Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/03/2022

Nhìn Nga gây chiến, Trung Quốc lo tập trận

Phùng Quang Thắng - Thanh Phương

Thế giới bận rộn với chiến sự Nga - Ukraine, Trung Quốc liên tục tập trận ở Biển Đông

Phùng Quang Thắng, RFA, 06/03/2022

Trung Quốc liên tục tập trận trên Biển Đông

Chính phủ Trung Quốc mới tuyên bố là họ đang tiến hành một cuộc tập trận kéo dài hơn một tuần ở Biển Đông, đồng thời cảnh báo các tàu biển tránh xa.

taptran1

Tàu chiến và máy bay chiến đấu của Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông ngày 2/4/2018 - Reuters

Trong bản thông cáo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh được công bố tối 04/03, Cục Hải Sự Hải Nam cho biết các cuộc tập trận kéo dài từ 04/03 đến 15/03 (1). Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Tam Á là nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc cũng loan báo lực lượng quân sự nước này tiến hành tập trận ba ngày trên Biển Đông, từ 27/2 đến 1/3 (2). Cuộc tập trận diễn ra khi Nga thực hiện chiến dịch xâm lược tại Ukraine mà nhiều người dự báo Bắc Kinh sẽ tùy theo phản ứng của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (EU) để tiến hành kế hoạch đánh chiếm Đài Loan, đồng thời có các hoạt động hung hăng hơn nữa ở Biển Đông, bắt nạt các nước nhỏ phía Nam.

Cuộc diễn tập quân sự này được khởi động một ngày sau khi tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, châm ngòi cho hoạt động không quân dữ dội khi tám máy bay phản lực của Trung Quốc xâm phạm Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

taptran2

Máy bay J-15 của Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông hôm 2/1/2017. AFP

Có sự phối hợp với Nga ?

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga diễn ra một ngày sau khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh 2022 kết thúc. Đó có phải là sự tôn trọng đối với Trung Quốc hay là sự phối hợp "ngầm" với nhau ?

Đã có nhiều cảnh báo việc Trung Quốc lợi dụng cả thế giới đang tập trung vào chiến sự ở Ukraine để "tạo cơ hội" trên Biển Đông.

Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines khẳng định Bắc Kinh "sẽ không lợi dụng cuộc chiến Nga-Ukraine" để hành động trên Biển Đông.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đã gọi những suy đoán rằng Trung Quốc sẽ lợi dụng việc Nga xâm lược Ukraine để tiến hành quân sự hóa Biển Đông là "điên rồ và vô lý". Trong email trả lời câu hỏi về những suy đoán này, Đại sứ quán Trung Quốc viết : "Trung Quốc sẽ tuyệt đối không sử dụng sức mạnh để bắt nạt các nước nhỏ hơn và chúng tôi không bao giờ tin vào cách tiếp cận ai thắng, người đó được tất cả’ (3).

Nhưng rất nhiều người thấy rằng, không thể tin tưởng Bắc Kinh dễ dàng như vậy được. Tập Cận Bình đã từng hứa không quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, nhưng lại làm ngược lại. Lời hứa của ông Tập cũng giống như khẳng định của ông Putin trước đó là không có ý định tấn công Ukraine. Những lời hứa của những kẻ độc tài thì có gì để đảm bảo được đây ?

Chính vì vậy, Thượng nghị sĩ kiêm ứng cử viên tổng thống của Philippines Panfilo "Ping" M. Lacson, Sr. ngày 2/3 nhận định cuộc chiến Nga-Ukraine có thể "khích lệ" Trung Quốc làm điều tương tự ở khu vực.

Các chuyên gia khác cũng cảnh báo Manila nên lưu tâm đến khả năng Trung Quốc xúc tiến mạnh hơn các hoạt động quân sự hóa Biển Đông trong khi Mỹ và các đồng minh đang bận rộn đối phó với cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Jaime B. Naval, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Philippines, kêu gọi coi chừng Trung Quốc : "Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông ngay cả trong thời gian đại dịch bùng phát. Ở thời điểm hiện nay, khi tính toán rằng các cường quốc trong và ngoài khu vực đang bị vấn đề Ukraine làm cho phân tâm, Bắc Kinh có thể bắt tay thực hiện các hành động mạo hiểm hơn" (4).

Theo ông Naval, không ai đủ khả năng để bận rộn với hai cuộc chiến ở các khu vực khác nhau cùng một lúc : "Vì họ đang bận ở nơi khác, họ sẽ không có thời gian, nguồn lực, năng lượng và sự chú ý để bằng cách nào đó tích cực tham gia vào những gì đang diễn ra ở Biển Đông".

Ông cho rằng hành động của Trung Quốc không nhất thiết phải là một cuộc chiến mà có thể được thực hiện thông qua các phương tiện khác : "Trung Quốc có thể đạt được những gì họ cần từ Philippines bằng cách từ từ tiếp quản các đảo ven biển và thiết lập quan hệ đối tác kinh tế với các thành viên chủ chốt của giới tinh hoa Philippines để đạt được sự thống trị về kinh tế cho phép họ định hướng chính sách của Philippines".

Renato C. de Castro, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, thừa nhận : "Chiêu trò của Trung Quốc là giành chiến thắng mà không thực sự chiến đấu trong việc đối phó với các quốc gia tranh chấp khác… Vấn đề Biển Đông chỉ có thể ngày càng phức tạp hơn khi vẫn còn căng thẳng ở Biển Hoa Đông cũng như eo biển Đài Loan" (5).

Thái độ của Bộ Tứ

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết các nhà lãnh đạo của nhóm "Bộ tứ" gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản ngày 3/3 đã thống nhất rằng những gì đang xảy ra đối với Ukraine không được phép xảy ra ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (6).

Cuộc họp trực tuyến của nhóm "Bộ tứ" được tổ chức vào thời điểm lo ngại đang gia tăng về an ninh cho Đài Loan và Biển Đông, đề phòng Trung Quốc lợi dụng phương Tây mất tập trung để ra tay. Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia và Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida nói : "Chúng tôi cũng nhất trí rằng diễn tiến này càng cho thấy tầm quan trọng của việc thúc đẩy nhận thức về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Điều phối viên của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell ngày 28/2 cho biết Mỹ vẫn duy trì tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bất chấp cuộc khủng hoảng Ukraine, mặc dù điều này sẽ khó khăn và tốn kém.

Việt Nam cần cảnh giác trước Bắc Kinh

Những điều các học giả cảnh báo Philippines cũng là những cảnh báo tới Việt Nam.

Dư luận Việt Nam đang tập trung vào tình hình chiến sự ở Ukraine với những quan điểm khác biệt. Những cuộc cãi vã nhau do khác cách nhìn nhận đang bùng lên trên các mạng xã hội. Cùng lúc, Trung Quốc lại tăng cường tập trận trên Biển Đông.

Liệu các cuộc tập trận liên tục này mang thông điệp gì đối với các quốc gia trên Biển Đông ?

Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây, ông Nguyễn Chí Vịnh - Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam có nhận định về cuộc xâm lược Ukraine : "Với Việt Nam, cần làm rõ : trước hết hòa bình thế giới bị đe dọa, tức là hòa bình Việt Nam bị đe dọa. Vì vậy, nhìn nhận việc này trước hết phải dựa trên nguyên tắc luật pháp, đạo lý và hòa bình thế giới nhưng mục đích rất rõ ràng là phải dựa trên lợi ích của chính Việt Nam ta" (7).

Trong bài phỏng vấn này, ông Vịnh cũng đề cao chính sách "Ba không" mà dường như, ông ta chính là "cha đẻ" của chính sách này.

Mặc dù chính sách "Ba không" đã chuyển sang "Bốn không, một tuỳ", nhưng liệu chỉ với chính sách đó, biển đảo của Việt Nam có thể an toàn trước dã tâm của Trung Quốc ? Và thêm nữa, khi Nga bị cấm vận toàn diện như vậy, Việt Nam có thể tiếp tục dựa vào vũ khí mua từ Nga nữa hay không để có thể tự vệ trước cuộc xâm lược của Bắc Kinh ?

Đây là những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần chú ý.

Phùng Quang Thắng

Nguồn : RFA, 06/03/2022

Tham khảo :

1. https://www.reuters.com/world/china-announces-south-china-sea-drills-close-vietnam-coast-2022-03-05/?taid=62231ae207024b000155f166&utm_campaign=trueAnthem:%20Trending%20Content&utm_medium=trueAnthem&utm_source=twitter&s=09

2. http://eng.chinamil.com.cn/view/2022-02/28/content_10135732.htm

3. https://www.bworldonline.com/china-says-it-wont-exploit-russia-ukraine-war/

4. https://www.bworldonline.com/manila-warned-of-china-moves-amid-ukraine-war/

5. https://www.bworldonline.com/manila-warned-of-china-moves-amid-ukraine-war/

6. https://www.reuters.com/world/biden-quad-leaders-discuss-ukraine-thursday-white-house-2022-03-03/

7. https://tuoitre.vn/xung-dot-nga-ukraine-khong-ben-nao-thang-20220304223912692.htm

***********************

Biển Đông : Trung Quốc tập trận gần bờ biển Việt Nam

Thanh Phương, RFI, 05/03/2022

Hôm 04/03/2022, chính phủ Bắc Kinh thông báo quân đội Trung Quốc đang mở các cuộc tập trận kéo dài hơn một tuần trên Biển Đông, tại một khu vực nằm giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam. Họ yêu cầu mọi tàu bè phải tránh khu vực này trong thời gian thao dượt quân sự.

taptran3

Bản đồ Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam, nhưng Trung Quốc gọi là biển Trung Hoa.  Wikimedia Common.

Theo hãng tin Reuters, trong bản thông cáo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh được công bố tối 04/03, Cục Hải Sự Hải Nam cho biết các cuộc tập trận kéo dài từ 04/03 đến 15/03. Các tọa độ do họ cung cấp cho thấy khu vực tập trận nằm gần ngay chính giữa thành phố Tam Á của đảo Hải Nam và thành phố Huế của Việt Nam. Tam Á là nơi đặt căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc.

Một phần của khu vực mà Trung Quốc thao dượt quân sự nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Hà Nội trước đây đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh về những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Reuters cho biết bộ Quốc Phòng Trung Quốc chưa trả lời yêu cầu bình luận về sự kiện này, còn phía bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng chưa có phản ứng.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có các tuyến vận tải hàng hải chính và đã xây dựng các đảo nhân tạo và sân bay trên một số bãi đá ngầm và đảo nhỏ mà họ đang kiểm soát, gây lo ngại cho các nước trong khu vực và cho Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận trên Biển Đông.

Năm 2014, căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến mức cao nhất trong nhiều thập niên qua, khi một giàn khoan dầu của Trung Quốc bắt đầu khoan ở vùng biển Việt Nam. Vụ việc đã gây ra các cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc ở Việt Nam.

Thanh Phương

***********************

Trung Quốc tập trận hơn 10 ngày gần Huế

RFA, 05/03/2022

Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) hôm 4/3 đăng thông tin cho biết quân đội nước này sẽ tiến hành tập trận từ 6 giờ chiều ngày 4/3 đến 6 giờ chiều ngày 15 tháng ba trên vùng biển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Nếu đối chiếu các tọa độ được MSA đăng với bản đồ Google thì vùng tập trận gần với thành phố Huế của Việt Nam hơn là khu vực đảo Hải Nam của Trung Quốc. Khoảng cách từ khu vực tập trận đến Huế ước tính khoảng 100 km.

taptran4

Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tham gia diễn tập ở Biển Đông vào ngày 12/4/2018 - Reuters

Thông báo tập trận không cho biết thông tin cụ thể về độ lớn của cuộc tập trận này nhưng yêu cầu các tàu thuyền tránh đi vào khu vực này.

Vào tối ngày 1/3, MSA cũng thông báo một cuộc tập trận vào ban đêm từ 23 giờ ngày 1/3 đến 0 giờ ngày 2/3. Khu vực tập trận nằm ở phía đông nam đảo Hải Nam. Thông báo cũng không cho biết quy mô của cuộc tập trận, chỉ yêu cầu tàu thuyền không đi vào khu vực này.

Trong tháng hai vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất hai cuộc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông, theo thông báo của MSA.

Theo thống kê của South China Morning Post, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất bảy cuộc tập trận ở Biển Đông bao gồm một cuộc tập trận ở vùng Vình Bắc Bộ.

Trung Quốc hiện đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông với đường đứt khúc chín đoạn đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, trong đó có cả Việt Nam.

Hiện Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn đang đàm phán chưa đi đến thống nhất việc phân định biên giới trên biển ở vùng cửa Vịnh Bắc Bộ.

*************************

Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng thêm 7,1%

Thu Hằng, RFI, 05/03/2022

Trung Quốc quyết định đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng. Ngày 05/03/2022, tại phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 13, bộ trưởng Tài Chính thông báo tăng thêm 7,1% ngân sách cho quốc phòng năm 2022, vượt qua cả mức tăng trưởng GDP, được thủ tướng Lý Khắc Cường thẩm định là 5,5%.

quocphong1

Quân nhân Trung Quốc diễu hành qua Tử Cấm Thành, Bắc Kinh, ngày 05/03/2022.  AP - Ng Han Guan

Theo AFP, tỉ lệ này cao hơn so với năm 2021 là 6,8% và là mức cao nhất kể từ năm 2019 (thêm 7,5%) được cho là nhằm đối phó với tình hình căng thẳng trên thế giới với việc Nga tấn công Ukraine, cũng như ở trong vùng liên quan đến Đài Loan, Biển Đông. Với ngân sách 1.450 tỉ nhân dân tệ (tương đương với 230 tỉ đô la), Trung Quốc hiện đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ (740 tỉ đô la cho năm 2022) về chi phí quân sự.

Các nước trong vùng luôn nghi ngờ Trung Quốc vì Bắc Kinh thiếu minh bạch về ngân sách chính xác dành cho củng cố quốc phòng. Ngoài ra, trước những đòi hỏi quá đáng của Bắc Kinh về chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Hoa Kỳ thường xuyên hiện diện và tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải, khiến Trung Quốc bất bình. Do đó, quân đội Trung Quốc liên tục hiện đại hóa để bắt kịp tiến bộ công nghệ của Washington.

Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, năm 2021, có lẽ quân đội Trung Quốc đã thử thành công máy bay siêu thanh, bay vòng quanh Trái Đất với vận tốc hơn 6.000 km/giờ và đã bắn một tên lửa trong quá trình bay. Washington bất ngờ vì Mỹ vẫn chưa có loại vũ khí này.

James Char, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, nhận định với AFP rằng quân đội Trung Quốc ưu tiên hiện đại hóa trang thiết bị "để trở thành một lực lượng cơ giới hóa và tin học hóa hoàn toàn".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phùng Quang Thắng, Thanh Phương
Read 381 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)