Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/03/2022

Vũ khí công nghệ cao của Nga ở đâu, Ukraine được trang bị thêm MiG29 ?

Fritz Schaap - Hiếu Bá Linh

Bí ẩn : Tại sao Putin không sử dụng vũ khí công nghệ cao tại Ukraine ?

Hiếu Bá Linh, VNTB, 11/03/2022

Nga hiện đã triển khai đưa vào chiến trường hơn 90% lực lượng khoảng 170.000 quân lính mà đã được thắt chặt xung quanh biên giới Ukraine trước ngày 24 tháng Hai. Tuy nhiên, Putin vẫn chưa thành công trong việc đạt được các mục tiêu chính quan trọng : các thành phố lớn ở phía bắc, đặc biệt là thủ ô Kiev, vẫn nằm trong tay Ukraine. Chỉ ở phía nam của đất nước, người Nga có một vài chiến thắng. Trong khi đó, trong kho vũ khí của Nga, vẫn còn có hàng loạt các loại vũ khí hiện đại và thiết bị quân sự công nghệ cao mà chưa được đưa vào chiến trường sử dụng (hoặc có sử dụng nhưng không sử dụng nhiều) để giành chiến thắng.

urn:newsml:dpa.com:20090101:ap:96087b74b07f489a9cda6b9a1c037241

Đoàn xe quân sự Nga ở phía bắc Kyiv : "Chưa chuẩn bị cho chiến dịch quân sự quy mô lớn". Ảnh : Uncredited / dpa

Ngày 9/3, tờ Der Spiegel của Đức đã phỏng vấn nhà phân tích chiến lược Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân của Hải quân Mỹ. Trọng tâm nghiên cứu của ông là về Nga và Liên Xô cũ, đặc biệt là về các Lực lượng vũ trang Nga, tư duy, năng lực và chiến lược quân sự. 

Trong phần cuối phỏng vấn, ông nói về bí ẩn tại sao Nga không sử dụng vũ khí công nghệ cao trong cuộc chiến tại Ukraine : 

Michael Kofman : Hầu hết những người (chuyên gia quân sự) như tôi đều biết rằng quân đội Nga không được thiết kế cho các cuộc tấn công và chiến dịch quy mô lớn như thế này. Tuy nhiên, chúng tôi ngạc nhiên về sự kém cỏi khả năng và một số vấn đề mà họ gặp phải với những thứ đơn giản nhất. Rất ngạc nhiên về việc kém năng lực của các lực lượng vũ trang. Nhiều thứ trong chiến dịch này vô cùng kỳ lạ đối với tôi. Đó không phải là cách sử dụng hợp lý sức mạnh quân sự của Nga. Và nhiều khả năng họ có mà không được sử dụng. Đó là một bí ẩn đối với tôi tại sao Nga không sử dụng. Ý tôi muốn nói là, quân đội Nga chiến đấu như thể nó đang chiến đấu trong những năm 80 vậy, mặc dù quân đội Nga thực sự có sẵn rất nhiều công nghệ quân sự hiện đại. Kỳ thật, đó không phải là điều mà chúng tôi đã dự kiến.

Der Spiegel : Tại sao họ không sử dụng thiết bị công nghệ cao mà họ có ?

Michael Kofman : Vẫn còn là một bí ẩn tại sao họ không sử dụng chiến tranh điện tử. Trinh sát, do thám của họ ở đâu, họ có nhiều hệ thống không người lái – tôi chưa thấy sử dụng. Lực lượng Không quân của họ có các loại vũ khí dẫn đường chính xác, tại sao họ không sử dụng chúng, cũng là một bí ẩn. Họ có khả năng chiến đấu theo cách thức dựa vào công nghệ nhiều hơn – và đã từng chứng minh được điều đó. Chúng tôi đã thấy nó trong các cuộc chiến khác, chẳng hạn như ở Syria. Và thậm chí chúng tôi đã thấy nó trong những cuộc diễn tập ngay gần biên giới Ukraine trước khi cuộc chiến xảy ra. Họ không sử dụng nhiều những gì họ có. Họ không sử dụng một nửa số pháo binh mà họ có. Không sử dụng các phương tiện bay không người lái (drones). Đó là một bí ẩn đối với tôi.

Der Spiegel : Có thể là họ lên kế hoạch cho khả năng họ sẽ phải tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại NATO và rằng họ muốn dành phần lớn năng lực của mình cho trường hợp đó ?

Michael Kofman : Một phần, đó có thể là một lời giải thích. Ví dụ, chúng tôi biết họ có một kho vũ khí các loại đạn dược dẫn đường chính xác với số lượng hạn chế, vì vậy có thể giải thích hợp lý rằng lực lượng không quân của họ muốn giữ chúng lại dành cho trường hợp cần thiết. Nhưng trong những trường hợp khác, nó không phải là một câu trả lời thỏa đáng. Nói tóm lại : chúng tôi không biết. Thật là phi lý.

Der Spiegel : Như vậy, không nên đánh giá thấp các lực lượng vũ trang Nga, vì họ vẫn còn có rất nhiều hỏa lực mà có thể mang ra sử dụng cho cuộc chiến ?

Michael Kofman : Điều quan trọng là chúng ta không nên từ tình trạng đánh giá quá cao mà chuyển sang tình trạng đánh giá quá thấp khả năng quân sự của Nga, dựa trên kết quả hoạt động kém cỏi của họ trong thời gian qua.

Der Spiegel : Vậy Putin vẫn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này ?

Michael Kofman : Tôi không biết nó sẽ như thế nào. Nga thật ra có thể đạt được các mục tiêu quân sự. Nhưng Putin không thể thắng về mặt chính trị. Toàn bộ chiến dịch của Putin dựa trên sự lạc quan về chiến tranh và những giả định hoàn toàn phi thực tế.

Der Spiegel : Đạt được các mục tiêu quân sự, có nghĩa là Putin vẫn có thể giành quyền kiểm soát quân sự trên đất nước ?

Michael Kofman : Không phải trên toàn quốc. Có thể về phía nam và phía đông. Nhưng tôi không muốn suy đoán. Diễn biến của một cuộc chiến tranh là một vấn đề cực kỳ không chắc chắn.

Der Spiegel : Điều gì sẽ xảy ra với những kẻ xâm lược Nga nếu cuộc xung đột biến thành chiến tranh du kích ?

Michael Kofman : Không quốc gia nào có thể duy trì một cuộc chiến tranh du kích mãi mãi.

Der Spiegel : Nếu chiến tranh kéo dài và Nga kiệt quệ về tài chính, ông có nghĩ rằng Ukraine có thể chiến thắng không ?

Michael Kofman : Chắc chắn rồi, nhưng đó sẽ là một chiến thắng của vua Pyrrhus (chiến thắng đòi hỏi quá nhiều nỗ lực, hy sinh). Chiến thắng giành được với một cái giá rất lớn. Nó gần giống như thất bại. Cuộc chiến Ukraine sẽ có sức tàn phá khủng khiếp đối với cả hai quốc gia.

Der Spiegel : Ông có thấy khả năng thay đổi chế độ không ? Có thể có một cuộc đảo chính cung đình ?

Michael Kofman : Ở Nga ? Chắc chắn là có thể xảy ra. Đây có thể là sự khởi đầu của sự kết thúc đối với Putin. Cuộc chiến là một tính toán sai lầm khủng khiếp của Putin. Trong quá trình chiến dịch, sự mạo hiểm mà ông ta dấn thân vào, về cơ bản đã làm bẽ mặt các trụ cột an ninh quan trọng của chế độ, đó là quân đội và tình báo FSB. Và những người này sẽ cảm thấy bị phản bội và vô cùng thất vọng. Đương nhiên họ sẽ đổ lỗi cho Vladimir Putin về tính toán sai lầm khủng khiếp này. Hiện nay tôi rất hoài nghi về tương lai của chế độ. Tuy nhiên người ta cũng nên ghi nhớ điều này, sự thay đổi ở Nga không nhất thiết dẫn đến những điều tốt đẹp hơn.

Fritz Schaap

Nguyên tác : "Drei bis vier Wochen bis zur Kampfunfähigkeit", Der Spiegel, 09/03/2022

Hiếu Bá Linh dịch

Nguồn : VNTB, 11/03/2022

***********************

Ba Lan muốn chuyển giao máy bay MiG-29 cho Mỹ để Mỹ cung cấp cho Ukraine

Hiếu Bá Linh, VNTB, 10/03/2022

Chính phủ Warsaw cho biết trong một tuyên bố ngắn gọn vào buổi tối hôm nay 8/3 rằng, Ba Lan sẵn sàng bàn giao tất cả các máy bay chiến đấu MiG-29 của họ cho Hoa Kỳ "miễn phí và ngay lập tức". Đổi lại, Ba Lan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho họ những chiếc máy bay đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương đương. "Đây là sự đoàn kết của chúng tôi và sự đóng góp của chúng tôi", Jakub Kumoch, Quốc vụ khanh Văn phòng Tổng thống Ba Lan và chịu trách nhiệm về chính trị quốc tế ở đó đã viết trên Twitter.

bian1

Các máy bay phản lực sẽ được bàn giao cho Hoa Kỳ thông qua Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Các máy bay phản lực sẽ được bàn giao cho Hoa Kỳ thông qua Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Với lời đề nghị này, chính phủ của quốc gia thành viên NATO đang đáp lại những tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Blinken nói trong chuyến công du tới Châu Âu : "Chúng tôi hiện đang tích cực xem xét vấn đề những chiếc máy bay mà Ba Lan có thể chuyển giao cho Ukraine".

Trên thực tế, rõ ràng đã có những cuộc đàm phán hậu trường khẩn trương trong vài ngày qua về việc chuyển giao các máy bay MiG, vì áp lực đã gia tăng rất lớn, đặc biệt là ở Mỹ, để giúp Ukraine bù đắp ưu thế trên không của Nga. Họ đã nhiều lần khẩn thiết yêu cầu phương Tây thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine để hạn chế việc Nga liên tục không kích vào các thành phố Ukraine và cái chết của nhiều thường dân. Tuy nhiên, vùng cấm bay sẽ kéo theo nguy cơ xảy ra các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, điều mà NATO chưa sẵn sàng.

Bởi vì không có phi công nào trong Không quân Ukraine có thể lái máy bay chiến đấu do phương Tây sản xuất, chính phủ Mỹ đã nghĩ ra một cách trao đổi : Các nước Đông Âu nằm trong NATO có thể chuyển giao cho Ukraine một số máy bay MiG-29 của họ, loại máy bay mà họ vẫn còn từ những ngày trong Khối Warsaw. Bù lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp máy bay F-16 cho các nước này.

Hồi thời Liên Xô, MiG 29 là máy bay quân sự hiện đại nhất của Khối phía Đông và các phi công Ukraine ngày nay cũng đã được đào tạo lái máy bay này.

Ba Lan vẫn còn 28 máy bay phản lực MiG-29 và sắp bị loại bỏ. Nước này đã nhận được máy bay này từ Cộng hòa liên bang Đức vào đầu những năm 2000 với giá tượng trưng là một euro.

Warsaw loại trừ việc chuyển giao trực tiếp máy bay MiG-29 cho quốc gia láng giềng Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết : "Các quyết định về việc chuyển giao vũ khí tấn công phải được đưa ra nhất trí ở bình diện toàn thể NATO. Ba Lan không thể thực hiện bất kỳ bước đi riêng biệt nào vì nước này không tham gia vào cuộc chiến này".

Warsaw và Washington dường như đã đồng ý về một thủ thuật nhằm tránh cho Ba Lan lọt vào tầm ngắm của Nga. Nó đáp ứng hai mối quan tâm cơ bản của Ba Lan. Một mặt, Warsaw không muốn trở thành mục tiêu trực tiếp của Moscow với vụ chuyển nhượng này. Bây giờ họ có thể nói rằng họ chỉ bàn giao máy bay phản lực cho Hoa Kỳ. Và những gì Hoa Kỳ làm với nó sau đó là tùy thuộc vào Hoa Kỳ.

Mặt khác, Warsaw lo ngại rằng trong một tình huống căng thẳng tột độ như hiện nay, lực lượng không quân của chính mình sẽ bị hở ngay trước ngưỡng cửa của mình, số máy bay này rất cần thiết để bảo vệ Ba Lan. Giờ đây, Hoa Kỳ đã đồng ý đền bù cho Warsaw bằng các máy bay phản lực F-16 đang hoạt động từ nguồn dự trữ của họ.

Theo Kumoch, Mỹ và Ba Lan đã đồng ý về mức giá cho các máy bay phản lực thay thế. Warsaw cũng kêu gọi các nước NATO khác noi gương Ba Lan. Ngoài 28 chiếc MiG-29 của Ba Lan, các nước Bulgaria, Romania và Slovakia cũng có các máy bay do Nga sản xuất có thể được vận hành bởi các phi công Ukraine, gồm : 12 chiếc MiG-29 của Slovakia và 16 chiếc MiG-29 cộng với 14 chiếc Su-25 của Bulgaria.

Từ góc độ luật pháp quốc tế, thỏa thuận này không có vấn đề gì đối với Ba Lan hay Mỹ, bởi vì việc cung cấp vũ khí cho một quốc gia bị tấn công một cách bất hợp pháp không có nghĩa là các quốc gia cung cấp vũ khí tham gia vào cuộc chiến.

Hiện không rõ liệu Đức có bị ảnh hưởng về mặt pháp lý bởi thỏa thuận này theo bất kỳ cách thức nào hay không, vì căn cứ không quân ở Ramstein thuộc chủ quyền của Đức.

Nga đã cảnh báo rằng việc hỗ trợ lực lượng không quân của Ukraine có thể bị Moscow coi là tham gia vào cuộc xung đột và có nguy cơ bị trả đũa. "Việc sử dụng mạng lưới sân bay của các nước này (NATO) làm căn cứ cho máy bay quân sự Ukraine và các máy bay này sau đó chống lại lực lượng Nga có thể được coi là sự tham gia của các nước này (NATO) vào cuộc xung đột vũ trang", Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo.

Hoa Kỳ ngạc nhiên

Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, quyết định của Ba Lan vào tối thứ Ba đã không được thảo luận trước với chính quyền Washington. Ngoại trưởng Victoria Nuland cho biết tại một phiên điều trần tại Thượng viện. "Tôi mong được trở lại bàn làm việc của mình sau khi buổi điều trần kết thúc và xem chúng tôi sẽ phản ứng như thế nào về đề xuất chuyển giao máy bay cho chúng tôi".

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tỏ ý rõ ràng hơn. Ở đó, họ coi đề xuất của Ba Lan là "không khả thi". Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết khả năng các máy bay phản lực cất cánh từ một căn cứ của Mỹ và NATO ở Đức để đi vào không phận tranh chấp giữa Nga và Ukraine sẽ làm tăng cao mối lo ngại nghiêm trọng cho toàn bộ liên minh NATO.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần liên quan, nhưng chúng tôi không tin rằng đề xuất của Ba Lan là khả thi", John Kirby cho biết.

Hiếu Bá Linh tổng hợp

Nguồn : VNTB, 10/03/2022

Tham khảo :

https://www.welt.de/politik/article237388275/Ukraine-News-im-Liveticker-Sorge-um-Lage-im-AKW-Tschernobyl.html

https://www.n-tv.de/politik/Polen-will-seine-Mig-Kampfjets-den-USA-ueberlassen-article23182042.html

https://www.focus.de/politik/ausland/28-flieger-vom-typ-mig-29-einst-fuer-1-euro-aus-deutschland-gekauft-sollen-polens-kampfjets-jetzt-die-ukraine-retten_id_65051779.html

https://www.spiegel.de/ausland/ukraine-krieg-polen-will-mig-29-kampfjets-an-usa-uebergeben-us-regierung-ist-ueberrascht-a-33a1e5e5-6ede-4d70-b272-c5f2a81a47c4

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Fritz Schaap, Hiếu Bá Linh
Read 407 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)