trong bài nói chuyện tướng Vịnh nhìn nhận rằng một bên là "các đơn vị bán vũ trang và lính đánh thuê ở miền Đông do Nga hậu thuẫn". Bên Ukraine thì có các "Binh đoàn dân binh tự vệ" có nòng cốt là các nhóm cực hữu, phân biệt sắc tộc rất manh động".

Theo tôi ý kiến của tướng Vịnh không thuyết phục vì chỉ muốn "tước vũ khí" một bên. Đã đành lợi bất cập hại nếu vũ khí một số lọt vào tay các nhóm neonazism. Nhưng dân gian còn có câu "thuốc đắng đã tật".

Tướng Vịnh đã ví von sai, chiến tranh không phải là "lửa cháy" mà chiến tranh do bên Nga khởi sự. Bên tự vệ là Ukraine.

Lửa sẽ tắt khi Putin ra lịnh rút quân. Bên tự vệ có muốn "đổ dầu thêm" thì lửa cũng không cháy nữa.

Tôi cũng không hiểu "âm mưu sâu xa" nào trong các hành vi viện trợ kinh tài và vũ khí của các quốc gia Mỹ, Châu Âu, Nam hàn, Singapore, Nhật… cho dân Ukraine tự vệ ? Nga rút quân thì viện trợ chấm dứt. Vì nó không cần thiết nữa.

Đó là chưa nói đến lực lượng "chí nguyện quân" từ khắp thế giới, từ các quốc gia xa xôi như Thái Lan, Việt Nam… qua Ukraine để chống quân Putin xâm lược. Không lẽ đây cũng là hành vi "đổ dầu vô lửa" ?

Ý kiến của tướng Vịnh ở chỗ này có điều "không thuyết phục" là vậy.

Thứ ba, kế sách của tướng Vịnh cho cuộc chiến. Ý kiến tướng Vịnh là :

"Tất cả các bên, trước tiên là Nga và Ukraine, rồi đến các quốc gia can dự vào cuộc xung đột này, nhất là Mỹ và EU đều phải "quay xe", lùi lại - tức là đều phải nhân nhượng.

Ngừng bắn ngay lập tức, các đoàn quân về bên kia biên giới ; ngưng ngay viện trợ quân sự cho tất cả các bên ; các khu vực tranh chấp (Crimea, Donbass...) giữ nguyên trạng, 2 nước sẽ đàm phán trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế ; Ukraine trung lập, "3 không" - đối với tất cả các bên.

Công thức không có nước thất bại. Bởi trong xung đột này, Nga là nước lớn, các bên can dự như Mỹ, EU cũng vậy, sẽ không bên nào chấp nhận thất bại. Còn nếu để Ukraine thất bại thì công lý thất bại, hòa bình thế giới thất bại và đây là điều không ai chấp nhận".

Theo tôi, nếu các bên chấp nhận ý kiến này của tướng Vịnh. Tức là Putin rút quân. Viện trợ quân sự cho Ukraine chấm dứt. Các khu vực tranh chấp ‘Crimea, Donbass… giữ nguyên trạng". Ukraine tuyên bố trung lập "3 không".

Hiển nhiên bên thua là Ukraine. Và hiển nhiên công lý là "diễn viên hài" của Việt Nam.

Tất cả những yêu sách của Putin đều được (tướng Vịnh) thỏa mãn. Ngay cả việc chấp nhận tiền lệ ly khai của một dân tộc sống trong một vùng lãnh thổ quốc gia. Ukraine trung lập mà không thấy có điều gì bảo đảm. Trung lập kiểu Campuchia hay Lào thời chiến tranh Việt Nam thì cũng như không. Trong khi việc "áp đặt" (chế độ trung lập) này đi ngược lại nguyên tắc nền tảng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc là sự "độc lập có chủ quyền" của quốc gia Ukraine. Ý nghĩa của độc lập là không một thế lực nào có quyền can thiệp vào nội bộ Ukraine. Ý nghĩa của chủ quyền là người dân Ukraine có quyền lựa chọn chế độ chính trị cho quốc gia mình mà việc này không quốc gia nào có thể can thiệp.

Ngoài ra, điều nguy hiểm hơn hết, là giữ nguyên trạng các vùng lãnh thổ Donbass và Crimea. Tướng Vịnh đã nhìn nhận tiền lệ "ly khai" trong một quốc gia độc lập có chủ quyền.

Càng nguy hiểm hơn, ba dấu chấm lững đàng sau câu nói của tướng Vịnh.

Câu hỏi đặt ra là có "giữ hiện trạng" các vùng lãnh thổ mà Nga mới chiếm đóng bằng vũ lực hay không ?

Thứ tư, không thấy tướng Vịnh nói về bồi thường chiến tranh và tái thiết Ukraine.

Đâu phải Putin đem lửa đốt nhà và cầm dao giết người ta rồi "huề" đâu, thưa tướng Vịnh ?

Thứ năm, ý kiến cuối cùng nói về "lợi ích dân tộc Việt Nam". Từ vài năm nay tôi có nhận xét rằng đảng viên cộng sản hay nói câu "mục tiêu duy nhứt của Đảng cộng sản Việt Nam là phục vụ cho lợi ích của đất nước và dân tộc Việt Nam". Tướng Vịnh trong bài nói chuyện cũng có nói chủ trương của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp Nga-Ukraine là "phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta".

Tuy nhiên, trên thực tế và lịch sử, tôi nhận thấy rằng Đảng cộng sản Việt Nam và các đảng viên chưa bao giờ có một chủ trương, đường lối, hành vi… bất kỳ nào có mục tiêu "ích quốc lợi dân".

Nhiều lần, và từ rất lâu, tôi đã đặt lại các vấn đề này.

Thử hỏi tướng Vịnh, lợi ích nào đem lại cho đất nước và dân tộc Việt Nam qua các chính sách, phương án… như : cải cách ruộng đất, kinh tế mới, học tập cải tạo, đánh tư sản mại bản, bán bãi cho dân vượt biên, cải tạo công thương nghiệp, công hữu hóa ruộng đất… ?

Về phương án "người Hoa", mà Trung Quốc gọi là "nạn kiều", mà hôm nay Putin vịn vào lý do "can thiệp nhân đạo" đem quân bảo vệ kiều dân Nga để đánh Ukraine. Tôi sẽ dành lại cho một bài viết khác.

Tất cả những chính sách, những phương án đó đều là những "chính sách lớn" của đảng. Đâu là "lợi ích của dân và đát nước Việt Nam" ?

Ngay cả việc lựa chọn theo xã hội chủ nghĩa, tướng Vịnh có thể chỉ ra một cái nào đó là "lợi ích cho đất nước và dân tộc" hay không ?

Tôi nghĩ rằng đây là những câu hỏi khó, đặt ra không chỉ cho tướng Vịnh mà còn cho tất cả đảng viên, trí thức Việt Nam hiện nay. Dĩ nhiên câu hỏi đặt ra chỉ mà chơi, không cần trả lời. Đất nước và dân tộc Việt Nam "nó như vậy rồi". "Nói chi cũng thêm thừa…"

Kết luận lại là ý kiến của tướng Vịnh là Ukraine từ thua ít cho tới thua nhiều và luật quốc tế bị Nga vùi dập "tơi bời hoa lá".

Putin thì được tất cả : lãnh thổ (Crimea, Donbass và vân vân). Ukraine trung lập. Nga không bồi thường chiến tranh. (Vụ bồi thường chắc do Mỹ và Châu Âu đảm trách).

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : Facebook.nhantuan.truong, 06/05/0222

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Hải Yến, Đà Trang, Lê Kiên, Thành Cung, Trương Nhân Tuấn
Read 826 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)